Phật Học Online

Đạo và đời trong nghệ thuật Phật giáo
Nguyễn Thuyết Phong

Quá trình phát triển nghệ thuật của các dân tộc trên thế giới thường gắn liền với sự phóng quang của các hệ tư tưởng chủ đạo. Mục đích của nghệ thuật là đi tìm và thể hiện vẻ đẹp. Chính nhờ vào những tia sáng tư tưởng ấy mà nghệ thuật được thăng hoa.

Hai nghìn năm trước đây, các nghệ nhân, nghệ sĩ vô tình bắt gặp hệ tư tưởng Phật giáo Ấn Độ đang có mặt trên đất nước ta. Nhẹ nhàng, ung dung, dân tộc ta tiếp thu một cách có chọn lọc những yếu tố mới, lạ, đẹp từ tư tưởng của ông Bụt và nhanh chóng biến nó thành một nền nghệ thuật vừa mang tính Việt và tính “Bụt” mà nay chúng ta gọi là “tính Phật giáo”.

Tính Phật giáo đã hòa lẫn vào dòng văn hóa và nghệ thuật Việt Nam. Đây là một đề tài vô cùng rộng lớn vì thời gian lịch sử dài lâu, ăn sâu vào cội rễ của con người Việt. Sự đáp ứng của nghệ thuật ấy cho niềm mơ ước của xã hội Việt Nam thật bao la, không sao kể hết.

Tuy vậy, dù chúng ta nhận biết được thực tế ấy, chúng ta vẫn còn cần phải đi tìm nguyên nhân nào đã nảy sinh ra nền nghệ thuật Phật giáo và nó có thực sự phản ánh những hoài bão của xã hội chúng ta hay không, hoặc phản ánh bằng cách nào?

Chúng tôi muốn đặt dấu mốc lịch sử Lý-Trần làm tiền đề cho việc tìm hiểu, phân tích và nhận định về đóng góp của nghệ thuật Phật giáo trong xã hội Đại Việt cách đây đúng một nghìn năm.

Năm 1010, vua Lý đã cho mở kho 1.680 lạng bạc để đúc một nhạc cụ lớn nhất nước ta, đó là quả đại hồng chung chùa Đại Giáo. Một năm sau, lập đội nhạc gồm 100 nhạc công phục vụ cho các tế lễ ở điện Hàm Quang.

Các năm 1014, 1015, 1016 tuần tự tổ chức đại giới đàn chùa Vạn Tuế, lễ trao Xá lợi Phật ở chùa Tề Thánh, và đặc biệt một đại giới đàn hoành tráng nhất trong lịch sử diễn ra tại chùa Thiên Quang, truyền giới cho một nghìn giới tử.

Năm 1040, hội La Hán ở Long Trì được mở ra, khánh thành 1.000 tượng Phật, hơn 1.000 tranh Phật, vẽ hơn một vạn lá phướn. Một năm sau đó, vua đặt phẩm cấp cho hơn 100 nhạc kỹ để từ đó chuẩn bị cho đại lễ khánh thành chùa Một Cột năm 1049 với hàng trăm nhạc công, nghệ sĩ ca múa vòng quanh hồ sen.

Đây là dấu ấn của thời đại vàng son trong lịch sử nước ta mà nghệ thuật ca múa, tán tụng với đề tài Phật giáo được truyền thừa mãi mãi về sau.

Từ dấu mốc lịch sử này, những ai đã từng tham gia các trai đàn Mông Sơn chẩn tế hẳn nhiên có thể nhận ra sự hài hòa giữa âm nhạc truyền thống dân tộc trong nghi lễ Phật giáo.

Âm nhạc và múa trong hơn 350 nghi lễ Phật giáo thể hiện một số lượng vĩ đại về bài hát và nhạc điệu do chính các bậc cao tăng sáng tác và đại chúng khắp nơi thể hiện.

Những nghi thức trong thiền viện lẫn tại tư gia các cư sĩ ở nhiều miền văn hóa, nhiều truyền thống nhỏ trong cả nước là một kết tập tinh hoa trí tuệ của dân tộc, của Phật giáo Việt Nam. Nó kết hợp vững chắc với các ngành nghệ thuật qua ngôn ngữ bác học, văn vẻ tuyệt vời cho đến những thiên kinh điển được dịch thuật rất sớm từ tiếng Phạn (Sanscrit) sang tiếng Hán Việt, rồi đến thứ tiếng thuần Việt. Từ những kinh Pháp hoa tam muội, được xem là một trong những tác phẩm dịch thuật sớm nhất ở các nước Phật giáo Bắc Tông, vào những thế kỷ đầu Công nguyên.

Một tập kinh giá trị bậc nhất như Khóa hư lục của Trần Thái Tông là một bằng chứng sáng tạo tuyệt đỉnh của văn chương và tư tưởng Việt Nam. Ngôn ngữ Việt bỗng giàu có lên rất sớm. Và hiện nay, phải chăng chúng ta có được một ngôn ngữ phồn thịnh trong văn học và sâu rộng trong dân gian cũng nhờ vào đóng góp của đạo Phật?

Ý niệm nghệ thuật và hệ tư tưởng Phật giáo đã gắn kết chặt chẽ với chủ trương và mục đích phục vụ chúng sinh. Vì thế, khi nhìn về những pho tượng với nụ cười nhè nhẹ, từ bi của Đức Như Lai hay sự trầm mặc, hiểu đời, đại diện rất thực cho tâm trạng con người qua hình tượng các vị La Hán chùa Tây Phương, các chùa ở Hưng Yên, Bắc Ninh cũng như hàng nghìn các ngôi chùa trên đất nước ta, chúng ta cảm nhận được mức độ thể hiện rất cụ thể.

Trọng tâm của đạo Phật là con người, không phải là ý niệm thần khải, mặc khải, hay quyền lực thống trị toàn năng của một đấng giáo chủ. Tiếng đại hồng chung ngân xa một cách uy nghiêm, thể hiện chiều ngang của âm thanh tiến gần và xuyên qua trái tim con người để xoa dịu nỗi khổ đau, hướng đến sự giải thoát, đúng theo mỹ học dân tộc và đạo lý Việt Nam.

Chính vì thế, như nhận định của GS Vũ Khiêu, một nhà văn hóa lớn của chúng ta đã khẳng định qua tham luận của giáo sư tại hội thảo hôm nay rằng: “Nghệ thuật Phật giáo Việt Nam ra đời và lớn lên trong mối quan hệ giữa giáo lý nhà Phật và đạo lý dân tộc”.

Nói một cách khác, đạo Phật ra đời là để phục vụ cho xã hội. Nghệ thuật Phật giáo thể hiện tính thông minh, sáng tạo, trí tuệ, thân thiện, cởi mở, không nằm ngoài mục đích giải phóng khổ đau cho đồng bào của một đất nước đã chịu đựng quá nhiều đau khổ do thiên tai, địch họa…

GS.TS. Nguyễn Thuyết Phong

Viện Nghiên cứu Giáo dục Hoa Kỳ tại Việt Nam


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage