Phật Học Online

Vesak 2014: Sứ giả hòa bình qua thông điệp Vesak 2014

    Chiều 8/5/2014, BTC đại lễ Vesak 2014 tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình tiếp tục làm việc trong không khí trang nghiêm tại hội trường chính của đại lễ.

    Cung thỉnh chứng minh chương trình có sự hiện diện của chư tôn đức lãnh đạo giáo hội, chư tôn đức HĐCM, HĐTS, chư vị giáo phẩm tiêu biểu, đại diện các ban, ngành, viện Trung ương, BTS Phật giáo các tỉnh, thành phố, đại biểu khách mời và đông đảo đại biểu khách quốc tế, quý Phật tử thủ đô và các tỉnh thành đã đến dự.

     Trước khi bắt đầu phiên làm việc chính thức, BTC đã thực hiện nghi lễ Tam bảo do Phật giáo Sri Lanka và Tibetan Chanting thực hiện.

     Nếu như đức Phật ra đời “vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiên và loài người” thì kỷ niệm mùa Tam hợp của Ngài mọi người cũng thể hiện tấc lòng thành kính, tư tương yêu thương, hòa ái dành tặng cho cuộc đời. Việc làm này thể hiện lòng tôn kính, tri ân sâu xa đối với đức tôn sư. Từ ý nghĩa này, phiên làm việc tiếp tục trong buổi chiều khai mạc, BTC tiếp tục giới thiệu những bức thông điệp mà Phật giáo trong nước, lãnh đạo đảng, nhà nước Việt Nam, thông điệp đại diện của các nước bạn tiếp tục trình bày tại phiên làm việc.

    HT. Thích Đức Nghiệp, phó Pháp chủ HĐCM, GHPGVN thuyết trình với đề tài: “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc”. Hòa thượng cho biết: “Nên biết rằng đạo Phật ra đời, nhằm cứu khổ độ sinh và dìu dắt mọi người đạt tới đỉnh cao hạnh phúc và tự do cao đẹp mà thuật ngữ Phật Giáo gọi là Giác Ngộ và Giải Thoát. Thực tế, mọi người sinh ra, đều phải chịu hai nỗi khổ - khổ về bản thân và khổ về môi trường sinh thái, tức là, khổ về chính báo và khổ về y báo.

    Về bản thân lại có hai nỗi khổ, đó là khổ về vật chất và khổ về tinh thần, tức là, khổ về thể xác và khổ về tâm hồn. Về vật chất, đó là nghèo đói, bệnh tật và thất học. Về tinh thần, đó là tham dục ích kỷ, sân hận và si mê. Về môi trường sinh thái thì lại có nhiều nỗi khổ, như xã hội bất công, lạc hậu, chiến tranh, biến đổi khí hậu, thảm họa thiên nhiên, bão lụt, hạn hán, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, hóa chất độc hại, khí thải nhà kính (Dioxin Carbon, the green house gas emissions) vv…mặc dù trên thế giới hiện nay, đã có nhiều tiến bộ tích cực về khoa học, kỹ thuật và kinh tế thị trường.

   Vậy, muốn giải quyết những nỗi khổ đó cho nhân loại, thì Phật giáo phải góp phần tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc đã đề ra”.

    Chương trình được tiếp tục với bài phát biểu đặc biệt của GS. TS Phạm Dũng, Thứ trưởng bộ nội vụ, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ: “Tại Đại lễ Vesak lần này, với mong muốn mỗi người trong chúng ta cùng nỗ lực tham gia các hoạt động trong khuôn khổ của Đại lễ một cách hiệu quả và thiết thực nhất để góp phần tích cực vào việc thực hiện thành tựu các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc, làm cho những giá trị nhân văn trong giáo lý và đạo đức tôn giáo của Đức Phật mỗi ngày được hiện thực hóa, mang lại hòa bình và hạnh phúc cho nhân loại trong đó có mỗi quốc gia và mỗi chúng ta. Kết quả của Đại lễ này, cụ thể nhất là Tuyên bố Vesak 2014 tại Việt Nam”.

    Sau bài phát biểu của TS. Phạm Dũng, hội trường cung cử TT.TS Dhammaratana, Phó Chủ tịch ICDV và GS.TS Lê Mạnh Thát, cố vấn Uỷ ban Tổ chức Đại lễ Vesak LHQ 2014 làm chủ tọa đoàn và lần lượt các đại biểu của các tổ chức, tông phái  Phật giáo khác nhau trên thế giới đã gởi đến Đại lễ những thông điệp, tham luận, phát biểu nhân Ngày Vesak LHQ. Những thông điệp được tiếp tục tuyên đọc là các bài thuyết trình của thông điệp của Thủ tướng Australia, thông điệp của Trưởng dòng truyền thừa Drukpa Gyalwang Drukpa, Tăng thống Campuchia, thông điệp của Viện trưởng Đại học Quốc tế Sri Lanka; Đại sứ Bangladesh tại Việt Nam; đại diện Liên đoàn Phật giáo Thế giới; Chủ tịch Hội đồng Tăng già Bangladesh; Tăng thống Campuchia...

    Phiên thảo luận sau giờ giải lao hội trường cung cử TT.TS Bhante Chao Chu và GS.TS Lewis Lancaster, Đại học California, Berkeley, Đại học Hồng Kông làm chủ tọa phiên hội thảo. Các thông điệp được tiếp tục tuyên đọc là thông điệp của chủ tịch Liên minh Phật giáo Lào, Phật giáo Myanmar, Liên minh Phật giáo Ấn Độ (Nepal), Phật giáo Mỹ, Âu Châu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thụy Điển, Hungary, bài thuyết trình của GS. TS Damien Keown; “Vai trò của Phật giáo trong xây dựng hòa bình” và một số thông điệp của các tổ chức Phật giáo và đại sứ các nước.

   Cuối phiên làm việc là sự nhất trí về các giải pháp Thiên niên kỹ mà BTC đại lễ Phật đản năm nay đã đề ra. Tin rằng, sự đồng lòng này sẽ mang lại hiệu ứng cao trong việc thay đổi để thế giới ngày một tươi đẹp hơn.

   Cuối ngày, BTC đã có buổi chụp hình lưu niệm cùng chư tôn đức lãnh đạo giáo hội, các lãnh đạo đảng, nhà nước và quý đại biểu trong cũng như ngoài nước.

   Cũng trong buổi chiều này, Trưởng phái đoàn các nước và BTC đã thực hiện trồng cây lưu niệm trước sân diện Phật Thích Ca.

Xin giới thiệu đến quý đọc giả những hình ảnh mà các phóng viên của Vesak đã ghi nhận được:
















GS. TS Phạm Dũng, Thứ trưởng bộ nội vụ, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ




TT.TS Dhammaratana, Phó Chủ tịch ICDV







GS.TS Lê Mạnh Thát






















Bài: Tiểu Bình - Ảnh: Đăng Huy

Nguồn:http://www.daophatngaynay.com/


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage