Một nghiên cứu mới về phóng chống ung thư đã kết luận, ăn nhiều bông cải xanh giúp bài thải benzen qua nước tiểu, giảm tác hại của việc hít thở nguồn không khí bị ô nhiễm.
Bông cải xanh
Tuần qua trên Tạp chí Nghiên cứu Phòng chống Ung thư (The Cancer Prevention Research Journal), các nhà khoa học thuộc Viện Johns Hopkins và Viện Ung thư Gan Qidong (Trung Quốc) đã có báo cáo rằng: dùng mỗi ngày một tách chồi non của bông cải xanh (một thức uống làm từ chồi non của bông cải xanh) sẽ giúp bài thải benzen ra khỏi cơ thể qua nước tiểu. Benzen được biết đến như là chất sinh ung thư ở người (carcinogen) thường có mặt trong nguồn không khí bị ô nhiễm ở cả thành thị và nông thôn.
Nghiên cứu này đã chỉ ra cách thức đơn giản mà mỗi người đều có thể dễ dàng thực hiện để giảm thiểu các nguy cơ sức khỏe do ô nhiễm môi trường mang lại về lâu về dài, đó là ăn nhiều bông cải xanh.
Trong thức uống làm từ chồi non của bông cải xanh có chứa hợp chất sulforaphane, là chất phòng chống ung thư. Chất này kích hoạt một phân tử có tên là NRF2 giúp tế bào tăng cường chức năng thích ứng với các độc tố bên ngoài môi trường. Trong một nghiên cứu trước cách đây không lâu, chồi non của bông cải xanh giàu sulforaphane giúp làm giảm dị ứng đường mũi đối với khí thải có nguồn gốc diesel.
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, người dùng thức uống nói trên có thể bài thải được benzen cao hơn 61% trong suốt 12 tuần tham gia nghiên cứu. Và khả năng bài thải acrolein tăng 23%.
Ô nhiễm môi trường là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh dẫn đến tử vong. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm môi trường làm 7 triệu người chết mỗi năm. Hiện nay, trên thế giới có ¼ dân số hít thở nguồn không khí bị ô nhiễm. Trước khi có các giải pháp về cải thiện chất lượng không khí, giảm khí thải từ dầu nguyên liệu, ăn bông cải xanh cũng là một giải pháp hữu hiệu.
Trần Trọng Hiếu (The The Atlantic)