Phật Học Online

Gửi những người bạn làm báo xa thương...

Chiều mùa xuân ở xứ châu Âu, nắng vàng réo rắt cứ như buổi sáng ở Việt Nam, mới toanh, ấm áp. Kỷ niệm ngày Nhà báo Việt Nam đã qua mất mà mình mới chợt nhớ ra vào một chiều tà như thế.


(Tặng bạn bè lớp Báo chí K.2003-2007, ĐH KHXH&NV TP.HCM)


Nghề báo hay.jpg

Nghề báo - Ảnh: Internet

Nhớ, không chỉ nhớ Sài Gòn chợt mưa chợt nắng, không chỉ nhớ phố xưa quen biết tên bàn chân mà nhớ về quãng đời đã qua và đang qua dù chưa nhiều, nhớ về những khát khao, lý tưởng về những đam mê. Và nhớ về nghề cũ, nghề báo. À, mình quên chúc mừng những người bạn mình rồi. Vô tình lang thang qua Tuổi Trẻ Online hay qua vài trang Phật giáo, ghé thăm Giác Ngộ Online đọc vài bài viết của bạn bè thuở ấy, thấy ấm lòng với từng dòng chữ chảy ra từ tâm tình của một nhà báo trẻ.

Ấm lòng vì những người bạn cùng chung một lớp trong suốt bốn năm giảng đường vẫn còn cháy bỏng với lý tưởng nghề nghiệp mình đã chọn. Nghề nào cũng có nghiệp riêng của nó.

Nghề nào cũng có những khó khăn riêng, tôi không dám lạm bàn nhiều về những khó khăn, thử thách hay những đóng góp của nhà báo vì đã có quá nhiều người kinh nghiệm qua và tôi cũng đã từng. Nói thì người khác đã nói quá hay, viết thì người khác cũng viết quá giỏi, quá mạch lạc nên tôi chỉ muốn chia sẻ một chút tâm tình thôi.

Tuy kinh nghiệm quá khứ trong nghề chưa nhiều nhưng được đào tạo trong môi trường chính quy, tôi hiểu được tối thiểu những gì một nhà báo cần có. Đó là có “tầm“ nhưng cần lắm là có “tâm“, tức là đạo đức nhà báo, những nguyên tắc, luật pháp nào để nhà báo đóng góp tiếng nói cho nhân quần xã hội. Không phải muốn nói, muốn viết gì là tùy thích như nhiều người hay bình phẩm “nhà báo nói láo ăn tiền“, hay, “nhà văn nói láo, nhà báo nói thêm”.

Đôi khi xung quanh vẫn nghe những câu trêu chọc như thế, tôi có chút chạnh lòng, lúc đầu có buồn và thoáng nghĩ “thử đặt mọi người vào vị trí là người làm báo thì anh có dám nói láo để ăn tiền không, nói láo được vài lần thôi chứ nói hoài thì có nước đi xé lịch”. Buồn nhưng chưa chia sẻ với ai về nỗi buồn này cả. Nghe riết rồi cũng quen dần, thấy bình thường và như lý tác ý rằng: “Mỗi người có một suy nghĩ, nhận thức khác nhau về những gì mình tiếp xúc nhưng dù nhận thức nào hay nói gì thì cũng nên phản quan tự kỷ, nhiều khi mình là con nhà thiền nhưng vô tình không chăm sóc đủ cho thân tâm mình cũng nói láo đấy chứ. Nói láo không phải để ăn tiền nhưng nói láo vì cái tự ngã còn tiềm tàng nơi chiều sâu tâm thức”.

Ai ở hoàn cảnh nào, nếu đủ tỉnh thức sẽ hiểu rõ những gì mình gặp phải, vượt qua và tự lớn lên trong đời sống tâm linh.

Tự nhiên đang nói về nghề báo lại lạm bàn sang chuyện tu tập rồi?! Thật ra mọi thứ vẫn dung thông, tương tức bàng bạc khắp nơi. Tôi rất biết ơn quá khứ đã huấn luyện cho tôi những cái chân thật, nói đi đôi với làm - xuất phát từ tâm ý hướng tới cái chân thiện mỹ. Dù không theo nghiệp báo nhưng những gì tôi được dạy vẫn giúp tôi rất nhiều trong một nếp sống mới.

Tuy bây giờ tôi không là đồng nghiệp với các bạn tôi, thỉnh thoảng làm cộng tác viên thôi nhưng tôi thấy vui và mỗi khi thấy bài viết của bạn bè mình đây đó, tôi thầm “nguyện cho những cây bút này càng mài càng sáng”.

L.H.N (từ Đức)


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage