Phật Học Online

Hai mặt của cuộc sống

  Khi thân tâm nhất như thì cái nhìn của bạn không còn phân chia, chỉ còn thương yêu và trân quý.Tất cả các sự vật hiện tượng hiện hữu trên cuộc đời này đều có hai mặt trái ngược nhau, như là: được mất, hơn thua, phải trái, thương ghét, đẹp xấu, lớn nhỏ, nóng lạnh, v.v… Và việc đối nghịch nhau này, chính là sự thật tất yếu để hình thành nên cuộc sống. Cái này tồn tại hiện hữu trong cái kia, và ngược lại cái kia có mặt trọn vẹn trong cái này. 

phat hoc2.jpg

Để nhận thức rõ giá trị hai mặt của cuộc sống, 
chúng ta cần phải biết trở về với chính mình - Ảnh minh họa

Nhìn vào bông hoa tươi đẹp, ta thấy có yếu tố góp phần của phân rác, và khi nhìn sâu vào đống rác ta lại thấy có bông hoa hiện hữu trong nay mai. Giữa rác và hoa là hai thực tại có trong nhau, làm nên nhau, chúng chẳng phải là hai và cũng không phải là một. Nếu bạn muốn loại bỏ phân rác thì dĩ nhiên sẽ loại trừ luôn cái đẹp đẽ tinh túy của bông hoa, đó là sự thật. 

Tuy vậy, ít ai có thể dễ dàng chấp nhận cả hai thứ mà chỉ muốn chọn lựa một phần mình yêu thích, nên vô tình người ta đã đánh mất đi cả hai mặt thực tại của cuộc sống.

Thông thường, con người chỉ muốn tìm kiếm, sở hữu những gì tốt đẹp nhất để được an hưởng hạnh phúc lâu dài, nhưng khổ nỗi chính ý niệm truy tìm ấy lại là đầu mối nguy hại làm phân hóa niềm an vui hạnh phúc mà ta đang có! Vì nếu trong tâm bạn cứ mãi hiện hữu các ý niệm mong cầu sở đắc về một điều gì đó thì đã rơi vào trạng thái bất an rồi, chưa nói đến khi đạt được điều như ý thì lòng tham ái của bạn lại càng trở nên cố thủ, lo lắng và sợ mất! 

Đơn cử, khi được kết hôn với một người giàu sang xinh đẹp mà bạn thương yêu nhất trên đời, dĩ nhiên bạn muốn người ấy chung sống với bạn suốt cả cuộc đời. Và để giữ vững hạnh phúc lứa đôi, bạn cần phải tìm đủ mọi cách để bảo vệ mối tình đẹp đẽ ấy, nhưng nếu không may cô ấy hoặc anh ấy đi quan hệ thương yêu mặn nồng với một người khác thì bạn cảm thấy thế nào? Tất nhiên, bạn sẽ khổ đau gấp bội! Như vậy, khi chưa sở hữu cái gì cả thì ta vọng tâm tham muốn, đến lúc đạt được điều như ý ta lại càng khổ tâm hơn vì sợ mất! 

Thế nên, khi nào ta còn có ý niệm chọn lựa lấy bỏ tức là vẫn chưa thừa hưởng được một cuộc sống hạnh phúc thực sự. Mặt khác, đã là con người phàm tình thì bất cứ ai cũng phải có đầy đủ các tâm lý vui buồn, thương nhớ… nếu một ai đó thiếu vắng những cảm xúc bình thường như trên thì quả thật đáng lo ngại!

Mọi thứ hiện hữu trong cuộc đời này vốn dĩ có cả hai mặt, nhưng bạn chỉ ưa thích một mặt thôi thì làm sao có được? Nỗi buồn, cơn giận cũng có cái hay cái đẹp của nó, quan trọng là mỗi khi chúng phát khởi bạn có đủ sự trầm tĩnh để chiêm nghiệm và học ra được điều gì ngay tại đó hay không? 

Thực chất, bất cứ ai khi phát huy được đức tính nhẫn nại, lòng thương yêu rộng lớn… thì họ đều phải trải nghiệm qua những biến cố thăng trầm trong cuộc sống. Bạn có biết vì sao tình thương yêu của cha mẹ được các nhà thơ, nhà văn ví như núi cao, như biển rộng không? Vì sự hy sinh của cha mẹ đối với con cái quá lớn lao; họ phải mang nặng đẻ đau, thức khuya dậy sớm và tất bật ngược xuôi trên mọi nẻo đường để kiếm từng đồng tiền, hạt gạo mong sao nuôi dạy con khôn lớn, trở thành người hữu ích cho gia đình và xã hội. 

Với tâm nguyện cao cả như thế, nên họ không ngại gian khó để tiếp cận và giáp mặt với mọi biến cố bất như ý xảy ra. Từ đó, họ học ra được vô số bài học quý giá thiết thực ngay trong mỗi hoàn cảnh của cuộc sống. Vì vậy, nếu bạn cố tình tránh né những rối ren trắc trở xảy ra, là tự đánh mất cơ hội phát huy sự hiểu biết và lòng thương yêu vốn có trong bạn.

Thực tế cho thấy, có rất nhiều người khi cuộc sống êm ấm, tiền của dư dả, công danh sự nghiệp hanh thông thì họ ít khi quan tâm tới việc tìm hiểu và học hỏi đạo lý với quý Tăng Ni. Thế nhưng vào một ngày nào đó, bất ngờ họ gặp phải sự cố nghiệt ngã tang thương xảy ra như là: bị tai nạn giao thông, mắc phải chứng bệnh hiểm nghèo, kinh tế thất thoát, vợ hoặc chồng đi quan hệ bất chính với kẻ khác, v.v… thì họ mới cảm nhận được những nỗi khổ niềm đau của kiếp làm người. Từ đó, họ chỉ một lòng quy hướng Tam bảo và tinh tấn tu niệm để tạo dựng niềm an lạc giải thoát. 

Như vậy, nhờ tiếp cận, cọ xát với những đau thương khổ nạn, con người mới có cơ hội để tỉnh thức và giác ngộ, nên trong đạo Phật có câu “Phiền não tức bồ-đề” là vậy.

Thực ra, nếu bạn có ý chí mạnh mẽ và quyết tâm hướng thiện để xây dựng một nếp sống an vui hạnh phúc cho tự thân và cuộc đời, thì chính năng lượng cao đẹp ấy sẽ tạo ra sức mạnh để giúp bạn điều phục được các ý niệm tham sân chấp ngã một cách dễ dàng. 

Và điều này đã được Đức Thế Tôn chỉ dạy rằng: “Có hai sức mạnh, này các Tỷ-kheo. Thế nào là hai? Sức mạnh tư sát và sức mạnh tu tập. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sức mạnh tư sát? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tư sát như sau: ‘Với thân làm ác, quả dị thục là ác, ngay hiện tại và trong đời sau. Với miệng nói ác, quả dị thục là ác, ngay trong hiện tại và trong đời sau. Với ý nghĩ ác, quả dị thục là ác, ngay trong hiện tại và trong đời sau’. Vị ấy, tư sát như vậy, từ bỏ thân làm ác, tu tập thân làm thiện, từ bỏ miệng nói ác, tu tập miệng nói thiện, từ bỏ ý nghĩ ác, tu tập ý nghĩ thiện, tự xử sự thật thanh tịnh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là sức mạnh tư sát. Và thế nào, này các Tỷ-kheo, là sức mạnh tu tập? Ở đây, này các Tỷ-kheo, sức mạnh tu tập tức là sức mạnh của người hữu học. Do sức mạnh tu tập, vị ấy từ bỏ tham, từ bỏ sân, từ bỏ si. Sau khi từ bỏ tham, từ bỏ sân, từ bỏ si, vị ấy không làm các điều bất thiện, không phục vụ các điều ác. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là sức mạnh tu tập” (Kinh Tăng chi bộ I). 

Nếu bạn thường trực thận trọng, chú tâm quan sát về mọi hành động, nói năng và dòng suy nghĩ của mình trong từng phút giây hiện tại thì sẽ không làm khổ mình và hại người, không tạo ra hệ quả bất thiện cho đời này và cả đời sau nên gọi là sức mạnh tư sát. Mặt khác, khi nội tâm của bạn được an tịnh và sáng suốt thực sự thì bản ngã tham sân si không còn hiệu lực để chi phối lên đời sống, lúc bấy giờ mọi hành vi bất thiện kể như chấm dứt, bạn hoàn toàn tự do giải thoát ngay trong đời sống hiện tại, và đây chính là sức mạnh tu tập mà mỗi hành giả cần phải thực thi.

Để điều chỉnh nhận thức và hành vi sai trái của mình, chúng ta cần phải biết thực hành đúng như lời mà Thế Tôn đã chỉ dạy: “Mỗi khi nội tâm có tham dục, vị Khất sĩ ấy ý thức là nội tâm có tham dục. Mỗi khi nội tâm không có tham dục, vị ấy ý thức là nội tâm không có tham dục. Vị ấy cũng quán chiếu như thế đối với tâm sân hận, tâm si mê, tâm thu nhiếp, tâm tán loạn, tâm khoáng đạt, tâm hạn hẹp, tâm cao nhất, tâm định và tâm giải thoát” (Nhật tụng thiền môn năm 2000, tr.113). 

Trong khi bạn hành thiền, chắc chắn sẽ có những ý niệm lăng xăng khởi lên, nếu bạn kháng cự và khẩn trương muốn loại trừ chúng thì kể như bạn không còn thiền hoặc tịnh gì nữa. Vì chính thái độ muốn được an tịnh ấy lại là bất an. Thế nhưng, vẫn có không ít người vì thiếu khả năng quán chiếu, họ chỉ muốn “lánh động tìm tịnh” nên vẫn bị bản ngã tham sân si đánh lừa và sai khiến. 

Ở đây, nội dung của đoạn kinh cho ta thấy rằng, khi trong tâm khởi lên bất cứ niệm gì dù đó là ý niệm tốt đẹp cao thượng nhất, ta chỉ cần nhận diện trọn vẹn y như nó đang là, mà không gia tâm thêm bớt điều gì cả thì cấu trúc của bản ngã tức thời rơi rụng. Nhờ đó, vị Khất sĩ thấy ra được nguyên lý vận hành sinh diệt của các pháp, nên chẳng còn có ý niệm tham muốn hoặc nắm giữ bất cứ điều gì ở đời.

Để nhận thức rõ giá trị hai mặt của cuộc sống, chúng ta cần phải biết trở về với chính mình, thường trực quan sát thân tâm và hoàn cảnh đương tại. Dù bất cứ ở đâu, làm gì bạn cũng nên quan sát như thế, khi thân tâm trở nên nhất như, an tịnh thì cái nhìn của bạn về đời sống này không còn phân chia một mặt hoặc hai mặt gì cả, mà chỉ có cái nhìn thương yêu và trân quý!

Viên Ngộ

theo: GNO


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage