Phật Học Online

Vài dòng giới thiệu về nguyên ngữ A Di Đà Phật
TS Huệ Dân

A Di Đà Phật trong Phạn ngữ viết : Amitābha (Vô Lượng Quang) và Amitāyus (Vô Lượng Thọ). Từ Nguyên ngữ A Di Đà Phật có 2 từ khác nhau và không cùng nghĩa. Do đó, sự ra đời của những bài lược sử nói về Đức A Di Đà có những góc độ và khía cạnh khác nhau, tùy theo mỗi thời kỳ lịch sử.


Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Kinh Quán Phật Tam Muội Hải, Kinh Bi Hoa đều có ghi sơ phần lược sử này và để cho hàng đệ tử hiểu rõ ràng hơn, khi nói về một thế giới mà mọi chúng sinh đều cầu pháp và sẽ được về nước này. Đức Phật Thích Ca đã dùng một câu chuyện để diễn đạt ý tưởng này : Đời quá khứ lâu xa, cách hơn 10 kiếp, có một nước tên là Diệu Hỷ, vua cha là Nguyệt Thượng Luân vương, mẹ là Thù Thắng Diệu Nhan.

Vương hậu sanh ra ba người con: người con trưởng là Nhựt Nguyệt Minh, người con thứ hai là Kiều Thi Ca, người con thứ ba là Nhật Đế Chúng. Khi ấy có đức Phật ra đời hiệu là Thế Tự Tại Vương Như Lai. Kiều Thi Ca bỏ ngôi sang xuất gia theo Phật Thế Tự Tại, thọ Tỳ kheo giới, Phật cho hiệu là Pháp Tạng Tỳ kheo.

Ngài Pháp Tạng đối trước Phật, phát 48 lời nguyện rộng lớn, độ khắp tất cả mười phương chúng sanh : nếu có một nguyện nào chẳng viên mãn, thì Ngài thề chẳng thành Phật. Như thế, chúng ta biết rằng, đức Phật A Di Đà tiền thân là Thái Tử Kiều Thi Ca, xuất gia tu chứng thành quả Phật là A Di Đà và trụ trì cõi Cực lạc (tiếng Phạn là Sukhāvatī) còn được gọi là An lạc quốc.

Trong lịch sử đạo Phật, Đức A Di Đà tượng trưng cho Từ bi và Trí huệ và Pháp môn niệm A Di Đà là một cách tu dưỡng mới, nhanh chóng, dễ dàng, dựa vào Tha lực và đại nguyện của Ngài, bằng tự lực nhất tâm niệm danh hiệu :  Nam mô A Di Đà Phật để nâng cao đến giác ngộ toàn giác và lúc lâm chung được sinh vào cõi Tịnh Độ.

Kinh Vô Lượng Thọ là cảm nhận được 48 đại nguyện của Đức Phật A Di Đà, được Đấng Thế Tôn thuyết giáo cho các chúng Bồ Tát, Duyên Giác và Thanh Văn tại núi Kỳ Xà Quật.

Chú Vãng Sanh là sức mạnh ánh sáng của Đức Phật A Di Đà. Chính sức mạnh ánh sáng này đã làm thành năng lượng cảm hoá, mang tính chẳng sinh chẳng diệt, bên trong thì chiếu soi thực tánh của tự tâm, bên ngoài thì chiếu soi thực tướng của chúng sinh.

Tất cả mọi thứ điều vô thường : vui, buồn, mừng, giận, thương, ghét, thành bại, khổ đau... Khi chết là sẽ để lại tất cả. Chỉ mang đi cái nghiệp Thiện và Ác của mình tạo ra. Theo đạo Phật, được làm kiếp con người đã khó, gặp chính pháp còn khó hơn, nhưng khi hấp thụ chính pháp để tu theo đạt chính pháp là việc khó làm nhất.

 Thấy khổ tìm cách thoát khổ, đó là Trí huệ, còn thấy Khổ mà vẫn thích ở trong sự Khổ, đó là Si Mê. Điều quan trọng phải biết là, mọi khả năng được trao cho con người một sức mạnh của tư tưởng, cũng phụ thuộc vào một tập hợp những điều kiện mà sự luyện tập có thể phối hợp và phát triển (Cơ duyên và Nhân duyên).

Ngày xưa các chùa thường tụng Chú Vãng Sanh bằng chữ Hán, ai không biết chữ có thể nghe, đọc theo dần dần thuộc lòng nhưng không thể nào biết rõ được ý nghĩa của nó. Hôm nay Câu chú Hán Việt này đươc Sa môn Thích Minh Đức đệ tử của Thầy Niệm Phật (thầy Đại Giác) thi hóa việt ngữ,

từng chữ, dễ hiểu hết ý nghĩa lời Phật dạy, theo đó mà tu tập. Trước là mang lợi ích cho chính bản thân, sau đó góp phần lợi ích cho những người chung quanh.

Kính Bút

TS Huệ Dân

Ghí chú :  Nguyên ngữ A Di Đà Phật có hai nghĩa Vô Lượng Quang và Vô Lượng Thọ, cho nên bài chú này mang tựa Vô Lượng Thọ và nội dung là Vô Lượng Quang.

Chú Vãng Sanh Vô Lượng do hai dịch giả lừng danh của Trung Hoa chuyễn ngữ từ Tiếng Phạn ra tiếng Hán : Dao Tần Tam Tạng Pháp Sư và Cưu Ma La Thập


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage