Phật Học Online

Tìm hiểu ý nghĩa Niệm Phật

1-     Niệm Phật là pháp môn vi diệu

2-     Ý nghĩa Niệm Phật trong giáo lý Nguyên Thủy và Đại Thừa

3-     Tư Tưởng Niệm Phật - Tịnh tâm trong thiền Môn Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn

4-     Tư Tưởng Niệm Phật trong Thiền Môn Thiên Thai Tông

5-     Niệm Phật trong giáo lý Tịnh Độ Tông

6-     Niệm Phật trong lý tưởng tu học và phụng sự

 

1-    Niệm Phật là pháp môn vi diệu

 

Nhìn nhận một cách tổng quát về ý nghĩa giáo lý Đức Phật thuyết Pháp một đời mà nói, nếu rời xa ý nghĩa phương tiện thì không có nội dung tam tạng kinh điển Phật giáo xuất hiện ở thế gian này. 

Giáo lý là chiếc bè cứu vớt chúng sanh đang khổ đau vô cùng tận trong biển lớn sanh tử luân hồi. Chúng sanh có nhiều căn cơ trình độ sai khác nên Phật chế ra nhiều pháp môn tu học.

Chính bản thân Đức Phật cũng thừa nhận rằng chân lý mà ngài đã chứng ngộ thật cao siêu nhiệm mầu, cái tâm thể sáng suốt ấy vốn có trong mỗi chúng sanh, nhưng vì chúng sanh bị ngũ dục trói buộc che lấp.  Ngài tư duy, con đường giáo hóa ba đời chư Phật đều dùng phương tiện giúp chúng sanh thoát khổ và ngộ nhập chân lý.  Do vậy, vận dụng phương pháp tu hành nào mà giáo hóa được số đông chúng sanh, thì pháp môn ấy trở thành vi diệu, phước đức khó nghĩ bàn. Niệm Phật là pháp môn thù thắng cứu độ số đông chúng sanh trong đời mạt pháp; Niệm Phật là pháp môn duy nhất giúp chúng sanh được sanh về thế giới Cực lạc; Niệm Phật là phương thức vi diệu giúp chúng sanh mau thành tựu giác ngộ; Niệm Phật là Pháp môn tu học thiết thực cho mọi người, tùy theo khả năng và trình độ mà vận dụng tu tập đều có lợi lạc.

Lịch đại tổ sư đã vận dụng phương tiện Niệm Phật một cách thiện xảo, mở cánh cửa vô sanh cho khắp chốn trời người, vậy mà người hậu thế lắm kẻ nghi ngờ.  Sự tìm hiểu ý nghĩa Niệm Phật trong giáo lý Nguyên Thủy đến giáo lý Đại thừa và sự vận dụng niệm Phật danh của các tổ sư ở chốn thiền môn trong các tông phái khác nhau là vấn đề mà chúng ta cần phải tìm hiểu.

2-    Ý nghĩa Niệm Phật trong giáo lý Nguyên Thủy và Đại Thừa

 

Ý nghĩa Niệm Phật Tam Muội là pháp chung cho cả Nguyên Thủy và Đại Thừa, căn cứ Đại Trí Độ Luận có nói đến vấn đề Niệm Phật Tam Muội như sau: “Niệm Phật Tam Muội có hai loại: Một là trong Pháp của Thanh Văn, ở trong một thân Phật, tâm nhãn thấy khắp mười Phương. Hai là ở trong đạo Bồ Tát, ở trong vô lượng cỏi Phật, Niệm tam thế chư Phật.” Nguyên Thủy và Đại Thừa đều chấp nhận ý nghĩa Niệm Phật Tam Muội, đắc Tam Muội thấy Phật và được Phật xoa đảnh thọ kí, hơn nữa ngay trong giáo lý Mật Tông cũng cùng quan điểm này. Nguyên Thủy chấp nhận quan điểm “Sanh thân quán Pháp” và “Pháp thân quán Pháp” như Đại Thừa. Tiến xa hơn, Đại Thừa thực hiện quán mười phương chư Phật: “Thập phương chư Phật quán Pháp” như được nói rõ trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ.

Niệm Phật trong giáo lý Nguyên Thủy là nghi thức sinh họat của đệ tử Phật, khi quy y Tam Bảo, xưng lên danh của Phật, Pháp và Tăng, như “Nam Mô Phật”, “Nam Mô Pháp”, “Nam Mô Tăng”. Ở trong giáo lý Đại Thừa niệm nhiều danh hiệu Phật khác nữa, mỗi danh hiệu Phật là một đặc tính của vô số công đức của Phật mà có. Kinh A Hàm đã nói đến tam niệm, tức là Niệm Phật, Niệm Pháp, Niệm Tăng.  Đến Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói rằng muốn sanh về cỏi Phật Vô Lượng Thọ cần tu thêm Lục Niệm, tức Niệm Phật, Niệm Pháp, Niệm Tăng, Niệm Giới, Niệm Thí và Niệm Thiên.

Nói đến năng lực siêu việt của Phật, khi đọc kỹ trong kinh điển của Phật Giáo thì thấy rõ sức thần thông tự tại của Phật, bậc Phước Trí vẹn toàn, giáo hóa khắp chốn trời người. Ngay cả nhiều đệ tử Phật dù giải thoát nhưng không ai sánh bằng, vì Phật qua vô lượng kiếp huân tu phúc đức và trí tuệ.  Do vậy, trải qua trên 2500 năm, dù có bậc chứng đạo nhưng chưa xưng là Phật ở thế gian này, mà đợi đến tương lai là Phật Di Lặc.  Ở trong luật Phật dạy, Tỳ Kheo lúc lâm bệnh nặng, sống nơi xa lánh người thân, tín đồ, gặp nhiều khó khăn, nhiều sự uy hiếp tinh thần vây bủa, Phật chế pháp  Niệm Phật. Có nghĩa rằng, Niệm công đức vô lượng của Phật, Niệm tướng hảo quang minh, Niệm đức Từ Bi và Trí Tuệ của Phật, cảm ứng Phật lực gia hộ mà bệnh tật, khó khăn, sợ hãi, lo toan tiêu trừ. Trong “Tuyển Tập Bách Duyên Kinh” có kể rằng, một thương chủ tên là Hải Sanh, đi biển gặp tai nạn vì gió to sóng lớn, bị trôi vào nước quỉ la sát, do sức Niệm Nam Mô Phật mà được thoát nạn.  Hoặc ở trong “Huyền Ngu Nhân Duyên Kinh” cũng đề cập đến trường hợp những người đi biển gặp nạn cá lớn định ăn nuốt, do sức Niệm “ Nam Mô Phật” mà được giải thoát nạn.

Trong “Mã Minh Đại Thừa Trang Nghiêm Luận” có thuật rằng, chỉ một lần Niệm Nam Mô Phật trong quá khứ mà đủ nhân xuất gia và chứng quả A La Hán.  Chuyện thế này: “Có một vị thiện nam đến cầu xin xuất gia, Ngài Xá Lợi Phất e ngại chàng này chưa đủ thiện căn, nhân duyên, không dám cho xuống tóc làm đệ tử. Nhưng Đức Phật cho xuất gia, không bao lâu người này chứng quả A La Hán. Ngài Xá Lợi Phất ngạc nhiên và hỏi Phật nhân duyên đó. Phật dạy rằng: Kiếp trước người này gặp một con hổ dữ định ăn thịt, trong cơn nguy hiểm và sợ hải đó bỗng niệm “Nam Mô Phật”, đó là chánh nhân mà kiếp này xuất gia và được chứng quả giải thoát.  Tư tưởng đó trong Kinh Pháp Hoa có nhấn mạnh rằng: “Nhất xưng Nam Mô Phật, Giai cộng thành Phật đạo”. Có nghĩa rằng: “Một lần xưng Nam Mô Phật, đều trọn thành Phật đạo”. Từ đó chúng ta phải hiểu rằng niệm Phật là con đường giác ngộ thành Phật.

