Phật Học Online

Hành trình 'nhất bộ nhất bái' xuyên Việt: 4 năm dãi nắng dầm mưa vì một đại nguyện

Khởi hành đầu năm 2009, Đại Đức Thích Tâm Mẫn sắp kết thúc hành trình xuyên Việt "nhất bộ nhất bái" (đi một bước, lạy một lạy) tại Yên Tử.

Đại Đức Thích Tâm Mẫn, tên tục là Lê Minh, sinh năm 1977, tại Quảng Nam. Xuất gia tu học tại chùa Hoằng Pháp, Hóc Môn (TP HCM) từ năm 2004. Thầy có ước mơ làm một sĩ quan quân đội, một giáo viên nhưng không thành công khi thi hai lần đại học vào hai ngành này đều trượt. Sau đó, thầy vào chùa Hoằng Pháp tập sự xuất gia năm 24 tuổi, xuống tóc năm 27 tuổi. Năm 32 tuổi, khi là một Đại Đức, thầy phát đại nguyện “Nhất bộ nhất bái”.

"Nhất bộ nhất bái" là một phương pháp tu của các tổ sư Trung Quốc xưa. Bên đó, các chùa thường trên núi nên hay gọi là “triều sơn nhất bộ nhất bái”. Đó là sự phát nguyện có thể là “tam bộ nhất bái” hoặc “nhất bộ nhất bái” nhằm rèn luyện tâm ý và niềm tin kiên định để hoàn thành chí nguyện.

Đại Đức Thích Tâm Mẫn cho biết, không có quy định cụ thể nào về các bước đi hay cách lạy, chủ yếu làm sao giữ cho bước đi được tự nhiên, để chính cái tự nhiên đó tạo ra an lạc cho người đi: “Trong khi hành lễ “nhất bộ nhất bái” thì có thể niệm Phật để tịnh tâm. Còn trước khi hành lễ thì nhắc lại những lời phát nguyện lúc trước để nuôi dưỡng và làm nó lớn thêm, vun bồi cho nó vững chãi trong tâm thức của mình để chuyển hóa những điều bất thiện mà tạo ra một năng lượng tốt. Sau khi kết thúc buổi lễ lạy thì mang những năng lượng tốt ấy hồi hướng”.

Sau khi được cấp giấy phép thực hiện đại nguyện của mình trong 6 năm, sáng mùng 2 Tết Kỷ Sửu (ngày 27/1/2009) với bốn câu kệ "Sám hối tội lỗi - Cầu nguyện hòa bình - Chí đạt quả Phật - Hóa độ chúng sanh", Đại Đức Thích Tâm Mẫn bắt đầu hành trình xuyên Việt dọc theo quốc lộ 1A, dài khoảng 1.800 km từ TP HCM đến Yên Tử (Quảng Ninh), mỗi ngày dự kiến đi được khoảng 2 km, kéo dài khoảng 4 năm. Nếu đến đích, thầy sẽ lạy được khoảng 3 triệu lạy và niệm được khoảng 6 triệu câu hồng danh A Di Đà Phật. Về lý do phát nguyện thực hiện chuyến hành hương này, thầy Thích Tâm Mẫn xin được giữ kín những ước nguyện cá nhân, chỉ cho biết thầy vừa hành hương vừa cầu nguyện cho quốc thái dân an.

Đại đức Thích Tâm Mẫn hành lễ trên quốc lộ 1A.

Hành lý mà thầy trò Đại Đức mang theo, ngoài 3 cây quạt lớn để phục vụ cho việc lễ lạy, vật dụng cần thiết nhất có lẽ là kinh sách và lều chõng bởi trong cuộc hành hương kéo dài hàng năm, việc phải dừng chân nghỉ ngơi bên đường là điều tất yếu. Người bộ hành đặc biệt nhỏ bé, chân trần, khuôn mặt hiền và ánh mắt nghiêm nghị, Thầy gần như hoàn toàn tập trung vào việc hành lễ. Dù trên mặt đường nhựa rát bỏng qua thành phố Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) giữa cái nắng chang chang và khói bụi nghìn nghịt hay mưa xiên và cái lạnh thấu da thấu thịt trong đêm ở Nghệ An... gương mặt người tu hành vẫn thật bình thản với những động tác quỳ lạy khoan thai, trang nghiêm với câu niệm A Di Đà Phật đầy thành kính. Mỗi lần trước khi thực hiện việc lễ lạy “nhất bộ nhất bái”, Đại Đức Thích Tâm Mẫn đều đứng khoảng 2-3 phút nhắc lại lời phát nguyện của mình. Sau buổi lạy đó, thầy thường mang tất cả những gì làm được trong buổi lạy để hồi hướng đến tất cả pháp giới chúng sinh, cả người sống lẫn người chết.

Người lưu thông trên tuyến quốc lộ 1A nhiều năm nay không ít lần ngạc nhiên với đoàn người dài dằng dặc phát sáng bằng đủ mọi loại phương tiện, từ đèn pin, điện thoại đến các loại bóng tự chế đeo lủng lẳng trên xe. Ngoài ra, những người làm công tác dẹp đường giữ an ninh trật tự còn trang bị đầy đủ từ loa phóng thanh đeo trên cổ, gậy phân luồng giao thông dắt hông, lúc cao điểm cũng sẵn sàng tận dụng cả cành cây, ống nhựa để chỉ đạo xe cộ qua lại.

Nhà sư hoàn toàn yên lặng, né tránh tiếp xúc đại chúng, kể cả giới Phật tử thân tín. Sau khi hết hành lễ trên đường, thị giả đi cùng nhà sư phóng xe chở nhà sư đi nhanh khỏi tầm mắt tò mò của đại chúng. Thông tin về chỗ nghỉ của nhà sư sau mỗi buổi hành lễ được giữ bí mật hoàn toàn và việc tiếp xúc với thầy dường như là không thể.

Đại đức Thích Tâm Mẫn đi đến đâu cũng được nhiều người hiếu kỳ đứng xem buộc đội "trợ duyên" phải vào cuộc.

Một trong những Phật tử thân tín nhiều năm có mặt trong đoàn “trợ duyên” cho biết: "Lúc trước khi mới bắt đầu cuộc bộ hành này thì thầy trò định đi đến đâu nghỉ tạm bên đường đến đấy. Nhưng sau này do có nhiều người hiếu kỳ, không thể nghỉ tạm như thế, nên thầy trò phải xin vào các ngôi chùa gần đó nghỉ nhờ. Việc hành lễ vất vả giữa đường quốc lộ bụi ngập trời, mưa nắng, gió rét đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Bước đường 'nhất bộ nhất bái' có ngày đã bị gián đoạn bởi nhà sư bị ốm nặng. Chưa kể, có quá nhiều lời đồn thổi không đúng".

Là những người quan trọng, nhưng không ít lần, những “trợ duyên” đã gây khó chịu cho người đi đường vì lời nói cộc lốc và cách đưa gậy chỉ trỏ. Vụ việc trở nên nghiêm trọng hơn khi những kẻ "tháp tùng" vị Đại Đức này đánh chảy máu đầu người dân khi đi qua địa phận tỉnh Bắc Ninh ngày 17/8.

Một trong những người tháp tùng cho biết, người dân một phần vì tín kính đạo Phật với thầy nhưng một phần là vì tính hiếu kỳ, tò mò. Do đó, mỗi khi thầy hành trì đã có hàng nghìn người dân đổ ra đường xem. Lượng người xem đông đã gây ra nhiều trở ngại khi thầy Tâm Mẫn hành trì nói riêng và ùn tắc giao thông nói chung. Nhiều lần, thầy còn được yêu cầu thay đổi giờ hành lễ để tránh tắc đường. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, nhiều người "hộ tống" đã phải có những hành động "mạnh tay" mặc dù không hề muốn.

Sáng 22/8, Đại đức Thích Tâm Mẫn đang "nhất bộ nhất bái" theo hướng đi huyện Quế Võ (Bắc Ninh) ra Đông Triều (Quảng Ninh) và đích đến là non thiêng Yên Tử.

Theo Sao Mai - NS


© 2008 -2025  Phật Học Online | Homepage