LỜI TỰA CỦA BẢN VIỆT NGỮ
Một hôm thầy Phước Tịnh
đưa tôi vào Thiền viện Trúc Lâm. Ðược thầy Thông Phương cho phép chúng
tôi lên tàng kinh các xem một số kinh sách theo dự định. Sau khi duyệt
sơ qua vài tập kinh thuộc Ðại tạng chữ Hán, tôi nhìn thấy ở gốc trái
của kệ sách có một số tài liệu thiền của Trung Hoa và Việt Nam. Tôi
lưu ý một tập sách nhỏ: THIỀN BÍ YẾU PHÁP. Ngay cái tựa đề đã gợi sự
tò mò, nên mượn thầy Thông Phương về photo.
Sau hai mươi ngày làm
việc, tập Thiền kinh này đã được dịch xong, gồm 4 quyển. Trong 3 quyển
đầu có 30 phép quán: Từ phép quán bất tịnh thứ nhất, Ðức Phật dạy
Tỳ-kheo Ma-ha Ca-hy-la Nan-đà, để trừ nghiệp chướng phóng dật ngã mạn
đời trước, thành A-la-hán, đến phép quán phong đại thứ 30. Với những
phép quán này, hành giả sẽ đạt đến cảnh giới tối thắng, thành
A-na-hàm.
Ba mươi phép quán nói
trên rất phức tạp, chủ yếu là quán xương trắng, quán bất tịnh, quán sổ
tức và quán tứ đại. Những cảnh giới trong định quá nhiều, quá rộng,
chúng xuất hiện tùy theo căn cơ nghiệp cảm của hành giả. Do đó không
dễ gì hình dung một cách rõ ràng đầy đủ qua lời tường thuật. Các phép
quán cũng yêu cầu người hành trì có một sức định rất sâu.
Trong quyển thứ tư, Ngài
Ma-ha Ca-diếp thưa thỉnh Ðức Phật: Vì sao tỳ-kheo A-kỳ-đạt-đa, đệ tử
của Ngài, tu hành tinh tấn đắc quả A-na-hàm mà không tiến đến quả vị
A-la-hán được. Nhân đó Ðức Phật dạy tỳ-kheo A-kỳ-đạt quán tứ đại, quán
năm ấm đều vô thường, khổ, không, vô ngã. A-kỳ-đạt nghe lời Ðức Phật
dạy hoát nhiên ý được khai mở, đắc quả A-la-hán. Sau đó Ðức Phật nói
rộng về tất cả cảnh giới rất vi tế mà một hành giả cần phải phân biệt
trên đường tu tập từ A-na-hàm đến A-la-hán.
Tập Thiền kinh này được
Ngài Cưu-ma-la-thập dịch từ chữ Phạn ra chữ Hán. Nó thuộc truyền thống
thiền nguyên thủy. Nhưng khi được truyền lên phương bắc thì cách diễn
đạt mang sắc thái Ðại thừa. Bản chữ Hán này được khắc in ở Kim Lăng
tháng ba năm Dân Quốc thứ mười. Có lẽ vì lý do kỹ thuật nên có một sai
sót đáng tiếc: Trong 30 phép quán, cuối mỗi phép đều có ghi số thứ tự,
chỉ riêng phép quán thứ 26 không ghi, đến số 27 và 28 lại ghi là 26 và
27. Do đó không có số 28 mà đến ngay 29 và 30. Vì vậy người dịch điều
chỉnh lại đúng theo thứ tự, và thêm số la mã ở đầu mỗi phép quán để
phân biệt rõ ràng.
Do khả năng hạn chế của
người dịch, chắc chắn bản Việt ngữ này có nhiều sai sót- ngay bản chữ
Hán đã sai sót rồi. Hơn nữa, người dịch không có những dị bản để đối
chiếu và quyết trạch, thì việc lầm lẫn không sao tránh khỏi được. Cúi
mong các bực thức giả niệm tình phủ chính.