HẠNH PHỤC VỤ
Trong bộn bề cuộc sống, đôi lúc chúng ta
rất cần được nghỉ ngơi, thư giãn. Một ngày dạo chơi trên biển sẽ xua
tan những mệt mỏi nhọc nhằn của đời thường. Những dịp như thế, chúng ta
nên quan sát hình ảnh biển khơi và các hòn đảo. Giữa biển khơi, khi sóng
yên gió lặng, lúc bão táp phong ba, ấy thế mà đảo vẫn sừng sững thách
thức mọi nghiệt ngã của thời tiết. Nếu giữ tâm vững như hòn đảo trước
phong ba bão táp của cuộc đời thì chúng ta sẽ có được chất liệu an vui,
an vui về thái độ, tinh thần, cách sống và những điều kiện xung quanh mà
ta đang có. Điều này đòi hỏi đến quá trình huấn luyện lâu dài.
“An cư lạc nghiệp” đề cập chủ yếu về
phương diện vật chất. An cư tạo thái độ an tâm và lạc nghiệp để hướng
đến hạnh phúc. Khái niệm hạnh phúc phần lớn đặt trên nền tảng của điều
kiện vật chất, khi đầy đủ điều kiện này, an vui sẽ có mặt. An vui bị
điều kiện hóa theo cách thức trên có lúc làm chúng ta vui nhưng cũng có
lúc làm ta lo sầu, thậm chí khổ đau. Do vậy, ngoài những giá trị an vui
vật chất, nhà Phật còn dạy cần phải tô bồi thêm những giá trị an vui về
tinh thần.
Hạnh phục vụ đòi hỏi chủ yếu ở sự dấn
thân. Một số người chỉ muốn nhận niềm vui từ cha mẹ, ông bà tổ tiên, trợ
cấp xã hội hay chính phủ, thể chế kinh tế nào đó, nhưng nhà Phật dạy,
ngoài việc nhận an vui từ sự hỗ trợ của người khác, chúng ta cần chia sẻ
sự an vui đó bằng cách dấn thân phục vụ. Cho trong trường hợp này làm
cho giá trị công đức ngày càng tăng trưởng, ngược lại, nhận nhiều sẽ làm
cho công đức ngày càng bị tiêu mòn.
Hạnh phục vụ là cơ hội để thăng hoa
chính mình. Nếu nhìn một cách thiển cận, thông qua sự phục vụ, người ta
dễ có cảm giác tiền của bớt đi, tài sản mình ít lại. Hoặc nếu nghĩ đơn
thuần rằng phải tích lũy được nhiều tiền thì mới có điều kiện làm công
đức phước thiện thì chúng ta sẽ không bao giờ có cơ hội để làm. Hãy cứ
dấn thân, càng dấn thân phước báu càng gia tăng và sự an vui sẽ xuất
hiện một cách tỷ lệ thuận.
Một thắc mắc đặt ra, đó là đức Phật được
xem là bậc phước đức trọn vẹn, vậy thì Ngài đâu cần phải làm gì nữa?
Hiểu như vậy là sai lầm. Trong cuộc đời, đức Phật vẫn tạo cơ hội để làm
phước báu, dĩ nhiên phước báu đó không nhằm mục đích tăng giá trị để
người ta cung kính đảnh lễ Ngài mà phước báu đó tạo bài học sống động
cho những đồ đệ của ngài học theo mà dấn thân một cách không mệt mỏi.
Một vị Tỳ-kheo lớn tuổi xuất gia với đức
Phật. Vị này mắc chứng bệnh lở loét trên thân thể. Mùi hôi của căn bệnh
làm nhiều người khó có thể đến gần. Mọi người xa lánh khiến ông rất cô
đơn, mặc cảm. Đức Phật biết được sự kiện đó, Ngài đích thân đến phòng
của vị Tỳ-kheo cùng nước ấm, khăn và những vật dụng cần thiết. Với tất
cả tấm lòng trân trọng, đức Phật tự tay nhúng khăn vào nước rồi lau thân
thể vị Tỳ-kheo như một lương y chữa trị cho bệnh nhân. Hành động đó gây
ngạc nhiên cho rất nhiều người.
Bằng tình thương của một vị thầy đối với
người trò, đức Phật làm một cách chăm chú, của con người đối với con
người, của người đang phục vụ đối với người cần phục vụ, nên vị Tỳ-kheo
già mặc dù không hết bệnh nhưng cảm giác an lạc xuất hiện một cách lạ
kỳ. Sự kiện đó, đức Phật mới đưa ra tiêu chí về hạnh dấn thân: “Phụng sự
chúng sinh tức là cúng dường chư Phật”.
Nhiều người thường cho rằng phước báu
gia tăng tỷ lệ thuận theo giá trị của người được cúng. Trong Kinh Tứ
Thập Nhị Chương, đức Phật nói, cúng cho một trăm người không tu tập năm
điều khoản đạo đức dành cho người tại gia không bằng cúng cho một người
sống với năm hạnh đạo đức đó; Cúng cho một trăm người tu năm giới không
bằng cúng cho một chú Sa-di xuất gia tu mười giới, cúng cho một trăm chú
Sa-di không bằng cúng cho một vị Tỳ-kheo, cúng cho một trăm vị Tỳ kheo
không bằng cúng cho một vị Thượng tọa,… Cứ như vậy tăng dần đều và do đó
tạo ra khung giá trị ở từng con người.
Dĩ
nhiên, về phương diện vật chất là đúng, cũng như hạt giống khi gieo
xuống ruộng và hạt giống đặt trên đất khô cằn, giá trị sinh trưởng của
chúng khác nhau một cách rõ rệt. Đúng môi trường, điều kiện, hoàn cảnh,
hạt giống sẽ phát triển và trưởng thành. Đó là giá trị của đối tượng
được cúng dường.
Bên cạnh đó, mặc dù kinh Tứ Thập Nhị
Chương không đề cập trực tiếp, nhưng đức Phật vẫn dạy rằng giá trị công
đức trong sự phục vụ nằm ở tâm khi ta làm việc đó, có nghĩa là dù không
đủ sức phục vụ cho một trăm bệnh nhân, nhưng nếu có tấm lòng phục vụ một
người với tất cả lòng thương kính, quý mến và sẻ chia thì công đức theo
đó mà gia tăng gấp bội.
Với câu “Phụng sự chúng sinh tức là cúng
dường chư Phật”, đức Phật muốn xác định một điều, đừng bao giờ đánh
đồng giá trị công đức với đối tượng được cúng dường. Nếu đến với Phật
pháp, cúng dường đức Phật rồi xem thường những bậc thấp hơn đức Phật,
cúng dường thánh Tăng rồi xem thường những vị thấp hơn thánh Tăng thì
giá trị công đức của sự cúng dường trong trường hợp này không cao.
Lương tâm của sự phục vụ, chất liệu
thiện ích, lòng vị tha, sự hướng thượng nhiều chừng nào trong lúc hành
thiện thì giá trị công đức cũng tỷ lệ thuận và gia tăng chừng đó. Đức
Phật đặt chúng ta trong cảnh huống dấn thân làm việc cộng đồng, phục vụ
xã hội ở nhiều khuynh hướng giá trị chứ không phải cúng dường đức Phật
bằng cách đốt hương, dâng hoa quả, đảnh lễ. Ngài không cần những thứ
này. Ngài thành đạo không phải để được lạy lục, cúng dường, xưng tụng mà
Ngài thành đạo để truyền bá con đường hạnh phúc an vui thông qua những
sự dấn thân phục vụ cho cộng đồng và xã hội.
Chính vì vậy mà đức Phật khuyên chúng ta
hãy làm những việc phước báu một cách thiết thực tùy theo địa vị, vị
trí xã hội, tài sản hiện có và tấm lòng là điều quan trọng nhất. Trong
cuộc đời của đức Phật, Ngài ngủ rất ít, chỉ một canh giờ. Vậy thời gian
còn lại ngài làm gì? Dĩ nhiên không phải đi du lịch hoặc giải trí mà
Ngài làm việc Phật sự. Ngài thuyết pháp cho chư Thiên, các vị Bồ-tát ở
những hành tinh khác, có khi thuyết pháp cho con người, dấn thân, đồng
sự, hòa mình với cộng đồng xã hội. Một ngày chỉ ngủ một canh giờ nhưng
Ngài vẫn thọ đến 80 tuổi trong sức khỏe tốt, vì giấc ngủ của ngài không
mộng mị. Ngài nằm ngủ trong trạng thái buông xả, như vậy giấc mơ không
xuất hiện và ngài được thư giãn ý thức một cách tuyệt đối.
Chúng ta cần học theo hạnh của đức Phật,
dĩ nhiên chúng ta không có sức khỏe và thái độ dấn thân như Ngài. Hãy
để ý sức khỏe, nhưng cũng đừng quá chú trọng nó, vì như vậy cơ hội làm
phước báu sẽ bị giảm thiểu. Sự an vui về phương diện âm đức là nền tảng
vững chắc. Dù đi bất cứ nơi đâu, đầu tư chỗ nào, chúng ta có thể gặt hái
thành công, bởi vì phước báu đã gieo trồng từ trước.
Ví như cùng loại sản phẩm vải mặc, nhưng
có tiệm đầy khách, có tiệm lại không. Nếu quan sát kỹ, ta sẽ thấy người
bán ở tiệm vắng không biết nghệ thuật bán hàng, không có nụ cười tươi,
thái độ niềm nở,… Sự khác biệt đó nằm trên nền tảng của sự phục vụ phước
báu. Sự dấn thân phục vụ biểu hiện bề ngoài là tài sản ít đi, mỏi mệt
sức lao động, nhưng nếu không thấy được những giá trị của sự đóng góp
thì phước báu sẽ hao mòn.
HẠNH KIÊN NHẪN
Trên
con đường tạo phước và niềm vui cho người khác có rất nhiều thử thách.
Nếu không kham nhẫn hoặc kham nhẫn sai phương pháp thì tất cả những công
đức từ thiện có thể đem lại rất nhiều nỗi khổ niềm đau. Chính vì vậy mà
trong kinh nói: Nếu không có bồ đề tâm, tức là tâm hướng về sự giác
ngộ, thiếu từ bi tâm làm những việc thiện công đức bằng tình thương yêu
một cách không phân biệt đối xử, không vụ lợi thì sự dấn thân làm Phật
sự đôi lúc có thể trở thành ma sự.
Khái niệm ma sự không nhất thiết ám chỉ
việc ác như giết người, trộm cắp, nói láo,… mà nó là phiền não len lỏi
trong việc làm. Nó tùy thuộc vào thái độ, tầm nhìn hay cách ứng xử của
chúng ta trước những biến cố liên hệ đến công việc dấn thân từ thiện.
Đức Phật dạy: Để công đức được trọn vẹn,
hạnh phúc an vui được lâu dài thì phải có lòng kham nhẫn rất bền bỉ.
Bản thân đức Phật đã từng gặp nạn lớn. Ngài có ba mươi hai tướng tốt,
tám mươi vẻ đẹp. Hình thức của bậc đạo sư làm cho rất nhiều người quy
kính, nhưng cũng kéo theo những rắc rối đó là nhiều cô gái đem lòng
thương Ngài một cách đắm đuối. Một cô thiếu nữ xinh đẹp tuyệt trần thầm
thương trộm nhớ, nhưng không được Ngài đáp lại.
Ngài muốn chuyển hóa tình yêu đó trở
thành tình phục vụ, tình của từ bi nên đã khuyên cô làm việc công đức để
có thể gặp Ngài trong hạnh nguyện của người vị tha cao cả. Chuyển tình
yêu trở thành tình thương, chuyển tình thương thành tình từ bi thì giá
trị của tình từ bi này có thể cao gấp trăm lần so với tình yêu vị kỷ của
giới tính. Tuy nhiên, lời khuyên của đức Phật không được cô tiếp nhận.
Tiếng sét ái tình làm cho nàng tương tư
sầu muộn rồi dẫn đến hận thù, cô tuyên bố khi trở thành hoàng hậu, cô sẽ
gây đau khổ cho Ngài bất cứ nơi nào Ngài có mặt.
Vài năm sau, vua tuyển mộ thiếu nữ vào
cung, nhờ sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành, cô thiếu nữ ấy được tuyển
và được tấn phong làm hoàng hậu. Một hôm, tình cờ đức Phật đi vào thành
khất thực. Hoàng hậu nghe tin, lệnh cho quân lính mai phục các cửa thành
để giết đức Phật.
Đức Phật đi cùng tôn giả A Nan, chậm rãi
thảnh thơi, ôm bình bát tiến vào cửa thành. Phong thái trang nghiêm,
pháp thể thanh tịnh đẹp tuyệt vời của Ngài đã làm cho quân lính buông
gươm chùn bước. Nhưng vì phải tuân lệnh hoàng hậu, nên những quân lính
đã chửi bới nhục mạ, ném đá vào đức Phật. Bấy giờ ngài A Nan hoảng hốt
thỉnh cầu đức Phật dời gót đến nơi khác an toàn hơn.
Đức Phật mỉm cười nói với A Nan: “Nếu
đến nơi khác mà cũng bị cách thức ứng xử như vậy thì ông tính sao?” Đức
Phật nói tiếp: “Nếu đi như vậy thì chúng ta sẽ không bao giờ thành đạo
được. Mấu chốt vấn đề nằm chỗ nào phải tháo gỡ ngay chỗ đó. Thái độ trốn
tránh là phản ứng tạm gọi “hoãn binh”. Phản ứng phiền não diễn ra một
cách chậm chạp, nhưng như vậy thì chúng ta khó có thể có kết quả lâu
dài. Giải pháp tối ưu là hãy đối đầu”.
Đức Phật từng bước thảnh thơi, Ngài ngồi
xuống, dùng cơm, sau đó vài người thuần thành đã biết danh tiếng đến
quây quần bên Ngài để nghe thuyết pháp. Ngài vẫn điềm nhiên mặc bao
người chọi đá chửi bới. Vẻ thản nhiên làm thức tỉnh những người hại
Ngài. Họ bắt đầu cảm thấy mình làm một việc rất sai lầm.
Với tất cả lòng hoan hỷ và từ bi, sự
kiên nhẫn của đức Phật làm cho những người này được chuyển hóa. Do đó có
thể khẳng định đức kiên nhẫn là chất liệu nuôi lớn lòng từ bi, nó là
điều kiện làm cho tâm trở nên hùng dũng. Kiên nhẫn được định nghĩa như
một hạt giống để con đường dấn thân trở nên tinh tấn hơn, nó còn là
thành trì để tất cả phiền não nghiệp chướng trong cuộc đời bị rơi rụng.
Tuy nhiên, hành giả cần kiên nhẫn bằng thái độ sáng suốt.
Lòng kham nhẫn trong các Phật sự hay
trong sự dấn thân phải bắt nguồn từ nhận thức sáng suốt rằng tất cả
những chướng tai gai mắt diễn ra xung quanh đều có những nguyên nhân xa
gần, không phải là vô cớ. Nguyên nhân trong trường hợp này của đức Phật
là, Ngài mang vẻ đẹp nghiêm trang, cao thượng làm xao xuyến các thiếu
nữ. Chính vì hạt giống đó tạo sự rắc rối của ngày hôm nay.
Nếu không đủ bình tĩnh, hoặc làm theo
lời góp ý của A Nan, thì bấy giờ công cuộc hoằng hóa của Ngài có thể bị
gãy đổ. Hiểu rõ điều đó, Ngài sáng suốt nhận ra đây là cơ hội cuối cùng
để chuyển hóa bà hoàng hậu của mấy năm về trước. Cuối cùng, hoàng hậu
cũng cảm thấy hối hận, bà đến đảnh lễ và xin làm đệ tử của Ngài.
Như vậy, đức kiên nhẫn là cơ hội mang
lại sự an vui, an vui trong trường hợp này là an vui về đời sống nội
tại. Đức Phật nói: Trong mọi tình huống lòng nhẫn nại là chất liệu cho
mọi thành công. Lòng nhẫn nại làm cho tâm định tĩnh. Người thiếu nhẫn
nại luôn trong trạng thái bồn chồn lo lắng, kết quả của sự hành trì sẽ
không đi đến đâu.
HẠNH TÙY HỶ
Tùy hỷ là vui theo niềm vui của người
khác, bày tỏ thái độ hân hoan khi nghe người khác thành công, gieo trồng
hạt giống tùy hỷ như vậy làm tâm mình mở rộng và không bao giờ đặt bản
thân lên bàn cân với người khác. Trong cuộc sống, người tu nếu không
khéo cũng bị rơi vào trạng thái tâm lý này, đó là chỉ muốn mình làm Phật
sự, không tạo điều kiện cho người khác vì sợ mất hết công đức. Động cơ
tuy tốt nhưng không tạo cơ hội cho người khác là thiếu hạnh tùy hỷ.
Là đệ tử Phật cần hiểu công việc Phật sự
hay làm lợi ích cho người khác mang lại công đức phước báu vô lượng, dù
có dấn thân hàng trăm ngàn kiếp cũng chưa hết, cho nên có thêm người
cộng sự giúp chúng ta nhẹ đi gánh nặng là niềm hạnh phúc.
Quá khứ Ai Cập cổ đại, những vị vua khi
gần qua đời thường cho xây dựng kim tự tháp nguy nga tráng lệ, biết bao
mồ hôi nước mắt và cả máu xương đổ xuống vì quan niệm cho sự bình an của
ông vua sau khi qua đời. Các vị vua thời bấy giờ thường không bao giờ
tùy hỷ với bất cứ vị vua nào trước hoặc sau mình. Mỗi kim tự tháp được
tạo ra phải là tuyệt tác mà quá khứ các vị vua trước không có. Và để
tuyệt tác độc nhất vô nhị này không bị bắt chước làm lại trong tương lai
nên những kiến trúc sư nổi tiếng thường bị xử trảm sau khi tác phẩm của
mình được hoàn thành.
Đó là biểu hiện của lòng ích kỷ và thiếu
tùy hỷ với những điều người khác cần phải đạt được như chính mình đã
đạt. Lăng mộ Taj Mahal của Ấn Độ, một trong những kỳ quan thế giới, đã
lấy đi biết bao sinh mạng của những người dân nghèo khổ. Lăng mộ nguy
nga tráng lệ là cách thức bày tỏ tình yêu chung thủy của nhà vua đối với
người vợ trẻ đẹp nhưng bạc mệnh. Sau hơn chục năm, khi Taj Mahal được
xây xong thì toàn bộ công nhân, thợ xây, kiến trúc sư đồng loạt bị chặt
tay để không thể xây dựng công trình tương tự.
Hành động đó thuộc về bản ngã, đi ngược
lại với đức tính tùy hỷ mà đức Phật dạy. Nếu có được sự tùy hỷ, dù không
dấn thân, hành giả vẫn được công đức. Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa đức
Phật nói: Nếu không có điều kiện giúp các vị pháp sư làm đạo hay giảng
pháp thì hãy khuyến tấn người khác đến nghe. Như vậy là tùy hỷ với sự
kiện mở mang kiến thức của con người thông qua chánh pháp, công đức
không thua kém gì vị pháp sư cả. Đó là tinh thần nhân quả đạo đức bởi để
công việc tốt được thành tựu đòi hỏi đến rất nhiều yếu tố. Phải mở lòng
hoan hỷ cùng cực thì mới có được giá trị lớn, bằng không, dù dấn thân
với tâm ganh tỵ thì phước báu chẳng là bao.
Trong cuộc đời, con người vốn có rất
nhiều khoảng cách với nhau, khoảng cách địa vị, thế hệ,… Thế hệ trẻ khó
chấp nhận thế hệ già, hoặc thế hệ già khó chấp nhận thế hệ đàn em do
bản tính ganh tỵ mà ra. Thế hệ trẻ thường có thái độ cống cao ngã mạn,
cho rằng người đi trước cổ hủ, lạc hậu.
Nếu dấn thân bằng thái độ cống cao ngã
mạn, tức là đặt nền tảng công việc phục vụ trên lòng vị kỷ, lòng tự hào,
sự tự tôn thì giá trị phục vụ giảm xuống, mặc dù chúng ta có thể làm
thành công hơn thế hệ trước rất nhiều, chúng ta đúc kết được kinh nghiệm
của những người đi trước nhiều hơn mà những người đi trước đó lại không
có cơ hội như mình.
Đối với thế hệ đi trước, nếu nghĩ mình
dày dặn kinh nghiệm mà coi thường thế hệ sau non nớt thì chúng ta đang
gieo những hạt giống không tùy hỷ với con em. Do đó, họ có khả năng
nhưng lại không có điều kiện để phục vụ. Ngoài khoảng cách tuổi tác,
giới tính, bối cảnh lịch sử, môi trường sinh sống, điều kiện giáo dục
cộng thêm thái độ không tùy hỷ càng làm cho các thế hệ khó tiến gần nhau
vì lợi ích cao đẹp chung.
Có những phức cảm tâm lý trông qua thì
đơn giản nhưng vẫn len lỏi trong đời sống gia đình, trong quan hệ cha
con, thậm chí vợ chồng. Ngay cả trong chùa, Phật tử đến chùa A đông có
thể làm cho chùa B không hoan hỷ, đạo tràng này đông thì đạo tràng bên
cạnh sinh phiền não. Nếu lâm vào cảnh huống đó thì cần phải quán tưởng
rằng có thêm nhiều đạo tràng, công việc Phật sự sẽ tăng thêm, nhờ đó con
người an lạc từ Phật sự cũng nhiều hơn.
Tinh thần Bồ-tát đạo dạy: “Kiến đạo
tràng ư xứ xứ”, lập nhiều đạo tràng ở mọi nơi mọi chốn để tu tập an lạc,
an vui, mọi người cùng lợi lạc. Nhà Phật nói: Cứ hoan hỷ, tùy hỷ, đừng
sợ mất quần chúng. Càng hoan hỷ tùy hỷ, quần chúng lại càng gia tăng.
Còn hẹp hòi, ích kỷ chừng nào, quần chúng càng xa lánh chừng đó. Đó là
sự mầu nhiệm trong niềm hoan hỷ và tùy hỷ với người khác.
Trong đời sống vợ chồng, đôi khi vợ và
chồng không tùy hỷ với thành công của nhau. Tâm lý người nam, ở cả nghĩa
đen lẫn nghĩa bóng, thường muốn hơn vợ mình. Vợ thông minh giỏi giang
thành đạt hơn chồng, đôi khi dẫn đến mất hạnh phúc gia đình. Nghiên cứu
những tình huống ly dị, ngoại trừ trường hợp ngoại tình, số còn lại đa
số do vợ thành đạt trong xã hội nhiều hơn chồng.
Người chồng có thể chấp nhận vợ mình
nghèo khó, thất nghiệp nhưng hiểu chồng, chăm lo con cái và gia đình là
đủ. Vợ thành công hơn, lúc bấy giờ tâm lý phức tạp bắt đầu diễn ra,
người vợ đối xử với chồng một cách xa lạ hoặc nếu không khéo ứng xử,
người chồng mang trạng thái mặc cảm và do đó sự không tùy hỷ về vai trò
vị trí của hai vợ chồng có thể làm cho cam kết hôn nhân đổ vỡ.
Tùy hỷ còn phải được thể hiện với những
người thấp hơn mình, tùy hỷ với mọi đối tượng. Câu “chư Phật sở hộ niệm”
trong kinh A Di Đà cũng thể hiện lòng tùy hỷ. Khi nghe đức Phật Thích
Ca hoằng pháp giới thiệu pháp môn quán niệm, niệm Phật thành công ở cảnh
giới Ta bà, tất cả mười phương chư Phật hoan hỷ vô cùng. Các Ngài đều
có mặt tại nơi đức Phật thuyết pháp để tán thán, cúng dường. Trong kinh
nói: Phật vẫn cúng dường Phật, các vị Bồ-tát vẫn cúng dường lẫn nhau,
mừng vui cùng chia sẻ khi thành công trong Phật sự. Đó là tấm lòng tùy
hỷ, tùy hỷ với bạn mình, thậm chí với kẻ thù của mình.
Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường,
nếu tùy hỷ với đối thủ cạnh tranh có được coi là trái ngược với quy
luật cung cầu hay không? Không, bởi đối tượng phục vụ là đa dạng, và
cách thể hiện sự phục vụ cũng đa dạng. Với lòng tùy hỷ thì nhân quả đạo
đức được gia tăng. Họ có một số đối tượng khách hàng, chúng ta cũng có
một số đối tượng khách hàng.
Nhà Phật dạy hợp tác chứ không dạy cạnh
tranh. Hợp tác một cách lành mạnh, nếu không hợp tác thì tùy hỷ với
thành tựu của người khác. Thậm chí tùy hỷ bằng cách tặng phương pháp để
người kia có được thành công lâu dài.
Giá trị của lòng tùy hỷ làm cho con
người ngày càng thăng hoa tiến hóa. Dù làm Phật sự hay làm bất cứ việc
gì, cứ để lòng tùy hỷ thì công đức gia tăng. Trong tình yêu, dù ai đó
không chọn chúng ta làm người yêu thì hãy tùy hỷ tôn trọng quyết định
của họ, vui vẻ ra đi không làm phiền nữa. Lòng tùy hỷ mang lại an vui
cho bản thân và người khác. Hạt giống của tùy hỷ sẽ mang lại phước báu
về sau.