Phật Học Online

Người trẻ đi chùa - Kỳ 2: Vẫn còn nhiều ưu tư…

 Có một Phật tử kể với chúng tôi rằng: "Tôi có cậu em họ, mới đi chùa được thời gian và về nhà ‘giảng pháp’ dữ lắm, rồi cậu ấy nêu vấn đề này, vấn đề kia để hỏi theo kiểu thách đố, luận bàn về lời Phật dạy lung tung, ai mà không đồng với quan điểm của cậu ấy thì… bị cãi lại gay gắt"…

Cãi nhau vì chấp!

Câu chuyện của Phật tử trên được chúng tôi chia sẻ với những vị Đại đức trẻ ở CLB Hoằng pháp trẻ (TP.HCM), các thầy đều thể hiện ưu tư về một bộ phận người trẻ có biểu hiện chấp vào những điều mình biết về lời Phật dạy. Anh Minh Khoa (Phật tử chùa Vạn Đức, Thủ Đức, TP.HCM) chia sẻ: "Tôi khuyến khích những Phật tử trẻ đi chùa, hiểu đạo và chia sẻ lại với những người chưa biết Phật pháp, nhưng cách thức chia sẻ có tính cách cực đoan, cứ bắt người khác phải… hiểu y như mình hiểu thì không nên".

trangtre.jpg

Những buổi pháp đàm giữa quý thầy, quý sư cô và Phật tử trẻ
là cơ hội để truyền thông và thực tập lời Phật dạy (Ảnh: C.Quốc)

Một lần đến chùa P.Q (Tân Bình, TP.HCM) nhìn hai bạn trẻ cãi nhau vì chấp vào cái hiểu của mình, gần như to tiếng, một Phật tử lớn tuổi đi cùng lắc đầu: "Các em Phật tử trẻ rõ là khổ, đi chùa học Phật là để tu chứ có phải để có kiến thức rồi cãi nhau ì xèo ở chốn thiền môn thế này?".

Chia sẻ với SC.Thích nữ Tịnh Hòa về hiện tượng ấy, cô cho rằng: "Học Phật, hiểu lời Phật dạy là để ứng dụng vào đời sống, làm cho cuộc sống mình được an lạc hơn. Thông qua lý nhân - quả của đạo Phật thì người Phật tử phải hiểu mình học Phật và thực tập theo Ngài thì nhất định sẽ an lạc trong hiện tại. Đó mới là điều mà Phật tử trẻ cần hướng tới. Còn những chia sẻ về giáo lý vốn rất cần thiết, nhưng nên thực hiện trong tinh thần tùy duyên, cùng lắng nghe và học hỏi".

Khuyên người làm, mình thì chưa

Bạn N.V.H, một Phật tử thường đi chùa và cũng thường khuyên gia đình, bạn bè… bỏ bớt tâm sân, giận, phiền não, "có như thế mới đạt đến Niết-bàn được". Thế nhưng mỗi khi đụng chuyện không hài lòng thì chính H là người nổi nóng nhanh, mạnh nhất. Không chỉ mau nổi nóng, H còn giận "dai nhách", một người bạn của H. cho biết.

Còn bạn A.V (Bình Thạnh, TP.HCM) cũng là Phật tử ở chùa Bát Nhã được những người thân quen đặt biệt danh "hứa thật nhiều và thất hứa cũng thật nhiều". Gặp việc gì V cũng hứa là sẽ làm nhưng lại không làm, vì nhiều lý do: không đủ khả năng, quên, bận quá nên… thôi! Rất nhiều lý do đưa ra để biện bạch cho lỗi của mình. Thế nhưng hàng ngày khi nói về hạnh lành, khuyên mọi người thì V luôn nhắc: "Phải nghiêm chỉnh trong tác phong, lời nói". Một người bạn của V gần như thất vọng: "V cứ bảo thế mà bản thân nói gì không biết, không thực hiện, thử hỏi còn ai tin?".

Đành rằng đó chỉ là những trường hợp cá biệt, song cũng làm ảnh hưởng đến hình ảnh người Phật tử trong mắt mọi người, nhất là những người trẻ mới vào chùa. Anh Thiện Đông (Phật tử chùa Lâm Huê, Bình Thạnh) chia sẻ: "Để xiển dương lời Phật dạy, ngoài quý thầy, quý sư cô thì người Phật tử cũng góp một phần rất lớn vào công tác hoằng pháp. Qua đời sống hàng ngày của mình, bằng cử chỉ từ ái, biết dùng ái ngữ, nói một câu lành, nhẫn nhịn, khiêm hạ… là bài pháp hay, chuyển hóa người khác. Khi đó các bạn trẻ đã "thân giáo" cho người khác hiểu về nếp sống của người Phật tử là nếp sống lương thiện, đẹp".

Những vấn đề Giác Ngộ nêu ra về việc người trẻ đi chùa với những biểu hiện chưa đẹp cần phải chuyển hóa và khắc phục như trên, bạn đọc có ý kiến xin tiếp tục gửi về chia sẻ tại địa chỉ: phatgiaovatuoitre@gmail.com

Mạnh Khôi (Giác Ngộ)


© 2008 -2025  Phật Học Online | Homepage