Trì chú xuất hiện nói chung là thông qua
môi giới những nhân vật đặc biệt được tin là có phép linh thiêng, có
khả năng tiếp xúc với thần linh và được thần linh trao truyền cho mật
chú. Ở các nước phương Đông hay phương Tây, nhiều mật chú được lưu
truyền, tin tưởng và sử dụng. Ở Trung Quốc, cả phù và chú đều được sử
dụng, phù là phù hiệu vẽ bằng bút, nó cũng đại biểu cho một sức mạnh
thần kinh nhất định, dân gian tin rằng phù chú có sức mạnh đuổi tà,
tránh dữ, giáng phúc cũng như một số loại thuốc dân tộc có tác dụng trị
bệnh vậy.
Khi đức Phật Thích Ca còn tại thế, có
một số ít đệ tử cũng dùng phù chú, nhưng đức Phật không cho phép. Sau
khi đức Phật diệt độ, những người theo đạo Phật dần dần trở nên phức
tạp, số người trước kia là phù thủy, đạo sĩ ngoại đạo sau quy y theo
Phật xuất gia làm Tỳ kheo. Nhưng họ vẫn tiếp tục dùng phù chú để chữa
bệnh. Trong quyển 27 bộ "Tứ phần luật" và trong cuốn 46 bộ "Thập tụng
luật" có ghi các truyện dùng chú trị bệnh.
Theo quan điểm cơ bản của Phật giáo, khi
có bệnh phải đến thầy thuốc, gặp tai nạn thì phải sám hối, phải có lòng
thành, làm điều thiện mới có thể chuyển hung thành cát, giải trừ được
oan trái và nghiệp chướng. Vì vậy, trên nguyên tắc không coi trọng việc
dùng mật chú.
Thế nhưng nếu thường xuyên trì tụng
những câu thuật chú nhất định thì cũng có thể tạo được sức mạnh của
thuật chú, trong đó tất nhiên có sức mạnh của thần linh. Nhưng trọng yếu
là sức mạnh của tâm niệm tập trung của người trì chú. Nếu chuyên tâm
nhất trí thường xuyên trì tụng một thuật chú thì có thể đạt tới hiệu quả
thiền định thống nhất thân và tâm, từ hữu niệm tiến tới vô niệm.
Vì vậy, trong giai đoạn phát triển về
sau của Phật giáo, người ta không phản đối pháp môn trì chú, hơn nữa các
câu chú chữ Phạn có ý nghĩa tổng trì nghĩa là thâu tóm tất cả, cho nên
dùng pháp môn trì chú thì có thể thâu tóm tất cả các pháp. Bất kỳ câu
chú nào mà tu trì đúng pháp và thường xuyên thì sẽ có hiệu quả lớn. Chủ
yếu là do công phu trì chú, kết hợp với giữ giới, tu định mà sinh ra
lòng từ bi và trí tuệ và tất nhiên có thể giúp tiêu trừ mọi nghiệp
chướng, nhờ đó có thể thông cảm với sức mạnh bản nguyện của chư Phật, Bồ
Tát.
Thế nào gọi là Vua của chú (chú vương) ?
Theo ý nghĩa tổng trì thì bất cứ câu chú nào, nếu trì tụng thật chuyên,
thành ra có sức mạnh, cũng đều là chú vương, trừ các câu tà chú, dùng
để lợi mình hại người hoặc để báo thù, rửa hận ra thì bất cứ câu chú nào
đều có thể trì tụng được cả.
Vào thời kỳ đầu Phật Giáo mới truyền vào
Trung Quốc, người ta không coi trọng trì chú. Nếu trì chú thì bị phê
phán là tạp tu, mặc dù vào thời Ngụy Tấn cuốn "Kinh chú Khổng tước
vương" đã được dịch ra còn cuốn "Đại bi chú" được dịch ra chữ Hán vào
đời Đường Cao Tôn. Đó là những tài liệu sớm nhất về Mật Giáo được truyền
đến Trung Quốc. Nhưng mãi tới đời Tống, với sự đề xướng của Đại Sư Tứ
Minh Tri Lễ, thuộc Tông Thiên Thai thì việc trì chú mới phổ cập. Vào
cuối đời nhà Đường "Chú Lăng Nghiêm" đã được truyền ở Trung Quốc.
Đến sau đời Tống "Kinh Lăng Nghiêm" được
phổ biến, xem trọng, mới được các chùa trì chú. Đến cuối đời nhà Minh,
cuốn "Thiền môn Nhật tụng" đã gồm có nhiều câu chú rồi.
Dưới các đời Đường, Tống, Phật Giáo
truyền vào Nhật Bản không lưu hành các câu chú. Ngoài Mật tông ra, các
câu chú không được xem trọng. Tịnh độ tông thì chuyên niệm Phật, Thiền
Tông thì chuyên tham thiền, Tông Thiên Thai thì chuyên tu chỉ và quán.
Vào thời kỳ Trung Quốc cận đại, người ta trì chú đồng thời kiêm tu các
pháp môn khác, đó là điều mà các giới Phật giáo Nhật Bản rất lấy làm lạ.
Đó là do ở Trung Quốc, có nhiều tỉ dụ của công việc trì tụng chú Đại Bi
nên chúng tôi không phản đối pháp môn trì chú.
Hiện nay trong các câu chú được sử dụng ở
Trung Quốc, đại bộ phận là danh hiệu các thần linh, vì theo tư tưởng
của Đại thừa thì sức mạnh của tất cả mọi thiện pháp và tác dụng của công
đức đều phát xuất từ quyền hiện và hóa hiện của chư Phật, Bồ Tát. Các
câu chú mà Phật giáo dùng đều có danh hiệu Phật và Bồ Tát, đều có lời
quy y Tam Bảo ở trong đó, nhưng đều dịch âm từ chữ Phạn, chứ không phải
dịch ra nghĩa chữ Hán. Tỉ dụ "Nam mô Phật đà, Nam mô Đạt ma, Nam mô Tăng
già" là chữ Phạn về quy y Tam Bảo. Nếu tụng "Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát"
thì lời lẽ ý tứ rõ ràng hơn.
Người trì chú đúng đắn, tốt nhất là phát
âm theo nguyên âm tiếng Phạn. Tụng tiếng Phạn, mọi âm tiết đều có tác
dụng và ý nghĩa của nó. Như trong từ A di đà, cần phát âm A cho chuẩn.
Thế nhưng trong tất cả các pháp môn, tâm là chủ, thanh là thứ yếu. Hàng
nghìn năm lại đây, người Trung Quốc niệm "Nam mô A di đà Phật" không hề
thấy xảy ra hậu quả hoặc tác dụng xấu nào cả. Hiện nay, chú Đại Bi được
người Trung Quốc, người Tây Tạng, người Nhật, người Triều Tiên, người
Việt Nam trì tụng với âm thanh khác nhau, nhưng đều đạt tới hiệu quả
giống nhau.
Còn việc trao truyền chú thuật là tập
tục của Lạt ma Giáo Tây Tạng của những vị Lạt Ma cao cấp. Thầy trò
truyền cho nhau pháp gọi là Du Già mật, hay là Vô thượng Du Già Mật,
theo những nghi thức nhất định và tự tu hành nhất định.