Phật Học Online

Về những điều giản dị

Mình sẽ nói những điều thật ngắn, thật giản dị, thật chân phương về những điều mình nghĩ, về những khái niệm và thực chứng của hạnh phúc, lý tưởng, tình yêu, đau khổ, giá trị sống… 


Những cái muôn thuở, tưởng chừng như to tát đó trở thành những điều giản dị, bởi thực sự nó giản dị đối với mình.

406899_239093782828520_100001837010348_602341_427383810_n.jpg
Tin và hiểu, nên sẽ không cần thiết phải bảo người ta báo cáo mọi thứ, 
không cần kiểm soát, và chắc chắn sẽ không có hoài nghi - Ảnh minh họa

Như là hạnh phúc

Đối với mình, hạnh phúc là còn sống đây. Còn sống (dù đôi khi lây lất bởi thân bệnh) nhưng một ai đó biết mình còn sống thì họ đã có bằng an rồi. Như mẹ mình, như người thân, bạn bè, đồng tu, đồng học và cả những người thương yêu mình. Mình biết họ bằng an, nên mình chọn cái đó làm hạnh phúc của mình, nên mình nguyện sẽ sống theo lẽ tự nhiên, không o ép cuộc sống của mình, để nó trôi qua mỗi ngày là một ngày thật ý nghĩa.

Như là chất lượng cuộc sống

Sống là một hạnh phúc, đối với một ai đó yêu thương mình. Nên mình sẽ sống thật tốt, cả thân lẫn tâm. Thân thì cố gắng thật khỏe. Tâm thì quyết tâm thật an. Thân khỏe, tâm an thì phải rèn. Rèn không có nghĩa là nuông chiều và càng không có nghĩa là làm khó nó, vượt quá giới hạn chịu đựng.

Mềm dẻo, nhẹ nhàng là tiêu chí để rèn thân-tâm. Cứ đi từng bước, từng bước, để mình có thể đi xa, đi thật lâu, thật bền.

Hành trình sống là một cuộc chạy, tất nhiên, nó nằm trong những hơi thở tiếp nối của ngày hôm nay, hiện tại này và ngày mai, ngày mốt… trong chuỗi sanh-diệt nơi cõi Ta bà này. Mình mượn sự sống này để đi tới cái bất diệt của thân-tâm. Bất diệt là một sự trường cửu phải được nhìn dưới con mắt vô tướng, không thể thấy dưới dạng hình tướng. Nếu còn thấy dưới đôi mắt hình tướng thì “sở hữu tướng giai thị hư vọng”. Hư vọng, là không thật, là có sanh có diệt.

Nếu mình nhìn ai đó, sống cho ai đó bằng hình tướng thì mình sẽ thấy có khởi đầu và có kết thúc, có sanh-diệt, thì sẽ thấy có được mất. Nếu mình sống với pháp không, với nhân duyên, với triết lý tương tức, nương nhau biểu hiện thì mình sẽ thấy sự bất diệt, bởi trong mình đã có tất cả, và mình cũng có trong tất cả. Như là người thương của mình đã có trong mình, trong người thương của mình sẽ có ba mẹ người ấy, và mình thấy người thương có trong mình đồng nghĩa với thấy ba mẹ người thương có trong mình.

Nếu cái thấy ấy được thực thi và nuôi dưỡng thì mình sẽ không nỡ làm khổ bất kỳ ai, vì ai cũng đã có trong mình dưới một dạng thức, một biểu hiện nào đó trong tính chất nương nhau biểu hiện. Và khi đó, cuộc sống của mình sẽ thăng hoa, sẽ có chất lượng, bởi nó được dựng xây bằng tình thương và sự hiểu biết chân thật - hiểu biết từ cái thấy “vô sanh, bất diệt”.

Tình yêu

Thực chất là tình thương. Tình thương là hoa trái của những tâm hành đồng điệu, cảm thông - là cái quả được kết tinh từ sự lắng nghe. Nhân duyên nhiều đời đã từng gặp, từng là người thương của nhau, nay còn gặp nhau và mến. Rồi thương-yêu. Đó là lẽ tất nhiên của con người, nhưng như thế không có nghĩa ai sanh ra cũng yêu và sống với người yêu theo “nghi thức” của cuộc sống: trai lớn dựng vợ, gái lớn gả chồng.

Bởi, có những người đã vượt qua cơ chế đó, đã biết biến tình yêu cho một đối tượng, trong tư duy chiếm hữu, sở hữu cho riêng mình thành một thứ tình thương lớn hơn. Đó là thương số đông, mong muốn ai cũng có hạnh phúc. Đôi khi, có những người cũng có một tình yêu riêng, nhưng họ cũng không sở hữu người thương như một món hàng, mà cảm nhận tình yêu của mình chính là hạnh phúc của người mình thương, dẫu họ không ở bên mình. Đó cũng là một cái thấy tương tức, cái thấy vô tướng.

Nếu những người thương nhau thật thà, và cũng thấy cái thấy vô tướng này thì họ sẽ không trói buộc nhau, họ sẽ ở trong nhau với một vị trí rất đắc mà tự nhiên chẳng có ai có đủ khả năng để soán ngôi. Tất nhiên, khi ấy họ sẽ rất đỗi tin nhau. Đến đây, mình sẽ thấy những móc xích được kết nối và sắp xếp theo đường xoắn ốc để đi vào tâm điểm là tình yêu chân thật. Là tình yêu được xác lập từ sự hiểu-thương-tin, đương nhiên, vòng xoắn sẽ nhỏ dần (càng gần tâm điểm tình yêu chân thật) khi người ta càng hiểu, càng thương, càng tin.

Tin và hiểu, nên sẽ không cần thiết phải bảo người ta báo cáo mọi thứ, không cần kiểm soát, và chắc chắn sẽ không có hoài nghi. Sẽ chẳng ai nỡ quên một người yêu hiểu mình và tặng cho mình tình yêu chân thật như vậy đâu. Tôi tin thế, nên cứ muốn nói điều này như một sự sẻ chia, bởi vẫn có những người đang khổ vì yêu, dù tình yêu chẳng có tội tình gì, chỉ tại người ta chưa đạt được “cảnh giới” của tình yêu trong cái thấy tương tức, cái thấy nương nhau. Như là người mình yêu hạnh phúc, đó là điều cần thiết nhất chứ không phải nhất như đòi họ phải ở bên mình…

Và khổ đau…

Đương nhiên là hệ quả của những tâm hành đi ngược lại cái thấy biện chứng về tình thương. Khi thương yêu có trí tuệ, có chất liệu thì hạnh phúc được hình thành và ngược lại. Vì lẽ đó mà đạo Phật dạy về từ bi-trí tuệ trong diệu nghĩa tình thương phải đi kèm với hiểu biết, nếu không nó sẽ trở thành thứ tình thương phá phách, tàn hại mình và người…

Lưu Đình Long (GNO)


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage