Phật Học Online

Tấm gương hoằng pháp của Quá Hải Đại sư Giám Chân

Tương truyền vào năm Vĩnh Bình thứ 7 đời Minh Đế  nhà Hán, có lần vua nằm mộng thấy có người vàng (kim nhân) bay ở trên điện rồng. Hôm sau, vua kể chuyện này với quần thần, Thái sử Phó Nghị giải thích: “Ở Tây phương có bậc thần nhân tên là Phật, người mà bệ hạ nằm mộng thấy đêm qua, có lẽ là Phật”.


Hán Minh Đế bèn phái người qua Tây phương tìm hiểu về Phật pháp. Đầu năm Vĩnh Bình thứ 10 (67 sau Tây lịch), vua thỉnh được hai vị Tăng là Nhiếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan cùng với nhiều kinh kệ và tượng Phật, vua cho dùng ngựa trắng kéo về thành Lạc Dương, tiếp đãi trọng thể ở Hồng Lô tự. Sau đó, Hán Minh Đế cho sửa sang chùa Bạch Mã ở Lạc Dương để Nhiếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan ở đó làm việc dịch thuật Tứ Thập Nhị Chương kinh và Phật giáo cũng chính thức truyền vào Trung Quốc vào lúc này.

Đến thời Tam Quốc Ngụy Minh Đế, có hai vị Hòa thượng Ấn Độ là Nhương Nan Bạt Đà La và Da Xá Quật Đa đã dịch Ngũ minh luận trong đó có Y phương minh. Y phương minh là một hệ thống lý luận nêu rõ việc dùng tri thức y học như là một phương tiện để cứu giúp chúng sinh. Trong quá trình phát triển của Phật giáo tại Trung Quốc cũng như nhiều nước khác ở châu Á như Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên, Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar,.v.v... có rất nhiều vị tu sĩ Phật giáo là những y gia nổi tiếng về tài năng và đức độ.

Theo sách Trung Quốc truyền thống văn hóa dữ y học, trong bộ Đại tạng kinh (là bộ đại thành của kinh điển Phật giáo) có khoảng 400 chuyên luận về y lý, vệ sinh, dược học, bệnh lý, dưỡng sinh,.v.v... Điều này nói lên rằng, Y phương minh rất được các bậc tu hành vận dụng để truyền bá Phật giáo.

Một đại biểu xuất sắc nhất trong các tu sĩ này là danh tăng Giám Chân, người mà uy tín cùng với tài năng và đạo đức đã vượt ra ngoài Trung Quốc, được người Nhật Bản tôn kính cho đến ngày nay.

Giám Chân sinh năm 688 tại Dương Châu (nay thuộc địa phận tỉnh Giang Tô), sống vào đời nhà Đường ở Trung Quốc.

Thân phụ của Giám Chân là một thương nhân có họ là Thuận Vu, rất sùng mộ đạo Phật, từng theo học giáo lý với Trí Mãn thiền sư chùa Đại Vân. Thuở nhỏ, Giám Chân thường theo cha lên chùa, lấy làm thích thú trước những bích họa, tranh tượng và kinh điển. Đặc biệt là y viện và cơ sở bào chế thuốc trong chùa làm ông hết sức say mê.

Năm lên 14 tuổi, ông xin xuất gia tu Phật. Cha ông đồng ý, và vào năm đó (702), Giám Chân trở thành Tăng đồ của chùa Đại Vân. Ông chuyên tâm nghiên cứu Phật pháp và y học. Vốn là người thông minh, cần mẫn, ham học hỏi nên các kinh sách và y thư đều được ông lĩnh hội rất nhanh.

Có lần Tùy Dạng Đế đến Dương Châu, tháp tùng nhà vua có nhiều y gia tên tuổi đương thời, nhằm tuyển chọn một số y thư phó bản để lưu giữ trong hoàng cung. Giám Chân đã có duyên đọc qua hết các y thư này nên kiến thức về y học của ông được mở rộng rất nhiều.

Năm 18 tuổi (706), Giám Chân đến Trường An (nay là thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây) và Lạc Dương (nay thuộc tỉnh Hà Nam) để trau dồi thêm Phật điển và y học. Hai thành phố này cùng với Dương Châu là ba thành phố lớn đời Đường, có văn hóa phát triển, thương nghiệp hưng thịnh, sản vật phong phú, là thị trường mậu dịch rộng lớn giao lưu với nhiều nước khác trên thế giới. Riêng Dương Châu còn là một thị trường dược liệu lớn vì nơi đây tập trung rất nhiều loại dược liệu Trung Quốc và nước ngoài.

Trong thời gian ở Trường An, Giám Chân thường tháp tùng những vị cao tăng vào cung đình thuyết pháp nên có cơ hội tham quan Bộ Thái y, Y viện, Dược viện, và nhất là được tham khảo nhiều y thư cổ còn lưu giữ trong cung đình. Càng ngày, ông càng thu nhập được rất nhiều kiến thức quý giá.

Vào thời kỳ này, có dịch bệnh hoành hành từ kinh sư đến các tỉnh Hà Bắc, Sơn Đông. Giám Chân đã tham gia công tác phát thuốc và chữa trị cho dân chúng nên kinh nghiệm lâm sàng càng phong phú hơn trước.

Năm 26 tuổi (714), Giám Chân trở về Dương Châu sửa chùa Sùng Phúc, chùa Phụng Tháp, tiếp tục hành y và hoằng hóa Phật pháp. Ông còn xây dựng những khu vườn rộng lớn để trồng cây thuốc. (Hiện nay, Huy Châu Hội Quán và Bình Sơn Đường Đông Bắc ở Giang Tô chính là chỗ trồng dược thảo của Giám Chân ngày trước).

Năm 733, các nhà sư Nhật Bản là Vinh Duệ, Phổ Chiêu theo đoàn sứ Nhật Bản đến Trung Quốc mời cao tăng qua Nhật Bản để truyền giới luật. Vì vào thời đó, giới luật Phật giáo ở Nhật Bản chưa hoàn bị, các nhà sư không thể căn cứ nghi luật mà thụ giới. Sau khi hỏi han, tìm kiếm gần 10 năm trời, họ mới quyết định mời Đại sư Giám Chân.

Các đệ tử không muốn Đại sư ra đi nên có người thưa: “Đi qua Nhật Bản, đường xa vời vợi, biển cả mênh mông, trăm phần không chắc được một!”. Đại sư nói: “Đi giảng truyền Phật pháp thì tiếc gì đến thân!”. Thế là Đại sư quyết tâm vượt biển Đông để đến Nhật Bản theo lời mời của các nhà sư Nhật.

Sau 4 lần vượt biển không thành do các quan lại ở địa phương ngăn cản và do gặp sóng gió dữ dội ở biển khơi, vào năm 748, Đại sư lại vượt biển lần thứ 5, lúc đó ông đã 60 tuổi. Lần này, chỉ sau 14 ngày chống chọi với mưa bão, thuyền của ông lại trôi tấp vào phía Nam đảo Hải Nam. Từ Hải Nam, ông tìm đường trở về Dương Châu bằng cách đi qua các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và Giang Tây. Qua mỗi địa phương, ông đều học tiếng bản xứ và nghiên cứu cây thuốc ở nơi đó, tại Hồng Châu (nay là thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây), Đại sư có duyên gặp gỡ các y sư nước ngoài, trao đổi các kinh nghiệm quý giá về bệnh lý, lâm sàng và dược liệu. Ông cũng khảo sát các loại bệnh của phương Nam như lâm sơn chướng khí, phù thũng, các loại tạp bệnh,...

Trên đường về, một đệ tử của Đại sư không chịu nổi khí hậu nóng ẩm ở miền Nam nên đã ngã bệnh và qua đời. Đại sư vô cùng thương tiếc người học trò đắc lực của mình. Sau đó, nhà sư Nhật Vinh Duệ cũng lâm bệnh nặng rồi mất. Vì quá lao lực và quá thương tâm, Đại sư bị bệnh đau mắt, thuốc thang vô hiệu nên dẫn đến mù lòa.

Mấy lần vượt biển Đông không thành, trước sau thiệt mạng đến ba mươi sáu người, cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản, rồi đôi mắt bị mù, nhưng tất cả không làm Đại sư thối chí. Lúc nào ông cũng ôm ấp kế hoạch vượt biển hoằng pháp.

Năm 753, sứ giả Nhật trước khi về nước lại tìm đến Dương Châu bái kiến Đại sư và mời Đại sư sang Nhật. Không ngại tuổi cao, mắt mù, Đại sư quyết định theo thuyền Nhật Bản vượt biển lần thứ sáu. Ngày 10 tháng 11, Đại sư cùng với các đệ tử xuất phát từ bến Tứ Phố Châu Hoàng. Hơn một tháng sau, vào ngày 2 tháng 3 năm 754, Đại sư đặt chân lên kinh đô Nara của Nhật Bản. Nhật hoàng cùng nhân dân long trọng nghênh đón và tổ chức nghi lễ phong Giám Chân là Truyền Đăng Đại Pháp sư.

