Phật Học Online

Những ngôi chùa sau bão

 Những thiệt hại nặng nề do bão số 10 đổ xuống các tỉnh Bắc Trung Bộ chưa được khắc phục thì bão số 11 (Nari) đã quét qua miền Trung mà tâm bão nhằm vào TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam với sức gió mạnh cấp 10, 11 giật cấp 11, 12 là cơn bão dữ được ghi nhận có thời gian quần đảo lâu nhất (9 tiếng đồng hồ, từ 22g30-7g30, ngày 14, 15-10-2013). Bão Nari đã qua, người dân ở đây đang ra sức khắc phục hậu quả của nó…

Những thiệt hại nặng nề do bão số 10 đổ xuống các tỉnh Bắc Trung Bộ chưa được khắc phục thì bão số 11 (Nari) đã quét qua miền Trung mà tâm bão nhằm vào TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam với sức gió mạnh cấp 10, 11 giật cấp 11, 12 là cơn bão dữ được ghi nhận có thời gian quần đảo lâu nhất (9 tiếng đồng hồ, từ 22g30-7g30, ngày 14, 15-10-2013). Bão Nari đã qua, người dân ở đây đang ra sức khắc phục hậu quả của nó…

Những ngôi chùa thiệt hại trong bão

Từ 22g30 gió đã bắt đầu mạnh lên tại các vùng ven biển, ven sông. Tại Ngũ Hành Sơn, gió quật đổ các cây cối lâu niên trên các ngọn núi, các chùa: Huệ Quang, Quan Thế Âm, Tam Thai, Từ Tâm, tịnh thất Hồng Phúc, mặc dù đã thực hiện nghiêm túc việc chèn chống nhà cửa, cắt tỉa các cành cây nhưng nhiều chùa vẫn bị cơn gió giật mạnh làm sập nhà, tốc mái, xác xơ...

Bên bờ sông Hàn, chùa Sắc tứ cổ tự An Long nổi tiếng với tấm bia cổ đại bậc nhất TP.Đà Nẵng đã bị gió quật mạnh làm đổ cây, đè sập tường bao và cổng ngõ, mái chùa tốc ngói, cong tôn, quang cảnh đổ nát, hoang tàn.

ct (1).jpg
Chùa Hưng Quang bị tốc mái ngói - Ảnh: Thanh Nam

ct (2).jpg
Kim thân tôn tượng Quan Thế Âm chùa Hưng Quang bị tan trong nước - Ảnh: Thanh Nam

Trong khi đó, tại các huyện vùng ven TP.Đà Nẵng như Cẩm Lệ, Hòa Vang, hậu quả cũng nặng nề. Chùa Hòa Thọ bị sập, vỡ tường bao dài gần 50 mét, chánh điện, lầu chuông, lầu trống bị tốc mái, dột ướt tượng thờ, pháp khí. Chùa Phổ Hiền bị ngã đổ nhiều chậu cây quý, bật gốc một cây đa hàng trăm năm tuổi. Chùa Thọ Quang bay hết toàn bộ mái lợp khu khách đường. Đặc biệt tại chùa Hưng Quang, thôn Bồ Bản, xã Hòa Phong, gió đã hầu như lùa hết vào mặt sông Bồ Bản, vần vũ trên khuôn viên nhà chùa hơn 7 giờ đồng hồ làm sập đổ toàn bộ Quan Âm các. Với lượng mưa lớn cùng với gió giật mạnh nên tôn tượng Bồ-tát Quan Thế Âm bị xô ngã, ngâm mình trong nước vụn nát cả kim thân. Mái ngói khu khách đường và khu khám bệnh Tuệ Tĩnh đường bị tốc dỡ hoàn toàn, tường rào, cổng ngõ bị hư hại nặng.

Tình người trong cơn hoạn nạn

Theo thống kê của Trung tâm Phòng chống bão, lụt và tìm kiếm cứu nạn miền Trung, được sự chỉ đạo của Trung ương, Quân khu 4, Quân khu 5 đã huy động 190 ngàn cán bộ, chiến sĩ và dân quân tự vệ với 2.170 phương tiện để giúp dân, đã hướng dẫn gần 70 ngàn phương tiện/292.783 người vào nơi trú ẩn an toàn. Bên cạnh đó, đã có hàng ngàn đoàn sinh GĐPT, chư tôn đức Tăng, Ni đã mở rộng cửa nhà chùa đón đồng bào vùng xung yếu vào ẩn tránh an toàn, trước sức gió quá mạnh, sức giật khủng khiếp của cuồng phong.

ct (4).jpg
ĐĐ.Thích Thiện Châu hỗ trợ tiền mặt giúp các gia đình ở Quảng Bình có nhà bị tốc mái - Ảnh: PG Q.3

Những con số đau lòng

Những thiệt hại do bão 11 gây ra tại các tỉnh thành miền Trung đến nay vẫn chưa khắc phục được. Riêng TP.Đà Nẵng thiệt hại hơn 868,8 tỷ đồng với 11 người bị thương, hàng vạn cây xanh lâu năm gãy đổ, bật gốc, hàng ngàn ngôi nhà tốc mái, đổ sập, 1.200 trụ điện chiếu sáng gãy đổ; tại tỉnh Quảng Nam có 21 tàu đánh cá của ngư dân bị bão đánh chìm, 90% cây xanh TP.Tam Kỳ bị bật gốc, gãy ngã, 6 người chết, 2 người mất tích, 3 người bị thương.

Để khắc phục hậu quả nặng nề do bão 11 gây ra, hiện nay TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã được sự đồng cảm, sẻ chia của các tỉnh, thành bạn như TP.HCM, TP.Đồng Hới (Quảng Bình)... Hiện nay, người dân đi đến đâu cũng bắt gặp hình ảnh mọi người chung tay lợp lại mái nhà, chặt cành cây từ đống đổ nát, quét dọn đường phố, lau dọn nhà cửa...

Chư Tăng Ni các chùa trên địa bàn TP.Đà Nẵng và tỉnh QuảngNam, Phật tử trẻ cũng đang tích cực tham gia Phật sự của nhà chùa. Các anh chị không quản ngày đêm, leo lên lợp lại mái chùa, chặt dọn cây cối, xây lại tường bao… khắc phục những thiệt hại do thiên tai, sớm ổn định nơi tu tập, sinh hoạt cho các đạo tràng Phật tử.

Sau cơn bão số 11, các cơn mưa ở nhiều tỉnh miền Trung liên tiếp kéo dài, thời tiết rét, ẩm ướt nhưng nhiều đoàn từ thiện của Phật giáo các nơi đã đến với niềm cảm thông và chia sẻ kịp thời. Đoàn Phật giáo quận 3 đã  đến thăm và chia sẻ với bà con bị bão số 10, 11 làm ảnh hưởng nặng nề với 1.200 phần quà, trị giá gần 800 triệu đồng đến với 1.200 gia đình cư ngụ tại 5 xã thuộc TP.Đồng Hới, huyện Lệ Thủy, huyên Bố Trạch (Quảng Bình). ĐĐ.Thích Thiện Châu cho biết: “Thiên tai liên tiếp làm ảnh hưởng đến đời sống của bà con ở Quảng Bình và các tỉnh miền Trung, thiệt hại ấy không ai mong muốn, bà con hãy cố gắng vượt qua sự mất mát này để tập trung khắc phục lại hậu quả của cơn bão, sớm ổn định cuộc sống”.

ct (3).jpg
Ni sư Huệ Từ tặng quà các gia đình ở Thanh Hóa - Ảnh: CTV

Những cảnh tượng cây cối tróc gốc, đổ ngã, nhà sập, tốc mái vẫn còn đang ngổn ngang, cả đoàn ai cũng chạnh lòng, xót xa. Nhiều gia đình trong phút chốc, gia sản đã tiêu tan. Trong chuyến đi này, chư Tăng Ni, Phật tử Phật giáo Q.3 cũng đã đi đến tận nhà thăm hỏi, động viên thân tình và tặng đến 20 gia đình, mỗi gia đình 2 triệu đồng để lợp lại mái nhà, giúp một phần nào khó khăn để bà con sớm ổn định cuộc sống.

Ngay sau khi bão vừa tan, Ni trưởng TN.Như Minh, Trưởng ban TTXH GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế cùng với quý Ni sư và Phật tử đã đến thăm và tặng 300 phần quà gồm: gạo, mì, mền và tiền mặt, trị giá mỗi phần quà 330.000 đồng đến đồng bào các xã Xuân Thủy và Lệ Ninh (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) bị thiệt hại nặng nề do cơn bão số 10, 11 gây ra. Tại đây, chư Ni trưởng, Ni sư đã động viên, khích lệ mọi người cố gắng vượt qua khó khăn, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong hoạn nạn.

ct (5).jpg
Ni sư TN.Như Minh tặng quà cho các gia đình ở Lệ Thủy, Quảng Bình - Ảnh: CTV

Ngoài ra, nhiều tấm lòng từ khắp mọi nơi đã đến chia sẻ và động viên với truyền thống cao đẹp. Phân ban Ni giới T.Ư và Phân ban Ni giới các tỉnh, thành, ngày 24-10 cũng sẽ đến thăm, tặng quà cho các đồng bào bị ảnh hưởng nặng nề tại tỉnh Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Trị. 

Phật giáo TP.HCM cũng đã vận động các tự viện ủng hộ 2 tỷ, 619 triệu đồng giúp đồng bào miền Trung. Và, nhiều đoàn, nhóm từ thiện Phật giáo từ khắp nơi cũng đã tập trung hàng ngàn phần quà gồm nhu yếu phẩm, quần áo, tiền mặt hướng đến đồng bào miền Trung với tất cả tấm lòng, nhằm chung tay góp sức với đồng bào khắc phục hậu quả sau bão lũ.

Thanh Nam - Văn Kha

Theo Giacngo.vn


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage