Dẫn nhập
Một trong những sáng tạo độc đáo có thể được xem là vĩ đại nhất trong
lịch sử toàn nhân loại chính là Thiền học. Sở dĩ có thể nói như thế, là
vì trong suốt bề dày lịch sử hình thành và phát triển, thiền đã và đang
mang lại cho nhân loại những giá trị tốt đẹp có ý nghĩa đối với mọi dân
tộc và mọi thời đại. Những ảnh hưởng tích cực của thiền đối với cuộc
sống con người không hề bị giới hạn bởi bất cứ yếu tố khác biệt nào, cho
dù đó là chủng tộc, giai cấp, tuổi tác hay giới tính... Tất cả chúng ta
đều bình đẳng và có cơ hội như nhau khi đến với thiền. Sự phát triển
mạnh mẽ của thiền trong những năm gần đây ở các nước phương Tây đã chứng
minh điều này. Thiền không chỉ là “tinh hoa văn hóa phương Đông” như đã
được thừa nhận từ lâu, mà đang dần dần trở nên quen thuộc và phát triển
ngay trong lòng những xã hội công nghiệp hiện đại náo nhiệt nhất, mặc
dù điều này có vẻ như một nghịch lý khi so sánh với tính chất tĩnh lặng
từ nhiều thế kỷ qua khi thiền phát triển ở các nước phương Đông.
Chúng ta đều biết, người đầu tiên khơi mở nguồn thiền cho nhân loại là
đức Phật Thích-ca Mâu-ni, bởi vì thiền vốn dĩ là một trong các pháp môn
do ngài truyền dạy. Tuy nhiên, những gì mà chúng ta biết được hôm nay về
thiền học còn có cả sự đóng góp của nhiều thế hệ thiền sư, những người
đã trực tiếp truyền nối và phát triển thiền học. Họ không chỉ tiếp nhận
những tinh túy của các bậc thầy đi trước truyền lại, mà mỗi người còn
đóng góp sự sáng tạo của mình vào tính chất phong phú và độc đáo của
thiền. Chính nhờ vào điều này mà trải qua hơn 25 thế kỷ, thiền vẫn luôn
giữ được tính chất sinh động, linh hoạt và bắt kịp mọi sự thay đổi
chuyển biến của từng thời đại, cũng như nhanh chóng thích nghi với mọi
điều kiện phát triển trong từng xã hội khác nhau.
Tuy nhiên, tiếp nhận thiền vào cuộc sống của mỗi người và tìm hiểu về
thiền là hai việc khác nhau. Một số người may mắn có thể bắt tay ngay
vào việc thực hành thiền để tự mình có thể đạt được phần lợi ích thiết
thực ngay trong cuộc sống mỗi ngày. Đây cũng có thể xem là mục đích
chính của thiền. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khác, việc tìm hiểu
thiền được đòi hỏi như một động cơ tích cực ban đầu để giúp cho những
người chưa bước chân vào thiền có thể có được những cơ sở xác lập niềm
tin trước khi khởi sự thực hành thiền. Thường thì đây là những đối tượng
tích chứa nhiều tri thức kiến giải và không thể bước thẳng vào thiền
khi chưa được nghe những bài giảng dài và thuyết phục.
Tập sách này được viết ra chính là vì nhắm đến những ai còn đứng ngoài
cửa thiền, vốn dĩ chỉ biết đến thiền như một môn học giống như bao nhiêu
môn học khác. Cho dù sự hiểu biết về thiền hoàn toàn không thể giúp
chúng ta cảm nhận được những gì mà thiền có thể thực sự mang đến trong
cuộc sống, nhưng chắc chắn đây sẽ là một khởi đầu tốt đẹp cho bất cứ ai
quan tâm đến lãnh vực này.
Nhưng riêng về điểm này, cũng có không ít ý kiến cho rằng việc “học
nhiều biết rộng” chẳng qua chỉ làm trở ngại thêm cho việc thực hành
thiền mà thôi. Trên cơ sở cho rằng thiền vốn là “bất lập văn tự”, nhiều
người tin rằng mọi sự nghiên cứu tìm hiểu chỉ là công việc của những ai
vốn chẳng hiểu chút gì về thiền cả!
Việc nhấn mạnh vào khía cạnh thực nghiệm của thiền là hoàn toàn chính
xác. Nhưng “dị ứng” với việc tìm hiểu về thiền là một thái độ cực đoan.
Hiểu theo cách cực đoan này thì ngay cả cái tôn chỉ “bất lập văn tự”
cũng đã không thể nêu lên, vì vừa nhắc đến vốn đã là văn tự. Và nếu quả
thật không văn tự thì hậu thế chúng ta dựa vào đâu mà biết được những gì
tổ sư ngày xưa truyền dạy? Chỉ riêng một chỗ này, nếu hiểu không thấu
đáo tất yếu sẽ nảy sinh mâu thuẫn không sao giải quyết được.
Tập sách này không có tham vọng trình bày tất cả những gì có liên quan
đến thiền, nhưng hy vọng sẽ có thể mang đến cho bạn đọc một cái nhìn
khái quát tạm đủ để thấy được đôi nét đặc trưng của thiền, cũng như góp
phần làm thay đổi một vài định kiến sai lệch về mối quan hệ giữa thiền
với ngôn ngữ văn tự. Trong bối cảnh phát triển ngày càng rộng khắp của
thiền học, hy vọng là tập sách sẽ có thể góp phần nhỏ nhoi trong việc
tạo ra một cái nhìn thích hợp về thiền cho những ai lần đầu tiên quan
tâm tìm đến lãnh vực này, cũng như trong một chừng mực nào đó có thể xem
là một phương thức sử dụng tri thức để xóa bỏ tri thức, giúp cho một số
người có thể bước chân vào thiền.
Mặc dù đã hết sức thận trọng trong suốt quá trình hình thành tập sách,
nhưng do những hạn chế nhất định về trình độ, chắc hẳn không thể tránh
khỏi ít nhiều sai sót. Kính mong các bậc cao minh rộng lòng chỉ giáo và
quý độc giả gần xa niệm tình lượng thứ.
Tháng 12 năm 2004
Nguyên Minh