Phật Học Online

Hòa hợp gia đình
Dharmacharya Shantum Seth

Chúng tôi ‘tưới hoa’ người khác, chia sẻ những nỗi ân hận và hoàn cảnh của từng cá nhân, trước khi có thể chia sẻ bất cứ khó khăn gì trong tinh thần từ bi và hiểu biết.

Đêm tân hôn của tôi, mẹ vợ tôi nói với vợ chồng tôi rằng “Trong hôn nhân, mỗi ngày người ta đều có lý do để chia tay nhau. Điều các con cần làm là chú tâm vào việc giữ vững hôn nhân”.

Bà làm tôi nhớ đến Thầy tôi, một vị tu sĩ Phật giáo, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã khuyên chúng tôi nên chú tâm đến việc hàn gắn và sống lành mạnh với nhau; bằng cách đó ta sẽ được nuôi dưỡng, và lớn mạnh để chấp nhận và chuyển hóa những sự xung đột và khổ đau.

Thầy đã lập lại những lời dạy đầu tiên của Đức Phật trong Vườn Nai ở Sarnarth, Ấn Độ.

Bằng lòng và hạnh phúc với chính bản thân là cách thực hành Phật pháp. Để tìm được cảm giác an lành và đầy đủ giữa hai điều này cũng là một thử thách. Và cố gắng thực hiện điều đó khi còn phải nuôi dạy con cái càng là một thử thách, và để tìm được an lạc và hòa hợp trong gia đình tăng thân rộng lớn hơn, là một cách thực hành tuyệt vời; cách mà giáo lý Đức Phật trực tiếp nói đến.

Thực hành an lạc nội tâm bao gồm một số giới hạnh: tu tập an lạc nơi tâm, thọ và thân, từ đó có thể nhìn thấy rõ ràng hơn những vấn đề ở quanh ta và bên trong ta.

Điều đó giúp ta phát triển một trí tuệ không phân biệt, một cái nhìn giúp ta có thể được giải thoát trong từng giây phút.

Điều mà ít người có thể giải thích là làm cách nào áp dụng Phật pháp trong cuộc sống của người cư sĩ và trong cuộc sống gia đình. Dĩ nhiên gia đình là một thành viên của xã hội, và chúng ta có thể quán sát gia đình dưới nhiều khía cạnh: tinh thần, giai cấp, bộ tộc, quốc gia, khu vực hay ngay cả toàn cầu.

Ở đây tôi sẽ nói đến gia đình dưới ba khía cạnh phổ quát nhất; với những người sống chung do liên hệ huyết thống hay do kết hôn. Tôi cũng nghĩ rằng việc thực hành của một tăng thân trong gia đình chỉ có thể thực sự được kiểm chứng khi các thành viên sống chung với nhau.

Khi chúng tôi cưới nhau ở Ấn Độ, không chỉ là hai cá nhân kết hôn, mà là sự kết hợp giữa hai gia đình, hai hộ tộc, hai nghiệp căn. Chúng ta thường nói đến việc kết hôn với cùng một người trong 7 kiếp người! Từ là hai người, chúng ta trở thành một và đó là một cơ hội tốt để ta thực hành sự không bám víu vào ý nghĩ của ‘cái tôi’.

Mỗi ngày chúng tôi càng thấy rõ là hạnh phúc hay khổ đau của người này cũng là hạnh phúc hay khổ đau của người kia, và điều đó cũng lan truyền đến tất cả mọi thành viên khác trong gia đình.

Trong nghi lễ kết hôn theo Phật giáo, khi Gitanjali và tôi kết hôn ở làng Mai, chúng tôi đã cùng nhau chia sẻ năm điều chính niệm. Đó là cốt lõi của buổi lễ, Gitanjali và tôi đều lập lại nghi thức này vào mỗi ngày rằm kể từ khi chúng tôi lập gia đình vào khoảng đầu năm 1996.

Nếu không có mặt bên nhau cùng một thời điểm, chúng tôi lại thực hiện qua điện thoại.

Tôi muốn nhấn mạnh thêm rằng sự thực hành này càng được phát triển thêm lên kể từ khi chúng tôi có thêm hai con nhỏ.

Ở mỗi ‘điều chính niệm’ chúng tôi dừng lại để quán tưởng và tôi muốn chia sẻ một số chứng nghiệm của mình, rằng cách thực hành này đã giúp giải quyết được bao xung đột và tạo nên sự hòa hợp trong gia đình. . . nó đã giúp chúng tôi như thế nào trong việc nhìn lại và chú tâm vào việc giữ vững gia đình chứ không phải để chia tay nhau.

Chúng tôi ý thức rằng tất cả thế hệ của tổ tiên và tất cả thế hệ con cháu đều có mặt trong chúng tôi.

Chúng tôi ý thức được những kỳ vọng của tổ tiên, của con cháu nơi chúng tôi.

Chúng tôi ý thức rằng niềm vui, hạnh phúc, tự do và hòa hợp của chúng tôi là niềm vui, hạnh phúc, tự do và hòa hợp của tổ tiên, của con cháu chúng tôi.

Chúng tôi ý thức rằng sự thông cảm chính là nền tảng của tình thương yêu.

Chúng tôi ý thức rằng sự đổ lỗi và tranh cãi không ích lợi gì cả mà chỉ khiến chúng tôi càng xa cách nhau hơn; rằng chỉ có sự thông cảm, tin tưởng và thương yêu là có thể giúp chúng tôi chuyển hóa và trưởng thành.

Điều quan trọng không chỉ là nhận ra được sự truyền thừa sinh học từ thế hệ này sang thế hệ khác mà còn phải nhận ra nó trong tính cách, năng lực thói quen, tư duy, vân vân.

Ở Ấn Độ, nơi hơn 99% cuộc hôn nhân là do cha mẹ xếp đặt, khi chúng tôi đến viếng nhà cô dâu hay chú rể tương lai, chúng tôi thường chú ý xem tính cách cha mẹ người ấy như thế nào.

Dĩ nhiên là cần phải cởi mở trong đối thoại, để có thể thông cảm với những kỳ vọng hay lo âu của từng thành viên trong gia đình. Hãy dành thời gian và không gian cho những cuộc họp mặt gia đình để chia sẻ tâm tư, nguyện vọng.

Thực hành phương pháp “Bắt đầu Làm Mới Lại” (Tiếp Hiện - Beginning Anew) là một phương cách hữu hiệu nhất cho việc này.

Đó là cách thực hành mà chúng tôi đã được học khi sống như một gia đình trong cộng đồng tăng thân làng Mai, dưới sự dìu dắt của Thầy Thích Nhất Hạnh và Ni sư Chân Không.

Ở đó chúng tôi ‘tưới hoa’ cho người khác, (ND: làm hay nói những điều tốt đẹp với người), chia sẻ những nỗi ân hận và hoàn cảnh của từng cá nhân, trước khi có thể chia sẻ bất cứ khó khăn gì trong tinh thần từ bi và hiểu biết.

Chúng tôi đã sống với nhau trong hòa hợp và đó là điều cốt lõi. Nếu có khó khăn gì phát sinh, chúng tôi biết là mình phải cố gắng để tái tạo lại sự hiểu biết, tình thương và hòa hợp, trước khi sự đối thoại trở nên căng thẳng khiến chúng tôi quên đi mục đích của sự có mặt bên nhau này.

Suy cho cùng, cả thế giới này đều là gia đình của chúng ta, nhưng vấn đề là chúng ta coi một số ít người là quan trọng hơn những người còn lại. Qua số ít người này, chúng ta có thể phát triển tình thương yêu, bi mẫn không điều kiện đối với bản thân và tha nhân, thực hành ý nghĩa sâu xa của vô thường, vô ngã và khổ.

Dĩ nhiên các thành viên trong gia đình này chính là tấm gương soi qua đó chúng ta có thể nhìn được con người thật của mình, mà vẫn nhận được sự hỗ trợ vô điều kiện để đạt được trạng thái cao cả nhất mà con người có thể đạt được, đó là Niết bàn.

Theo: Sách: Phật pháp ứng dụng

Source: PTVN


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage