ó lẽ ít người biết đến
ngôi chùa này vì mặt tiền của nó bị bao vây bởi hàng quán nhếch nhác…
Nhưng qua cổng tam quan, du khách thực sự choáng ngợp khi biết trên
khuôn viên 3.000 m2, các hạng mục kiến trúc của chùa từ tam quan, tam
bảo đến phật điện, nhà tổ đều được trang hoàng bởi những bức cuốn bằng
gốm sứ, tạc khắc hoa văn tinh xảo qua gần 80 năm vẫn còn bóng màu men
gạch.
Theo hòa thượng Thích Từ Ân, trụ trì của chùa thì
người có công đầu tạo dựng nên công trình kiến trúc độc đáo chùa Hưng Ký
là ông Trần Văn Thành (chủ nhà máy gạch Cầu Đuống). Ông Thành vốn là
người giỏi kinh doanh, sớm tiếp thu kỹ thuật tiên tiến nên gạch ngói của
xưởng ông được nhiều người ưa chuộng. Năm 1922, khi người Pháp tổ chức
hội chợ ở Mác – xây, ông Thành cũng đem các mẫu hàng sang dự và hàng của
ông được thưởng huân chương. Với tấm lòng mến mộ mảnh đấy ở gần cửa ô
phía nam, nơi ông có nhiều kỷ niệm, ông đã dành số tiền thưởng ở hội chợ
quốc tế này và tiền lãi tất cả hơn 4.000 Đông Dương để xây dựng chùa
Hưng Ký. |
Cổng tam quan hút người xem bởi thế đứng đồ sộ, được xây theo kiểu
gác chuông hai tầng mái. Bốn cột đồng trụ đỉnh có chạm chim phượng, lồng
đèn và đắp tứ linh. Cổng chính gồm tứ trụ nối với tam quan tạo nên thế
nguy nga, vững chãi. Hai mặt ngoài cổng phụ có đắp phù điêu hình voi
ngựa, tám góc mái chạm hình rồng chầu nguyệt. Các mặt trụ đều có câu đối
chữ Hán, chữ Nôm bằng sứ tráng men màu trông hệt như một bức tranh thủy
mặc.
Tòa tam bảo kiến trúc theo kiểu tường
xây, chia làm 7 gian gồm 12 cột chính, mỗi cột cao 7 m, vuông 30 cm. Mái
chùa được lợp ngói ống, đầu gắn chữ "Thọ". Trên nóc mái có bày chính
giữa một chiếc nậm đựng nước cam lồ, thứ nước mà nhà Phật dùng để cứu độ
chúng sinh...
Một di sản quý giá nữa mang tính thẩm mỹ cao ở chùa Hưng Ký đó là 3
pho tượng gỗ đồ sộ: Đức Phật A Di Đà cao 3,86 m làm bằng gỗ phủ sơn,
tượng Phật Di Lặc cũng bằng gỗ sơn son và tượng Phật Thích Ca đản sinh.
Ngoài ra, hai gian đầu hồi tam bảo còn có hai tòa Thập điện Diêm vương
được cấu trúc theo kiểu động, miêu tả chân thực cảnh sống nơi trần gian
và ngục tối.
Không quá lời khi nói rằng, chùa Hưng Ký
là một kiệt tác của Phật giáo thời cận hiện đại. Tiếc thay, kiệt tác ấy
lại đang bị lấn át, phá hoại bởi hàng quán nhếch nhác. Hy vọng trong
thời gian tới, Nhà nước và các cấp chính quyền sẽ chú trọng bảo tồn và
giữ gìn di tích quý giá này, để mãi ngàn đời, chùa Hưng Ký xứng đáng với
điều ngợi ca mà cư sĩ Lã Nam Mai khi vãn cảnh nơi đây đã nói: “Bên
Long Thành dựng ngôi chùa/Nào tiên nào Phật điểm tô muôn vàn/Việc thần
đạo kể làm sao xiết/ Phía Hà thành tỏ nét tài hoa/Danh lam đọ Bắc kỳ ta/
Thực là bậc nhất thuyền gia lâu đài...”.