Năm đó đại sư Giám Chân lập giới đàn tại lớn phía Đông thành đô Nara. Có mười vị Hòa thượng Nhật Bản tham gia thụ giới. Từ đó bắt đầu thụ giới chính quy ở Nhật. Nhật hoàng bổ nhiệm Đại sư làm Đại Tăng Đô, trở thành Luật tông Thủy tổ Nhật Bản.

Năm 759 (Thiên Bình Bảo Tự thứ ba của Nhật), Đại sư bắt đầu hoạt động ở chùa Đường Chiêu Đề do ông xây dựng. Những người của hoàng cung như Thánh Võ Thái thượng hoàng, Hoàng thái hậu, Hiếu Liêm Thiên hoàng cũng dẫn đầu đăng đàn mời Đại sư truyền giới. Kế đó, hoàng tộc Sa di hơn bốn trăm người lần lượt thụ giới. Về sau các cao tăng Nhật cũng đến xin thụ giới ngày càng nhiều.

Trong lần qua Nhật an toàn này, Đại sư có đem theo rất nhiều kinh Phật, tượng Phật, dược liệu, y thư, nên tuy mắt đã mù nhưng vẫn làm được việc hiệu đính chữ sai ở các bản chép kinh.
Về mặt y học, trước khi đại sư đến, nền y học Nhật Bản chưa phát triển mấy, chủ yếu do giới Tăng lữ chi phối. Đại sư đã đem hết tâm sức để cải thiện hệ thống y dược và đào tạo những thế hệ thầy thuốc mới. Tuy mắt mù nhưng Đại sư vẫn giám định cây thuốc bằng khứu giác và xúc giác. Đại sư đã chỉnh lý, giám định khoa dược vật học Nhật Bản. Đến nay trong bảo khố còn lưu giữ sáu mươi thứ thuốc do Đại sư đem đến Nhật Bản thời đó.

Đại sư đã dùng y thuật chữa lành nhiều bệnh hiểm nghèo của dân chúng. Khi chữa lành bệnh mãn tính của Hoàng thái hậu, được Nhật hoàng ban danh hiệu là Đại Tăng Chánh và tôn xưng Niên Lão Chí Hành Ích Kiết.

Tác phẩm y học nổi tiếng của đại sư là Giám Chân thượng nhân bí phương, nhưng đáng tiếc là sách đã bị thất truyền; những trứ tác khác còn lưu giữ là Y tâm phương, Giám Chân phục chung nhũ tùy niên tuế phương, Kỳ hiệu hoàn,...

Những người đệ tử cùng đi với Đại sư có người giỏi điêu khắc, hội họa, kiến trúc,... đã truyền thụ văn hóa Đường vào Nhật Bản. Đây là những đóng góp quan trọng trong việc giao lưu văn hóa và phát triển quan hệ hai nước Trung Quốc và Nhật Bản.

Đại sư Giám Chân sống ở Nhật chín năm và viên tịch tại đây vào năm 763. Nhật hoàng tôn xưng là Quá Hải Đại Sư và cho dựng tượng thờ. Sự tích về cuộc đời hành y và hoằng dương Phật pháp của Đại sư Giám Chân được truyền tụng đời đời trong nhân dân. Các học giả văn hóa, lịch sử Nhật Bản tôn kính Đại sư là đại ân nhân của nền văn hóa Nhật.

Đến nay, những sự tích và di tích Đại sư Giám Chân vượt biển sang Nhật vẫn còn trưng bày tại nhà truyền thống Nhật Bản. Trong đó có một bức tranh vẽ Giám Chân Quá Hải Đại Sư và một bức đại tự viết Khai Sơn Giám Chân Hòa thượng Truyền Phương Kỳ Hiệu Hoàn.

Pho tượng Đại sư do các đệ tử khắc bằng gỗ sơn đã được nhân dân Nhật tôn thờ cho đến ngày nay. Vào năm 1980, Nhật Bản đem pho tượng này sang Trung Quốc một thời gian. Đó là một sự kiện lớn trong lịch sử giao lưu văn hóa Trung - Nhật. Điều này nói lên lòng ngưỡng mộ và tôn kính của mọi người đối với bậc danh tăng, danh y đã hy sinh một đời cho sự nghiệp hoằng dương Phật pháp.

ĐINH CÔNG BẢY (GNO)


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage