Phật Học Online

Lại nghĩ đến tiền

Điệu múa cổ Bài Bông được phục dựng và biểu diễn trong Đại lễ kỷ niệm 700 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập diệt
Gần đây, chính quyền TP.Uông Bí tái đề xuất thu phí Tăng Ni, Phật tử đến viếng non Yên Tử. Ông Nguyễn Thành Phố, Chủ tịch UBND TP.Uông Bí, Quảng Ninh đề nghị: “Triển khai thu phí tham quan Khu di tích Yên Tử nhằm mục đích “tạo nguồn kinh phí chủ động chi cho công tác hoạt động quản lý, bảo tồn và một phần để đầu tư trùng tu, tôn tạo Khu di tích danh thắng Yên Tử”, theo tin từ báo Tuổi Trẻ.

Theo thống kê từ UBND TP.Uông Bí, từ năm 1997 đến nay tổng số tiền tôn tạo và xây dựng tại Yên Tử do Nhà nước đầu tư là 41 công trình với tổng số tiền 142 tỉ đồng, trong khi đó chỉ từ năm 2007 đến nay, số công trình xã hội hóa là 12 công trình với tổng số tiền lên tới 402 tỉ đồng.

 “Cũng theo UBND TP.Uông Bí, số lượng khách đến với Yên Tử đã tăng từ 100.000 lượt (năm 2006) lên 2 triệu lượt (năm 2011). Có thể thấy rất rõ là từ khi dừng việc thu phí tham quan Yên Tử thì số lượng du khách tăng đột biến, thêm nữa là các công trình văn hóa tâm linh được xây dựng quy mô, đầu tư có hiệu quả hơn mà hoàn toàn chỉ dựa trên nguồn kinh phí xã hội hóa (do người dân đóng góp)”.

Cái gì dân tự nguyện đóng góp vẫn phong phú hơn điều kiện bắt buộc do Nhà nước đưa ra. Tâm linh là việc tùy hỷ, không thể quy ra tiền. Kinh tế chỉ có giá trị trong lãnh vực kinh doanh; nhà chùa không phải là môi trường để địa phương lấy cớ  thu chi. Cuộc sống phải có tính toán là chuyện đương nhiên, nhưng tín ngưỡng và cơ sở tín ngưỡng do dân đóng góp không thể là nơi làm ăn kinh tế dù dưới bất cứ nhãn hiệu nào. Huống nữa, Yên Tử là một địa linh đối với dân tộc, một ân điển đối với nhân dân - nơi gắn liền với nhân vật lịch sử - Đức vua Trần Nhân Tông - vị minh quân đã đem lại hưng thịnh, độc lập cho nước nhà được nhân dân kính ngưỡng.

Không bao lâu trước đây, đã có việc đề nghị quản lý thùng công đức của chùa, giờ đây lại thêm đề nghị thu phí Tăng Ni, Phật tử hành hương thánh địa Yên Tử! Không biết sau đó là những gì nữa.

Thiết nghĩ các cơ quan chức năng khi thực hiện vấn đề thuộc lĩnh vực tín ngưỡng tôn giáo và tâm linh nên xem xét kỹ, không nên đánh đồng với lợi lộc vật chất. Yên Tử là đất thiêng của Tổ quốc, không phải là đặc quyền của Quảng Ninh thì không thể khống chế quần chúng và cơ sở tâm linh bằng việc thu phí. Yên Tử luôn là quê cha đất tổ của người dân Việt, không nên vì lý do gì đó hạ thấp giá trị văn hóa, chính trị và tâm linh của tiền nhân bằng việc quy định thu phí bằng tiền bạc. Mong hãy thể hiện nét văn hóa - tâm linh của đất nước hơn là quyền lợi vật chất của một địa phương.

“Cửa chùa rộng mở” - đó là nét đẹp có từ lâu đời trong truyền thống văn hóa dân tộc mà Phật giáo đã gắn bó hai ngàn năm qua. Bởi vậy, không ngạc nhiên gì có rất nhiều phản ứng của quần chúng nhân dân trước đề nghị này, cũng như đã và đang có trước dự thảo “quản lý hòm công đức” của nhà chùa do các cơ quan chức năng về quản lý văn hóa đề nghị.

Mong đây chỉ là ý kiến cá nhân. Hy vọng chính quyền Quảng Ninh không bao giờ chấp nhận một đề nghị nông nổi như thế.

Minh Mẫn

Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương: “Đức Vua - Phật Hoàng Trần Nhân tông không chỉ là một vị vua anh minh mà còn là một thiền sư đắc đạo. Người đã gây dựng Thiền phái trúc lâm Yên Tử làm huy hoàng nền phật giáo Việt Nam. Đồng thời Ngài cũng là một nhà văn hóa kiệt xuất, người đã để lại cho nhân dân ta những thành quả to lớn mang tính kế thừa lịch sử văn hóa dân tộc. Điều quan trọng và cốt lõi là phải duy trì và bảo tồn quần thể di tích này để gìn giữ cho con cháu đời sau.”

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (nay là Tổng Bí thư): “Chúng ta cần phát huy những tinh thần, tư tưởng cao đẹp của Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông đối với sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, hòa bình... Với tư tưởng tu hành nhưng không trốn tránh việc đời, tinh thần hòa hợp dân tộc, đại đoàn kết toàn dân của Phật hoàng Trần Nhân Tông, chúng ta phải phát huy cao hơn nữa sự gắn bó của Phật giáo với công cuộc đổi mới đất nước đang diễn ra, đúng với tinh thần “Phật giáo trong lòng dân tộc”, “ở đạo vui đời” như những gì mà sự nghiệp lừng lẫy, tư tưởng cao đẹp của vua Trần Nhân Tông đã thể hiện và được lịch sử dân tộc ghi nhận, tôn vinh.”

(Phát biểu nhân Đại lễ kỷ niệm 700 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập diệt)


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage