HỎI: Chúng tôi là những Phật tử
thuần thành, đạo tâm kiên cố, ngày đêm trì tụng kinh Phật. Chỉ tiếc
rằng, đa phần kinh Nhật tụng và những nghi thức tụng niệm đều dùng chữ
phiên âm Hán-Việt, nên dù đọc tụng hàng ngày nhưng vẫn không hiểu nghĩa.
Chúng tôi biết rằng, người Trung Quốc từ xa xưa đã
dịch kinh Phật từ tiếng Ấn Độ sang tiếng Hán để đọc và trì tụng. Vậy
thì tại sao đến tận ngày nay, Phật tử Việt lại phải tụng đọc kinh bằng
âm Hán-Việt mà không tụng kinh thuần tiếng Việt?
Hiện tại một số chùa và đạo tràng đã mạnh dạn trì
tụng kinh điển bằng tiếng Việt nhưng gần như đó là những nghi thức có
tính "lưu hành nội bộ", mỗi nơi có một nghi thức riêng, do đó khi đi đến
những nơi khác thì không thể tụng đọc theo nên dù có tham dự thời kinh
vẫn thấy bơ vơ, lạc lõng. Và cũng không biết tại sao, đến nay Phật giáo
Việt Nam (PGVN) vẫn chưa có một cuốn kinh Nhật tụng tiếng Việt được
chuẩn hóa cho Phật tử cả nước trì tụng?
Đã vậy, chư Tăng Ni sau mỗi thời kinh lại ít khi
ban pháp thoại, chí ít là cắt nghĩa những từ ngữ, thuật ngữ Phật học
thông dụng để hàng Phật tử hiểu được phần nào nghĩa lý kinh văn mà mình
trì tụng hàng ngày. Chúng tôi mạo muội trình bày những trăn trở của mình
đến quý Báo. Mong được quý Báo chia sẻ thêm. (QUẢNG HUỆ, Chư Păh,
Gia Lai; HỒNG HOA, honghoa19…@yahoo.com)
ĐÁP: Bạn Quảng Huệ và Hồng Hoa thân
mến!
Chúng tôi thực sự đồng cảm với những ưu tư và trăn
trở của các bạn về vấn đề cần được trì tụng kinh điển Phật giáo bằng
tiếng Việt. Chúng ta là những Phật tử Việt Nam thì không vì bất cứ lý do
gì phải tụng kinh bằng phiên âm Hán-Việt, vì điều đó sẽ gây khó hiểu
cho những người có học chữ Hán mà chưa mấy am tường và hoàn toàn không
hiểu cho những ai chưa từng học chữ Hán.
Trì tụng kinh điển là một pháp môn tu tập khá phổ
biến trong truyền thống PGVN. Khi tụng kinh, thân ngay thẳng đoan chính,
miệng đọc lời Phật dạy, ý suy nghiệm nghĩa lý của kinh văn, hướng ba
nghiệp đến thanh tịnh. Phương châm tu tập của người đệ tử Phật là "lấy
trí tuệ làm sự nghiệp". Tuệ giác, theo quan điểm Phật giáo, hình thành
nhờ nghe hoặc đọc kinh pháp (văn tuệ), sau đó là suy ngẫm và chiêm
nghiệm lời kinh (tư tuệ) và cuối cùng là sẽ thực tập, tức ứng dụng những
điều đã nghe, đã suy ngẫm (tu tuệ). Và như thế, nếu trì tụng kinh điển
mà không hiểu nghĩa (chỉ ê a những chữ phiên âm Hán-Việt như trì chú)
thì dựa trên cơ sở nào để người Phật tử tư duy và ứng dụng thực hành lời
Phật dạy?
Tất nhiên, Tăng tín đồ PGVN ai cũng nhận thức rõ về
điều này và cố gắng Việt hóa kinh điển, nhất là thể loại kinh nhật tụng
hay nghi thức tụng niệm. Việc mỗi chùa, mỗi đạo tràng hiện nay đều tự
phát hình thành nên kinh Nhật tụng của riêng mình (chỉ lưu hành nội bộ)
đã minh chứng điều ấy. Nhưng chính những nỗ lực này lại tạo ra sự manh
mún, rời rạc kiểu "kinh chùa nào thì chùa ấy đọc tụng", đồng thời đây là
một sự trở ngại lớn cho sự hợp lực cầu nguyện để phát huy sự đoàn kết,
hòa hợp, một sức mạnh tiềm tàng của Phật giáo.
Theo chúng tôi, vấn đề chuẩn hóa kinh Nhật tụng bằng
tiếng Việt là trách nhiệm đồng thời cũng là thách thức đối với GHPGVN
hiện nay. Theo HT.Thích Thiện Nhơn, Phó Chủ tịch kiên Tổng Thư ký HĐTS
GHPGVN, một trong những hoạt động trọng điểm của GHPGVN năm 2010 là Hội
thảo về Nghi lễ Phật giáo ba miền (báo GN số 424-425, tr.4). PGVN đang
tích cực hướng về kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long với nhiều ý nghĩa cao cả
mà kinh Nhật tụng lại còn lệ thuộc tiếng Trung Quốc là điều đáng để luận
bàn. Chúng tôi nghĩ rằng, GHPGVN cần chỉ đạo Ban Nghi lễ Trung ương
nghiên cứu việc chuẩn hóa kinh Nhật tụng bằng tiếng Việt, càng sớm càng
tốt, và đó là một trong những chủ đề chính của Hội thảo về Nghi lễ PGVN
năm 2010.
Việc chư Tăng Ni nói pháp thoại trong hoặc sau những
khóa lễ lớn như các Đại lễ Phật đản, Vu lan hay những khóa lễ vào các
ngày rằm, ba mươi âm lịch là điều rất cần thiết. Thế nhưng, không nhiều
chùa trên cả nước làm được điều này một cách thường xuyên. Dù rằng, PGVN
đã tổ chức được rất nhiều lớp giáo lý, nghe pháp định kỳ hàng tuần
nhưng nói pháp thoại trong các thời kinh vẫn chưa được chú trọng đúng
mức. Đây cũng là vấn đề mà Tăng tín đồ PGVN cần lưu tâm để tìm ra giải
pháp nhằm xiển dương Chánh pháp ngày một sâu rộng, phổ cập hơn.
Chúc các bạn tinh tấn!