Xưng danh Phật hình thành từ trong giáo lý Nguyên Thủy và giáo lý Đại Thừa. Tịnh độ Tông phát huy ý nghĩa ấy, Niệm Phật diệt trừ tội ác nhiều kiếp, tăng trưởng phúc đức, mà lý tưởng cầu sanh Tịnh Độ làm Tông.

 

3-    Tư Tưởng Niệm Phật - Tịnh Tâm trong thiền Môn Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn

 

Theo nghiên cứu của pháp sư Ấn Thuận (1906-2005) trong tài liệu “Niệm Phật Thiền của Đông Sơn Pháp Môn” nói về sự vận dụng Niệm Phật trong thiền môn Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn đại ý như sau: -Ngũ Tổ có 10 vị đệ tử lớn, như: Lăng Già Sư Tư Ký (720) và Lịch Đại Pháp Bảo Ký (774) và Viên Giác Kinh Đại Sớ Sao (823, quyển 3) đều nhắc đến 10 vị đệ tử này.  Pháp truyền thừa của Ngũ Tổ có hai Tông, đó là Nam Tông của Huệ Năng và Bắc Tông của Thần Tú, ngoài ra ở tại Tứ Xuyên còn có Tịnh Chúng Tông, Tuyên Thập Tông và Bảo Đường Tông.

Huệ Năng tuy ngộ đạo ở Đông Sơn mà lại có phương tiện tu trì không như Hoằng Nhẫn và Thần Tú.  Ngũ Tổ thiền pháp là: “Niệm Phật danh, Linh Tịnh Tâm” có nghĩa rằng lấy pháp Niệm Phật giúp tâm an định, kết hợp thiền quán khiến tâm thanh tịnh.  Ngược lại, Lục Tổ Huệ Năng thay Niệm Phật bằng cách niệm Ma Ha Bát Nhã.  Niệm Phật là niệm tại tâm, thâm cầu thật nghĩa Phật là ngộ được giác tánh của chính mình. Ở đây, chúng ta chỉ tìm đến ý nghĩa Niệm Phật Thiền theo tư tưởng của Hoằng Nhẫn và Thần Tú mà thôi.

Trong “Lăng Già Sư Tư Ký” có viết: “Hoàng Hậu Tắc Thiên hỏi Thiền Sư Thần Tú rằng Pháp gì được truyền, Tông môn này ai lập?  Đáp rằng: Đây là Đông Sơn Pháp Môn ở Kì Châu.  Hỏi tiếp: Y Kinh Điển nào?  Đáp: Y Văn Thù thuyết Bát Nhã Kinh, Nhất Hạnh Tam Muội.”  Đông Sơn là tên núi mà Ngũ Tổ truyền đạo ở Kì Châu –phía nam huyện Kì Xuân, thuộc Tỉnh Tứ Xuyên  ngày nay. Ngũ Tổ lấy Văn Thù thuyết Bát Nhã Kinh, Nhất Hạnh Tam Muội làm giáo lý Niệm Phật Thiền để giáo hóa.  Trong Kinh “Văn Thù Sư Lợi Sở Thuyết Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh” do ngài  Mạn Đà La Tiên có một đoạn nói đến Nhất Hạnh Tam Muội như sau:“Lại có Nhất Hạnh Tam Muội, nếu thiện nam tử, thiện nữ nhơn tu Tam Muội này cũng nhanh chóng đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.”

Thế nào là Nhất Hạnh Tam Muội?  Phật dạy: “Muốn nhập Nhất Hạnh Tam Muội, nên ở nơi chỗ thanh nhàn buông xã ý loạn động, bất thủ tướng mạo, chuyên tâm niệm nhất Phật, chuyên xưng danh tự tùy Phật phương sở, đoan thân chánh hướng, ở nơi một vị Phật niệm niệm liên tục, tức là ở trong niệm năng thấy quá khứ hiện tại vị lai chư Phật.  Vì sao vậy?  Niệm công đức vô lượng vô biên của một vị Phật cũng cùng với công đức vô lượng vô biên của chư Phật không hai.  Phật Pháp bất tư nghì, vô phân biệt đều từ nhất như thành chánh giác, có đủ vô lượng công đức, vô lượng biện tài, như vậy nhập Nhất Hạnh Tam Muội, hằng sa pháp giới chư Phật vô phân biệt.” Đại Thừa Khởi Tín Luận do Chân Đế dịch có nói đến Nhất Hạnh Tam Muội “Y Tam Muội này nên biết pháp giới chỉ một tướng, tất cả pháp thân chư Phật cùng với thân chúng sanh bình đẳng không khác, không hai gọi là Nhất Hạnh Tam Muội.”

Như vậy, Đông Sơn Pháp Môn của Thần Tú truyền được thừa kế từ Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, y Văn Thù Thuyết Bát Nhã Kinh - Nhất Hạnh Tam Muội, là lấy niệm danh hiệu Phật, Tịnh Tâm làm phương tiện tu trì, sau cùng là chứng đắc pháp giới vô sai biệt, bình đẳng nhất như. Bắc Tông Thần Tú truyền thọ phương tiện tu tập đầu tiên là phát nguyện sám hối thọ giới. Niệm Phật tuy chỉ là miệng xưng danh hiệu Phật mà còn dẫn tâm hướng đến Phật.  Tiến thêm một bước là tọa thiền, khiến tâm thể ly niệm là bất động, cho nên từ tịnh tâm công phu là nguyên ý của Bắc Tông, nhứt thiết tướng bất thủ gọi là Tịnh Tâm. Giác là Tịnh Tâm thể, Phật Tâm thanh tịnh ly hữu ly vô, tâm thể ly niệm. Ly niệm là tịnh tâm, Niệm Phật đắc định rồi nhiếp tâm Quán Tịnh.

Nhất Hạnh Tam Muội của Văn Thù Bát Nhã Kinh là chuyên niệm Phật Danh, Hệ Duyên Pháp Giới Nhất Tướng có thể ngộ nhập chúng sanh và Phật Giới vô sai biệt.  Ở trong thiền môn Ngũ Tổ hiện nay có ba phái đang lưu tồn ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc: 1. Bảo Đường. 2. Tịnh Chúng. 3. Tuyên Thập. Bảo Đường Tông không niệm Phật giống như pháp tu của Ngũ Tổ Thiền Pháp mà ảnh hưởng tư tưởng thiền Nam Tông Tào Khê Thiền của Huệ Năng.

Phái Tịnh Chúng và Phái Tuyên Thập thừa kế vận dụng pháp tu từ Ngũ Tổ và Thần Tú, chủ trương hướng dẫn Niệm Phật, nhất tâm niệm Phật, đình chỉ vọng niệm.  Không suy nghĩ là Giới, vô niệm là ĐĐĐịnh, không vọng tưởng là huệ, “vô ý thị giới, vô niệm thị định, mạc vọng thị huệ.”  Hai phái này chủ trương phương tiện đầu tiên là thính niệm Phật, Nhất Hạnh Tam Muội. Niệm Phật của Ngũ Tổ là niệm một chữ Phật, niệm niệm tồn tại Phật trong tâm, đây vẫn là tưởng niệm, đến vi tế tưởng niệm không khởi, Tâm-Phật bất nhị. Thiền Pháp của Ngũ Tổ là niệm Phật và tọa thiền kết hợp, đó là phương thức tu tập chính yếu.  Ở trong Truyền Pháp Bảo Ký có nói: “Chủ yếu niệm Phật Danh Linh Tịnh Tâm.”  Đó cũng là Ngũ Tổ và Thần Tú là phương tiện giáo hóa.

Hoằng Nhẫn, Pháp Như và Thần Tú đều có niệm Phật danh làm phương tiện.  Ở trong Lăng Già Sư Tư Ký có chép lời của Đạo Tín “Nhập Đạo An Tâm Yếu phương tiện môn” có viết “Pháp môn của ta y đệ nhất Phật Tâm của Kinh Lăng Già, y Văn Thù thuyết Bát Nhã Kinh, Nhất Hạnh Tam Muội, tức niệm Phật, tâm là Phật, vọng niệm là phàm phu.”  Phương tiện môn làm căn bản, từ niệm Phật mà nhập vô tướng bình đẳng bất nhị gọi là Nhất Hạnh Tam Muội.

Chúng ta có thể kết luận rằng, Niệm Phật Thiền xuất hiện có thể từ tư tưởng của Tứ Tổ Đạo Tín (620-651), nhưng được phổ biến từ thời Ngũ tổ Hoằng Nhẫn và Thần Tú trở về những niên đại sau, ý nghĩa này cũng nói lên rằng Niệm Phật giúp mau chóng  thành tựu Tam Muội tức đắc định, thanh tịnh hóa nội tâm, đó cũng là phương tiện thiện xảo đoạn trừ phiền não và đưa đến chứng ngộ được các tổ sư áp dụng.

 

4-    Tư Tưởng Niệm Phật trong Thiền  Môn Thiên Thai Tông

 

Đáng chú ý là Trí Giả đại sư (538-597), một bậc danh tăng khai sáng ra Thiên Thai Tông, lấy Long Thọ làm sơ Tổ, xiển dương Pháp môn Thiền Chỉ Quán. Đối với phương pháp tu trì Chỉ là đoạn trừ tất cả vọng tưởng trong và ngoài, khéo trụ ở trạng thái vô niệm. Quán là khéo trụ như thật pháp mà không mê. Chỉ quán viên dung chứng nhập bất nhị cảnh giới, thể nhập pháp tánh nhất như bình đẳng.  Trí Giả đại sư đã vận dụng phương pháp Niệm Phật trong giáo lý Chỉ Quán, căn cứ nơi giáo lý Thường Hành Tam Muội mà quán niệm. Trong Ma Ha Chỉ Quán có nói rõ về ý nghĩa Thường Hành Tam Muội như sau: “Chuyên lấy Di Đà làm chủ Pháp môn, nói rõ là chú tâm lắng nghe mỗi niệm tại danh hiệu A Di Đà”. Phương pháp này giúp cho Sự Quán để đạt đến Lý Quán, tức nhằm đạt đến chứng đắc Nhất Niệm Tam Thiên. Trí Giả đại sư nhấn mạnh năm môn Niệm Phật :

1-     “Xưng danh niệm Phật vãng sanh môn” là chuyên niệm danh hiệu A Di Đà để cầu  vãng sanh.

2-     “Quán tướng diệt tội môn” là tưởng tượng Phật thân mà diệt trừ tội chướng.

3-     “Chư cảnh duy tâm môn” là quán Phật do tự tâm mà khởi, và quán các cảnh giới khác.

4-     “Tâm cánh câu phi môn” là quán rốt ráo tâm vô tự tánh.

5-     “Tánh khởi viên thông môn” là chứng đắc hạnh nguyện Phổ Hiền, viên mãn Niết Bàn.

Trí Giả đã quán xét căn cơ chúng sanh, thiết lập năm môn niệm Phật hổ trợ cho năm môn Chỉ Quán, để mau chứng Niệm Phật Tam Muội.

Đại sư đã trước tác “Ma Ha Chỉ Quán” đề cấp đến phương thức hành pháp “Nhất Tâm Tam Quán”, dùng phép quán cảnh giới Tây Phương làm phương tiện, như “ Như luận về chỉ quán niệm Phật A Di Đà ở Phương Tây cách đây mười vạn ức Phật độ, ở tại bảo địa, bảo trì, bảo thọ, bảo đường, có chúng Bồ Tát trong đó ngồi thuyết kinh.” Thông qua phép quán theo tinh thần của kinh “Quán Vô Lượng Thọ”, khiến tâm an tĩnh, y Chỉ Quán mà thành tựu Tam Muội “Tâm Quán Tịnh, Phật Độ Tịnh.”

