Phật Học Online

Bích Nham Lục

LỜI NGƯỜI DỊCH
Bích Nham Lục là tập sách rất quan thiết trong Thiền môn, cần phải được phiên dịch. Song nó rất khó dịch, vì cố gắng giúp phần nào cho người sau, buộc lòng chúng tôi phải dịch ra. Khi dịch, chúng tôi chia mỗi tắc thành năm phần hoặc bốn phần: Lời dẫn (Thùy thị), Công án, Giải thích, Tụng, Giải tụng. Có tắc không có lời dẫn (Thùy thị), chỉ còn bốn phần. Chúng tôi lược bớt lời giải ngắt quãng trong công án và trong bài tụng, để độc giả đọc công án và lời tụng có mạch lạc hơn.
Bản dịch này, chúng tôi y cứ theo bản Hán văn Bích Nham Lục trong tập Thiền Học Đại Thành và Thiền Tông Tập Thành bổ túc cho nhau. Phần tựa đầu dịch đủ, phần hậu tự, chúng tôi lược bớt.
Dám mong Thiền giả đọc nó cốt “đạt lý, đừng kẹt lời”, “ứng dụng tu hành không nói rỗng”, thế là mãn nguyện của chúng tôi.

Bích Nham Lục
Mục lục
Xem toàn bộ

BÍCH NHAM LỤC GIẢI ĐỀ


Bích Nham Lục do Thiền sư Viên Ngộ đời Tống trước tác, nguồn gốc của nó xuất phát từ Thiền sư Tuyết Đậu. Tuyết Đậu chọn lựa trong Nội điển, Ngoại điển và Văn sử một trăm tắc công án, dùng âm vận tụng ra chỗ sâu kín của Thiền, làm tư lương cho những người tham học trong các tòng lâm, gọi là Tuyết Đậu Tụng Cổ. Thiền sư biện tài vô ngại, là nhà văn hào một thời, đủ chánh nhãn siêu cách, thật là một Cao tăng xưa nay ít thấy. Những lời tụng này, nhiều khách giang hồ truyền nhau, khen là một tuyệt tác trong thiên hạ. Song lời gọn ý sâu, chẳng khác núi bạc, vách sắt. Thiền khách khó nhọc nghiên tầm phân tích, như con muỗi cắn trâu sắt, không có chỗ cắm mỏ. Sau khi Tuyết Đậu tịch hơn sáu mươi năm, khoảng niên hiệu Chánh Hòa (1111-1114) đời Tống Huy Tông, Thiền sư Viên Ngộ lúc ở viện Linh Tuyền, Giáp Sơn, Lễ Châu, vì học giả đem một trăm tắc Tụng cổ này mỗi mỗi chú thích. Ở đầu mỗi tắc là Thùy thị (lời dẫn), kế Công án (bản tắc), sau câu Tụng cổ mỗi chỗ phụ Trước ngữ, tiếp Bình xướng. Sư chọn lọc chỗ uyên nguyên, chia chẻ thâm lý, phát huy huyền vi, tuyên bố phát dương tông chỉ truyền riêng, chỉ thẳng rất khéo, rất tột.

Về sau, khoảng niên hiệu Kiến Viêm (1127-1130) đời Tống Cao Tông, đồ đệ của Sư là Phổ Chiếu… biên chép lại để tên là Bích Nham Lục. Bởi vì tấm bảng trên ngạch trượng thất tại viện Linh Tuyền đề là Bích Nham. Thiền sư Viên Ngộ biện tài siêu xuất, văn chương tuyệt vời nên tên Bích Nham đã làm dư luận chấn động một thời. Song sau khi Thiền sư tịch, đệ tử chỉ nhớ tụng ngôn cú trong sách làm nhu yếu biện luận tri giải, phản lại bản nghĩa “Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự”. Thiền sư Đại Huệ Tông Cảo là đệ tử nối pháp Viên Ngộ, thấy tệ ấy buồn than, bèn mang bản gỗ chất trước sân chùa cho một mũi lửa thiêu sạch, dứt lưu truyền ngang đây. Ngót hai trăm năm sau, trong tòng lâm ít ai thấy được quyển sách này.

Khoảng niên hiệu Đại Đức (1297-1307) vua Thành Tông nhà Nguyên, ở Ngung Trung, cư sĩ Trương Minh Viễn (tên Vĩ) góp nhặt các bản còn cất giữ mọi nơi, tham giảo bổ túc qua lại cho khắc bản, phụ bản có cư sĩ Vạn Lý, Hưu Hưu, Tam giáo Lão nhân, mỗi người viết tựa, ở sau Phương Hồi Tịnh Nhật, Hy Lăng mỗi người viết lời bạt. Quyển sách này lại được ra mắt độc giả, đáng gọi là quyển sách bậc nhất trong tông môn. Thiền khách khắp nơi quí trọng, thích đọc, lưu truyền sâu rộng cho đến ngày nay.

Bích Nham Lục nguyên tác của Thiền sư Tuyết Đậu, cháu đời thứ tư trong tông Vân Môn, đệ tử truyền pháp của Thiền sư Trí Môn. Sư tục danh là Lý Trùng Hiển, tự là Ẩn Chi, sanh năm thứ năm niên hiệu Thái Bình Hưng Quốc (978) nhà Tống, tại Toại Châu. Khoảng niên hiệu Hàm Bình (998-1003), cha mẹ mất hết, Sư vào viện Phổ An xuất gia với hóa chủ Nhân Săn. Sau khi thọ giới cụ túc, Sư tham học khắp các kinh luận. Kế xả giáo môn, Sư đi tham vấn Thiền sư Thông ở Thạch Môn Nhượng Dương, ở lại ba năm mà cơ duyên chẳng hợp. Sư đến tham vấn Thiền sư Tộ ở Trí Môn Tùy Châu, liền được thừa kế pháp ở đây. Sư sang đạo tràng của Thiền sư Lâm ở Lô Châu, lại đến chùa Cảnh Đức Trì Châu nhận chức Thủ tọa. Sau Sư dạo Hàng Châu, trụ tại chùa Thúy Phong ở Động Đình Tô Châu, rồi dời sang Minh Châu ở chùa Tư Thánh núi Tuyết Đậu. Núi Tuyết Đậu là đạo tràng của Thiền sư Trí Giác, Sư ở đây ba mươi mốt năm, học giả khắp nơi đua nhau nhóm họp dưới tòa. Thiên Y Nghĩa Hoài, Xưng Tâm Tỉnh Tông… hơn bốn mươi người, hàng long tượng xuất hiện, quả là thời tông Vân Môn trung hưng vậy. Thị trung Cổ Công tâu về triều, vua ban hiệu Sư là Minh Giác Đại Sư. Niên hiệu Hoàng Hựu năm thứ tư (1052) ngày mùng mười tháng sáu, Sư thị tịch thọ bảy mươi ba tuổi, năm mươi tuổi hạ. Những sách do Sư trước tác có: Bách Tắc Tụng Cổ, Bộc Tuyền Tập, Tổ Anh Tập, Khai Đường Lục, Thập Di… lưu hành ở đời.

Tác giả Bích Nham Lục là Thiền sư Viên Ngộ ở Giáp Sơn, cháu đời thứ mười tông Lâm Tế, tên Khắc Cần, tự Vô Trước, con nhà họ Lạc ở huyện Sùng Ninh, Bành Châu. Gia thế chuyên nghiệp Nho, thuở nhỏ Sư nhớ giỏi, một ngày học thuộc cả ngàn lời. Sư dạo chùa Diệu Tịch thấy sách Phật có cảm khái, liền xin xuất gia. Sư theo Pháp sư Văn Chiếu nghe giảng, đến Tọa chủ Mẫn Hành học kinh Lăng Nghiêm. Sang tham thiền, đến Thiền sư Hạo ở Ngọc Tuyền, Thiền sư Tín ở Kim Loan, Thiền sư Hiệt ở Đại Qui, Thiền sư Tử Tâm ở Hoàng Long, Thiền sư Độ ở Đông Lâm, các nơi đều cho là pháp khí. Thiền sư Hối Đường ở Hoàng Long đặc biệt khen “ngày sau phái Lâm Tế sẽ y nơi ông mà hưng thạnh”.

Rốt sau, Sư đến Kỳ Châu tham vấn Thiền sư Pháp Diễn ở núi Ngũ Tổ, liền được kế thừa dòng pháp ở đây. Niên hiệu Chánh Hòa năm đầu (1111), Sư nhận lời thỉnh của Trương Vô Tận đến trụ trì viện Lễ Tuyền tại Giáp Sơn, bình xướng Bách Tắc Tụng Cổ của Tuyết Đậu, phát huy huyền vi, thật ở lúc này. Khoảng niên hiệu Sùng Ninh, Sư dời đến Đạo Lâm phủ An Sa, Khu mật Đặng Công Tử Thường tâu về triều, vua ban tử y và hiệu Phật Quả. Vua Huy Tông triệu Sư trụ trì Kim Long Tương Sơn, học giả tấp nập kéo đến, khiến môn phong chấn thế. Vua lại sắc Sư trụ trì Thiên Ninh Vạn Thọ, niên hiệu Kiến Viêm năm đầu (1127) dời trụ Kim Sơn ở Trấn Giang. Gặp lúc vua Cao Tông đi dạo Dương Châu mời Sư vào cung đối đáp, Vua ban hiệu là Viên Ngộ Thiền Sư. Kế Sư dời đến Vân Cư Giang Tây trụ trì chùa Chiếu Giác. Tháng tám niên hiệu Thiệu Hưng thứ năm (1135), Sư có chút ít bệnh rồi tịch, vua sắc thụy là Chân Giác. Phần trước tác của Sư có: Bích Nham Lục, Ngữ Lục hai mươi quyển, Viên Ngộ Tâm Yếu hai quyển, Kích Tiết Lục ba quyển. Nối pháp Sư có Đại Huệ Tông Cảo, Hổ Khưu Thiệu Long… hơn hai mươi vị, gọi là trung hưng tông Lâm Tế.

Kính ghi: THÍCH THANH TỪ
Tu viện Chân Không, Ngày cuối thu 1980.


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage