Sư thầy trụ trì chùa Linh Sơn
(Thanh Nhàn, Hà Nội) Thích Nữ Như Hiền cho biết, để có 150 suất cơm và
350 suất cháo ở cả hai địa điểm của Bệnh viện K, mỗi ngày nhà chùa phải
dùng 46kg gạo, 45-60kg rau, thịt... trị giá 2 triệu đồng. Sư thầy trụ
trì chùa lý giải việc ra đời của bếp ăn từ thiện: "Chúng tôi là con
phật, phật dạy cứu độ chúng sinh. Với khả năng, tài chính của mình làm
được gì cho chúng sinh thì mình làm".
Nguồn: http://phatgiaovnn.com (Phật Giáo Việt Nam Net)
11h,
khuôn viên Bệnh viện K Trung ương đông nghịt bệnh nhân và người nhà.
Bữa trưa, người ra cổng viện tìm gánh hàng ăn nhanh trên vỉa hè, người
vào căng tin bệnh viện ngồi lặng lẽ. Ở cái thời giá cả leo thang, bệnh
nhân nghèo càng trở nên khó khăn hơn khi chọn lựa một suất ăn hợp túi
tiền. Trong hoàn cảnh đó, nhiều người đã được hưởng món quà đặc biệt của
lòng thiện tâm là những suất cơm, suất cháo miễn phí. Những suất ăn từ
thiện này được người bệnh, đặc biệt là người mắc bệnh hiểm nghèo đón
nhận với lòng trân trọng.
Cuộc gặp gỡ của thiện tâm
Ngôi chùa Linh Sơn Thanh Nhàn, phường Thanh Nhàn, quận
Hai Bà Trưng, Hà Nội nằm ẩn mình dưới những tán lá cổ thụ. Để có được
bữa cơm đến tay bệnh nhân nghèo vào lúc 11h hằng ngày, các phật tử phải
bắt đầu ngày mới từ 5h sáng. Chị Lê Thúy Hằng ở dốc Thọ Lão, phường Đồng
Nhân, quận Hai Bà Trưng thoăn thoắt xếp hộp thức ăn và cơm vào túi
nilon. Cùng làm với chị còn có các phật tử đến từ nhiều nơi, có cùng tâm
nguyện giúp đỡ người nghèo.
Bà Phi Vân Hà ở xã Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai năm nay đã
74 tuổi vẫn đều đặn bắt xe buýt chuyến 5h từ nhà lên Kim Ngưu rồi đi bộ
vào chùa. Bà Hà cùng các phật tử như bà Sinh, bà Pháp, bà Mai có chung
suy nghĩ: "Được làm việc thiện ở đây là niềm vui của tuổi già. Chúng tôi
không có tiền thì chúng tôi góp công, giúp người nghèo".
Tôi đã được chứng kiến toàn bộ công đoạn từ nhặt rau
cho đến nấu, đóng gói, dọn rửa đồ nghề của các phật tử ở đây, tất cả đều
sạch sẽ, tinh tươm. Một suất ăn do nhà chùa nấu rất ngon. Bởi thế mà
cơm từ thiện của chùa luôn "đắt hàng" và là sự mong mỏi của không chỉ
người nghèo ở Bệnh viện K. Tôi theo chân anh Liêm chở 90 suất cơm vào
Bệnh viện K Trung ương và chứng kiến sự đón nhận cảm động của bệnh nhân.
|
Làm cơm từ thiện tại chùa Linh Sơn, Thanh Nhàn. |
Phúc đức để lại
Một góc trong khu nhà G, Bệnh viện K Trung ương, cô
gái trẻ Bùi Thị Thoa đứng phát cơm cho bệnh nhân nghèo. Mỗi bệnh nhân
nghèo đều có phiếu nhận cơm do các bác sỹ trong bệnh viện xét duyệt để
đảm bảo cơm từ thiện được đến đúng đối tượng... Hôm nào nhà chùa cũng
làm dư ra khoảng chục suất cơm để phục vụ cho các đối tượng như thế.
Bà Nguyễn Thị Từ 62 tuổi, quê ở tỉnh Nghệ An dáng vẻ
khắc khổ đi nhận cơm cho chồng bị mắc bệnh ung thư và một suất lấy hộ
bệnh nhân cùng phòng, xúc động nói: "Chúng tôi thuộc diện hộ nghèo lại
bị mắc bệnh hiểm nghèo, có được một suất cơm thế này chúng tôi cảm động
lắm".
Mỗi ngày, tại Bệnh viện K ở phố Quán Sứ có 90 suất ăn miễn phí từ chùa Linh Sơn Thanh Nhàn chuyển đến. Còn tại khu điều trị K2
ở Thanh Trì cũng được phát miễn phí 60 suất cơm. Buổi sáng, tại đây có
tới 350 suất cháo phát tự do cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. 6h sáng
hằng ngày, bệnh nhân đã có cháo ăn sáng rất ngon. Khi họ đã chán ăn thì
bát cháo từ thiện của nhà chùa như một liều thuốc tinh thần đến với
người bệnh. Họ xin cháo vì cháo ngon và cả vì hy vọng vào điềm lành mà
nhà chùa mang lại.
Để có một nồi cháo từ thiện duy trì hằng ngày suốt 5
năm qua, các phật tử chùa Linh Sơn sinh sống gần khu vực bệnh viện đã nỗ
lực không mệt mỏi cùng với lòng hảo tâm của các nhà từ thiện. Để có
được nồi cháo ngon ăn sáng, người nấu cháo phải bắt đầu nhóm bếp đun nấu
từ 3h sáng. Cháo nấu cho người bệnh cần đảm bảo dinh dưỡng và có cả
chất xơ như thịt, rau, củ. Bởi thế mà hôm nào nồi cháo của nhà chùa cũng
hết nhẵn.
Sư thầy trụ trì chùa Thích Nữ Như Hiền cho biết, để có
150 suất cơm và 350 suất cháo ở cả hai địa điểm của Bệnh viện K, mỗi
ngày nhà chùa phải dùng 46kg gạo, 45-60kg rau, thịt... trị giá 2 triệu
đồng. Sư thầy trụ trì chùa lý giải việc ra đời của bếp ăn từ thiện:
"Chúng tôi là con phật, phật dạy cứu độ chúng sinh. Với khả năng, tài
chính của mình làm được gì cho chúng sinh thì mình làm". Năm nay đã là
năm thứ 5 nhà chùa làm công việc này. Những người tự nguyện tham gia đều
là phật tử của chùa.
Nhìn cuốn sổ riêng ghi tên các nhà hảo tâm công đức
cho nồi cơm từ thiện tại đây, chúng tôi hiểu vì sao nhà chùa có thể duy
trì được công việc phúc đức ấy. Nhiều người đến chùa cúng lễ biết đến
việc làm này cũng chở gạo, mang tiền góp sức cùng nhà chùa làm việc
thiện. Trong đó, có các bạn trẻ đang là học sinh, sinh viên dành ngày
nghỉ đến nấu cơm cùng các phật tử. Việc làm đó thật ý nghĩa trong cuộc
sống hôm nay.
Ngước nhìn lên trên gian nhà làm công việc bếp núc cho
các suất ăn từ thiện, ai cũng thấy dòng chữ: "Tích ngọc, tích châu,
tích bạc vàng của cải rồi cũng phải tiêu tan. Ai mà tích được nhiều nhân
đức, ấy thế giàu sang". Đó là lời phật dạy, mà cũng là tâm nguyện của
nhà chùa. Nhà chùa muốn gửi thông điệp đến với mọi người về sự sẻ chia
đau khổ, nâng đỡ người trong cơn hoạn nạn. Đó cũng là truyền thống tốt
đẹp của người Việt Nam - lá lành đùm lá rách, thương người như thể
thương thân. Thế mới biết rằng, xung quanh ta vẫn luôn tràn ngập tình
nhân ái
Cuối tháng 11, Quỹ XHTT Báo CAND nhận được ủng hộ của
bạn đọc 50kg gạo và 6 thùng mỳ tôm cho người nghèo. Ngày 6-12, Báo CAND
đã chuyển số gạo và mỳ tôm trên đã được chuyển tới Tổ nấu cơm từ thiện
chùa Linh Sơn Thanh Nhàn. |
Việt Hà PV