Phật Học Online

Hoằng pháp, trước sự thách đố của thời đại mới
Tác giả : Thích Nữ Tịnh Quang

Hiện nay xã hội đang trên đà thay đổi như vũ bão theo tiến trình cách mạng của khoa học và công nghệ thông tin; nhận thức của con người đã không ngừng thay đổi song song với những bước sáng tạo và những phát minh tân tiến của kỹ nghệ hiện đại; những giá trị truyền thống tâm linh ít nhiều đã bị xao lãng bởi sức hấp dẫn của nó… Vượt thoát sự cố hữu hay theo thời, với căn bản triết học “tùy duyên,” Đạo Phật tượng trưng cho quá trình chuyển đổi và thay đổi để thích ứng với thời đại và căn cơ của con người nhằm đạt đến mục tiêu duy nhất là chuyển tải thông điệp yêu thương, hòa bình và trí tuệ của Đức Phật đến với nhân loại một cách hữu hiệu nhất.

Non hai mươi sáu thế kỷ truyền bá và phát triển, Đạo Phật thường xuyên chạm trán với những hoàn cảnh không ít cam go khi một thời đại kết thúc và một thời đại mới đang bắt đầu trong sự phát triển của một nền văn hóa, và thông điệp của Đức Phật đã không ít lần được hiểu sai hoặc cố tình hiểu sai khi vận mệnh của những quốc gia rơi vào tay những kẻ tham vọng và bạo cuồng. Chúng ta hiện đang sống khoảng giữa giai đoạn cuối của cuộc Cách mạng công nghiệp và sự khởi đầu của thời đại Kỹ thuật và cuộc cách mạng công nghệ thông tin, và chúng ta cũng thực sự chưa bước ra khỏi hẳn bóng tối của thời đại thống trị của các cường quốc  với sự áp đặc và điều động kinh tế, chính trị xã hội, theo sau là sự lấn át về những giá trị văn hóa và tâm linh đã và đang không ngừng thách đố Đạo Phật-một Tôn giáo có bề dài lịch sử dài lâu đồng hành cùng vận mệnh văn hóa Á châu và các quốc gia Đông nam á.

Qua bao thế kỷ thăng trầm, Đạo Phật đang ở trong một thời đại mới, thời đại của sự đa nguyên và phân hóa xã hội, các giá trị và kiến ​​thức trào lưu đã gây cản trở nghiêm trọng đến sự xuất hiện của bất kỳ triết lý thống nhất của văn hóa, lịch sử hay cuộc sống cá nhân; đây cũng chính là thời đại khủng hoảng khi những giá trị  tâm linh bị tước mất ý nghĩa, sự vùng vẫy giữa cũ và mới, giữa sự phát triển kiêu hãnh của kỹ thuật và công nghệ thông tin và niềm tin đối với những giá trị tâm linh định hướng cho đời sống... Francis Fukuyama đã định nghĩa thời đại này trong nghiên cứu đáng chú ý của mình, "The End of History and the Last Man." Với những thách đố lớn của thời đại, ngoài sự cạnh tranh của các tôn giáo có thế lực trong những quốc gia phát triển, những nhà hoằng pháp còn phải đối đầu với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin quần chúng. Vậy đâu là phương hướng chính để những nhà Hoằng pháp phát huy được vị trí của mình trên thế trường mới?

Ngày nay sự sợ hãi về sự tấn công văn hoá tâm linh là một trong những sự cố về tâm lý và xã hội hơn là cuộc xâm lược từ bên ngoài, tuy nhiên những khó khăn này  lại  là cơ hội tốt cho những người hoằng pháp hiện đại trong một xã hội mới để hướng dẫn những thành phần trẻ, dẫu rằng chúng ta không thể tránh khỏi các kết quả từ sự thay đổi đa dạng này bởi vì mọi thứ dường như là sự đảo ngược vai trò; thí dụ, trong thời đại nông nghiệp, người trẻ luôn luôn học hỏi kinh nghiệm từ các vị thâm niên để có kết quả thu hoạch tốt, trẻ em học hỏi từ cha mẹ và người lớn tuổi… Tuy nhiên, với những tiến bộ công nghệ, đôi khi những người làm cha mẹ phải học hỏi từ con em của họ về hệ thống điện toán và thông tin trên mạng lưới toàn cầu.

Trong thời đại kinh tế toàn cầu hóa, Đạo Phật đang ở một giao lộ ngã tư phương Tây; chúng ta không thể nhắm mắt để cầu nguyện; chúng ta phải có những biểu đồ cụ thể trên những con đường mới trong thời đại mới. Lập trình căn bản của chúng ta là tiếp cận và khuyến khích giới trẻ-những tâm hồn mới, là những chiếc cầu nối liền giữa quá khứ và hiện tại, giữa tâm linh và vật chất, giữa sự tĩnh lặng an bình và sự quay cuồng hối hả. Thời đại mới không phải là ngoại giáo; nó là một hiện tượng hiện đại (hoặc thậm chí là một hậu hiện đại), nó cũng là một triệu chứng của sự lai căng - không có gốc rễ (rootlessness) hơn là sự mất gốc (uprooted); do đó thành phần trẻ có thể dễ dàng hấp thụ truyền thống Phật giáo như là nguồn sinh lực cho kinh nghiệm cá nhân nếu những người hoằng pháp hiện đại biết cách thổi mới tư tưởng Giáo pháp vào trong đời sống thực tiễn. Hiện nay đạo Phật ở phương Tây được xem như là một truyền thống mới nhờ công lao hoằng pháp của Đức Dalai Lama, thiền sư Nhất Hạnh… và các Cư sĩ hoằng pháp mới biết cách vận dụng Phật pháp thích ứng vào đời sống thiết thực.

Thiết nghĩ, để nắm lấy cơ hôị, những ai có tâm nguyện hoằng pháp phải bước vào thời đại thông tin với tư tưởng vô hạn của Đạo Phật, vượt thoát khỏi sự khác biệt giới hạn về dân tộc và ngôn ngữ; đạo Phật phải trở thành một hệ thống  giáo dục khai mở tâm linh  với các thành viên trẻ tiếp nối có trình độ và ý chí  khi thâm nhập  trong thế giới mới, và biết cách tiếp ứng với thời  đại bằng phương tiện kỹ  thuật truyền thông hiện đại để  chuyển tải đạo lý (chúng ta đừng quên rằng những tôn giáo sống trong quốc gia phát triển kỹ thuật và công nghệ thông tin sớm đã biết cách tận dụng lợi thế để chinh phục và hấp dẫn các quốc gia đang phát triển). Tăng Ni và những Cư sĩ Hộ pháp của chúng ta phải sử dụng với đầy đủ những tính năng của thời đại mới có thể làm sâu sắc thêm sự hiểu biết để cung ứng cho sự truyền đạt: mở rộng tiếp cận với hệ thống thông tin Phật giáo toàn cầu, chuyển tải giáo lý phù hợp với  thế hệ, không những chỉ quảng bá Phật giáo mà là sự thể hiện nó xuyên qua những sinh hoạt có tổ chức mang tính cộng đồng để củng cố sức mạnh và những lợi ích thiết thực nhằm đáp ứng những thách thức gây áp lực và tấn công vào đời sống hàng ngày đối với Phật tử chúng ta.

Gần đây, tại Hội đồng Quốc gia BCA, một nhà  lý thuyết vật lý-Tiến sĩ Michio Kaku, kêu gọi đạo Phật nên mở rộng chân trời tâm linh của mình. Ông khẳng định vượt ra ngoài thế giới ba chiều của chúng ta, có thể là chiều thứ tư trong  mười phương pháp giới, phóng chiếu tầm nhìn của Đạo Phật về vũ trụ và  khoa học tâm linh trước thời đại mới. Mặc dù khoa học có thể đi một chặng đường dài hướng tới sự hiểu biết nguồn gốc và bản chất của vũ trụ, nó vẫn luôn luôn ở điểm tương đối, không thể giải quyết những vấn đề cơ bản của con người như những giá trị tâm linh muôn thuở. Chúng ta đừng quên rằng các nhà khoa học phát minh ra vũ khí tối tân, bom nguyên tử, và rồi phát triển các nhà máy hạt nhân… ngoài sự đổ nát của chiến tranh và hận thù dai dẳng , nhân loại vẫn chưa xích lại gần nhau, sự nghèo đói và thất học vẫn còn lây lất đâu đó trên quả địa cầu này. Lợi điểm của Phật giáo là lòng từ bi và trí tuệ. Chúng ta cần đem tình thương đến cho thời đại với hành động thực tiễn xuyên qua hai đạo lộ là Tài thí và Pháp thí, được quảng bá sâu rộng qua truyền thông hiện đại.

Bước vào kỷ nguyên mới, truyền thông toàn cầu đều nằm trong một máy laptop xách tay,  hoặc chỉ nằm gọn trong lòng bàn tay như máy Iphone,  Ipad… đây là cơ hội vô hạn cho chúng ta để chuyển tải thông điệp yêu thương của đức Từ Phụ. Trong kinh Di Đà diễn tả hình ảnh tướng lưỡi rộng dài của Đức Phật phóng đến ba nghìn Đại thiên thế giới và ánh sáng của Ngài chiếu soi tất cả ngằn mé của cõi giới vô biên. Những hình ảnh trong kinh bây giờ đã trở thành thực tế ảo, chỉ cần nhấn một vài phím trên máy tính hoặc Iphone, chúng ta ngay lập tức có thể tiếp cận với hàng triệu các thông tin trên toàn thế giới. Gần đây, một cuộc khảo sát Internet về thông tin về Phật giáo cho thấy rằng, Đạo Phật có nguồn tài nguyên phong phú với sự đa dạng thông tin và nhân sự hùng hậu xuyên qua các trang web và các mạng lưới xã hội.

Đạo Phật chúng ta đang có một cơ hội rất lớn để tiếp cận với thế giới trong một cách mà chúng ta không bao giờ có thể thấy được trong thời gian trước đó. Nếu chúng ta không tận dụng lợi thế của phương tiện này để kết nối với đền thờ tâm linh của chúng ta trong mạng lưới giao tiếp với thế giới, chúng ta sẽ đánh mất tinh thần Đại nguyện cứu độ chúng sinh vô biên trong vũ trụ vô cùng. Vận dụng kiến thức thời đại, nắm vững giáo lý, đầy đủ niềm tin, nguyện lực và sự can đảm để bước vào một thế giới mới, chúng ta sẽ phải đối mặt với những vấn nạn của nhân loại  liên quan đến thế giới như kinh tế, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chiến tranh, sự phá hủy văn hóa, nhân quyền, sinh thái , ly dị và tình trạng phá thai v.v… đây cũng là chủ đề chính mà những nhà hoằng pháp hiện đại phải đối mặt và trình bày những phương pháp cụ thể để giải quyết vấn đề một cách thích ứng khi thâm nhập vào một thế giới mới.

Mỗi người Phật tử là một hạt chuỗi vàng trong xâu chuỗi từ bi và trí tuệ của Đức Phật, bất kỳ ai cũng có cơ hội để mang lại ánh sáng của Đức Phật đi vào thế giới mới. Chỉ cần chúng ta phát khởi bồ đề tâm và lập đại nguyện kiên cố thì chúng ta có thể vượt qua mọi thách đố của thời đại để phát huy vai trò tối thắng của Đạo phật trước sự khủng hoảng trầm trọng của con người hơn bao giờ hết.


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage