Lần mò theo sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm
đến Nhà Tình thương An Lạc. Vượt qua hơn cây số đường đất đỏ sình lầy
mới vào được tới nơi. Thấy chúng tôi đến, các em nhỏ chạy ùa ra sân chắp
tay chào rất lễ phép.
Đang cùng các em nhỏ dọn dẹp khu nhà ở, phủi vội lớp bụi trên
hai ống tay áo, thầy Thích Hạnh Trung dẫn chúng tôi vào ngôi nhà mát bên
ngoài vườn xoài rợp bóng. Tự tay rót nước mời khách, thầy Hạnh Trung
chậm rãi nói về công việc từ thiện khá đặc biệt của mình.
Đại đức Thích Hạnh Trung quy y đã hơn 20
năm. Buổi ban đầu, thầy theo học đạo và tu dưỡng tại Tu viện Vĩnh Đức
(Q2, TPHCM). Ngoài việc tu hành, thầy còn học thêm nghề lái xe và được
ban quản lý giao trách nhiệm đưa đón các tăng ni phật tử của tu viện và
các vị khách có liên quan mỗi khi có việc cần kíp.
Tận mắt chứng kiến hình ảnh đáng thương của
trẻ em mồ côi, khuyết tật, cơ nhỡ trong những chuyến đi công tác cùng
các đoàn cứu trợ, vị sư trẻ đã nuôi dưỡng ý tưởng xây dựng một ngôi nhà
tình thương để cưu mang các em nhỏ có số phận kém may mắn.
Suốt 8 năm trời theo học trung cấp rồi cao
đẳng phật học tại chùa Vĩnh Nghiêm (Q3,TPCHM) cũng là 8 năm thầy Thích
Hạnh Trung trăn trở suy nghĩ tìm cách thực hiện ý tưởng cao đẹp này dù
chỉ có hai bàn tay trắng.
“Mình đúng là cũng có cái duyên làm từ thiện”, đại đức Hạnh Trung cười
nói. Năm 2000, lúc tốt nghiệp cao đẳng phật học thì một tin vui bất ngờ
đến với vị sư trẻ đầy nhiệt huyết này. Một chị Việt kiều ở Đức khi nghe
thầy tâm sự về ước nguyện của mình, đã dùng toàn bộ số tiền tiết kiệm
mua hẳn khu đất rộng 8.000m2 bàn giao lại cho thầy. Khu đất tọa lạc tại
ấp Bàu Lâm, xã Lộc An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Có đất, thầy lại
tất tả ngược xuôi khắp nơi, trình bày ý định của mình với các nhà hảo
tâm, nhiều người đã tự nguyện đóng góp tiền, vật chất giúp xây dựng cơ
sở ban đầu với căn nhà lợp tôn hơn 100m². Cái tên “Nhà tình thương An
Lạc” chính thức ra đời.
Không thể dựa mãi vào các nhà hảo tâm, sẵn có nghề lái xe, đại đức Hạnh
Trung suy nghĩ và đi đến một quyết định táo bạo, nhờ một mạnh thường
quân giúp vay vốn mua một chiếc xe làm phương tiện chở khách thuê, “kiếm
cơm” nuôi trẻ. Suốt từ năm 2001 đến nay, thầy Thích Hạnh Trung miệt mài
cầm vô lăng chỉ với một mục đích là có nguồn thu nhập để lo cho các em
cơ nhỡ mà thầy “mắc nợ”. Đồng thời tằn tiện tiết kiệm xây thêm nhiều
công trình khác như tường, cổng rào, nhà bếp, nhà nghỉ, nơi sinh hoạt
cho trẻ. Hiện tại chi phí cho hoạt động của mái nhà tình thương này cộng
với lãi suất ngân hàng mỗi tháng lên gần 20 triệu đồng, tất cả đều nhờ
vào những cuốc xe của đại đức Hạnh Trung.
Nuôi hơn 30 trẻ em mồ côi, khuyết tật, lớn có, nhỏ có nhưng thầy Hạnh
Trung lại không kêu gọi sự giúp đỡ hoặc thuê mướn ai. Hàng ngày, những
lúc rảnh rỗi, không có hợp đồng chạy xe, thầy cùng với các em lớn tự tay
nhặt rau, nấu cơm để vừa giáo dục ý thức thương yêu người đồng cảnh
ngộ, vừa tập cho các em tính tự lực trong cuộc sống. Chia tay vị sư trẻ
37 tuổi này tâm sự: “Mình định sau này cho tổ chức hay cá nhân nào đó
thuê lại chiếc xe để có thời gian ở nhà chăm sóc các em nhỏ, đi hoài bỏ
tụi nhỏ ở nhà, mình thấy chưa làm tròn trách nhiệm…”.
Theo: Sài Gòn Giải Phóng