Phật Học Online

Vì sao phương Tây yêu mến Dalai Lama?
BBC

Với chính phủ Trung Quốc và nhiều người dân nước này, Dalai Lama là kẻ khích động bạo lực, biện hộ cho một xã hội phong kiến, thần quyền, lạc hậu, tàn nhẫn.

-2009-dalove.jpg

Nhưng với nhiều chính trị gia và người dân Tây phương, Đức Dalai Lama là siêu anh hùng chính trị, tinh thần luôn mỉm cười.

Với một số người, ông thuộc vào hàng ngũ đại nhân vật mà hiện chỉ có một người nữa - Nelson Mandela.

Thật khó mà không nghĩ rằng Dalai Lama được một số người gần như xem là Ông già Noel thân thiết, nói như Tiến sĩ Nathan Hill, giảng viên cao cấp về Tây Tạng ở trường Nghiên cứu phương Đông và châu Phi (SOAS), London.

"Ông rất ăn ảnh. Ở phương Tây chúng ta thích những ngôi sao. Ông là người cực kỳ dễ bắt chuyện, cực kỳ thông minh. Tôi thấy ông ấy cực kỳ khôn ngoan về chính trị, luôn nhìn về phía trước."

Có nhiều người ở Tây phương tìm kiếm một lực đẩy tinh thần không đe dọa trong thời đại của chủ nghĩa vật chất - đó là gợi ý của Alexander Norman, người gần đây viết sách, Những cuộc đời bí mật của Dalai Lama.

"Có khao khát to lớn ở phương Tây thế tục...khát khao những gì trái với những lợi ích mà xã hội công nghiệp hiện đại có thể đem tới."

Thử tìm trên Amazon về các sách của Dalai Lama và ta thấy danh sách dài những lời khuyên tinh thần và giúp đỡ.

Sự mến mộ Dalai Lama cũng đánh vào ý tưởng của một số người phương Tây về Tây Tạng như một thiên đường xa xôi.

dalai_lama_226.jpg

Hình ảnh Dalai Lama từ khi còn trẻ đến hôm nay

Tiến sĩ Hill nói: "Tây Tạng có chính sách từ 1792 tới 1903 không để cho người phương Tây vào nước họ. Nó tạo ra một huyền thoại. Một quốc gia gần như đóng cửa trước người da trắng."

"Khi ta có thêm thông tin, ta hình dung Tây Tạng như một miền đất huyền hoặc của màu nhiệm và kỳ diệu. Đó là sản phẩm của văn học du ký phiêu lưu châu Âu."

Có cảm giác Dalai Lama được mô tả về chính trị theo một cách không hoàn toàn đúng như thực tế.

Norman nói: "Phần nào đó, ngài là bức ảnh quảng cáo cho nhiều phong trào - quyền động vật, tôn giáo. Có nhiều suy nghĩ phi thực tế xoay quanh Dalai Lama."

Bối rối

Sự bối rối của phương Tây về Dalai Lama được minh họa rõ nhất bởi những cố gắng phân tích quan điểm của ngài về quyền của người đồng tính.

Ông đã biểu lộ sự ác cảm với tình dục đồng tính, và ngay cả tình dục đường miệng giữa những cặp bạn tình, nhưng có những lúc lại có quan điểm tinh tế hơn, theo lời Norman.

"Ngài sẽ nói đó là lựa chọn của bạn, tùy vào lương tâm con người. Ngài rất để ý việc không làm người khác mất lòng."

Một số người Tây Tạng lưu vong chỉ trích ngài là giữ quan điểm trung hòa, phi bạo lực, theo Norman. Những người khác thì chỉ trích ngài là đã sai lầm khi cấm thờ phụng thần có tên Shugden.

Robert Barnett, giám đốc Nghiên cứu Tây Tạng Hiện đại ở Đại học Columbia, nói: "Trong những người lưu vong, ngày càng có thiểu số công khai chống đối ngài, nhưng đó là thiểu số nhỏ."

"Bên trong Tây Tạng, gần như ai nấy đều ngưỡng mộ ngài, và vì cố gắng có giải pháp phi bạo lực."

Đã có tranh luận là liệu Dalai Lama và các đồng sự có vẽ bức tranh chính xác về Tây Tạng trước sự can thiệp của Trung Quốc năm 1950, hay liệu huyền thoại có phải là do những người ngưỡng mộ ở phương Tây tạo ra.

Tiến sĩ Hill nói một số người ngưỡng mộ mù quáng còn tin rằng ở Tây Tạng trước 1950, "phụ nữ hưởng quyền bình đẳng và tất cả đều chan hòa với môi trường."

Nhưng theo Norman, trách nhiệm cho việc thần thánh hóa không thể quy hoàn toàn cho Dalai Lama.

"Ta có thể cáo buộc ngài vẽ một bức tranh phi thực tế về Tây Tạng. Nhưng mặt khác, người Tây Tạng thực sự nghĩ về đất nước họ như vậy - hình ảnh lãng mạn."

Sự chỉ trích của Trung Quốc về Dalai Lama, mặc dù chủ yếu liên quan ý tưởng rằng Tây Tạng đã thuộc về Trung Quốc trong lịch sử, nhưng nó cũng lên án ý tưởng rằng đã có một thiên đường Shangri-La trước 1950, mà thay vào đó, họ tập trung về chế độ nô lệ và điều kiện sống tồi tệ.

Donald Lopez, Giáo sư Nghiên cứu Tây Tạng và Phật giáo ở Đại học Michigan, nói: "Dalai Lama là một trong những nhà chỉ trích gay gắt nhất về 'Tây Tạng cũ'."

"Ngài không phải là người cung cấp Hội chứng Shangri-La. Có bằng chứng là ngài sẽ đưa ra cải tổ chính trị nếu người Trung Quốc đã không xâm lăng."

dalai_lama_2263.jpg

Dalai Lama cũng có óc hài hước

Theo Giáo sư Barnett, ý tưởng rằng người phương Tây tôn thờ Dalai Lama mà không biết gì về sự phức tạp của Tây Tạng thì là sai lầm, cho dù ý này "rất thời thượng".

Ngoại giao tách trà

Vị trí của Tây Tạng ở điểm giao nhau của ba cường quốc hạt nhân và đóng vai trò quan trọng về nguồn cung cấp nước cho thế giới sẽ luôn khiến Tây Tạng vượt lên trên thân phận chỉ là thứ tiêu khiển của phương Tây.

Có động cơ rõ ràng cho các lãnh đạo chính trị tiếp xúc với ngài bất chấp sức ép Trung Quốc. Với những ai không thoải mái về vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, đây là cơ hội làm Trung Quốc bực mình mà không gây ra tình huống ngoại giao bùng nổ.

Giáo sư Barnett nói Dalai Lama "là cơ hội lý tưởng cho họ, vì là lãnh đạo chính trị, ngài đòi hỏi rất ít - ngài dường như vui vẻ chấp nhận một cử chỉ thuần biểu tượng như một tách trà và một bức ảnh."

"Trung Quốc càng lớn tiếng, các lãnh đạo phương Tây càng trông có vẻ nguyên tắc và mạnh mẽ khi gặp ngài."

Có lẽ dễ hiểu vì sao ngài đã gặp mọi tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm từ năm 1991.

Nhưng với người thường, dù đúng hay sai, sức hấp dẫn của Dalai Lama liên quan nhiều hơn đến sức thu hút của nhân vật này và những tư tưởng mà họ tin rằng ngài có thiện cảm.

Như ghi nhận của Norman, các fan hâm một phương Tây của ngài nhìn thấy một "vị thánh thế tục" hoặc một "thượng đế đúng đắn về chính trị giữa một thế giới vắng thượng đế".

 

Theo: bbc


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage