Phật Học Online

Cảnh giác với khách không mời


HỎI: Tôi xin trình bày với quý Báo một việc như sau: Gần đây, lúc 15 giờ có hai vị sư vào nhà tôi tự xưng đến từ chùa Bắc Ninh (còn nói rằng vừa du học từ Ấn Độ về). Dù hai vị sư này đến nhà đường đột nhưng tôi vẫn đón tiếp. Sau khi mời nước xong, tôi hỏi về lý do thăm viếng thì họ bảo: Đến để chúc mừng gia đình và đề nghị ghi tên vào tờ sớ để sư về chùa cầu cho gia đình mát mẻ, mạnh khỏe... với “phí” là: Sớ làm cho 3 năm, 1 tháng 10.000đ, 1 năm 120.000đ, 3 năm là 360.000đ.

Sau đó tôi trình bày về tình hình gia đình: Cách đây hơn 1 năm, gia đình tôi có mua một ngôi nhà mới cách nhà cũ khoảng 9 cây số và đã chuyển bát hương gia tiên đến nhà mới, chỉ còn 1 bát hương Thổ công để lại (vì tôi vẫn ở chỗ cũ), chỉ có con trai và con dâu ở nhà mới. Vì điều kiện con trai không thể ở nhà mới được nữa mà lại trở về nhà cũ, nên tôi chuyển bát hương về lại nhà cũ.

Nghe xong các sư bảo thế là không được, vì bát hương phải yên vị, vậy muốn yên vị, không động đến long mạch thì phải nhờ sư làm cho. Sư bảo phải nhờ 7 vị cầu nguyện trong 1 tuần, phải cúng 360 vị thần, 1 vị thần là 10.000đ, tất cả là 3.600.000đ. Tôi nói là hiện không có số tiền đó, sư bảo không có đủ thì đưa trước một phần, khi nào đến thì đưa tiếp. Thực sự thì lúc ấy tôi chỉ còn 700.000đ nên đưa hết. Sư đưa lộc cho tôi 7 bó hương “tâm thành như ý” rồi ra đi.

Ngay lúc đó tôi không suy nghĩ gì, khi các vị đi rồi mới sực nghĩ ra không biết chuyện này thực hư thế nào? Rất mong quý Báo chia sẻ. (Phạm Thị Mầu, Bãi Cháy, Hạ Long, Quảng Ninh)


ĐÁP: Bạn Phạm Thị Mầu thân mến!

Sau khi nạn khất thực phi pháp, do một số người lợi dụng lớp áo tu hành thực hiện, bị các phương tiện truyền thông và GHPGVN lên án đã tạm thời lắng xuống thì lại rộ lên nạn “bán” hương (dưới danh nghĩa bán cho nhà chùa hoặc làm từ thiện) với giá trên trời và nhiều chiêu thức khác lợi dụng hình tướng người tu để lừa gạt Phật tử.

Qua thư của bạn, chúng tôi nghĩ rằng hẳn bạn đã bị người xấu, giả dạng người tu lừa gạt. Trước hết, một người tu chân chính không bao giờ đến thăm nhà Phật tử nếu không có sự thỉnh mời hoặc không có quen biết từ trước. Sự việc Tăng Ni đường đột gõ cửa nhà một ai đó, nếu có, cũng chỉ hỏi đường, hỏi thăm người quen mà thôi.

Kế đến, nếu Phật tử có nhu cầu ghi sớ cầu an cho bản thân và gia đình thì tự thân Phật tử tìm đến chùa xin lễ. Không hề có chuyện chư vị Tăng Ni tự tìm đến nhà Phật tử để đề nghị gia đình làm sớ. Đó là chưa kể đến việc ra giá cả rạch ròi về phí làm sớ cho mỗi tháng, mỗi năm y như nhân viên của các dịch vụ tiếp cận, giao dịch với khách hàng. Dở khóc dở cười hơn, họ lại lòe rằng vừa đi du học Ấn Độ mới về. Mượn áo nâu sồng khoác lên mình rồi mà còn chưa an tâm nên họ mượn thêm cái “mác” du học từ đất Phật xa xôi trở về để tăng thêm uy tín nhằm lừa gạt mới hãi!

Chỉ chừng ấy thôi cũng đủ để khẳng định rằng hai vị tự xưng là “sư” chỉ là sư giả. Hành vi của những người này thường là giả dạng nhà sư rồi đi bán hương, thâm nhập vào từng nhà mời mọc, nài nỉ người mua hương với giá ngất ngưởng. Có ai phàn nàn về giá cả “trời ơi” thì họ ra chiêu bảo rằng bán đắt một tí để ủng hộ chùa hoặc các chương trình từ thiện. Sau đó, nếu phát hiện những Phật tử có đạo tâm mà chưa hiểu nhiều về Phật pháp, họ tiếp tục gạ gẫm như làm sớ cầu an. Chưa hết, đối với những người nhẹ dạ cả tin, họ còn giở chiêu như nhà sai phong thủy, đứt long mạch hay có ma quỷ cần cầu cúng hoặc trấn yểm với chi phí từ năm, bảy đến hàng chục triệu đồng.

Chúng tôi nghĩ rằng, hàng Phật tử đối với chư Tăng Ni cần nên cung kính, tôn trọng nhưng phải hết sức thận trọng, cảnh giác trong trường hợp họ là khách không mời. Bởi sự ủng hộ nhiệt tình mà không vận dụng trí tuệ để phân định chơn giả rạch ròi thì chẳng những không được phước báo mà còn tiếp tay cho những người xấu góp phần làm băng hoại Chánh pháp. Mặt khác, cần phát huy chánh kiến, hiểu biết Phật pháp sâu sắc để vượt thoát tà kiến, dẹp trừ mê tín để tránh bị người xấu lợi dụng.

Source: giac ngo online

 

 


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage