Tại
thành Xá-vệ (Sàvatthi) có một thương gia tên là Đại Phú (Màha
Suvanïnïa). Ông rất mực giàu sang nhưng hiếm muộn con cái. Một hôm, nhân
đi tắm sông về, thấy bên rừng có một cây cổ thụ um tùm, ông bèn nghĩ:
Cây này hẳn là có thần linh trú ngụ. Vì vậy, ông xây tường bao quanh
gốc cây, quét dọn sạch sẽ, trang hoàng cờ phướn, và khấn nguyện rằng:
Nếu con sanh được con trai hay con gái, con sẽ hết lòng bảo vệ cây này
và tôn vinh ngài. Quả thật vợ ông lần lượt sanh được hai người con
trai. Và để nhớ mình là người bảo vệ (Pàla), ông đặt tên đứa con thứ
nhứt là Vệ anh (Mahà Pàla), và đứa thứ hai là Vệ em (Culla Pàla). Khi
đến tuổi trưởng thành, chúng được cha mẹ xây dựng gia thất; và sau một
thời gian, cha mẹ chúng qua đời, để lại toàn bộ gia sản cho chúng quản
lý. Bấy giờ Đức Thế Tôn đang an trú tại Kỳ Viên (Jetavana), và đã hóa độ
được hàng ngàn đệ tử tu hạnh giải thoát.
Một
hôm, Vệ anh thấy ai ai cũng ăn mặc chỉnh tề, tay cầm cành hoa thẳng đến
Kỳ Viên. Cậu cũng theo họ đến chùa nghe pháp. Cậu rất chú tâm nghe Đức
Thế Tôn thuyết giảng về hạnh trì giới, nhẫn nhục, thiền định, ly tham,
xuất gia hành đạo, và đặc biệt là đoạn Thế Tôn nhấn mạnh: Khi một người
nhắm mắt xuôi tay thì cung vàng điện ngọc, tiền bạc của cải, danh vọng
địa vị, vợ chồng con cái, và ngay cả thân mạng của người ấy, cũng không
thể theo họ sang bên kia thế giới. Trực nhận được lẽ vô thường sanh
diệt, Vệ anh đến quỳ dưới chân Đức Thế Tôn xin xuất gia. Ngài nói:
- Ông có người thân nào không?
- Bạch Đức Thế Tôn, con còn một người em trai.
- Thế thì về hỏi ý kiến em ông.
Lòng lâng lâng sung sướng, Vệ anh về nhà gọi em lại nói rằng:
- Em à, hôm nay anh giao toàn bộ tài sản gia đình lại cho em, hãy vui vẻ duy trì và phát triển gia nghiệp.
- Còn anh thì sao? Người em ngạc nhiên hỏi.
- Anh sẽ xuất gia theo Đức Thế Tôn, gia nhập Tăng đoàn.
-
Anh nói gì vậy? Cha mẹ mất rồi, em luôn luôn coi anh như cha mẹ, anh nỡ
vất bỏ cơ nghiệp gầy dựng của cha mẹ sao? Anh ơi, đừng xuất gia theo
Phật nghe anh.
-
Em yêu thương của anh, nghe lời Thế Tôn dạy, anh đã nhận chân được ba
đặc tính của vạn pháp, đó là vô thường, khổ và vô ngã. Giáo pháp phải
được xiển dương rực rỡ ngay ở đầu, ở giữa và ở cuối. Anh không thể hành
trì giáo pháp giữa cảnh bận bịu gia đình.
- Anh ơi, anh còn trẻ mà, chờ ít năm nữa rồi anh vào chùa cũng được.
-
Chờ đến khi mắt lờ tai điếc thì còn làm được gì! Thôi, anh đi đây, em ở
lại mạnh khỏe. Mặc cho Vệ em đứng đau buồn thổn thức, Vệ anh đi thẳng
đến Kỳ Viên.
Năm năm trôi qua, một hôm Tỳ-kheo Ma-ha Pa-la đến hầu Đức Thế Tôn và thưa rằng:
- Bạch Thế Tôn, có bao nhiêu nhiệm vụ trong nếp sống tu hành?
-
Có hai, Đức Thế Tôn đáp. Nhiệm vụ nghiên cứu giáo pháp, tức là đường
hướng quán thông ba tạng kinh điển; và nhiệm vụ tu tập thiền định, con
đường dẫn đến quả vị A-la-hán.
-
Bạch Thế Tôn, con nay tuổi già sức yếu, khó mà thực hiện nhiệm vụ thứ
nhứt, xin Thế Tôn cho con thực hiện nhiệm vụ thứ hai, phù hợp với khả
năng của con hơn.
Đức
Thế Tôn truyền cho Ma-ha Pa-la một pháp môn thiền định, và được 60 vị
Tỳ-kheo tháp tùng, Ma-ha Pa-la đi đến một ngôi làng xa xôi để an cư mùa
mưa năm đó. Dân làng hết lòng hộ trì; một y sĩ cũng phát tâm chăm sóc
sức khỏe cho quý sư. Nếp sống tu hành rất là trang nghiêm, thanh tịnh.
Ma-ha Pa-la thấy các pháp hữu tận dụng bốn tư thế đi đứng ngồi nằm trong
nhứt tâm quán niệm, sư cũng phát nguyện không nằm, tất cả đều chuyên
tâm tu tập.
Cuối
tháng thứ nhứt, Ma-ha Pa-la cảm thấy nhức ở hai mắt, nước mắt chảy
hoài, được y sĩ chữa trị, nhưng vì sư không chịu nằm nghỉ nên việc điều
trị không có kết quả. Tuy vậy, sư vẫn quyết tâm duy trì hạnh nguyện:
không nằm, ngồi thiền suốt đêm; và một đêm nọ, khi hai mắt sư bị hỏng
thì cũng là lúc sư chứng quả A-la-hán. Cuối mùa mưa, các vị chứng quả
A-la-hán muốn về hầu thăm Đức Bổn Sư. Ma-ha Pa-la biết trên đường đi có
một cánh rừng thường bị ma quỷ quấy nhiễu, phần sợ gây trở ngại cho cuộc
hành trình, sư khuyên các Sa-môn đi trước và nhớ báo giùm với Vệ em cho
người đến đón sư.
Được
tin anh mình bị mù lòa khốn khổ, Vệ em quỳ mọp dưới chân các Sa-môn
khóc nức nở, đoạn giới thiệu Pa-li-ta (Pàlita), cháu kêu ông bằng cậu đi
đón Trưởng lão Ma-ha Pa-la. Các sư bảo đường sá xa xôi hiểm trở, nếu đi
với hình thức cư sĩ e không tiện, và thế là Pa-li-ta trở thành một chú
Sa-di vạm vỡ, đẹp trai. Pa-li-ta đến gặp sư ông cậu mình, bày tỏ tự sự,
và sau hai tuần chí tâm hầu hạ, Pa-li-ta dắt cậu tạm biệt dân làng, trở
về Kỳ Viên hầu thăm Thế Tôn.
Khi
hai thầy trò đi ngang qua cánh rừng Ka-tha-na-ga-ra (Kattha-nagara),
Pa-li-ta bỗng nghe tiếng hát quyến rũ của một phụ nữ đang kiếm củi, chú
Sa-di đâm ra cảm kích, quên mất sứ mạng, bèn thưa:
- Bạch thầy, hãy ngồi nghỉ giây lát, con đi đây một chút.
Pa-li-ta
đến gặp nàng, hai bên cười cười nói nói, liếc mắt đưa tình, quên hẳn
lời nguyền xuất gia học đạo. Lát sau cậu trở lại nói:
- Bạch thầy, đi nào!
- Con đã phạm giới rồi phải không Pa-li-ta? sư Ma-ha Pa-la hỏi.
Giật
mình như bị sét đánh, Pa-li-ta đứng lặng thinh. Sư hỏi hai ba lần nữa
nhưng Pa-li-ta vẫn đứng yên, không thốt nên lời. Đoạn ngài nói:
- Một người phạm giới như con không thể vin vào đầu gậy tích trượng của thầy. Thôi, con đi đi!
Vô cùng ân hận, Pa-li-ta cởi y vàng, mặc lại thường phục và thưa rằng:
-
Bạch thầy, trước đây con là tu sĩ, bây giờ con là cư sĩ. Con khoác áo
tu sĩ không phải vì chí nguyện xuất gia, mà vì sợ đường sá xa xôi hiểm
trở. Nào, mời thầy tiếp tục lên đường.
-
Kẻ xấu thì ở đâu cũng xấu, cư sĩ hay tu sĩ gì cũng vậy. Con thọ giới
Sa-di mà không giữ nổi năm giới thì làm cư sĩ liệu con có khá hơn không?
Một người phạm giới như con không thể vin vào đầu gậy tích trượng của
thầy. Sa-môn Ma-ha Pa-la nói.
- Bạch thầy đường sá ma quỷ nhiều lắm, phần thầy mù lòa, làm sao thầy có thể ở lại đây?
- Đừng lo chuyện đó! Thầy dù phải nằm chết nơi đây, hay lang thang vất vưởng đâu đó chứ nhứt định không đi với con nữa.
Pa-li-ta vò đầu ân hận và kêu lên rằng:
-
Thật là một lỗi lầm nghiêm trọng, ta đã phạm phải một hành động tàn bạo
và bất lương! Chàng bưng mặt khóc rồi đi thẳng vào rừng.
Bấy
giờ thần vương Xa-ka (Sakka), thấy rõ tình cảnh của Ma-ha Pa-la, bèn
đến gặp ngài, hỏi han tâm sự đôi điều rồi cùng ngài về Xá-vệ.
Xa-ka
đưa ngài đến hầu Đức Thế Tôn rồi về thảo am mà em trai ngài đã dựng lên
cho ngài trú tạm trước kia để báo cho em ngài biết là ngài đã về.
Vệ em tức tốc đến thảo am, và vừa thấy anh mình là ông gieo người xuống đất, ôm chân anh khóc nức nở, than rằng:
- Em biết hoạn nạn khốn khổ thế nào rồi cũng xảy ra; chính vì vậy mà em không muốn anh xuất gia làm Sa-môn.
Sau
đó ông về trả tự do cho hai cậu bé nô lệ, khuyên chúng xuất gia và được
ngài nhận vào giáo hội. Hai chú Sa-di vô cùng sung sướng, tinh tấn tu
hành và hết lòng hầu hạ ngài.
Một
hôm, có một nhóm du tăng đến Kỳ Viên thăm Đức Thế Tôn. Sau khi đảnh lễ
Ngài, thăm hỏi tám mươi vị Trưởng lão, nhóm du tăng đi dạo quanh tu
viện, khi đến thảo am của Trưởng lão Ma-ha Pa-la, họ định vào thăm ngài.
Nhưng vì trời tối, gió bão sắp nổi lên, họ phải quay lui và hứa sáng
mai sẽ đến thăm ngài.
Tối
hôm đó trời mưa dữ dội, đến canh hai mới tạnh. Đầu canh năm, Trưởng lão
Ma-ha Pa-la, con người có thừa nghị lực, ra trước hiên am thiền hành.
Bấy giờ các loại côn trùng, sau cơn mưa lớn, trồi lên trên mặt đất ẩm
ướt và bị ngài dẫm chết rất nhiều. Các sư thường trú chưa kịp quét dọn
thì nhóm du tăng đã đến, thấy nhiều côn trùng bị dẫm chết trên mặt đất
liền hỏi chú sa di:
- Này, ai đã đi qua lại thềm này?
- Thầy của chúng con, bạch Đại đức.
Họ lên giọng nói:
-
Hãy nhìn những gì vị Tỳ-kheo phạm phải kìa! Khi mắt sáng, sư ấy nằm ngủ
và không phạm tội; bây giờ mắt mù thì đi thiền hành và sát hại nhiều
loại côn trùng. Sư ấy cho điều mình làm là đúng nhưng thực sự thì sai
lầm.
Nhóm du tăng đến trình sự việc với Đức Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, Trưởng lão Ma-ha Pa-la đi thiền hành và đã sát hại nhiều loại côn trùng.
- Nhưng các thầy có thấy thầy ấy giết chúng không?
- Chúng con không thấy, bạch Thế Tôn.
- Vậy đó! Các thầy không thấy thầy ấy cũng như thầy ấy không thấy côn trùng.
Này các thầy Tỳ-kheo, ai giải thoát nhiễm ô, người ấy không còn ý nghĩ sát hại.
- Bạch Thế Tôn, thầy ấy chứng quả A-la-hán sao còn bị mù?
- Vì ác nghiệp của thầy ấy trong tiền kiếp.
- Thầy ấy đã làm gì, bạch Thế Tôn?
- Ờ
này các thầy Tỳ-kheo, vậy thì hãy lắng nghe.
* * *
Trong
tiền kiếp xa xưa, khi quốc vương Ka-xi (Kàsi) trị vì tại thành
Ba-la-nại (Benares), có một y sĩ hành nghề qua các phố phường, làng mạc.
Một hôm, thấy một phụ nữ ngồi nhắm mắt, hai tay ôm trán, ông hỏi:
- Bà làm sao thế?
- Tôi bị đau mắt.
- Tôi sẽ chữa trị cho bà.
-
Được sao, thưa ngài! Ngài sẽ cho tôi thuốc gì? Nếu ngài chữa lành mắt
tôi, tôi sẽ làm nô lệ cho ngài, con trai con gái tôi cũng vậy.
- Thế thì hay lắm!
Ông bốc thuốc cho bà, và chỉ đắp một liều là mắt bà lành mạnh, sáng lại ngay.
Sau đó bà suy nghĩ:
- Mình đã lỡ hứa làm nô lệ cho ông ấy, con trai con gái của mình cũng vậy. Chà
gay quá! Chỉ còn cách là phải nói dối. Mình sẽ đánh lừa ông ta.
Hôm sau vị y sĩ đến hỏi bà bịnh tình thuyên giảm thế nào, bà đáp:
- Trước đây mắt tôi đau ít, bây giờ chúng hành tôi đau nhức hơn bao giờ hết.
Vị y sĩ thầm nghĩ:
-
Mụ này láo thật, dám lừa ta! Mụ không muốn đền đáp công ơn của ta. Ta
không cần tiền thù lao của mụ. Nào, ta sẽ làm cho mụ đui luôn.
Thế
là vị y sĩ về nhà báo cho vợ biết. Vợ ông không nói gì. Ông bèn pha một
loại thuốc hiểm ác, đem đến nhà và hướng dẫn bà xát thuốc vào mắt. Bà
làm theo lời ông. Ít hôm sau, hai mắt bà lồi ra như hai ngọn tim đèn. Vị
y sĩ đó là Ca-khu-pa-la (Cakkhupàla), tiền thân của Trưởng lão Ma-ha
Pa-la này vậy.
Dừng lại trong giây lát, đoạn Đức Thế Tôn tiếp:
- Này các thầy Tỳ-kheo, ác nghiệp đeo đuổi người tạo ác cũng như bánh xe lăn theo vết chân của con bò kéo xe vậy.
Ngài đọc kệ:
Tâm dẫn đầu các pháp.
Tâm là chủ, tạo tác.
Nếu nói hay hành động,
Với tâm niệm bất tịnh,
Khổ não liền theo sau,
Như xe theo bò vậy.
(PC. 1)
(trích từ tác phẩm Từng Giọt Nắng Hồng của Tịnh Minh)
Tịnh Minh soạn dịch