Phật Học Online

Học nhận lỗi(學習認錯)
Tác Giả: Tinh Vân Đại Sư Việt dịch : Thích Quảng Lâm

Các quan chức trong giới chính trị thường mắc phải một khuyết điểm giống nhau, đó là “chết cũng không nhận lỗi”.

“Chết cũng không nhận lỗi” cũng là cái bệnh rất phổ biến của người Trung Quốc, dù cho có phạm phải sai lầm lớn đến mấy, ông ta sẽ vin đủ cớ này cớ nọ, tìm mọi lý do để lấp liếm những sai sót của mình. Ví dụ, đã hẹn 10 giờ bắt đầu cuộc họp, ông ta đến muộn 30’; đến muộn mất nửa giờ thì nên nhận lỗi, nhưng  ông ta không những không thèm nhận lỗi mà còn kể lể vô số lý do, nào là: hôm nay tắc đường; tôi chuẩn bị ra khỏi cửa thì lại có điện thoại; tôi vừa định đi thì có khách; lúc đi thì trời đổ mưa, tôi tìm mãi mà không thấy cái ô v.v… Tóm lại, ông ta lôi ra vô vàn lý do, chỉ để nói rằng đến muộn là buộc phải thế, ông ta không hề có lỗi gì.

Nhận lỗi là một đức tính! Đạo Phật có một giáo lý tuyệt vời, đó là “học nhận lỗi”; Khổng môn có cái gọi là “Mỗi nhật tam tỉnh ngô thân” (Mỗi ngày phải tự xét lại mình ba lần), nhưng cửa Phật thì, có thể nói, luôn luôn phải phản tỉnh nhận lỗi.

Thực hiện không đầy đủ giáo huấn của cha mẹ, phải nhận lỗi; giúp đỡ bạn bè không tận tình,  dạy dỗ con cái không đến nơi đến chốn, phải nhận lỗi; cống hiến cho Tổ quốc, cho xã hội chưa đủ. Thậm chí trong một ngày, buổi sáng dậy muộn,  đi làm muộn, phải nhận lỗi; Mỗi ngày không làm tốt nhất công việc của mình,  không chăm lo cho gia đình chu đáo,  hàm ơn người khác mà không báo đáp, cần nhận lỗi; có những điều không phải trong quan hệ giao tế,  để người khác không hài lòng về mình,  lạm dụng tài nguyên thiên nhiên, cần nhận lỗi.

Nhận lỗi, có thể tiến bộ; nhận lỗi, có thể tích đức. Nhận lỗi cần phải hiểu phản tỉnh; hiểu được phản tỉnh nhận lỗi, mới có thể có thêm sức mạnh.

Nho gia dạy rằng: “quá tắc vật đạn cải” (phạm sai lầm đừng ngại hối cải), vì thế, có lỗi thì chớ sợ sửa sai, chỉ có dũng cảm nhận lỗi, dũng cảm sửa sai, mới có thể tự làm mới mình, thẳng thắn chấp nhận sai lầm, thì không cần phải lắm lí do; Hiểu rằng nên nhận lỗi, không cần phải tìm cách che đậy gì nữa, vì thế cửa Phật mới dạy “phát lộ”, có thể phát lộ sám hối hơn nữa, mới gọi là đức tốt.

Đời một con người, có rất nhiều điều cần học, như học tri thức, học kỹ năng, học đối nhân xử thế, đặc biệt là phải học nhận lỗi, đây là môn học quan trọng của đời người, đáng để chúng ta dụng tâm học tập.


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage