Phật Học Online

Thiền Vipassana: một nghệ thuật sống

Mọi người luôn tìm cầu cái toàn thiện an vui và hòa hợp, bởi vì cuộc sống chúng ta thiếu sự trọn vẹn như vậy. Thỉnh thoảng, ai cũng có những nỗi ưu phiền, bực tức, bất an và đau khổ; khi đau khổ vì phiền muộn, chúng ta khó có thể kiềm chế chính mình và thường gây bất an cho người khác. Tần sóng buồn phiền này bao quanh môi trường của người đang đau khổ, đến nỗi bất cứ ai đến tiếp xúc với anh ta đều trở nên ưu tư và tức giận. Đây chắc chắn không phải là lối sống lành mạnh.

thientoa925122.gif

Ngược lại, một người sống an vui thường mang lại niềm an vui cho người khác. Đúng hơn, vì con người là một thành viên của xã hội, anh ta phải sống trong xã hội mình đang sống và giao tiếp với mọi người. Vậy, sống an vui bằng cách nào? Làm sao chính mình luôn sống hòa hợp và cách giữ gìn sự hòa hợp, an vui xung quanh để mọi người cùng sống an vui và hòa hợp từ trong ý thức. Thực ra, với cách chuyển hướng tâm chú ý, chúng ta vô tình đè nén tâm xung đột đi sâu vào tầng vô thức và chính trong chiều sâu vô thức này, tâm niệm xấu tiếp tục tái tạo và tăng trưởng. Ngoài mặt ý thức, chúng ta đã tạo được sự an vui và hòa hợp, nhưng bên trong nội tâm vô thức, ngọn lửa xung đột bị đè nén đang ngủ ngầm, nó liên tục hoạt động và thỉnh thoảng sẽ bùng nổ mãnh liệt hơn.

Có những khám phá về sự thật nội tâm uyên thâm hơn đối với giải pháp vừa nêu trên và bằng kinh nghiệm thực chứng bên trong thân tâm chính mình, họ đã nhận thức rằng chuyển hướng tâm chú ý chỉ là chạy trốn vấn đề. Tránh né không phải là giải pháp thiết thực mà chúng ta phải đối diện với sự thật của vấn đề. Bất cứ khi nào phát sinh tâm niệm xấu, chúng ta chỉ việc quan sát và trực diện với nó. Ngay khi quan sát tâm bất thiện sinh khởi, nó bắt đầu mất đi khả năng phản ứng, dần dần bị chế phục và sẽ được đoạn trừ hoàn toàn.

Phương pháp lợi ích thiết thực là tránh xa cả hai cực đoan đè nén và buông thả. Kiềm chế tâm bất thiện bên trong vô thức sẽ không diệt trừ được nó mà còn cho phép nó biểu hiện qua các hành động chân tay hoặc ngôn ngữ sẽ tạo nên nhiều phiền phức hơn. Nếu bình thản quan sát, tâm ô nhiễm này tự nhiên biến mất và như thế chúng ta sẽ đoạn trừ và giải thoát khỏi các tánh xấu ấy.

Phương pháp này có vẻ hay thật, nhưng thực sự có thể hành trì được không? Khi giận dữ sinh khởi, nó chế ngự tâm mình quá nhanh đến nỗi chúng ta không kịp nhận thức. Trong lúc mất tự chủ vì giận dữ, chúng ta chắc chắn hành động với lời nói hoặc chân tay làm tổn thương chính mình và người khác. Sau đó, khi cơn giận qua đi chúng ta chỉ biết than khóc và ân hận, đi xin lỗi người này, người kia hoặc than Trời: "Ôi! Tôi đã lỡ phạm sai lầm, xin tha thứ cho tôi!". Nhưng rồi lần kế tiếp, trong một tình huống tương tự, chúng ta lại phản ứng sai lầm giống hệt như vậy. Tất cả điều đó, ăn năn sẽ không giúp ích gì được.

Điều khó khăn là chúng ta không tỉnh giác khi các tính xấu sinh khởi. Nó trỗi dậy từ bên trong sâu lắng của tâm vô thức và khi biểu hiện với ý thức, nó đã tăng trưởng quá mạnh và hoàn toàn khống chế chúng ta mà chúng ta không thể quan sát nó.

Như vậy, chúng ta nên có một thư ký riêng để bất cứ lúc nào sân giận nổi lên thì anh ta liền nói:"Thưa ngài, hãy xem kìa cơn giận đang bắt đầu!". Do chúng ta không biết giận dữ sẽ phát sinh lúc nào, nên ít nhất phải có ba thư ký riêng để thay đổi suốt ngày, hoặc tốt hơn là bốn người thay phiên nhau trong các ngày nghỉ phép.

Giả sử chúng ta làm theo cách có thư ký phục vụ và mỗi khi cơn thịnh nộ xảy ra, lập tức người thư ký sẽ báo cho chúng ta biết: "Ồ thưa ngài, nhìn xem cơn giận đã bắt đầu!". Nhưng rất có thể lúc ấy chúng ta sẽ đánh anh ta một bạt tai và mắng rằng: "Đồ ngu! Anh nghĩ rằng tôi trả lương cho anh đến đây để dạy tôi à?". Đang lúc giận sôi gan vì tức giận thì không còn lời khuyên bổ ích nào có thể giúp chúng ta trong lúc ấy.

Giả sử khi đó, chúng ta vẫn còn minh mẫn và không bạt tai anh ta. Thay vì mắng anh ta, chúng ta sẽ nói: "Cám ơn anh rất nhiều, bây giờ tôi phải ngồi xuống và quan sát giận dữ". Tuy nhiên, điều này có thể thực hành được không? Ngay khi nhắm mắt lại và cố gắng quan sát giận dữ, tức khắc trong tâm chúng ta hiện lên đối tượng của sự giận dữ, có thể là một người hoặc biến cố nào đó khiến chúng ta nổi cơn giận. Chúng ta không quan sát giận dữ mà đúng hơn là đang tìm hiểu tác nhân xúc cảm bên ngoài. Điều này chỉ làm gia tăng cơn giận dữ và đây không thể là giải pháp ổn thỏa. Thật vô cùng khó khăn nếu phải quan sát tâm bất thiện vô hình, một xúc cảm trừu tượng được tách rời với đối tượng bên ngoài khuấy động nó.

Tuy nhiên, Bậc Toàn giác, người chứng ngộ về sự thật tuỵệt đối đã tìm ra phương pháp thiết thực. Ngài khám phá rằng bất cứ lúc nào trong tâm sinh khởi niệm bất thiện, sẽ có hai sự kiện tâm lý đồng thời xảy ra. Trước nhất là hơi thở chúng ta sẽ mất đi sự hô hấp bình thường. Chúng ta sẽ thở mạnh hơn khi trong tâm bắt đầu có xung đột. Đây là một sự thật mà mọi người đều có thể nhận biết, cho dù chúng ta có thể nghĩ rằng hơi thở là sự kiện sinh lý hiển nhiên và thô thiển. Cũng vậy, ở mức độ vi tế hơn, có một sự phản ứng sinh hóa "duyên khởi" bên trong thân thể, đó là các cảm thọ. Mỗi tâm bất thiện sẽ tạo nên một loại cảm thọ sai khác bên trong, ở bộ phận này hoặc bộ phận khác của cơ thể.

Đây là một phương pháp thực tiễn. Một người bình thường không thể quan sát các tâm sở bất thiện vô hình: sợ hãi, sân hận và tham muốn đều là các tâm lý trừu tượng. Nhưng với sự thực hành và tập luyện đúng phương pháp, thì rất dễ dàng quan sát hơi thở lẫn cảm thọ có liên quan trực tiếp đối với các tâm lý bất thiện.

Hơi thở và cảm thọ sẽ giúp chúng ta trên hai phương diện: trước nhất, chúng là những thư ký đắc lực của chính mình. Ngay khi trong tâm sinh khởi niệm bất thiện, hơi thở không điều hòa bình thường sẽ lên tiếng báo động rằng: "Chú ý, có điều gì đó bất ổn!", chúng ta không thể đánh vào hơi thở mà phải chấp nhận lời cảnh báo. Tương tự, các cảm thọ sẽ cấp báo: "Có vấn đề không ổn". Chúng ta phải chấp nhận hiệu báo và tỉnh giác quan sát hơi thở cùng các cảm thọ. Không bao lâu chúng ta sẽ nhận thấy rằng tâm bất thiện bị tiêu diệt.

Hiện tượng tâm sinh lý này giống như một đồng tiền có hai mặt. Một mặt là các tư tưởng hoặc cảm xúc sinh khởi trong tâm, còn mặt kia là hơi thở và cảm thọ trong thân. Bất cứ tư tưởng hoặc cảm xúc, ý thức hoặc vô thức, hay là tâm bất thiện nào đều biểu hiện qua hơi thở và cảm thọ ngay lúc nó sinh khởi. Như vậy, với sự quan sát hơi thở và cảm thọ, chúng ta sẽ gián tiếp quan sát tâm bất thiện. Thay vì tránh né vấn đề, chúng ta hãy đối diện với bản chất thật của chính nó, tâm bất thiện sẽ mất đi khả năng hiện khởi và không còn khống chế chúng ta như trước đây nữa. Nếu kiên trì thực hành, tâm bất thiện nhất định sẽ được đoạn trừ và chúng ta sẽ duy trì sự sống an vui và hạnh phúc.

Phương pháp tự mình quán chiếu sẽ giúp chúng ta nhận chân được bản chất thật trên hai phương diện bên trong và bên ngoài. Trước đây, chúng ta luôn luôn nhìn sự vật bằng nhãn quan thông thường bên ngoài nên không thể nhìn thấy được sự thật bên trong. Chúng ta chỉ tìm thấy các nguyên nhân đau khổ bên ngoài, đổ lỗi cho hoàn cảnh và cố gắng làm thay đổi cái nguyên nhân bên ngoài này. Do vô minh bao phủ bản chất thật bên trong, chúng ta không bao giờ nhận thức được nguyên nhân đau khổ bắt nguồn bên trong từ các phản ứng mù quáng của cá nhân.

Như đã biết, rất khó quan sát tâm bất thiện vô hình khi nó sinh khởi, nhưng bây giờ nhờ tập luyện, chúng ta có thể nhìn thấy mặt trái của đồng tiền. Chúng ta có thể tỉnh giác từng hơi thở và hiểu rõ mọi hoạt động đang diễn ra bên trong chính mình. Bất luận điều gì xảy ra, chúng ta chỉ việc chú tâm quan sát hơi thở hoặc các cảm thọ, không đánh mất trạng thái cân bằng của tâm. Chúng ta sẽ ngăn cản đau khổ phát sinh bằng cách, thay vì cho phép chúng hiện khởi, tâm bất thiện tự nó tiêu diệt.

Càng hành trì, chúng ta càng nhanh chóng giải thoát khỏi các phiền não. Dần dần từng bước, tâm sẽ chuyển hóa thanh tịnh và giải thoát hoàn toàn khỏi các lậu hoặc (tâm uế nhiễm). Đó là tâm thanh tịnh luôn dạt dào tình yêu thương muôn loài không phân biệt; tràn đầy lòng từ bi đối với kẻ đang đau khổ hay thất bại; chứa chan niềm hoan hỷ đối với người đang thành công và hạnh phúc; hoàn toàn buông xả khi phải đối diện với bất cứ hoàn cảnh nào.

Người thực hành đạt đến giai đoạn này thì toàn bộ lối sống của anh ta trở nên thay đổi và tiến đến sự hoàn thiện. Anh ta không thể còn các hành động chân tay hoặc ngôn ngữ làm tổn thương hạnh phúc và an vui của người khác. Thay vào đó, người có tâm quân bình không những tự mình sống an vui mà có thể giúp người khác cũng sống an vui. Môi trường chung quanh người ấy thấm nhuận niềm an vui, hòa hợp và ảnh hưởng đến mọi người cùng sống vui tươi như vậy.

Đây là những gì Đức Phật đã dạy cho chúng ta: đó là "một nghệ thuật sống"! Ngài chưa bao giờ thiết lập hay giảng dạy bất kỳ tôn giáo hay giáo phái nào. Ngài cũng không hướng dẫn các đệ tử hành trì theo các nghi lễ hoặc nghi thức cúng tế mù quáng và trống rỗng. Thay vì như vậy, Ngài giảng dạy chỉ nên quan sát sự thật "duyên khởi" trong tự tánh, tức là quán chiếu bản chất thật của nội tâm. Do vô minh (không tỉnh giác) chúng ta thường hành động phản ứng theo bản năng làm hại chính mình và người khác.

Khi trí tuệ sinh khởi - trí tuệ quán chiếu tự tánh như thị - chúng ta sẽ thoát khỏi thói quen phản ứng này. Một người không còn phản ứng mù quáng sẽ có khả năng hành động chính đáng, một hành động xuất phát từ tâm bình thản và buông xả, có hiểu biết và nhận chân được sự thật. Hành động như vậy, con người sẽ sống lành mạnh, sáng tạo, lợi ích cho bản thân và mọi người.

Điều cần thiết là phải tự mình hiểu biết, đó là lời khuyên của các bậc có trí. Người hiểu biết chính mình không phải dựa trên kiến thức tư tưởng và học thuyết. Điều này cũng không có nghĩa là sự hiểu biết mang tính cảm xúc hay tín ngưỡng, chỉ mù quáng chấp nhận theo những gì nghe nói hoặc đọc qua sách vở. Kiến thức hiểu biết như vậy quả thật chưa đủ.

Thực ra, muốn nhận biết bản chất sự thật phải có sự thực nghiệm. Chúng ta phải trực tiếp chứng nghiệm sự thật ấy qua hiện tượng tâm sinh lý của chính mình. Đây là điều duy nhất giúp chúng ta đoạn trừ các phiền não và giải thoát khỏi đau khổ.

Thực nghiệm tự tánh, một phương pháp quán chiếu chính mình được gọi là thiền "tuệ quán"(vipassana). Vào thời Đức Phật, theo ngôn ngữ Ấn Độ "passana" có nghĩa là nhìn thấy bằng nhãn quan thông thường, nhưng "vipassana" là phương pháp quan sát vạn vật "duyên khởi" như bản chất thật chính nó (tự tánh như thị), chứ không phải "được cho là" (kiến tánh phân biệt). Một khi chúng ta chứng đạt sự thật tối thượng trên toàn bộ cơ cấu thân tâm, thì chân lý hiển nhiên sẽ được liễu ngộ. Chứng nghiệm được sự thật này, chúng ta sẽ không phản ứng mù quáng, ngừng tạo phiền não và tự nhiên các lậu hoặc trong quá khứ cũng dần dần được đoạn tận. Chúng ta sẽ giải thoát khỏi các đau khổ và chứng nghiệm hạnh phúc.

Trong khóa tu thiền luôn có ba giai đoạn huấn luyện. Đầu tiên, thiền sinh phải ngăn chặn các hành động thân và khẩu khuấy nhiễu sự an vui và hòa hợp của người khác. Thiền sinh không thể tự mình giải thoát khỏi các phiền não trong tâm, nếu vẫn còn tạo tác các hành động làm gia tăng phiền não. Vì thế, giới luật là bước thực hành đầu tiên cản bản. Thiền sinh phải nghiêm trì các giới cấm không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối và không dùng các chất có men say. Nhờ hành trì phạm hạnh, thiền sinh có khả năng chuyển tâm bước vào trạng thái tĩnh lặng.

Bước kế tiếp là phát triển khả năng chế ngự tâm hoang tưởng bằng cách tập luyện tâm chuyên nhất cố định vào đối tượng "hơi thở". Thiền sinh cố gắng duy trì sự chú tâm vào hơi thở bao lâu tùy theo khả năng. Đây không phải là sự tập luyện hơi thở. Thay vì điều hòa hơi thở, thiền sinh nên quan sát hơi thở tự nhiên như chính nó, "tự tánh hơi thở vào, tự tánh hơi thở ra". Với phương pháp hành trì này, tâm thiền sinh không bao lâu sẽ trở nên an tĩnh cho đến khi thuần hóa các tâm xung đột bất thiện. Đồng thời, thiền sinh hướng tâm sâu hơn vào định tĩnh, nhạy bén và thuần hóa, có khả năng quán chiếu bản chất sự thật nội tâm.

Hai bước hành trì đầu tiên sống phạm hạnh và điều phục tâm vô cùng thiết yếu và lợi ích, nhưng chúng sẽ hướng tâm đi đến sự ức chế "tự ngã", trừ phi thiền sinh thực hành bước thứ ba kế tiếp: thanh lọc tâm uế nhiễm bằng cách phát triển khả năng nhận thức bản chất "tự tánh" chân thật của chính mình. Phương pháp nhận chân sự thật này là thiền tuệ quán "vipassana", một tiến trình thể nghiệm bản chất thật tự tánh bằng cách quán chiếu có hệ thống và bình thản trước hiện tượng biến đổi không ngừng của thân tâm thể hiện qua các cảm thọ bên trong chính mình. Đây là điều tối thượng trong lời dạy của Đức Phật, "chính mình thanh tịnh bằng cách tự quán chiếu".

Mọi người ai cũng có thể thực hành phương pháp này. Bệnh "khổ" không phân biệt giáo phái, vì thế phương thuốc trị liệu cũng không thể có giáo phái mà ắt hẳn là phương thuốc chung. Trên thế gian này, mọi người đều phải đối diện với vấn đề đau khổ. Khi người ta đau khổ vì sân hận, sẽ không có sự sân giận thuộc Phật giáo, sân giận thuộc Ấn giáo, sân giận thuộc Thiên Chúa giáo; sân hận là sân hận. Do sân hận, con người trở nên phiền muộn, không có sự phân biệt phiền muộn Thiên Chúa giáo, Ấn giáo hay Phật giáo. "Đau khổ là căn bệnh chung của chúng sinh thì phương pháp 'thoát khổ' sẽ được thực hành chung cho tất cả mọi người".


Như vậy, thiền tuệ quán "vipassana" chính là phương pháp hành trì chung cho tất cả mọi người. Không có ai sẽ phản đối nguyên tắc sống tôn trọng sự an vui và hòa hợp của người khác. Cũng sẽ không có ai phản đối việc thực hành phát triển chế ngự tâm hay phát triển phương pháp thiền quán bên trong bản chất thật của tự tánh và nhờ đó tâm có thể giải thoát khỏi các điều xấu xa. Đây là lộ trình giải thoát chung không mang tính giáo điều và tín ngưỡng trong niềm tin mù quáng.

Quán chiếu bản chất thật "như thị" là tiến trình tuệ quán sự thật bên trong nội tâm với tự thân nhận chân và chứng nghiệm như thật. Nhờ hành trì "thiền quán", chúng ta sẽ thoát khỏi các phiền não và đau khổ. Từ sự thật hiển nhiên bên ngoài, cảm thọ thô; chúng ta sẽ "liễu ngộ" thông suốt sự thật tối thượng bên trong thân tâm. Vượt xa hơn sự thật này, chúng ta sẽ chứng nghiệm sự thật siêu thoát vượt qua giới hạn của thân và tâm, thời gian và không gian, cũng như thế giới duyên sinh tương đối. Đây là chân lý giải thoát hoàn toàn khỏi tất cả các lậu hoặc, tâm uế nhiễm và đau khổ. Chứng đạt như vậy, bất luận điều gì chúng ta cho là sự thật tối thượng không còn liên quan nữa, đó là mục đích cuối cùng của tất cả mọi người.

Cầu nguyện cho tất cả chúng sinh chứng nghiệm được chân lý tối thượng!
Cầu nguyện cho tất cả mọi người đều giải thoát khỏi các phiền não và đau khổ!
Cầu nguyện cho nhân loại thực sự chung hưởng cảnh sống an vui, hòa hợp và hạnh phúc!


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage