Phật Học Online

Luận đề về vấn đề phóng sinh
Tác giả : Chúc Phú

Ðầy đủ ba pháp này, này các Tỷ-kheo, tương xứng như vậy được sanh thiên giới.  Thế nào là ba? Tự mình từ bỏ sát sanh, khích lệ người khác từ bỏ sát sanh, tùy hỷ sự từ bỏ sát sanh. Ðầy đủ ba pháp này, này các Tỷ-kheo, tương xứng như vậy, được sanh thiên giới(1).

Tình thương thì ai cũng có, tuy nhiên quy mô, tính chất và hạn lượng của tình thương thì không phải ai cũng như ai. Đặc thù đó đã làm nên một thái tử Shidhartta luôn trầm tư về bản chất của cuộc đời, để rồi từ những chất liệu đó đã mở ra một trang mới trong lịch sử tư tưởng nhân loại. Với Phật giáo, tình thương luôn đi đầu và mang tính cơ bản, vì tình thương ấy luôn nội hàm ánh sáng của trí tuệ và gắn kết với liệu pháp chữa trị, sẻ chia. Ở đây, một trong những biểu hiện của tình thương, đó chính là bảo hộ sự sống cho chúng sanh ở nghĩa rộng nhất có thể. Thuật ngữ Phật học biểu đạt về hiện thực sinh động này bằng hai chữ ngắn gọn: phóng sanh.

Phóng sanh tức là phóng thích, cứu mạng sống, ban cho sự tự do, giúp một chúng sanh trở về với đời sống thực sự của chúng… là một trợ hạnh trong các pháp môn tu tập của Phật giáo cũng như nhiều tôn giáo khác. Nhận thức đúng về trợ hạnh này giúp chúng ta có một thái độ ứng xử phù hợp, trong bối cảnh đã và đang có nhiều bất cập nảy sanh xung quanh hiện tượng phóng sanh.

Những tiền đề lý luận dẫn xuất hiện tượng phóng sanh

Thứ nhất, Phật giáo xem tình thương là chất liệu nền tảng. Tình thương trong Phật giáo nội hàm nhiều cấp độ và tình thương rộng lớn, không phân biệt nhân, ngã, bỉ thử… được xem là đỉnh cao của giác độ tình thương. Với Đức Phật, vì tình thương vô hạn đối với chúng sanh nên Ngài đã hy sinh tất cả để tìm cầu Thánh đạo. Sau khi đã ngộ đạo, Ngài lại chuyển vận bánh xe pháp để cứu giúp chúng sanh. Nếu như sự xuất hiện của Đức Phật là vì lợi ích, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiên và loài người(2) thì mục tiêu thuyết pháp của Đức Phật cũng chính là vì lợi tha và do lòng từ, Thế Tôn thuyết pháp(3). Cuộc đời của Đức Phật là biểu thị sinh động của một tình thương lớn, chất ngất, vô biên. Như vậy, từ cơ sở tình thương không phân biệt trong Phật giáo, từng bước dẫn sinh ra quan điểm cứu người, thương vật mà thuật ngữ gọi tắt là phóng sanh.

Thứ hai, bản chất của chúng sanh nói chung là ham sống, sợ chết, ghét khổ, ham vui. Vì sinh mệnh chỉ có một và là cái thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Ngay như con sâu, cái kiến cũng ý thức về điều đó. Trong kinh Tiểu bộ, tiền thân của Đức Phật đã từng mua cá từ ngư phủ để phóng sanh(4). Có thể nói, dường như đây là lần đâu tiên, việc mua cá phóng sanh được đề cập trong kinh điển nguyên thủy. Lý thuyết về phóng sanh được củng cố thêm bằng câu chuyện sinh động về các thiếu niên hành hạ các con cá và lấy đó làm vui, đã được Đức Phật khéo léo bảo lũ trẻ nên phóng thích con cá, Ngài đã dẫn dụ bằng những vần kệ: Nếu con không ưa khổ/ Dầu bất cứ chỗ nào/ Chớ làm các nghiệp ác/ Trước mặt hay sau lưng/ Nếu con làm, sẽ làm/ Các nghiệp ác, bất thiện/ Con không giải thoát khổ/ Dầu nhảy vọt và chạy(5). Đúc kết từ nhiều trường hợp tương tự như thế, Đức Phật đã khái quát tính chất chung này bằng bài kệ: Mọi người sợ hình phạt/ Mọi người thích sống còn/ Lấy mình làm ví dụ/ Không giết, không bảo giết(6). Trong những chuẩn mực đạo đức cơ bản của một vị Tỳ-kheo, thì không những phải từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh(7) mà còn phải không làm hại đến các hạt giống và các loại cây cỏ. Ý thức sâu sắc về nỗi khổ của tha nhân khi bị xâm hại mạng sống, vị ấy từ bỏ sát sanh, khuyến khích người khác từ bỏ sát sanh, nói lời tán thán từ bỏ sát sanh(8) và đây cũng là một trong những cơ sở để xuất sinh quan điểm bảo hộ mạng sống cho chúng sanh nói chung.

Thứ ba, khát vọng tự do và bình đẳng là khát vọng muôn thuở của con người và một số giống loài. Khát vọng chính đáng đó không phải ai cũng may mắn có được, vì có một số giống loài ngay từ lúc vừa sanh ra, chưa bao giờ nếm được hương vị của bình đẳng, của tự do. Sự mô tả chân xác trong kinh Trường bộ là một thực tế cay nghiệt dù ở bất cứ một thời đại nào: như một người nô lệ, không được tự chủ, lệ thuộc người khác, không được tự do đi lại(9). Đó là tâm sự tự ti của Tôn giả Sunita, vốn con nhà hạ tiện, làm lao công quét đường, được Phật độ vào dòng Thánh(10) và cũng là tâm trạng chán nản của nàng thiếu nữ Prakriti khi dâng nước cho ngài A Nan. Về phương diện nhân vị, Đức Phật luôn xác chứng sự bình đẳng giữa người với người. Sự cao sang hay bần tiện của một con người không phải do thân thích, dòng họ mà do chính bởi hành động của người đó. Bần tiện không vì sanh/ Phạm chí không vì sanh/ Do hành, thành bần tiện/ Do hành, thành Phạm chí(11). Cho nên xác lập bản vị cho con người cũng là một khát vọng mà Đức Phật và đệ tử của Ngài đã và đang thực hiện. Mặt khác, với chúng sanh nói chung, do túc nghiệp oan khiên từ bản thân, dòng tộc, cha mẹ nên một số giống loài khi hiện sinh ở kiếp này đã lâm vào cảnh bất bình đẳng về phẩm vị và đôi khi rơi vào vòng tù hãm, lao lung. Đó là hoạt cảnh chim lồng cá chậu, là sự dung dưỡng vật nuôi nhằm thỏa mãn sở dục vô hạn của con người. Ở đây, đưa con người trở về với phẩm vị của chính họ, đưa các loại sinh vật trở lại với môi trường sống thực sự của chúng, là một trong những phương thức phóng sanh theo nghĩa hiện thực, cụ thể.

Phóng sanh, một pháp hành hay chỉ là trợ hạnh?

Cần phải thấy rằng, quan điểm về phóng sanh không phải là một giáo thuyết đặc thù của riêng Phật giáo. Trong những tôn giáo song hành với Phật giáo tại Ấn Độ thì Kỳ Na giáo (Jain), hay còn gọi là Ni Kiền Tử (Nigantha), là một tôn giáo thoát ly ảnh hưởng của hệ thống kinh điển đồ sộ Veda và cực lực cổ xúy cho lý thuyết bảo hộ sinh mạng. Tư tưởng nền tảng của Kỳ Na giáo là chủ thuyết bất hại (Ahimsa), không được phương hại bất cứ sinh vật nào và nỗ lực bảo hộ sinh mạng của vạn vật đến mức có thể. Thậm chí, khi đi lại, các hành giả của phái này phải sử dụng một cái chổi để quét trước mỗi bước đi vì sợ giẫm chết các loài sinh vật nhỏ nhít. Trong kinh Ưu-ba-li(12), Đức Phật đã khéo léo minh giải sự bất toàn từ luận điểm này của giáo phái Ni Kiền Tử, vì theo Đức Phật, dù nỗ lực hết sức, cũng khó có thể tránh khỏi việc giẫm đạp lên vô số sinh linh nhỏ bé trong nhịp sống hành hoạt đời thường. Với Đức Phật, lý lẽ nền tảng cho quan điểm sát hại hay không sát hại chúng sanh căn cứ vào sự tác ý (Cetana) của con người. Hơn thế nữa, trong kinh Tương ưng, Đức Phật còn khẳng định bổ sung: Danh phải tương xứng người/ Người phải là bất hại!/ Ai với thân, miệng, ý/ Không làm hại một ai/ Ai không hại người khác/ Người ấy thật bất hại(13).

Đọc lại sự khẳng định của giáo trưởng Ni Kiền Tử (Nigantha Nataputta) được ghi lại trong kinh Trường bộ, đủ thấy thiết chế đó khắc nghiệt như thế nào: “Một người Nigantha (Ni Kiền Tử) sống chế ngự bởi bốn loại cấm giới. Này Ðại vương, thế nào là một người Nigantha sống chế ngự bởi bốn loại cấm giới? Này Ðại vương, một Nigantha sống gìn giữ đối với tất cả loại nước, gìn giữ đối với mọi ác pháp, sống tẩy sạch tất cả ác pháp và sống với ý chí gìn giữ đối với tất cả ác pháp”(14). Theo chủ thuyết của giáo phái này, chỉ có hành khổ hạnh đến mức khốc liệt, hoàn toàn vô sở hữu, ngửa tay xin ăn, hạn chế hoặc thậm chí không mặc gì cả và ngưng tạo nghiệp ác trong hiện tại, mới có thể đem đến hạnh phúc, giải thoát (moksa) cho người. Theo kinh Sa môn quả, chủ thuyết của giáo phái này vẫn không thỏa mãn thú hướng tâm linh của vua Ajatasattu, để cuối cùng nhà vua đã đến với Đức Phật và được khai thị.

Có thể nói, về phương diện đạo đức thực hành, cùng với tư tưởng bất hại (Ahimsa), quan điểm ăn chay được Kỳ Na giáo đẩy lên ở mức cao nhất. Và như vậy, cả hai điều này đã đồng thời xác tín việc bảo hộ sinh linh mà nghĩa tích cực là phóng sanh, là một pháp hành chính yếu trong phương pháp tu tập của trường phái mình.

Theo quan điểm của Phật giáo, trong phẩm hạnh của một vị Tỳ-kheo hành trì giới luật thì nguyên tắc không sát sanh chủ yếu nhấn mạnh về cấm giới: không sát hại, không làm thương tổn người (thuộc nhóm Parajika). Việc thực thi nguyên tắc này còn được bổ sung thêm chuẩn mực tôn trọng sự sống đến mức có thể như: Vị ấy từ bỏ làm hại đến các hạt giống và các loại cây cỏ(15), thậm chí ngay như phải hủy bỏ thức ăn thì cũng phải để ở nơi không có cỏ xanh, hay sẽ bỏ xuống chỗ nước không có chúng sanh trong ấy(16).

Trong giáo điển nguyên thủy, Đức Phật chưa từng nhấn mạnh cấm giới này quan trọng hơn các cấm giới khác ở trong nhóm Parajika. Vì sự thành tựu giới hạnh nói chung là vị Thánh đệ tử có giới hạnh, sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Patimokkha, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, thọ lãnh và tu học các học pháp. Này Mahanama, như vậy là vị Thánh đệ tử thành tựu giới hạnh(17). Cho nên việc bảo hộ sinh mạng chúng sanh, hoặc nghiêng về nghĩa phóng sanh, cũng chỉ là trợ hạnh, là một thiện pháp cũng như bao thiện pháp khác, cần phải kiện toàn trên bước đường tu tập.

Trên bước đường phát triển, đã có nhiều phân phái Phật giáo xuất hiện, định hình. Tùy theo chủ thuyết khai tông lập phái mà có sự khinh trọng về pháp môn tu cũng như các pháp hành, ứng xử đạo đức. Trong các kinh điển phát triển đề cập chi tiết đến hạnh phóng sanh, đó là kinh Kim Quang Minh(18) kinh Phạm Võng(19), kinh Dược Sư(20) và một vài kinh, luận khác. Chi tiết Trưởng giả Tử Lưu Thủy cứu đàn cá trong kinh Kim Quang Minh(21) đã trở thành biểu tượng phổ biến cho hạnh phóng sanh theo truyền thống Phật giáo Bắc truyền. Đặc biệt, truyền thống này được cổ vũ bởi những vị vua thâm tín và ủng hộ Phật giáo như các sắc dụ trên những trụ đá của vua Ashoka(22), các biến văn của Lương Vũ Đế(23), các Phóng sanh trì của Tống Chân Tông… để cuối cùng hạnh phóng sanh trong Phật giáo nói chung và Phật giáo Bắc truyền nói riêng, phần lớn khu biệt vào công cuộc giải cứu các loài thủy tộc, chim muông và mục đích phóng sanh nghiêng về xu thế cầu phước, trường thọ(24), giải nghiệp, cầu an.

Mối quan hệ giữa phóng sanh và nghiệp quả

Sự vận hành của dòng chảy nghiệp lực rối rắm như một tổ kén. Tính chất đặc thù này được Đức Phật khái quát như sau: Này Ananda, chính vì không giác ngộ, không thâm hiểu giáo pháp này mà chúng sanh hiện tại bị rối loạn như một ổ kén, rối ren như một ống chỉ, giống như cỏ munja và lau sậy babaja (ba-ba-la) không thể nào ra khỏi khổ xứ, ác thú, đọa xứ, sanh tử(25). Hình ảnh sinh động đó được Đức Phật nêu dẫn nhiều lần trong kinh để nhằm minh giải rằng, khó có thể nhận ra đâu là điểm khởi đầu hay kết thúc của một chu trình sinh mệnh. Do vậy, tất cả mọi sự tác động, ảnh hưởng đến chu trình sinh mệnh đều phải có sự cân nhắc và cẩn trọng đến mức tối đa. Phóng sanh là hành động can thiệp trực tiếp đến chu trình này.

Mặt khác, xuất phát từ quan điểm mỗi chúng sanh đều bình đẳng trên phương diện nghiệp lực của chính họ, đã cho thấy rằng, mọi sự tác động nhằm thay đổi nghiệp nhân căn bản đã gây tạo trước đó là bế tắc, là bất khả. Đó cũng là nỗi khắc khoải của ngài Mục Kiền Liên khi đã cố sức thi triển thần thông để bảo hộ dòng tộc Thích Ca(26); và đây cũng là tâm niệm khi ngài Mục Kiền Liên phó mặc thân thể để cho tên cướp đập nát xương Tôn giả ra, bắt chịu thứ cực hình gọi là “rơm và bột”(27), và cuối cùng, ngài an nhiên xả báo thân trước lẽ công minh của ân đền, oán trả. Ngay cả bậc đại dũng mãnh như Angulimala, nhưng khi nhận ra oan nợ tiền khiên đến thời đã chín thì cũng phải bị lỗ đầu, chảy máu, bình bát bị bể, ngoại y bị rách (28). Câu chuyện về “Trư hòa thượng”(29) mà Ni sư Trí Hải phỏng dịch là một mô tả sinh động về trường hợp này. Chuyện kể rằng, chùa có nuôi một con heo, trước lúc đi xa, Hòa thượng trụ trì - là người đắc đạo - đã dặn dò đại chúng khi heo chết thì cứ cho dân làng xử lý như lệ thường. Thế nhưng, do tình thương của những người chưa liễu ngộ nên đem heo đi chôn, để cuối cùng sinh thể đó phải thác sanh thêm một lần nữa để trả định nghiệp(30) “loạn đao phanh thây”. Có thể nói, sự nghiêm minh và sáng tỏ của luật Nhân quả đã cho thấy rằng những cố gắng nhằm thay đổi nghiệp quả được thể hiện ở việc bảo hộ sinh mạng, là hành động phóng sinh, chỉ là những nỗ lực ở phần ngọn, chưa mang tính căn cơ.

Đức Phật không thể tự tay mình đưa ai lên thiên giới cũng như đày ai xuống địa ngục khổ đau. Sự thanh cao hay đọa lạc của một cá nhân đều do chính bởi sự nỗ lực của mỗi cá nhân đó. Một hành động can thiệp thô bạo đến hoàn cảnh sống, đến mục tiêu chuyển hóa nghiệp lực của một chúng sanh, nhưng nếu như không có một sự cân nhắc của lý trí, của trí tuệ thì đôi khi đem đến một kết cục thảm hại. Hành động đó ví như nỗ lực phá tan lồng sắt để giải thoát cho những con chim. Ý nghĩa giải thoát đâu chưa thấy, chỉ thấy những con chim bị giam hãm lâu ngày nên không thể bay được, đã trở thành miếng mồi ngon cho chú mèo hoang dại. Do bởi lẽ đó, Đức Phật luôn cân nhắc về hành xứ của các loài hữu tình(31). Trong hành xứ của mình, bao giờ cũng bình an và an toàn cả, kể cả người xuất gia. Phóng sanh, tức phải đưa chúng sanh về đúng hành xứ của chúng. Cần phải nhận thức đúng và đầy đủ về điều này trước khi chuẩn bị thực hiện hạnh nguyện phóng sanh.

Trầm tư về vấn đề phóng sanh trong thời đại ngày nay

Với những thành tựu vượt bậc của các ngành khoa học kỹ thuật được áp dụng trong một số lãnh vực như gieo trồng và chăn nuôi, hơn bao giờ hết, đã có nhiều giống, loài được sản sinh, gia tăng về quy mô và chất lượng nhằm mục đích phục vụ cho sở dục đa dạng của con người. Bên cạnh đó, sự thu hẹp môi trường tự nhiên đã làm cho một số giống loài khác có nguy cơ tuyệt chủng. Sự mất cân bằng sinh thái mà nguyên nhân chính yếu cũng do bởi sự can thiệp mạnh bạo của con người.

Từ đây có thể thấy, đã có một số giống loài xuất hiện, sinh sôi trong môi trường nhân tạo và có một số giống loài khác có nguy cơ tuyệt chủng trong môi trường tự nhiên. Nhận thức đúng về thực trạng này không chỉ là yêu cầu bắt buộc của những nhà làm công tác nghiên cứu khoa học mà còn là việc cần làm của những ai mang tâm nguyện chia sẻ thương yêu, mở rộng sự sống. Từ thực trạng này, soi rọi vào hạnh phóng sanh, thì yêu cầu trước tiên là phải xác định rõ về bản chất của các chủng loại sinh vật và môi trường sống thích hợp của chúng, để từ đó có thái độ ứng xử phù hợp.

 Cụ thể, với các loại thủy tộc và gia cầm được nuôi cấy và chăm sóc theo phương sách của khoa học kỹ thuật hiện nay thì không thể tồn tại trong môi trường tự nhiên. Đưa chúng ra môi trường tự nhiên cũng đồng nghĩa với hành động chấm dứt mạng sống trước kỳ hạn của chúng. Cũng cần nói thêm rằng, kỳ hạn thọ mạng của một số giống loài hoàn toàn khác biệt nhau. Một ngày được sống thêm của cua cá, gia cầm, chim muông có thể là vài tháng, vài năm so với tuổi thọ của con người. Được sống thêm một ngày quả là khát vọng cháy bỏng không chỉ dành riêng cho con người. Có thể, chặng cuối của con đường được con người nuôi dưỡng trong các trang trại vẫn là bất lạc, là khổ đau; nhưng ít ra trong khoảng thời gian được sống trong sự chăm sóc đó, sinh vật vẫn được bảo đảm an toàn về tất cả các mặt. Với sinh vật nói chung, theo thiển kiến của người viết, có thể khát vọng giữa tự do và được cung cấp vật thực không giống như thụ cảm chủ quan của con người. Cho nên, việc phóng sanh đúng nghĩa ở đây cần được hiểu là phải bảo đảm các điều kiện sống cho các giống loài được phóng sanh. Đơn cử một ví dụ, mua cá từ trang trại để phóng sanh thì nên mua tất cả những trang thiết bị, vật thực, người chăm sóc, môi trường nước… cùng những điều kiện sống liên quan. Vì chỉ có như vậy thì sinh mạng của chúng sanh được phóng thích được đảm bào và hạnh phóng sanh mới đúng và đủ nghĩa hoàn toàn.

Từ thực tế việc phóng sanh hiện nay phần lớn chỉ chú trọng vào việc phóng thích sinh mạng của chúng sanh, đôi khi, người phóng sanh chỉ quan tâm đến số lượng sinh mạng mà không đảm bảo các điều kiện sống kèm theo, nên đã tạo ra những thảm trạng đau khổ cho một số giống loài. Theo cảnh báo của Hiệp hội Môi trường và Động vật tại Đài Loan, hàng năm có hàng chục triệu loài sinh vật bị chết, môi trường sống của sinh vật bị đảo lộn do hoạt động phóng sanh đang được khuyến khích và diễn ra rầm rộ tại khu vực nảy. Dự kiến, họ sẽ đề nghị chính phủ ban hành đạo luật cấm phóng sanh(32). Nếu nói theo kinh điển, thì sở dĩ thảm trạng này diễn ra là do người phóng sanh nhận thức sai về hành xứ của các loài hữu tình(33). Hành xứ ở đây cần được hiểu là điều kiện sống. Phóng sanh không đảm bảo hành xứ đồng nghĩa với việc sát hại chúng sanh.

Chư Tăng và phật tử Hoa kỳ phóng thích tôm hùm. Ảnh Reuters

 Trên bình diện ngược lại, sự cạnh tranh khốc liệt của các giống loài trong môi trường tự nhiên biểu hiện ở chỗ: sự hiện hữu của một giống loài này đôi khi kéo theo sự chấm dứt sinh mạng của một vài giống loài khác. Đôi khi phóng thích một sinh vật ra môi trường tự nhiên nhưng không có sự thẩm sát cần thiết của kiến thức chuyên môn thì dễ dẫn đến nguy cơ mất cân bằng sinh thái nhân tạo, mà nghĩa đen được hiểu ở đây, là sự chấm dứt mạng sống của chính nó hoặc của nhiều giống loài có ích khác. Câu chuyện siết chặt quản lý về ốc bươu vàng, về rùa tai đỏ(34) không chỉ liên quan đến việc giữ cân bằng cho môi trường sinh thái mà còn có liên hệ sâu xa đến ý nghĩa bảo hộ sinh linh. Trong liên hệ so sánh thì hành động phóng thích những sinh vật gây nguy hiểm cho những sinh vật khác cũng giống như hành động phóng thích các loài hổ, báo vào chỗ đông người. Làm bất cứ việc gì mà việc đó có khả năng gây nguy hại kẻ khác là điều mà giáo điển nhà Phật khuyến khích không nên làm.

Trên một bình diện khác, câu chuyện từ hãng Reuters ngày 4-8-2011 tường thuật, một nhóm Phật tử người Mỹ ở Massachusetts đã phóng thích 534 con tôm hùm ra biển khơi(35); gần hơn là chuyện Đại đức Thích Thiện Quý, trụ trì chùa Tâm Thành, Đồng Tháp, đã tổ chức phóng sanh động vật hoang dã ở Tràm Chim trên GNO(36), là những thông tin thiết thực về việc phóng sanh có cân nhắc về hành xứ của loài hữu tình. Đây là những dạng thức phóng sanh đúng nghĩa và cần được nhân rộng.

 Căn cứ theo kinh điển Phật dạy, một tư duy không đúng dễ dàng kéo theo một nghiệp bất thiện. Từ nghiệp bất thiện ban đầu này làm cơ sở để xuất sanh nhiều nghiệp bất thiện khác là việc không xa. Đó là lý do để hiểu tại sao ngày càng có nhiều nghề nghiệp liên quan đến việc phóng sanh của con người. Bắt chim để chờ đợi kẻ phóng sanh, nuôi cá để chờ người phóng thích… là những bất thiện nghiệp mới được nảy sinh khi trợ hạnh phóng sanh được nâng lên thành xu thế, thành phong trào và thậm chí một vài cá thể còn xem đó là hạnh tu. Trong liên hệ sâu xa của tương quan nhân quả, do vì một thiện niệm vắng mặt tuệ giác mà cái ác, cái xấu phát khởi, thì khổ quả là điều tất định mà cá nhân đó phải gánh chịu ở tương lai.

Cần phải thấy, cuộc đời cần lắm tình thương và hạnh phóng sanh chỉ là một trong những cách thức làm cho tình thương hiện hữu trong cuộc đời. Tình thương không thôi thì vẫn chưa đủ mà đòi hỏi phải có nhận thức đúng về hiện thực, về chuyên môn để định hướng cho tình thương.

Đến với chân lý không phải chỉ có một con đường. Cần phải vận dụng nhiều con đường, nhiều phương tiện phù hợp với sức lực, hoàn cảnh, điều kiện… để hành trình đi đến chân lý không tiêu tốn quá nhiều thời gian, sức lực, đau khổ và hy sinh. 

 

 Chú thích

(1) Kinh Tăng chi, chương Ba pháp, phẩm Lõa thể, kinh Sát sanh.

(2) Kinh Trung bộ, tập 1, Đại kinh sư tử hống, số 12.

(3) Kinh Trung bộ, tập 3, kinh Nghĩ như thế nào, số 103.

(4) Kinh Tiểu bộ, tập 4, Chuyện tiền thân Đức Phật, chuyện Con cá, số 34

(5) Kinh Tiểu bộ, Kinh Phật tự thuyết, chương Năm, phẩm Trưởng lão Sona.

(6) Kinh Tiểu bộ, kinh Pháp cú, phẩm Hình phạt, câu 130.

(7) Kinh Trường bộ, tập 1, kinh Sa môn quả, số 2.

(8) Kinh Tương ưng, tập V, tương ưng dự lưu, phần a, phẩm Veludvara, kinh Những người ở Veludvara.

(9) Kinh Trường bộ, kinh Sa môn quả, số 2.

(10) Kinh Tiểu bộ, Trưởng lão Tăng kệ, chương XII, phẩm XII kệ, ngài Sunita.

(11) Kinh Tiểu bộ, kinh Tập, kinh Kẻ bần tiện.

(12) Kinh Trung bộ, kinh Ưu-ba-li, số 56.

(13) Kinh Tương ưng, tập 1, chương 7, tương ưng bà-la-môn, phẩm A-la-hán thứ nhất, kinh Bất hại - Ahimsaka.

(14) Kinh Trường bộ, kinh Sa môn quả, số 2.

(15) Kinh đã dẫn.

(16) Kinh Trung bộ, tập 1, kinh Thừa tự pháp, số 3.

(17) Kinh Trung bộ, kinh Hữu học, số 53.

(18) Kim quang minh kinh tối thắng vương kinh, Đại chính tân tu Đại tạng kinh, tập 16, từ trang 403 - 456.

(19) Xem thêm: Bồ-tát giới Phạm võng, Hòa thượng Trí Quang, dịch, tiết 2, Nói về giới điều của Bồ-tát giới Phạm võng.

(20) Nguyên văn:  Này A Nan,… phóng sanh các loài vật, rải hoa đủ sắc, đốt các thứ danh hương để cúng dường Đức Phật Dược Sư, sẽ được lành bệnh và thoát khỏi các tai nạn.

(21) Kinh Ánh sáng hoàng kim, Tỳ-kheo Trí Quang, dịch, NXB. Tổng Hợp TP. HCM, 2011, từ trang 738 - 760

(22) Bi ký số 4, Nguyên văn: Vua Piyadasi cổ xúy việc khống chế sát hại sinh thú, Bia ký Girnar, ban vào năm 257 TTL, bản dịch của Trần Trúc Lâm.

(23) Xem thêm, Vương Chí Bình, Các đế vương với Phật giáo, Đào Nam Thắng, dịch, Lê Đức Niệm hiệu đính, phần 2, Lương Vũ Đế bỏ đạo theo Phật, Đoạn tửu nhục văn.

(24) Xem thêm, Kinh Ánh sáng hoàng kim, Tỳ-kheo Trí Quang, dịch, NXB. Tổng Hợp TP. HCM, 2011, tr.78. Xem thêm kinh Trung bộ, kinh Tiểu nghiệp phân biệt, Nguyên văn: Con đường ấy đưa đến trường thọ, này Thanh niên, tức là từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh và loài hữu tình.

(25) Kinh Trường bộ, Kinh Đại duyên, số 15.

(26) Kinh Tăng nhất a hàm, phẩm Đẳng kiến. Bản dich của Hòa thượng Thích Thanh Từ.

(27) Kinh Tiểu bộ, tập 9, Chuyện tiền thân Đức Phật, phẩm Bốn mươi bài kệ, chuyện số 522, chuyện Đại nhân thiện xạ Sarabhanga. Câu chuyện này bậc Đạo Sư trong lúc trú tại Trúc Lâm về sự diệt độ của Tôn giả Trưởng lão Mahàmoggallàna (Đại Mục Kiền Liên).

(28) Kinh Trung bộ, kinh Angulimala, số 86.

(29) Thích nữ Trí Hải, Đường vào nội tâm, phần VII, Trư hòa thượng.

(30) Xem thêm, Hòa thượng Thích Thiện Siêu, Định nghiệp trong Phật giáo.

(31) Kinh Tương ưng, tập V, Thiên đại phẩm, chương 3, Tương ưng niệm xứ, phần a, phẩm Ambapali, kinh Con chim ưng.

(32) Xem thêm, Đài Loan sắp ban hành luật phóng sanh. GNO, ngày 14.5.2012.

(33) Kinh Tương ưng, tập V, Thiên đại phẩm, chương 3, Tương ưng niệm xứ, phần a, phẩm Ambapali, kinh Con chim ưng

(34) Những sinh vật gây nguy hại về môi trường sống cho những sinh vật khác.

(35) http://www.reuters.com/article/2011/08/04/us-buddhists-lobsters-idUSTRE7734L520110804

(36)http://www.giacngo.vn/bandoctoasoan/bandoc/2012/06/02/12C21B/

Source: thuvienhoasen
Chúc Phú
(Nguyệt San Giác Ngộ)


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage