1. Sự Tịnh hóa tánh Kiêu mạn
Trước tiên, chúng ta nên biết tại sao ta
lễ lạy. Ta không lễ lạy để được người khác yêu quý. Ta không lễ lạy vì
Đức Phật. Những ý niệm như thế hoàn toàn sai lầm. Đức Phật không phải là
một thần linh của thế giới này. Chúng ta lễ lạy để tịnh hóa mọi tình
huống trong quá khứ khi ta không kính trọng người khác, bận tâm với
những thỏa mãn riêng tư và bản thân ta làm nhiều hành vi bất thiện.
Sự lễ lạy giúp cho ta nhận thức rằng có
điều gì đó còn có ý nghĩa hơn bản thân ta. Theo phương cách này chúng ta
tịnh hóa tánh kiêu mạn mà ta từng tích tập trong vô lượng kiếp khi suy
nghĩ: “Ta đúng,” “Ta tốt hơn những người khác,” hay “Ta là người quan
trọng nhất.” Trải qua vô lượng kiếp chúng ta đã phát triển sự kiêu mạn
là nguyên nhân của những hành động của ta và đã tích tập nghiệp là một
nguồn mạch của những khổ đau và những vấn đề của ta. Mục đích của sự lễ
lạy là để tịnh hóa nghiệp này và chuyển hóa tâm ta. Sự lễ lạy giúp ta
nương tựa vào điều gì đó có ý nghĩa hơn sự kiêu mạn và chấp ngã của ta.
Theo cách này, nhờ sự tràn trề lòng xác tín và sùng mộ, chúng ta thoát
khỏi mọi sự ta từng tích tập do tánh kiêu mạn.
2. Sự Tịnh hóa Thân, Ngữ, và Tâm
Khi chúng ta lễ lạy ta tác động lên bình
diện thân, ngữ, và tâm. Kết quả của việc thực hiện những lễ lạy là một
sự tịnh hóa hết sức mạnh mẽ và triệt để. Sự thực hành này làm tan biến
mọi điều bất tịnh, bất luận chúng thuộc loại nào, bởi chúng hoàn toàn
được tích tập qua thân, khẩu, và tâm của chúng ta. Sự lễ lạy tịnh hóa
tất cả ba bình diện. Qua phương diện vật lý (thân) của việc lễ lạy chúng
ta tịnh hóa thân thể ta. Ta cúng dường thân ta cho Tam Bảo và tất cả
chúng sinh, ước mong tất cả những nguyện ước của họ được hoàn thành. Nhờ
việc lập lại thần chú quy y và ý nghĩa chúng ta gán cho nó, chúng ta
tịnh hóa ngữ của ta. Nhờ sự xác tín nơi Tam Bảo ta phát triển thái độ
giác ngộ và lòng sùng mộ. Bởi chúng ta tỉnh giác về những phẩm tính toàn
hảo của sự quy y (nương tựa) và cúng dường mọi sự cho nó, những ngăn
che trong tâm ta biến mất. Khi thân, ngữ, và tâm ta được tịnh hóa ta
nhận thức rằng điều mà lúc đầu ta cho là thân ta thì thực sự là một hiển
lộ của sự Giác ngộ, là lòng bi mẫn tích cực. Điều mà lúc đầu ta nghĩ là
ngữ của ta thì thực sự là sự biểu lộ của sự Giác ngộ trên bình diện của
sự hỉ lạc; tâm ta là bình diện chân lý của sự Giác ngộ. Chúng ta có thể
nhận ra thực tại giác ngộ của thân, ngữ, và tâm ta - sự tràn đầy chân
lý trí tuệ của chúng mà lúc ban đầu ta không ý thức được. Chúng ta nhận
thức rằng thực hành này có thể dẫn dắt ta tới mục tiêu của ta là sự Giác
ngộ, bởi ba bình diện biểu lộ trạng thái của một vị Phật xuất hiện tức
thì sau khi ba bình diện của sự hiện hữu của ta – thân, ngữ, và tâm –
được tịnh hóa. Chúng ta không phải kiếm tìm sự Giác ngộ ở nơi nào khác.
Chúng ta không phải săn đuổi bất kỳ sự chứng ngộ viên mãn nào. Ba bình
diện của sự Giác ngộ là những phẩm tính bẩm sinh chân thực của thân,
ngữ, và tâm của chính ta. Trước đây ta đã không nhận ra điều đó. Sự lễ
lạy giúp chúng ta khám phá ra nó.
3. Những Lợi ích Vật lý của việc Lễ lạy
Việc lễ lạy ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự
quân bình và hài hòa trong thân thể ta. Những sự tắc nghẽn trong các
kinh mạch năng lực của thân thể từ từ tan biến. Điều này giúp cho ta
tránh được các bệnh tật, sự thiếu hụt năng lực, và những vấn đề khác.
Tâm ta trở nên trong trẻo hơn, khả năng hiểu biết của ta tăng trưởng.
Trạng thái của Tâm trong khi Lễ lạy
Chúng ta nên lễ lạy với sự tràn trề lòng xác tín, hoan hỉ và động lực để làm lợi lạc cho người khác.
1. Sự xác tín
Chúng ta nên có sự xác tín nơi những
phẩm tính toàn hảo của Tam Bảo và tin chắc rằng sự ban phước của Tam Bảo
có thể giải trừ những ngăn che của tâm ta. Sự ban phước có thể xuất
hiện và sự tịnh hóa có hiệu quả khi lòng xác tín của ta nơi thân, ngữ,
và tâm gặp gỡ những phẩm tính chuyển hóa của thân giác ngộ, ngữ giác ngộ
và tâm giác ngộ – những nguồn mạch của sự quy y. Nếu chúng ta không có
sự xác tín và không thể mở lòng ra đối với Tam Bảo thì những sự lễ lạy
sẽ chỉ là một trò phô diễn.
2. Động lực làm Lợi lạc Người khác
Khi chúng ta lễ lạy ta nên thấu hiểu
rằng những thiện hạnh là suối nguồn hạnh phúc của tất cả chúng sinh. Lễ
lạy là một điển hình tốt đẹp của sự thật này. Khi ta thực hành với thân,
ngữ và tâm ta, ta cúng dường năng lực của ta cho người khác khi ước
muốn nó mang lại cho họ hạnh phúc. Ta nên hoan hỉ về sự thật này và thực
hành lễ lạy với sự hỉ lạc.
Trích : "ĐIỀU KỲ DIỆU CỦA SỰ LỄ LẠY" - Lạt Ma Gendyn Rinpoche – Liên Hoa Việt dịch
Cách lạy Phật:
Có nhiều cách lạy Phật, DS lạy theo cách
của Thầy này, thấy giống cách DS học được. Các bạn lưu ý khi đặt đầu
gối xuống thì không nên đặt 2 cái xuống một lần một cái bụp, như vậy đau
đầu gối lắm. Mình nhẹ nhàng đặt gối phải xuống trước, rồi gối trái.
Khi đứng lên, không nên dùng 2 tay chống để đẩy người lên, như vậy dễ
đau vai và cổ (DS đã bị qua). Mình từ từ rút tay trái về, rồi dùng tay
mặt lấy thế đứng lên. Chỉ dùng tay lấy thế thôi, chứ không dùng tay để
đẩy người lên. Khi đứng lên, mình hít vô, dùng khí để đưa người lên chứ
không dùng sức.
Khi 5 vóc sát đất thì DS hít vô niệm A
Di, thở ra niệm Đà Phật, 6 lần như vậy mới đứng lên. Nếu các bạn thấy
chậm quá thì niệm 3 lần. Đừng lạy mau quá, mệt lắm. Mình làm sao cho
ngay khi lạy Phật cũng có an lạc như khi ngồi thiền vậy. Như vậy mới
bền, mới thích mà lạy. Lạy Phật sao mà thân thể càng lúc càng nhẹ nhàng
khỏe khoắn. Còn lạy mà thấy nặng nề, đau nhức hoài là phải xem mình có
lạy đúng cách hay không.
Lạy Phật là cách tốt nhất để phá ngã vì mình đem cái đầu là nơi cao nhất mà đặt xuống đất là nơi thấp nhất:
"Có ngã tội liền sanh"
"Vô ngã là Niết Bàn"
Lạy Phật để bào mòn cái ngã giúp mình khiêm tốn hay nói cách khác là không kiêu mạng như ở trên đã nói.
Chúc các bạn tinh tấn lạy Phật.
Nam Mô A Di Đà Phật