Phật Học Online

Sanh tử sự đại

Thời gian thấm thoắt trôi, chúng tôi mong rằng quý vị tại gia nỗ lực làm đúng tinh thần học hiểu của mình. Còn giới xuất gia lập chí đúng tinh thần người xuất gia, để chúng ta không phí thời gian, cương quyết tiến tới mục đích mình đã định.


HT. Thích Thanh Từ và HT. Thích Nhất Hạnh


Thiền sư Lương Giới, Tổ của tông Tào Động ở Trung Hoa, khi đi tu Ngài có viết lá thư cho cha mẹ:

Được nghe, chư Phật ra đời đều do cha mẹ mà có thân, muôn loài sanh trưởng thảy nhờ trời đất che chở. Cho nên, không có cha mẹ thì chẳng sanh, không có trời đất thì chẳng trưởng, thảy nhờ ân dưỡng dục, đều thọ đức chở che.

Song, tất cả hàm thức, vạn tượng hình nghi đều thuộc vô thường chưa lìa sanh diệt. Ân bú xú nặng nề, công nuôi dưỡng sâu thẳm, dù đem của cải thế gian phụng dưỡng trọn khó đáp đền, dùng máu thịt dâng hiến cũng không được bền lâu.

Trong Hiếu kinh nói: "Dù một ngày giết đôi ba con vật để cung hiến cha mẹ vẫn là bất hiếu, vì sẽ kéo nhau vào vòng trầm luân chịu muôn kiếp luân hồi". Muốn đền ân sâu dày của cha mẹ đâu bằng công đức xuất gia, cắt đứt dòng sông ái sanh tử, vượt qua khỏi biển khổ phiền não, đáp ân cha mẹ ngàn đời, đền công từ thân muôn kiếp, bốn ân ba cõi thảy đều đền đáp. Kinh nói: "Một đứa con xuất gia, chín họ đều sanh lên cõi trời." Con thệ bỏ thân mạng đời này, chẳng trở về nhà, đem căn trần muôn kiếp chóng tỏ sáng Bát-nhã.

Cúi mong cha mẹ mở lòng hỷ xả, ý chớ trông mong, học theo gương Quốc vương Tịnh Phạn và Thánh hậu Ma-da. Hẹn đến sau kia sẽ gặp nhau trong hội Phật, còn hiện nay cam chịu lìa nhau. Con chẳng phải quên ơn dưỡng dục, chỉ vì: "Thời giờ chẳng đợi người." Cho nên nói: "Thân này chẳng thẳng đời này độ, lại đợi đời nào độ thân này".


Xin cha mẹ lòng chớ nhớ mong.

Qua lá thư này chúng ta thấy Ngài cố tình nhắc cha mẹ đừng buồn, đừng khóc, coi như buổi đầu không có thân Ngài. Thật ra trọng trách người tu là làm sao đạt đạo để giải quyết vấn đề sanh tử cho mình, cho cha mẹ và cho tất cả chúng sanh, chớ không phải muốn bỏ cha mẹ để tìm chỗ an ổn vui chơi qua ngày hết tháng.

Chí cương quyết của người tu không phải là ý bất hiếu, bỏ cha mẹ phiêu bạt để tìm chỗ an ổn cho chính mình.

Vì vậy khi thực hiện bản hoài cao cả đó chúng ta phải gan dạ ngay từ buổi đầu, không thể chần chờ nửa tiến nửa lùi, nay thì quả quyết mai thì do dự, như vậy không thể nào tiến xa được. Dù biết rằng việc làm đó là bất hiếu trong hiện tại nhưng có thể cứu cha mẹ và mọi người ở ngày mai. Cho nên ngài Động Sơn nhờ lòng cương quyết mà được thành đạo.

Nếu bây giờ nhớ thân này là cái mình gá, không có gì quan trọng hết, biết như vậy là biết được lý vô sanh. Thân này là giả tạm, là mộng, mộng thì có gì thật đâu. Trong khi mộng, sanh cũng mộng, tử cũng mộng, sanh không thật sanh, tử không thật tử. Nhận được như vậy thì lý vô sanh hiện tiền. Ngay thân này, nhận được lẽ thật thì thấy đạo, thấy đạo thì thoát ly sanh tử.

Sau khi ngộ đạo, Ngài làm trụ trì ngót ba mươi năm. Một hôm đi xuống bếp, Ngài thấy những người trong nhà trù làm đổ tháo thức ăn nào bún, nào gạo, nào cơm vương vãi khắp nơi. Ngài quở: "Của đàn-na thí chủ không nên hủy hoại". Vừa nói như vậy thì thấy một vị thần quỳ trước mặt. Ngài hỏi:

- Ông là ai ?
- Tôi là thần Thổ địa, ba mươi năm rồi tìm yết kiến Ngài mà không gặp, hôm nay mới được gặp.

Do ý chí cương quyết đó mà Ngài làm Tổ tông Tào Động truyền mãi cho đến bây giờ. Nếu người xưa chần chờ hay yếu đuối thì không bao giờ có đạo hạnh để chúng ta bắt chước theo. Vì vậy tôi mong rằng người xuất gia hay tại gia, đã quyết chí tu thì phải có lập trường vững chắc. Việc làm này không phải là việc tầm thường đơn giản, mà là việc làm cả một đời người.

Nếu không bền vững, chúng ta đang tu tiến, gặp chuyện gì bận bịu của gia đình thì chúng ta bị lùi, đã không cứu được mình, huống nữa là cứu được ai. Sự tu hành chánh yếu là để thoát ly sanh tử. Muốn thoát ly sanh tử phải bền chí mới được.

Ngài Động Sơn lại có được một bà mẹ cũng rất hiếm. Dù thương con tràn trề nhưng không nỡ ngăn ý chí xuất gia của con nên bà tùy thuận và hy vọng con mình thành tựu đạo quả. Đó chính là sức mạnh giúp người con nỗ lực sao cho đạt đạo mới thôi. Nhờ vậy ngài Động Sơn đã làm tròn bổn phận tu hành của mình cũng như đối với tất cả những người trong gia đình, tức quyết tâm đạt đạo để đền ơn cha mẹ, đền ơn tất cả. Do đó chúng ta khi đã phát tâm học đạo đều phải cố gắng nỗ lực và quyết chí tiến lên, chứ không tu với tánh cách lưng chừng được.

Gần đây tôi thấy người phát tâm xuất gia thì đông, mà người giữ được ý chí xuất gia thì ít. Nghĩa là tuy thân ở chùa, nhưng tâm cứ nghĩ việc nhà, không buông được. Như vậy tuy có tinh thần phát tâm xuất gia, nhưng chí người xuất gia đạt đạo thì quá ít. Vì vậy tôi mong những vị đã có được phúc duyên sâu dày, xuất gia học đạo nên nhớ ý chí của người xuất gia, phải làm được việc mình đã nguyện làm.

Ngài Động Sơn đã nói: "Thân này chẳng thẳng đời này độ, lại đợi đời nào độ thân này", nghĩa là nay được thân này thì hiện đời phải giải quyết cho xong, đừng đợi đời khác, đừng quan niệm rằng tôi tu để có phước, đời sau tiếp tục tu nữa. Cái lối đợi đời khác là lối ỷ lại ngu si, để rồi tu một cách lơ mơ chớ không đi tới nơi tới chốn. Đừng nghĩ rằng mình đang ở đời mạt pháp, có cố gắng cũng không tới đâu.

Dù ở thời chánh pháp, tượng pháp hay mạt pháp, nếu chúng ta nỗ lực tu đều có kết quả tốt như nhau. Chỉ vì chúng ta không cố gắng nên không giống như thời trước. Hai bài kệ trong hai lá thư của Ngài có tác dụng cảnh tỉnh mạnh mẽ đối với chúng ta. Tôi nhắc lại những câu kết của hai bài kệ trên.

Chúng ta thấy đầy đủ ý chí của Ngài qua mấy lời khẳng định: Xin thưa với cha mẹ coi như con đã chết, coi như không có con. Có thái độ dứt khoát như vậy mới mong làm tròn được nhiệm vụ của mình. Chúng ta khi đã xuất gia, đối với gia đình phải xem như mình đã chết. Có như thế mình mới thật sống. Đó là điều hết sức quan trọng đối với người tu.

Khi chúng ta hết phiền não thì lửa sầu mới tắt. Khi ân tình bặt thì sông ái mới khô. Như vậy, người tu nếu để tình cảm gia đình ràng buộc mãi, thì sông ái không biết chừng nào mới khô. Trái lại, sông ái tràn đầy thì chúng ta sẽ bị cuốn trôi, không thể dừng nổi. Thế nên người tu có hai điều kiện hệ trọng, thứ nhất là tinh thần dứt khoát của mình, thứ hai là sự giúp đỡ của cha mẹ bằng cách hiểu đạo khuyên con.

Có nhiều người thương con mà không hiểu đạo, cho xuất gia nhưng không dạy ý chí xuất gia. Cần phải tập cho con ý chí xuất gia nữa, đó là điều cao cả của bậc làm cha mẹ.

Vì vậy tôi mong muốn tất cả đều lập chí vững chắc trên đường đạo. Nếu là người tại gia khi biết đạo rồi chúng ta phải nỗ lực dùng mọi phương tiện để sống hợp với đạo. Còn người xuất gia thì phải ứng dụng sự hiểu biết của mình cho đúng và tự tháo gỡ hết những ràng buộc do bản ngã, do tình lưu luyến gia đình để mạnh dạn tiến tu.

Làm sao cho đời tu chúng ta xứng đáng, không hổ thẹn khi nhắm mắt, tiếc một đời không đi tới đâu. Ngày nào còn sống thì xứng đáng là người xuất gia, đến khi nhắm mắt chỉ nở một nụ cười, thanh thản ra đi. Có như thế sự tu hành mới có ý nghĩa. Đó là điều chúng tôi mong mỏi nhất.

Cuộc đời là ảo mộng, đã là ảo mộng thì còn gì quan trọng nữa để lôi cuốn chúng ta chìm trong mê muội. Điều thiết yếu là chúng ta phải khắc tỉnh, mạnh dạn vượt qua ảo mộng. Có một sự tích liên quan đến đến việc gá thân mộng, tôi sẽ kể cho quý vị nghe để biết cái hay của người xưa. Thiền sư "Đả Táo Đọa", do đập bể ông táo mà thành danh. Ngài tu ở vùng núi Xuân Sơn bên Trung Hoa với một số đồ chúng.


Cuộc đời là ảo mộng, đã là ảo mộng thì còn gì quan trọng nữa để lôi cuốn chúng ta chìm trong mê muội


Một hôm Ngài dẫn chúng đi dạo núi, đến gần thung lũng thấy một miếu thờ, dân chúng làm thịt bò, trâu, heo, gà dâng cúng liên miên. Hỏi ra được biết vị thần Táo ở miếu này rất linh, cầu gì được nấy. Nghe rồi, Ngài cầm gậy vô miếu, thấy trên bàn thờ có để ba viên gạch, Ngài lấy gậy gõ vào đó nói: "Đây là do gạch đất hợp thành, linh từ đâu lại, thiêng ở chỗ nào?". Nói xong, Ngài đập một gậy, ba viên gạch bể nát rơi xuống đất. Lát sau trên đường đi, gặp một vị áo xanh mũ xanh quì trước mặt. Ngài hỏi:

- Ông là ai?
- Con là thần Táo trong miếu đến tạ ơn Hòa thượng.

Ngài nói:
- Ta đã làm gì mà ngươi tạ ơn?
- Nhờ ơn Hòa thượng nói lý vô sanh mà con tỉnh ngộ, thác sanh lên cõi trời, bỏ thân đọa đày trong bao nhiêu đời ở tại miếu này.

Nói xong ông đảnh lễ rồi biến mất. Thị giả thấy vậy mới thưa:
- Bạch Hòa thượng, con hầu Ngài đã lâu mà không được nghe nói lý vô sanh, thần Táo này có phước gì mà Hòa thượng mới nói một câu ông liền ngộ?


Ngài lặp lại câu nói trên cho thị giả nghe và hỏi:

- Ông hội không?
- Dạ, con không hội.

Ngài nói:
- Bể rồi! Bể rồi! Rơi rồi! Rơi rồi!

Thị giả liền ngộ.

Kể chuyện này để quý vị hiểu chỗ chúng tôi dùng chữ gá. Thần Táo gá vào đất gạch mà phải ở đó bao nhiêu năm. Còn chúng ta gá vào cái gì? Gá vào đất nước gió lửa, rồi chấp đó cho là mình, có đau khổ chưa? Cho là mình rồi thì giành hơn giành thua, chấp phải chấp quấy. Bao nhiêu tội nghiệp cũng từ đó mà ra.

Nếu bây giờ nhớ thân này là cái mình gá, không có gì quan trọng hết, biết như vậy là biết được lý vô sanh. Thân này là giả tạm, là mộng, mộng thì có gì thật đâu. Trong khi mộng, sanh cũng mộng, tử cũng mộng, sanh không thật sanh, tử không thật tử. Nhận được như vậy thì lý vô sanh hiện tiền. Ngay thân này, nhận được lẽ thật thì thấy đạo, thấy đạo thì thoát ly sanh tử.

Chúng ta khi biết rõ thân này do đất nước gió lửa hợp thành, không phải thật mình thì sao? Thì nhẹ nhàng biết mấy. Vậy mà không chịu buông, cứ bám vào đó rồi hơn thua phải quấy. Có những đêm tôi ngồi ở ngoài, đuổi muỗi cắn, tôi rờ thấy xương, thấy thịt, một hồi tôi tức cười quá. Thân này thật không ra gì, gá vào nó cực quá. Gá từng khúc từng mảnh, mà cứ cho là mình, từ đó bao nhiêu cái dở phát sanh, kể không thể hết. Vậy mà cứ hài lòng, động đến là phản đối chống trả mãnh liệt.

Chúng ta chỉ cần thức tỉnh thân này tạm gá mượn, lấy đó làm bè qua sông, đừng nghĩ nó là thật, cứ lo bồi bổ tô điểm đủ thứ mà chìm đắm, không qua sông được. Những điều tôi nói trên đây nhằm nhắc nhở cho cả Tăng Ni và cư sĩ. Nếu chúng ta thức tỉnh được điều đó thì chuyện thoát ly sanh tử không khó.

Còn nếu chúng ta mê hoài thì không biết chừng nào ra khỏi biển sanh tử. Cho nên chủ yếu Phật dạy lý vô ngã là như vậy. Thấy rõ thân này không phải thật ngã thì tự nhiên thoát ly sanh tử. Nếu thấy là thật ngã thì ngàn đời không bao giờ ra khỏi sanh tử, dù tu hạnh gì cũng thế. Đó là một lẽ thật.

Thời gian thấm thoắt trôi, chúng tôi mong rằng quý vị tại gia nỗ lực làm đúng tinh thần học hiểu của mình. Còn giới xuất gia lập chí đúng tinh thần người xuất gia, để chúng ta không phí thời gian, cương quyết tiến tới mục đích mình đã định.

Mong tất cả ngày càng đẹp đẽ hơn, mạnh mẽ hơn, cứng cỏi hơn để đạt được sở nguyện của mình.

 


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage