Phật Học Online

Từ người "dị dạng" nghĩ về nghiệp chướng

Vừa nhìn thấy hình ảnh, có lẽ họ là những người có mối quan hệ họ hàng với nhau. Thực sự, tôi đã gặp nhiều hoàn cảnh, nhiều người bị khuyết tật song không hiểu sao khi nhìn thấy hình ảnh bà cụ cầm tay người con trai đấy, tôi  thấy cảm thương vô cùng.


 

Chúng ta thường tự hỏi:

Tại sao lại có người thấp kẻ cao?

Tại sao người này phải chịu đau yếu và tàn tật, còn người khác lại được khỏe mạnh và tráng kiện?

Tại sao người này đẹp đẽ, còn người kia thì xấu xí dị hợm, bị mọi người ruồng rẫy?

Tại sao người này được nuôi dưỡng trong cảnh xa hoa, còn người kia thì nghèo mạt, và chìm ngập trong nỗi khổ đau?

Tại sao người này sinh ra đã là một triệu phú, còn người kia lại là một kẻ cùng đinh?

Tại sao người này là một bậc trí tuệ, còn người kia là kẻ ngu đần?

Tại sao người này bẩm sinh có những đức tính thánh thiện, còn người kia lại có những khuynh hướng phạm tội?

Tại sao một số người đã thành những nhà ngữ học, toán học, nghệ sĩ, nhạc sĩ ngay từ lúc còn nằm trên nôi, còn một số người khác mới sinh ra đã bị mù, điếc và tàn tật?

Tại sao một số người sinh ra được may mắn hạnh phúc, còn những người khác lại chịu bất hạnh rủi ro từ lúc mới chào đời?

..............

Phải chăng tất cả các sự sai khác này là do di truyền và hoàn cảnh?

Theo Phật giáo, sự sai biệt này không chỉ do di truyền, hoàn cảnh, bẩm sinh và dưỡng dục, mà còn do nghiệp của chính chúng ta. Nói cách khác, do kết quả của những hành động quá khứ được thừa hưởng và những hành vi hiện tại của chúng ta.

Chính chúng ta phải chịu trách nhiệm về những hành động của chúng ta về hạnh phúc và đau khổ. Chúng ta xây nên địa ngục của chúng ta. Chúng ta là kiến trúc sư của số phận chúng ta, hay nói tóm lại, chúng ta chính là nghiệp của chúng ta.

Còn theo quan điểm của Hòa thượng Tuyên Hóa, mang bệnh là do nghiệp nặng từ kiếp quá khứ, nếu như không thế, đương sự tất không bị quái tật. Ða số những người mang quái tật trong mình là do trong kiếp quá khứ ham lợi dụng người mà không muốn bị thua thiệt; hoặc giả họ là những người bỏn xẻn, không muốn mất cho ai một xu, không biết giúp đỡ người nghèo.

Tất cả họ chỉ nghĩ về mình, không biết tới ai khác, luôn luôn ích kỷ tự lợi, thấy lợi quên điều nghĩa, càng ngày càng ngập thêm nghiệp chướng nên mới dẫn tới bệnh lạ trong kiếp này.

Mang bệnh lạ còn phải kể thêm những ai hủy báng Tam Bảo trong kiếp trước, thậm chí hủy báng kinh điển Ðại thừa. Một tội có thể khiến cho người ta bị đọa địa ngục để chịu khổ và khi ra khỏi địa ngục thì chuyển làm kiếp súc sinh, chim muông hay thú vật. Tới khi chúng sinh đó được lên làm người thì sáu căn không toàn vẹn, hoặc bị khuyết tật, hoặc mắt bị mù, tai bị điếc, câm hay ngọng, chân khập khễnh, tóm lại làm thân người không đầy đủ. Nguyên do bởi kiếp trước họ tạo nghiệp ác nên kiếp này chịu quả báo.

Từ ngàn xưa, Ấn Ðộ giáo nói riêng và Phật giáo nói chung đã đi sâu vào vấn đề này và phát triển thành một triết lý tôn giáo thâm sau vi diệu xoay quanh vấn đề Luân hồi quả báo... Một tội lỗi do mình đã gây ra ở kiếp này thì ở kiếp hiện tại hay kiếp kế tiếp sẽ đến với chính mình chớ không phải ai khác.

Ðau khổ, tai ách, bệnh tật có nguồn gốc cũng từ đó. Sự tàn nhẫn, ác độc là nguyên nhân sẽ gây nên quả báo thể hiện qua các bệnh tật, bệnh nan y và cụt tay cụt chân hay câm điếc...

"Muốn biết nhân đời trước
Xem hưởng quả đời này
Muốn biết quả tương lai
Xét nhân gieo hiện tại
Người mà tâm chân chánh
Mọi người hướng thiện theo
Việc làm hợp lý lẽ
Khắp nơi được an vui
Người mà hư tâm tà
Tham sân dần phát triển
Làm việc mà tùy tiện
Tự rước họa vào thân”

(Trích đoạn kinh Nhân quả báo ứng)

Từ Hậu 

phatgiao.org 


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage