Phật Học Online

Bồ tát Đại Thế Chí

Bồ tát Đại Thế Chí còn gọi là Đắc Đại Thế Bồ tát, Đại Tinh Tấn Bồ tát, Vô Biên Quang Bồ tát… Đại Thế Chí Bồ tát vì Bồ tát thường dùng ánh sáng trí tuệ chiếu khắp mọi loài, khiến chúng sanh mười phương thế giới thoát khổ đau, thành tựu đạo quả Bồ đề. Đắc Đại Thế Bồ tát vì Bồ tát có hạnh nguyện đại hùng đại lực đại từ bi, dùng hạnh nguyện này để trụ trong Ta bà thế giới, điều phục và tiếp độ chúng sanh cang cường.

Bình báu trên đầu hiện Phật sự

Trong lỗ chân lông thấy mười phương

Giở chân chấn động các cõi nước

Khắp nhiếp chúng sanh về Lạc bang.

Bài kệ tán thán oai lực vĩ đại và hạnh nguyện cứu độ chúng sanh cao cả của Bồ tát Đại Thế Chí, vị Bồ tát có nhân duyên sâu nặng với chúng sanh trong thế giới Ta bà. Ngài là vị Bồ tát đã thành Phật trong kiếp quá khứ, nhưng vì tình thương chúng sanh bao la mà kiếp này thừa nguyện tái lai thị hiện làm thân Bồ tát ở thế giới Tây phương Cực Lạc, để trợ duyên với Phật A Di Đà giáo hóa và tiếp dẫn tất cả chúng sanh khổ đau trong mười phương thế giới.

Bồ tát Đại Thế Chí còn gọi là Đắc Đại Thế Bồ tát, Đại Tinh Tấn Bồ tát, Vô Biên Quang Bồ tát… Đại Thế Chí Bồ tát vì Bồ tát thường dùng ánh sáng trí tuệ chiếu khắp mọi loài, khiến chúng sanh mười phương thế giới thoát khổ đau, thành tựu đạo quả Bồ đề. Đắc Đại Thế Bồ tát vì Bồ tát có hạnh nguyện đại hùng đại lực đại từ bi, dùng hạnh nguyện này để trụ trong Ta bà thế giới, điều phục và tiếp độ chúng sanh cang cường. Đại Tinh Tấn Bồ tát vì Bồ tát có sức tinh tấn vĩ đại, điều phục các phiền não và giáo hóa chúng sanh không bao giờ mệt mỏi. Vô Biên Quang Bồ tát vì nơi thân Bồ tát có màu vàng tía chiếu khắp pháp giới, chúng sanh nào có duyên liền thấy được ánh quang minh tịnh diệu của vô lượng chư Phật ở khắp mười phương.

Trong Tây phương Tam thánh, Ngài thường đứng bên phải của Phật A Di Đà, đối diện với Bồ tát Quán Thế Âm, nhằm nói lên Ngài là một trong các vị Thượng thủ trong chúng hội Bồ tát. Lại nữa, Bồ tát Quán Thế Âm biểu thị cho tinh thần đại bi, Bồ tát Đại Thế Chí biểu thị cho tinh thần đại trí, qua đó nói lên ý nghĩa người tu hành cần phải có bi trí viên mãn mới có thể thành tựu được Phật đạo.

Bồ tát thân cao tám mươi muôn ức na do tha do tuần, da màu vàng tử kim, trong thiên quan của Ngài có năm trăm hoa báu, mỗi một hoa báu có năm trăm đài báu, trong mỗi đài báu đều hiện quốc độ tịnh diệu của chư Phật mười phương, nhục kế như hoa Bát đầu ma, giữa nhục kế có một hình báu, khác hình báu nơi nhục kế của Bồ tát Quán Thế Âm.

Còn trong Hiện đồ Mạn đồ la Thai tạng giới của Mật giáo, Ngài là vị thứ hai ở phương trên trong viện Quan Âm, ngồi trên hoa sen đỏ, thân màu trắng, tay trái cầm hoa sen mới nở, tay phải co ba ngón giữa đặt trước ngực. Mật hiệu là Trì luân kim cương, hình Tam muội da là hoa sen mới nở.

Theo kinh Quán Vô Lượng Thọ, vô lượng hằng sa kiếp trước, thời Phật Bảo Tạng, tiền thân Ngài là thái tử Ni Ma và Bồ tát Quán Thế Âm là thái tử Bất Huyền con của vua Vô Tránh Niệm. Bấy giờ đức vua cùng với hai vị thái tử đến đạo tràng cúng dường và nghe Phật Bảo Tạng thuyết pháp. Đồng thời được Phật Bảo Tạng thọ ký, vua Vô Tránh Niệm tương lai sẽ thành Phật hiệu là A Di Đà ở thế giới Cực Lạc, thái tử Bất Huyền sẽ thành Phật hiệu là Biến Xuất Nhất Thiết Quang Minh Công Đức Sơn Vương Phật, còn thái tử Ni Ma sẽ thành Phật hiệu là Thiện Trụ Công Đức Bảo Vương Phật.

Nói đến Bồ tát Đại Thế Chí, chúng ta liên tưởng đến công hạnh đặc trưng của Ngài là tinh thần đại hùng đại lực đại từ bi. Người tu Bồ tát đạo muốn viên mãn quả vị Phật cần phải có đầy đủ tinh thần này. Do vì Bồ tát có đại hùng mới dám xả ly những tham muốn dục lạc thế gian, có đại lực mới kham nổi những công hạnh Bồ tát đạo “Làm những việc khó làm, nhẫn những điều khó nhẫn”, có đại từ bi mới có thể làm tròn hạnh nguyện giáo hóa chúng sanh cang cường khó điều phục.

Với tinh thần đại hùng đại lực, trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, Tôn giả A Nan sau khi được Đức Phật chỉ cho thấy được chân tâm rộng lớn, Ngài đã đối trước Phật phát đại nguyện.

Đời ngũ trược con nguyện vào trước

Nếu có chúng sanh nào chưa thành Phật

Con nguyện không thọ hưởng Niết bàn

Đại hùng đại lực đại từ bi.

Cũng thế, Bồ tát Đại Thế Chí ngày nay tuy đã thành Phật nhưng Ngài không an trụ trong cảnh giới Niết bàn thọ dụng pháp lạc mà thị hiện thân Đẳng giác Bồ tát, dù chúng sanh có cang cường nhưng Ngài không nản chí, thệ nguyện vào cõi ngũ trược ác thế để giáo hóa chúng sanh. Dù bao gian lao, nhọc nhằn và nguy khó, Bồ tát vẫn không sờn lòng.

Với tinh thần đại từ bi, Ngài dùng trí tuệ quan sát thấy căn tánh của chúng sanh trong thời mạt pháp phần nhiều nghiệp mỏng chướng dày, căn lành nông cạn, nếu tu các pháp môn khác ngoài pháp môn niệm Phật, e khó thành tựu đạo quả giải thoát, vì thế Bồ tát đặc biệt xiển dương pháp môn này.

Trong kinh Lăng Nghiêm, chương Niệm Phật viên thông, khi Đức Phật Thích Ca hỏi về pháp môn tu hành, Bồ tát cho biết Ngài tu theo pháp môn niệm Phật mà được thành tựu. Bồ tát bạch Phật: “Con nhớ hằng sa kiếp về trước, có Đức Phật ra đời hiệu là Vô Lượng Quang, lúc đó có mười hai Đức Như Lai thành Phật trong một kiếp, Đức Phật sau hết hiệu là Siêu Nhật Nguyệt Quang Như Lai dạy cho con pháp môn niệm Phật… Nhân lành của con là dùng tâm niệm Phật mà vào Vô sanh pháp nhẫn, nay ở cõi này tiếp dẫn những người niệm Phật vãng sanh Tịnh độ”.

Theo lời Bồ tát dạy, người niệm Phật muốn khi lâm chung được vãng sanh Tịnh độ thì trong khi niệm Phật phải có tâm chuyên nhất. Ngài dạy: “Mười phương chư Phật thương nhớ chúng sanh như mẹ nhớ con… Nếu tâm chúng sanh tưởng Phật nhớ Phật, thì hiện tiền hay đương lai nhất định thấy Phật, cách Phật không xa, không cần tu phương tiện nào khác mà được thành Phật”.

Như vậy, yếu quyết tu niệm Phật của Bồ tát muốn nhắn gởi đến hành giả niệm Phật không ngoài điểm: “Nhiếp cả sáu căn, tịnh niệm nối nhau, được Tam ma địa, đó là bậc nhất”. Đây là điều quan trọng mà người tu niệm Phật trong khi hành trì cần phải chú ý mới có thể thành tựu ước nguyện vãng sanh.

Tóm lại, với lý tưởng độ sanh cao cả, với tinh thần không khuất phục trước gian lao, ngày nào chúng sanh trên cuộc đời này còn khổ đau, thì ngày đó Bồ tát Đại Thế Chí vẫn còn miệt mài công việc cứu độ chúng sanh đưa lên bờ Niết bàn. Học theo hạnh nguyện đại hùng đại lực đại từ bi của Ngài, chúng ta cần giữ vững được lập trường tu hành, thực hiện trọn vẹn tinh thần Tứ hoằng thệ nguyện. Khi chúng sanh cang cường vẫn thệ nguyện độ, phiền não đầy dẫy vẫn thệ nguyện đoạn, pháp môn vô lượng vẫn thệ nguyện học và Phật đạo dài xa vẫn thệ nguyện thành.

Thích Nguyên Liên (Theo Giác Ngộ/www.chuyenphapluan.com)

 


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage