Phật Học Online

Chuyển hóa tâm
Nguyên tác Tây tạng: Shamar Rinpoche Dịch sang tiếng Anh: Anila Rinchen Palmo Việt dịch: Lục Thạch

CHUYỂN HÓA TÂM
Nguyên tác Tây tạng: Shamar Rinpoche
Dịch sang tiếng Anh: Anila Rinchen Palmo
Việt dịch:  Lục Thạch

GIỚI THIỆU

            Giáo lý này đã được Shamar Rinpoche giảng ở tỉnh Dordogne Pháp, vào mùa hè năm 1982 trong chuyến viếng thăm Tây phương lần đầu tiên của ngài. Shamar Rinpoche là một trong những vị Lama hóa thân có nhiệm vụ giữ cho sự truyền thừa của dòng Kagyu (Mũ Đen) không gián đoạn giữa các lần tái sanh liên tiếp của Đức Karmapa trưởng dòng.

            Văn bản được làm căn bản cho bài giảng này, là một luận thư về cách phân biệt tâm thức bình thường với trí huệ nguyên thủy của Rangjung Dorje, Đức Karmapa thứ ba. Tác phẩm này chứa những điểm chính yếu về sự vận hành của tâm lúc còn vô minh cũng như lúc có ý thức trọn vẹn.

            Hai phần đầu của bài giảng này bình luận về luận thư của Rangjung Dorje và đã được Shamar Rinpoche trình bày trong chương trình thuyết pháp của ngài năm 1982. Phần thứ ba tập hợp những tài liệu được thực hiện vào tháng tư 1990 và tháng bảy 1991 cùng với một phần bài giảng về quyển "Tia sáng trăng đại ấn" mà Shamar Rinpoche đã thuyết trình trước công chúng ở Dordogne, tháng tư 1990.

            Hai phần đầu có tính cách triết lý còn phần thứ ba là lối tiếp cận thực tế tới sự vận hành của tâm bằng thiền quán.

 

DẪN NHẬP

            Nói chung tất cả những điều chúng ta biết tới có thể được chia làm ba loại: Thế giới vật chất bất động, thế giới không vật chất bất động, và thế giới tri thức. Vì tất cả những hạnh phúc lẫn  đau khổ mà chúng sanh kinh nghiệm, đều liên quan đến tri thức nên đây là điều chúng ta quan tâm tới nhất.

            Tri thức hoạt động theo hai cách: có vô minh (rối loạn) hay không có vô minh. "Tri thức vụn vặt" vô minh là tri thức của người bình thường. "Tri thức nguyên thủy" của chư Phật thì không có vô minh, rối loạn hay sai lầm. Giống như một khuôn mặt có thể biểu lộ qua hai nét mặt, hai nét này chỉ là một bộ mặt dưới hai phương diện khác nhau: Tri thức vụn vặt giống như nét mặt nhăn nhó tức giận, còn tri thức nguyên thủy thì giống nét mặt tươi cười an lạc. Trước sau chỉ có một bộ mặt, duy nét mặt là thay đổi. Bỏ nét mặt nhăn nhó của vô minh thì nụ cười tươi tắn không vô minh sẽ tự nhiên xuất hiện.

            Điều quan trọng là phải có khả năng phân biệt rõ ràng, tri thức vụn vặt vô minh có tính cách sai lầm và do đó là nguyên nhân của tất cả những vấn đề rắc rối của chúng ta, với tri thức nguyên thủy không vô minh, nguồn gốc của mọi phẩm tinh tốt.

           

Quyển sách này có ba phần: Phần thứ nhất bàn về tri thức vụn vặt hoạt động trong con người bình thường, phần thứ hai nói về tri thức nguyên thủy của một vị Phật và phần thứ ba nói về cách thực hiện tri thức nguyên thủy bằng thiền quán.

                                                                            Nguồn :Đạo Phật Ngày Nay


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage