Phật Học Online

"Đại gia” cũng ra đứng đường

Bi kịch đến với các "đại gia" chân đất khi một số người sau khi nhận được đền bù tiền tỉ nhưng không biết chi tiêu, sử dụng tiền đúng cách mà sa vào tệ nạn, nghiện ngập, có khi phạm tội.

Khi tiêu hết tiền, "đại gia" ở làng lên phố nhìn lại mới thấy mình không còn đất sản xuất, không nghề nghiệp. Ngày ăn chơi hết tiền, "tỉ phú" ngày nào trắng tay, đành ra đường bon chen tìm miếng cơm manh áo.

Tiếc nuối “giá như...”

Bây giờ, ở bến xe Mỹ Đình không ai là không biết đến anh H. làm xe ôm mới được hơn 1 năm nay. H. “nổi tiếng” vì một thời từng là "đại gia" nhờ tiền đền bù mảnh đất hơn 2.000m2 và vài mẫu ruộng khi được Nhà nước thu hồi làm sân vận động Mỹ Đình.

Trước đó, H. thuần túy là một người nông dân hiền lành, chân chất; trong nhà chưa bao giờ có nổi triệu bạc. Thế mà "đùng một cái", dự án về làng làm thay đổi cuộc sống mọi người.

Sẵn tiền, anh sắm xe cộ, trang bị cho con đủ các loại mốt và xây nhà biệt thự. Nhưng rồi "tay chẳng làm ra mà hàm vẫn nhai", đã thế việc chi tiêu gia đình phát sinh nhiều thứ. H. còn đầu tư một khoản tiền lớn với mấy ông bạn mở Công ty TNHH để kinh doanh, chơi chứng khoán.

Cuộc sống của H. ngỡ "mãi lên tiên" với những ăn ngủ, ký giấy tờ buôn bán và lên sàn. Nhưng rồi sự tính toán hạn chế của H. không đọ lại được với cơ chế khắc nghiệt của thị trường, anh vỡ nợ, bán hết xe cộ đi trả nợ. Công ty chung với bạn bè cùng phá sản, mỗi người trốn chạy một nơi. Khi trở về chỉ còn căn nhà trống và đàn con hư hỏng.

Đường cùng, H. đành lôi chiếc xe máy cũ ra nhập đội xe ôm ở bến xe Mỹ Đình để kiếm sống qua ngày. Ngày trước anh tiêu hoang bao nhiêu thì giờ chi li tiết kiệm, kiếm từng đồng bạc vụn để chạy gạo cho con cái và mẹ già giữa cái thời "bão giá". Những lúc rảnh rỗi bên chén nước chè ở góc bến xe, nước mắt anh lại trào ra ân hận: "Giá như ngày xưa...".

Trong số đồng nghiệp của anh ở bến, còn có anh P., ông S... một thời cũng từng là "đại gia" làng. Trước đầu tóc bóng lộn, ăn nhà hàng, ngủ khách sạn và đi xe sang nhưng vì làm ăn không đúng cách, hoặc sa đà vào cờ bạc đến thành trắng tay cả. Khi hết tiền, họ mới nhận ra cái bi kịch khắc nghiệt mình tự đưa chân vào: Ít học, không nghề kiếm sống, chỉ còn cách làm xe ôm, “cò” vé xe để sống.

Người giàu cũng khóc

Trường hợp của H. còn có thể làm lại cuộc đời, nhưng với 1 số "đại gia" ngày xưa lỡ dính vào cờ bạc, ma túy... cuộc sống của họ còn có vẻ "thảm" hơn nhiều.

Chàng trai tên Khanh ở Mễ Trì Thượng là 1 ví dụ. Nhà hắn cũng "dính" dự án, được đền bù hơn 2 tỉ nhưng vốn máu cờ bạc nên nướng hết vào trò đỏ đen. Hết tiền, Khanh theo chân các "đàn anh" ra bến xe làm xe ôm nhưng không kiếm đủ tiền tiêu xài, đã thế những ngày ở bến xe Khanh lại "bập" vào ma tuý. Giờ hắn thường trong bộ dạng áo quần xộc xệch, dép lê lang thang ở bến xe buýt móc túi, trộm cắp, bị người ta xua đuổi như xua tà.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà ba tầng khang trang nhờ tiền đền bù dự án, bà Ngô Thị D. (ngụ Phú Đô) ngước mắt lên tấm di ảnh trên bàn thờ rồi khóc: "Đó là thằng T., con cả tôi, nó chết được mấy năm rồi".

Bi kịch đến khi gia đình bà có nhiều tiền đền bù, T sẵn tiền rồi mê cờ bạc. "Miệng ăn núi lở", đánh bạc thì 10 lần thua 9 nên bao nhiêu tiền cũng hết. Một lần đánh xóc đĩa với người hàng xóm và bị thua nhưng hết tiền trả và khất nợ không được, T. nhà bà đã bị anh em gã hàng xóm quây đánh đến chết.

Ngồi nói chuyện với tôi, nhắc tới con, bà khóc từ đầu tới cuối. Khóc vì thằng chết đã đành, thằng đang sống cũng khiến cho ông bà héo cả ruột gan. Bây giờ một thằng đã chết, một thằng thì đã 20 tuổi rồi nhưng vẫn suốt ngày bỏ nhà chơi bời lêu lổng, lúc nào hết tiền mới mò về xin, chẳng biết đã nghiện hút chưa.

