Khi mở lò thiêu, mọi người đều ngỡ ngàng khi thấy trái tim vẫn nguyên
vẹn, không hề biến dạng. Lúc ấy, mọi người mới nhớ tới lời dặn dò của
hòa thượng Thích Quảng Đức trước ngày tự thiêu xác.
Để nâng cao kiến thức Phật
pháp, hòa thượng Thị Thủy đã sang Campuchia tìm chân kinh, đến nhiều
ngôi chùa để nghe giảng đạo.
Về nước, trong suốt 20 năm bôn ba khắp các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây
Nam Bộ, hòa thượng Thị Thủy đã xây dựng, tu sửa thêm được 17 ngôi chùa.
Ngôi chùa cuối cùng ngài dừng chân chính là Quán Thế Âm, nằm trên
đường Nguyễn Huệ (quận Phú Nhuận, Gia Định). Khi ngài mất đi, con đường
Nguyễn Huệ đã được đổi tên thành đường Thích Quảng Đức, là pháp hiệu của
ngài khi về trụ trì ngôi chùa này.
Quán Thế Âm vốn là ngôi chùa có từ thời Pháp.
Quán Thế Âm là
ngôi chùa được dựng từ thời Pháp thuộc. Xung quanh ngôi chùa này có
nhiều huyền thoại huyễn hoặc.
Khi người Pháp rời khỏi Việt Nam, ngôi chùa bị bỏ hoang, biến thành
phế tích. Hòa thượng Thích Quảng Đức đã tìm đến ngôi chùa, trùng tu, rồi
trụ trì.
Cuối những năm 50 và đầu những năm 60 của thế kỷ trước là thời kỳ
đen tối nhất của Phật giáo miền Nam khi Ngô Đình Diệm thẳng tay đàn áp
giới Phật tử.
Di ảnh hòa
thượng Thích Quảng Đức trong chùa Quán Thế Âm.
Đau lòng trước thảm cảnh, hòa thượng Thích Quảng Đức đã quyết định
làm một việc động trời.
Ngài hiểu rằng, tấm thân ngũ uẩn chỉ là giả tạm, nên việc đem tấm
thân phục vụ chánh pháp để tìm ra chân lý cũng là điều nên làm.
Hòa thượng Thích Quảng Đức đã trình tâm thư lên Ủy ban Liên phái Bảo
vệ Phật giáo xin tình nguyện tự thiêu. Tâm nguyện của ngài không được
chấp thuận.
Hòa thượng Thích Quảng Đức viết di
bút (Ảnh chụp lại ở chùa Quán Thế Âm).
Tối 10-6-1963, hòa thượng Thích Quảng Đức liền phát tâm nguyện sẽ tự
thiêu vào ngày hôm sau. Trong tâm nguyện của ngài, không hề có hai chữ
hận thù.
Cũng trong đêm đó, ngài để lại những lời dặn dò như tiên tri cho các
đệ tử, trong đó có câu: “Sau khi thân tôi thiêu thành tro bụi, sẽ còn
lưu lại một vật gì đó cho đời, thì đó là kết quả tốt đẹp về lời Phát
nguyện của tôi hiến dâng thân này cho Đạo Pháp và đó cũng là thành quả
cuộc đời tu hành của tôi”.
Ngài đổ xăng đầy người rồi tự tay
châm lửa đốt thân xác (Ảnh chụp lại tại chùa Quán Thế Âm).
Ngày 11-6, đúng như dự kiến, đã diễn ra cuộc diễu hành của hàng ngàn
tăng ni, Phật tử. Khi đoàn đi qua ngả đường Phan Đình Phùng và Lê Văn
Duyệt (nay là Nguyễn Đình Chiểu và Cách Mạng Tháng Tám), thì hòa thượng
Thích Quảng Đức cũng đi tới, bộ cà sa đã tẩm xăng ướt đẫm, song ngài còn
xách theo can xăng lớn nữa.
Hòa thượng Thích Quảng Đức đổ hết can xăng lên mình, ngồi kiết già,
tay bắt ấn cam lồ, tay kia tự châm lửa. Ngọn lửa bùng lên dữ dội phủ kín
thân ngài.
Các phật tử, người dân Sài Gòn có mặt đều quỳ xuống. Tiếng khóc lóc
vang lẫn tiếng kinh kệ.
Mỗi khi cơn gió thổi đến, ngọn lửa bị bạt đi, mọi người nhìn rõ
gương mặt ngài không hề lộ vẻ đau đớn, mà vẫn an nhiên tĩnh tọa. 15 phút
sau, lửa tàn, ngài ngã xuống, nhục thân giữ thế như một pho tượng Phật.
Cuộc hỏa thiêu diễn ra trong không khí hùng tráng, làm xúc động toàn
thế giới.
Cố hòa thượng Thích Huyền Quang và
trái tim bất hoại của thiền sư Thích Quảng Đức (Ảnh chụp lại tại chùa
Quán Thế Âm).
Sau 5 ngày bảo quản tại chùa Xá Lợi để tăng ni phật tử tới viếng,
nhục thân của hòa thượng Thích Quảng Đức được đem đi thiêu tại lò thiêu
An Dưỡng Địa. Lò thiêu có sức nóng hàng ngàn độ, nung chảy cả sắt thép.
Khi các tăng ni mở lò thiêu gom tro cốt đã tìm thấy một vật bằng nắm
tay rõ hình trái tim lẫn giữa đống tro. Các tăng ni đã trình tro cốt và
trái tim đó lên Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo.
Trong hội thảo “Bồ tát Thích Quảng Đức – vị pháp thiêu thân”, do
Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tổ chức năm 2005, cố Hòa thượng Thích
Thông Bửu, trụ trì chùa Quán Thế Âm, đã kể lại rất chi tiết cuộc hỏa
thiêu nhục thân thầy mình là thiền sư Thích Quảng Đức.
Theo cố hòa thượng Thích Thông Bửu, sau khi đốt cháy hết xương thịt
mà vẫn còn trái tim, nghĩ trái tim bằng cơ nhục khó cháy, nên các hòa
thượng đã quyết định đốt tiếp để thân thể ngài về nơi cực lạc được vẹn
nguyên. Thế nhưng, sau khi mở lò thiêu, trái tim vẫn không hề suy suyển
gì.
Lúc ấy, mọi người mới nhớ tới lời dặn dò của hòa thượng Thích Quảng
Đức trước ngày tự thiêu xác là “sẽ lưu lại một vật gì đó cho đời”.
Đến nay, trái tim của thiền sư Thích Quảng Đức được cất giữ ở đâu và
sự thật về trái tim này như thế nào vẫn còn nằm trong bức màn bí mật.
(Bài viết sử dụng một số tư liệu
của chùa Quán Thế Âm)
Nguồn: http://phatgiaovnn.com (Phật
Giáo Việt Nam Net)