Tóm lại, Thiên Thai Tông đã phát huy diệu dụng quán Niệm Phật để hổ trợ cho thực hành Chỉ Quán mau chóng thành tựu thể nhập thực tướng.  Đây là pháp tu thực dụng của Thiên Thai Tông sau này đại sư Trí Lễ tiếp nối tư tưởng Trí Giả, phát huy tư tưởng “Lý quán Niệm Phật và Duy Tâm Tịnh độ”, giáo lý ấy bao gồm hai môn chỉ quán, lý sự viên dung, chứng ngộ thực tướng.

 

5-    Niệm Phật trong giáo lý Tịnh Độ Tông

Giáo lý Tịnh Độ trên căn bản từ Tam Kinh Nhất Luận, hay Tịnh Độ Ngũ  Kinh và các kinh điển Đại Thừa đều thuyết minh tư tưởng Tịnh Độ rất cụ thể. Nếu trên lập trường giáo nghĩa Tịnh Độ Tông quan điểm A Di Đà là Thể, ý nghĩa vãng sanh làm Tông, Tín Hạnh Nguyện là dụng.  Nội dung giáo lý ấy thể hiện đầy đủ tinh thần Giới Định Tuệ. Quan niệm Thế Gian Vô Thường, Khổ và Vô Ngã mà thiết lập con đường thưc hành thoát ly Tam Giới.

Tây Phương Cực Lạc là thế giới của bản Nguyện theo tinh thần của Kinh Vô Lượng Thọ. Bốn mươi tám lời nguyện thiết lập Tịnh Độ cũng là nội dung của Bồ Tát hạnh, con đường tiến đến quả vị Phật.  Thế giới này có bao nhiều sự khổ thì Tây Phương có nhiều phúc lạc. Trên bình diện nhân quả có hai lĩnh vực thiện và ác, tốt và xấu, khổ đau và hạnh phúc, vậy thì thế giới nguyện lực của Phật và Bồ Tát từ Đại Bi, Đại Trí và Đại Nguyện mà Lập. Thế giới khổ đau hay nhiều cảnh giới khổ đau trong Tam Giới do nghiệp lực xấu ác của chúng sanh mà chiêu cảm.

Kinh A Di Đà và Kinh Quán Vô Lượng Thọ là con đường thực hành niệm Phật, thiền quán và tu tạo phước đức hồi hướng sanh Tây Phương. Niệm Phật và quán tưởng là Pháp tu thực tiển được chư vị Thánh Hiền tán thán, là phương tiện vi diệu độ chúng sanh thoát ly khổ đau sanh tử. Các vị Tổ sư đã vận dụng tác dụng của Niệm Phật danh để hổ trợ cho giáo lý Thiền quán để đạt đến giác ngộ.

Tư tưởng Phật lực và nguyện lực là diệu dụng của Đức từ bi của Phật, đó là sự hiển nhiên không phải là điều phàm phu đặt vấn đề tin hay không tin.  Do vậy, thực hành Niệm Phật là thừa hưởng được hai phương diện: Tự Lực và Tha Lực. Triết lý Tịnh Độ không đơn thuần trong tinh thần cứu rỗi, Mười Niệm vãng sanh là hiễn nhiên vì đối với chúng sanh kém phước đức có sự chuyển hóa tâm hướng thượng, cảm ứng bổn nguyện từ bi và thần lực của Đức Phật.  Một niệm hay mười niệm chí thành, nhất tâm hàm chứa vô lượng công đức, vì trong đó đã có Tín-Nguyện-Hạnh mới thành tựu.

Tây Phương có chín Phẩm, do trình độ chúng sanh sai biệt mà an lập. Trong Kinh A Di Đà nói  “Không thể lấy chút ít thiện căn phước đức được sanh ở cỏi Tây Phương”, là lời cân nhắc ân cần những ai chuyên ỷ lại hoàn toàn nghĩa Tha Lực mà đánh mất khả năng Tự Lực, mất đi lý tưởng cầu Tịnh Độ và lộ trình Bồ Tát đạo. Vì Tây Phương là cảnh giới của đại bi, đại nguyện, là trường dạy đạo của Phật và Bồ Tát, theo tinh thần Kinh A Di Đà vẫn có thực hành ba mươi bảy phẩm trợ đạo của giáo lý Đạo đế kia mà, ở đó chúng sanh mọi thời sống và tu học, nên mau thành tựu giác ngộ.

Ý nghĩa thiết thực Tịnh Độ là thực hành ngay đời sống này, làm tất cả điều thiện là ý nghĩa của Niệm Phật, xa lìa điều ác là ý nghĩa của Niệm Phật, giữ tâm ý trong sạch là ý nghĩa của Niệm Phật. Nếu không như thế khó mà thành tựu nguyện lực vãng sanh. Tư tưởng “Kiến Phật vãng sanh” như các tổ sư đã thực chứng trong đời sống này.  Như Kinh Di Đà thuyết: “Niệm Phật Nhất Tâm Bất loạn”.  Từ đó Tổ Huệ Viễn chủ trương niệm Phật đắc Tam Muội.  Ngài do sức Niệm Phật và được thấy Phật trong lúc Nhập định, đó là bằng chứng hiễn nhiên diệu dụng Niệm Phật.  Như vua Tần Bà Sa La trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói: chỉ thấy cảnh tướng thần lực của Phật trang nghiêm vi diệu mà chứng quả A Na Hàm.  Hoàng Hậu Vi Đề Hy nhờ thần lực của Phật thấy mười phương cỏi nước Phật mà đắc tâm bất thối.

 

6-    Niệm Phật trong lý tưởng tu học và phụng sự

 

Điều hành giả lưu ý là Ý Nghĩa Niệm Phật không chỉ áp dụng trong giáo lý Tịnh Độ truyền thống từ sơ Tổ Huệ Viễn ở Trung Hoa. Niệm Phật là phép thiền quán của các Tông Phái Tịnh –Thiền – Mật, phổ cập nhất trong đời sống sinh hoạt Tôn Giáo, Tín Ngưỡng, Triết Lý Phật Giáo.  Niệm Phật Tam Muội là phương thức tu Định, từ chánh định mà muôn đức phát sanh, là con đường tịnh hóa thân tâm, chung cho cả Đại thừa và Nguyên Thủy.  Niệm Phật không những là điều kiện vãng sanh mà còn là chứng đắc thật trí thông qua giáo lý “Niệm Phật Thật tướng” và lý tưởng “Nhân Gian Tịnh độ”.

Thế giới hiện tại, con người đang chạy đua theo nhu cầu của nền văn minh vật chất, kèm theo đó bao sự khủng hoảng về Tâm Linh. Con đường trở về Chân Như gặp không ít chướng ngại, Niệm Phật là Pháp môn thích hợp cho mọi người.  Nhân loại hôm nay cần từ lực Đại Bi của Phật và Bồ Tát để xua tan đau thương và thù hận. Niệm Phật thâu nhiếp hai nguồn năng lượng vĩ đại, đó là tự lực và tha lực giúp hành giả sớm thành tựu nguyện lực giải thoát.

Đức Quán Âm, Đức Thế Chí và vô số thánh nhân do thực hành Pháp Niệm Phật và phát đại nguyện cứu khổ ban vui cho chúng sanh mà thành tựu đạo nghiệp. Niệm Phật là lý tưởng tu học trên tinh thần Bồ Tát hạnh, điều này thể hiện rõ trong Kinh: “Kinh Vô Lượng Thọ”, “Đại Thế Chí Niệm Phật Viên Thông Chương” trong “Kinh Thủ Lăng Nghiêm” và “Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm” trong kinh Hoa Nghiêm. Do vậy, Niệm Phật là phương pháp tu trì thực tiển, là lý tưởng thực hiện Bồ Tát, giúp hành giả sớm thành tựu nguyện lực Vãng Sanh và sự chứng ngộ ngay trong cuộc đời này.

Thích Đức Trí


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage