Như vậy được cái vô sanh hằng tri giác đó là nhập
được Phật tánh của mình. Nếu nhập được Phật tánh của mình thì gọi là
Phật chứ gì! Chúng ta cứ mong thành Phật được ngồi trên tòa sen có hào
quang rực rỡ, ông Phật đó là ông Phật gì? Ông Phật đó là ông Phật sinh
tử, hoặc là báo thân, hoặc là hóa thân. Phật Pháp thân thì không có
hình tướng.
Như vậy người có tu sẽ được kết quả rất cụ thể, còn
người không biết tu hết nghĩ chuyện này đến nghĩ chuyện nọ liên miên.
Trong khi cái biết thầm lặng luôn ở bên mình thì lại không hay, không
nhớ tới. Do không nhận được cái hằng tri hằng giác thầm lặng ấy, nên
chỉ nghĩ hơn nghĩ thua, nghĩ phải nghĩ quấy, cho đó là tâm. Chấp giữ
khư khư thân sinh diệt và tâm sinh diệt là mình thì trách gì không đi
trong luân hồi muôn kiếp sao được. Bởi cho cái sinh diệt là mình nên
vừa mất cái sinh diệt này liền ôm cái sinh diệt khác, cứ liên miên như
vậy, nên đi trong luân hồi vô số kiếp.
Nếu bây giờ biết rõ thân này là vô thường sinh diệt,
tâm phân biệt hơn thua phải quấy cũng vô thường sinh diệt; chỉ có cái
hằng tri hằng giác, không hình không tướng đó mới thật là mình. Cái đó
có bị lửa đốt cháy không? Không. Vì vậy nên nói hoa sen trong lò lửa.
Nói thân vô thường vì thân bị lửa vô thường thiêu
đốt, cháy mòn dần. Thí dụ như một cây củi tươi, đút vô lò lửa. Ban đầu
củi tươi cháy chậm, lần lần củi khô cháy nhanh hơn, cuối cùng nó bắt
cháy hết. Cũng như vậy, hồi ta sinh ra đến lớn lên năm mười tuổi, đầu
tóc xanh. Năm tháng chất chồng, lửa vô thường đốt riết bây giờ đầu bạc
trắng. Hồi xưa mặt mày no đầy, bây giờ bắt đầu nhăn nheo. Nó hiện tướng
khô đó, khô rồi thì tới cháy rụi. Rõ ràng chúng ta mang thân vô thường,
bị lửa vô thường đốt cháy. Có khi nó cháy gấp, có khi nó cháy muộn,
nhưng nhất định phải cháy.
Song trong cái vô thường đó, ngầm có một cái chân
thường, tức là cái không có hình tướng, hằng giác hằng tri. Không hình
tướng nên đâu bị vô thường, hằng giác hằng tri nên đâu phải là không.
Trong nhà Phật nói chỗ đó "không phải có, không phải không" (phi hữu,
phi vô). Bởi vì nó không phải có theo hình tướng vô thường, không phải
không vì nó hằng giác hằng tri.
Trên đường tu chúng ta nghiệm, nhận kỹ mới thấy,
từng phút từng giây chúng ta đang tiến chứ không phải là vô ích. Nhưng
vì lâu nay không ai giảng trạch cho mình biết, cứ cho rằng ngồi thiền
phải yên, phải lặng; mà sao mình ngồi vọng tưởng hoài, chưa yên chưa
lặng nên coi như mình tu chưa có kết quả. Năm năm, mười năm nhìn lại
thấy cũng còn vọng tưởng, bèn than: Ôi, mười năm rồi mà tu vẫn không có
kết quả gì, nên thối Bồ đề tâm.
Nếu quý vị ngồi thiền từ đầu giờ đến cuối giờ, chịu
khó để ý ngày nay nghĩ mười lần, ngày mai còn chín lần, ngày khác còn
tám lần… Như vậy là đã thấy bước tiến của mình. Niệm khởi là vô thường
là điên đảo. Qua những cái đó chúng ta có những phút giây sống với cái
chơn thường. Từ niệm điên đảo mà thức tỉnh, chúng ta sống lại với cái
bình lặng vô thượng chánh giác. Như vậy là mình có giác, chứ đâu phải
hoàn toàn mê.
Giả sử chúng ta còn vọng tưởng mà ông chủ vẫn hiện
tiền hoài thì có thiệt thòi gì đâu. Mỗi niệm dấy lên ông chủ thấy quở
nó, nó liền mất. Lát sau nó dấy lên niệm khác, ông chủ thấy lại quở nó,
nó liền mất. Cứ như vậy, trong nhà có khách bước vô, chủ chào hỏi, xong
khách bước ra. Đến người khác bước vô, chủ cũng chào hỏi… Cả ngày khách
tới lui tấp nập, nhưng ông chủ vẫn có mặt để chào hỏi khách thì có
thiệt thòi gì đâu! Chỉ sợ không có ông chủ, khách vô làm quyền ở trong
nhà thì mới nguy. Chứ còn trong nhà có chủ, khách bước vô, chủ chào rồi
đưa ra. Như vậy ông chủ có thiếu vắng lúc nào đâu?
Vậy mà nhiều người than thở hoài, "tu lâu mà không
có kết quả", vì quên ông chủ của chính mình. Nên biết giờ ngồi thiền
không phải thiệt thòi, mà chẳng những giờ ngồi thiền thôi, cho tới giờ
đi tưới hoa, nhổ cỏ, nấu cơm, lặt rau v.v… quý vị cũng biết rõ từng
niệm khởi. Đó là quý vị không thiếu ông chủ. Ông chủ vừa thấy dấy nghĩ
liền đuổi đi, như vậy có gì mất mát đâu? Nếu giờ nào cũng có ông chủ,
tức là giờ nào mình cũng có ông Phật. Tuy tu chưa thành Phật, mà lúc
nào cũng có Phật hộ cho mình. Đó là Phật luôn luôn gia hộ cho mình
không bị mấy đứa phàm tục chen vô.
Ngược lại cứ dong ruổi, thả trâu chạy cùng đường
cùng sá, chiều lại thắp hương cầu Phật phù hộ cho con, mà không chịu
nhận ông Phật thường trực gia hộ bên mình. Đó là lối tu quên gốc chạy
theo ngọn ngành. Cái gốc đó không xa, ở gần bên mình. Nên chúng ta
thường hay nói tu là cốt trở về cố hương. Cố hương ở đâu? Nếu nghĩ cố
hương cách đây chừng năm trăm hay một ngàn cây số là sai lầm. Chúng ta
phải nhớ cố hương ở ngay dưới gót chân mình chứ không ở đâu xa hết.
Chúng ta đang đứng trên cố hương mà quên mình đang đứng trên cố hương,
cứ nhìn đằng này đằng kia kiếm tìm cố hương. Đang đứng trên đất cố
hương, mà cứ nhìn ra ngoài nên nói quê hương xa mù, không biết ở đâu.
Như vậy mới thấy chúng ta hết sức điên đảo. Cái thật
hiện tiền lại quên, chỉ đuổi theo cái tưởng tượng, cái mình ước mơ. Bây
giờ muốn trở về cố hương, chúng ta phải làm sao? Chúng ta phải chịu khó
nhìn xuống chân mình thì thấy chớ gì. Vì muốn cho quý vị thấy cố hương
nên tôi mới khuyên mỗi khuya mỗi tối, quý vị ngồi dòm xuống một chút.
Đừng nhìn đi xa, nhìn xa thì quên bẵng quê mình. Nhìn xuống để thấy
mình đang ngồi, đang đứng tại quê hương cũ của mình. Đó là chúng ta
tỉnh, chúng ta giác. Còn nếu quên, chạy đi tìm đầu này góc nọ là chúng
ta mê. Quên là mê. Mê cố hương hiện tiền nên chạy tìm nơi nọ nơi kia.
Tất cả chúng tu hành là quay lại, nhận thẳng nơi mình, chứ không có ở
đâu xa.
Như vậy ngay nơi thân phàm tục này cũng vẫn có Niết
bàn. Nhưng Niết bàn đó chưa trọn vẹn, chỉ là Niết bàn từng chặng, từng
khoảng thôi. Lát thì sinh tử, lát thì Niết bàn, còn chập chờn chứ chưa
hoàn tất Niết bàn. Chừng nào như Tổ Huệ Khả, mọi duyên đều sạch, không
còn một niệm nào nữa, lúc đó chúng ta vẫn sống, vẫn đi lại, mọi công
tác chúng ta vẫn làm mà tâm hằng giác, hằng thanh tịnh, đó là Hữu dư y
Niết bàn. Như vậy Niết bàn xa không? Kiếm ở đâu? Chúng ta có quyền được
Niết bàn không? Có ai không có quyền đó không?
Lâu nay chúng ta cứ nghĩ Phật, Bồ tát mới có Niết bàn, còn mình là
phàm phu ngu si nên vô phần. Bởi vì chúng ta cứ ngỡ Niết bàn chỉ có khi
tu đến hoàn toàn viên mãn. Chúng ta biết mình có nhân Niết bàn rồi, thì
quả Niết bàn sớm chầy gì cũng sẽ được. Như vậy ai cũng có khả năng, ai
cũng có thể tu được quả Niết bàn. Khi niệm khởi là sanh tử, khi lặng lẽ
hằng tri là vô sanh. Sanh tử với vô sanh ở cạnh bên, một giờ ngồi thiền
ít ra cũng được phân nửa thời gian của vô sanh. Như vậy có buổi nào quý
vị không có Niết bàn đâu. Ngày nào cũng có Niết bàn nhưng nhiều ít vậy
thôi. Do đó trên đường tu không có chuyện luống công vô ích mà chỉ vì
chúng ta không nhận ra.
HT. Thích Thanh Từ