Hơn chục trẻ mặt mày lem luốc, tập trung trong
phòng học nhỏ lọt thỏm ở một góc chùa Liên Hoa (quận 8, TP HCM). Bên
những chiếc bàn nhựa cũ, em nào cũng cặm cụi, chăm chú học hành.
Cô
giáo vừa cho nghỉ, cả lớp đồng loạt đứng lên, nghiêm túc chào rồi xếp
thành hai hàng lần lượt ra cửa. Cũng nghiêm chỉnh như thế, trước mỗi giờ
học, các học sinh nhỏ đều chắp tay niệm phật và nhẩm đọc 10 lần câu
"Nam mô a di đà phật" để lòng thanh thản.
Đó là một trong những tác phong mà các thầy cô của lớp học tình
thương ở chùa Liên Hoa tập cho bọn trẻ để chúng dần đi vào nề nếp. Thầy
Thích Thiện Quý, chủ trì nhà chùa chia sẻ cảm giác không cam tâm khi
thấy nhiều trẻ em mặt mày lem luốc, thường xuyên tụ tập trước cổng chùa
để nghịch ngợm, chửi thề. Thầy Quý cùng các phật tử đã đứng ra mở lớp từ
năm 2006 để "chiêu sinh" các em về, dạy chữ.
|
Sau sưa với con chữ. Ảnh: Hải Duyên. |
Đến nay, lớp học tình thương trong chùa Liên Hoa có 4 nhóm, với
chương trình học từ lớp 1 đến lớp 5 và hoàn toàn miễn phí. Các thầy, cô
chịu trách nhiệm giảng dạy cũng làm không lương và hoàn toàn tình
nguyện. Phần lớn là các giáo viên đã về hưu, tuổi ngoài 60 nhưng vẫn
nhiệt tình với "nhiệm vụ trồng người", như cô Quỳnh Thị Anh, Nguyễn Thị
Ngọc Tuyết, thầy Nguyễn Văn Tổng...
Vị chủ trì cho biết thêm: "Gian nan lắm mới có được lớp học như ngày
hôm nay. Tôi cho từng phật tử tìm đến tận nhà xem gia cảnh rồi bàn với
bố mẹ bọn nhỏ để vận động chúng đi học. Thời gian đầu, cứ học được một
vài buổi lại có em bỏ lớp, ở nhà phụ việc. Thế là nhà chùa lại phải gặp
gỡ, nói chuyện và khuyên nhủ các phụ huynh".
Như em Kim Hoàng, mẹ bỏ đi từ khi còn nhỏ, sống một mình với cha
trong vựa vịt gần bến xe quận 8. Hằng ngày, cô bé gầy guộc vẫn tranh thủ
đi học buổi sáng còn chiều về giúp ba lượm xà bần, bán lấy tiền mua
gạo. Em Tuyết Nga, sau mỗi buổi đi học về thì giúp mẹ sổ lông gà làm
chổi để ba đi phụ hồ. Cuộc sống đã chật vật mà cô bé lại mắc bệnh tim
nên nhiều hôm phải nghỉ học.
Hầu hết trẻ khác đều gặp hoàn cảnh khó khăn tương tự, như bán vé số,
lượm ve chai... Trong đó còn có những trường hợp, trẻ là con của những
người dân nhập cư từ tỉnh lẻ, không hộ khẩu, giấy tờ, nên dù cố gắng học
hết các lớp ở chùa, được nhà chùa chuyển lên trường THCS Bông Sao vẫn
bị từ chối.
|
Xung quanh lớp học được treo nhiều lời dạy của Phật. Ảnh: Hải
Duyên. |
Bởi hoàn cảnh xuất thân của các em cùng đời sống chật vật, phức tạo
nên ngoài việc xóa mù chữ, các lớp học của chùa Liên Hoa được tổ chức
còn nhằm mục đích giúp bọn trẻ tập tính hướng thiện từ nhỏ. Các phòng
học được treo nhiều ảnh phật, các học sinh phải nằm lòng những câu kinh
đơn giản, niệm phật khi vào học là những quy định của lớp.
"Cuộc sống các em đã khó khăn, nên việc đi học và rèn luyện cách sống
thư thả, tịnh tâm là điều cần thiết. Chúng tôi tạo nên không khí học
vui vẻ, lành mạnh để các em nhìn thấy một mặt khác của đời sống này", cô
Quỳnh Thị Anh chia sẻ. Ngoài ra, sư Thích Thiện Quý còn tổ chức dạy
tiếng Anh vào hai buổi chiều cuối tuần, với sự tham gia tự nguyện của
nhiều giáo viên tiếng Anh và sinh viên chuyên ngành.
Tuy nhiên, nhà chùa cũng gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất. Dãy
nhà 5 phòng là nơi ở của các thầy xuất gia trong chùa được dồn lại,
dành riêng 2 phòng làm lớp học cho bọn trẻ. Không đủ chỗ học, các em ở
mỗi lớp phải thay nhau học thành hai ca mỗi ngày. Toàn bộ tập vở, túi
sách, bàn ghế trong lớp... cũng do nhà chùa lo hết.
"Nhà chùa nhận được khá nhiều sự quan tâm và lòng hảo tâm của các
phật tử. Xong, việc chăm lò từ điều kiện lớp học đến dụng cụ học tập...
ngày mỗi khó bởi số trẻ em nghèo đến học ngày càng nhiều hơn. Chùa vẫn
rất cần sự chung tay của nhiều người hơn nữa", vị chủ trì bày tỏ.
Hải Duyên (VnExpress)