Trong những ngày thu thập tư liệu viết bài ở các làng ven đô thuộc Từ Liêm, tôi còn nghe được nhiều chuyện đau lòng khác nảy sinh từ ngày "tấc đất thành tấc vàng". Có nhà sau khi có tiền đền bù thì ông chồng vốn cần cù bỗng giở chứng thích cờ bạc, rồi nghiện ngập nên chẳng mấy đã tiêu tan hết, khi đất cũng không còn mà bán nữa thì sinh ra trộm cắp rồi đi tù. Hai thằng con cũng theo bố đua đòi nghiện hút, báo hại, bà mẹ bây giờ lại còng lưng bòn nhặt từng đồng nuôi hai thằng con nghiện và ông chồng ở tù.

Ở Mỹ Đình có một trường hợp mà nhắc đến không ít người biết và lấy đó là bài học cảnh tỉnh cho những người giàu "xổi", ấy là X. "liều". X "liều" năm nay 42 tuổi, đã là cha của 3 đứa con, thế mà khi "cơn lốc" đền bù đi qua cũng bị cuốn theo mà dính vào ma tuý.

Chỉ tại X "liều" giàu đột ngột, từ chỗ chẳng có đồng xu dính túi, tự nhiên như từ trên trời rơi xuống, X. có 2 tỉ đồng. Cả tỉ đồng X. "liều" chỉ để trong tủ rồi rút dần rút mòn ra tiêu mà không biết phải làm gì với nó. Mà X. tiêu tiền "ác" lắm! Chả có thì thôi chứ có tiền X. "đốt" cho tất cả những thú vui của mình. Bởi X. nghĩ, đời mình khổ nhiều rồi, giờ có tiền phải hưởng thụ cho bõ những tháng ngày "bóp mồm bóp miệng".

Rồi X. "liều" theo đám nghiện trong xã đi hút hít ma túy. Mới đầu, X. chỉ có ý định thử để xem cái chất trắng này như thế nào mà có thể khiến người ta "đê mê". Không ngờ, qua vài lần thử thế là X. "dính" luôn.

Bây giờ, muốn bù đắp lại cho vợ, con nhưng đã muộn vì X. đã trắng tay lại hoàn hệ luỵ vì trong mình căn bệnh AIDS thế kỷ. X. "liều" nằm chờ chết đã đành nhưng còn vợ con anh đang ngày đêm đau khổ. Nhiều lúc vợ X. bảo: "Giá như vẫn như ngày xưa. Ai ngờ từ khi có tiền lại "sinh bệnh" ra như thế".

Những trường hợp trên là lời cảnh báo cho nhiều gia đình, nhiều nông dân "bất ngờ có tiền tỉ" khi ruộng đất được đền bù, bỗng dưng có nhiều tiền nhưng không biết cách chi tiêu, không nhìn xa trông rộng để làm ăn nên có khi "tiền mất tật mang". Khi sẵn có đồng tiền trong tay, họ không định hướng được mình phải làm gì với số tiền lớn, vì thế đã phung phí vào những chỗ không đánh tiêu, để rồi trắng tay, rước hoạ vào thân.

Box: Theo khảo sát của Bộ NN&PTNT mới đây cho thấy, cứ mỗi hecta đất bị lấy đi sẽ có 10 lao động bị ảnh hưởng. Chỉ tính trong 3 năm 2005 - 2008, tổng diện tích đất chuyên dùng đã tăng lên 104.422 ha dẫn đến một lượng lớn diện tích đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích.

Các khu vực kinh tế trọng điểm là khu vực có diện tích đất nông nghiệp chuyển đổi lớn nhất, chiếm trên 50% tổng diện tích thu hồi. Mặc dù, số diện tích đất nông nghiệp được thu hồi chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ trong tổng diện tích đất nông nghiệp, nhưng do thu hồi mang tính tập trung nên một số xã bị "mất" từ 70 - 80% diện tích, kéo theo nhiều hộ bị thu hồi 100% diện tích, không còn đất sản xuất. Dự kiến, việc thu hồi đất nông nghiệp từ 2008 - 2013 sẽ ảnh hưởng tới 2,5 triệu người.

Khó khăn lớn nhất của người lao động thuộc các hộ bị thu hồi đất là chuyển nghề và tìm kiếm việc làm mới. Hiện chỉ có khoảng trên 27% lao động bị thu hồi đất đã tốt nghiệp phổ thông, 14% được đào tạo nghề ngắn hạn. Ngoài ra, số lượng lao động quá tuổi tuyển dụng (trên 35 tuổi) chiếm rất đông và hầu như không có hy vọng tìm việc. Một bộ phận nông dân còn trông chờ, ỷ lại vào chính sách đền bù mà chưa tự mình cố gắng vượt khó khăn, tìm kiếm việc làm.

Trước thực trạng này, ngay từ năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 11/2006/CT-TTG yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có định hướng quy hoạch, kế hoạch về chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, chủ động xây dựng kế hoạch hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm và vay vốn giải quyết việc làm cho người lao động ngay trong quá trình xây dựng quy hoạch và kế hoạch thu hồi đất nông nghiệp.

Theo Tú Văn - NDT


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage