Trong bất kỳ thời đại nào, ở bất cứ quốc gia nào, nền giáo dục
được đặc biệt quan tâm thì ở đó phú cường và thịnh vượng là những hệ quả tất
yếu theo sau. Trong ý nghĩa ấy, giáo dục trở thành hơi thở của dân tộc.
Cùng ý hướng ấy, đối với Phật giáo, sức mạnh cũng tùy thuộc vào
giáo dục. Giáo dục càng phát triển thì Phật pháp ngày càng hưng thịnh; giáo dục
là mạch sống của đạo pháp. Một trong những bậc thầy sống hết mình vì sự nghiệp
giáo dục đào tạo Tăng tài trong thời hiện đại cần được nhắc đến là Hòa thượng
Tuyên luật sư thượng Đỗng hạ Minh. Sinh tiền, Hòa thượng từng dạy: “Đức Phật
suốt đời chỉ làm một việc giáo dục, chúng ta suốt đời cũng phải vì sự nghiệp ấy”.
Giáo dục đào tạo Tăng tài có tầm vóc quan trọng như vậy, thì chắc chắn ngôi
trường giáo dục đầu tiên cũng vô cùng quan trọng. Ngôi trường giáo dục đầu tiên
đề cập ở đây chính là môi trường giáo dục tự viện. Đây là môi trường giáo dục
mà thiết nghĩ, nó cần được chú trọng, quan tâm hơn bao giờ hết trong thời đại
ngày nay.
I. VỊ TRÍ VÀ VAI TRÒ CỦA GIÁO DỤC TỰ VIỆN
Kể từ ngày đức Thế Tôn tuyên thuyết Tứ Diệu Đế tại vườn Nai, đánh
dấu cho sự hiện hữu Tam Bảo ở thế gian, cũng là lúc tổ chức Tăng đoàn đầu tiên
được hình thành dưới sự dẫn dắt của đức Thế Tôn. Từ năm người đệ tử đầu của đức
Phật (năm anh em Kiều Trần Như), vâng theo tôn ý của đức Thế Tôn cất bước ra đi
đến những nơi chúng sanh cần để “tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự”, “vì lợi ích
của phần đông”, dần dần số người xuất gia tu học theo đức Phật lên tới con số
hàng ngàn. Từ đó, vấn đề tổ chức hướng dẫn cho lớp người mới bước chân vào đạo
ngày càng được chú trọng. Giáo dục tự viện bắt đầu manh nha từ đó.
1. Vị trí của giáo dục tự viện
Nơi đầu tiên đặt chân vào Đạo bao giờ cũng là nơi để lại trong tâm
hồn mỗi người những kỷ niệm, những ấn tượng khó quên. Nó sẽ đồng hành cùng
chúng ta đi suốt những năm tháng của cuộc đời. Một Bồ-đề tâm mãnh liệt, một ý
chí phát túc siêu phương; song, hạt giống ấy có được ươm mầm tươi tốt hay không
còn cần được tưới tẩm bởi những cơn mưa thân giáo, khẩu giáo, ý giáo và sự ngào
ngạt của chơn hương giới, định, tuệ của Thầy tổ và huynh đệ đồng tu. Một tự
viện sống trọn vẹn với tinh thần lục hòa sẽ là bài học vỡ lòng đầy ấn tượng cho
hàng sơ tâm vào đạo. Cho nên, giáo dục tự viện là mắc xích quan trọng trong
việc đào tạo những vị sứ giả Như Lai, là nền tảng của tất cả các môi trường
giáo dục khác. Không những vậy, nó còn có vị trí vô cùng quan trọng trong việc
tài bồi, phát triển nhân cách đạo đức, định hướng cho cá nhân và đào tạo Tăng
tài cho Phật giáo.
Nói như vậy, không có nghĩa là coi nhẹ vị trí của giáo dục học
đường Phật giáo. Giáo dục học đường Phật giáo là một hỗ trợ đắc lực cho giáo
dục tự viện. Xưa kia, giáo dục tự viện phần nhiều đóng khung, xa trần lánh tục,
nên vấn đề truyền đăng tục diệm chỉ được thực hiện trong phạm vi tự viện; còn
giờ đây, với sự phát triển và nhu cầu của xã hội, tăng sĩ nhập thế dấn thân,
tham gia nhiều hoạt động xã hội, từ đó đặt ra vấn đề, làm thế nào để lời dạy
của đức Phật đi sâu vào tất cả mọi tầng lớp nhân dân đang sống trong thời đại
tri thức. Giáo lý Ngũ minh đáp ứng được những đòi hỏi trên và học đường Phật
giáo là nơi lý tưởng nhất cho sự truyền trao và tiếp nhận hành trang nhập thế
này. Hai hình thức giáo dục trên bổ sung, hoàn thiện cho nhau để đào tạo, trang
bị cho những vị sứ giả Như Lai tài đức vẹn toàn và một phương thức hoằng hóa
năng động, phù hợp với những đổi thay trong cuộc sống đầy biến động như hiện
nay.
Song, đứng ở góc độ quản lý mà nói, ta càng thấy giáo dục tự viện
rõ ràng có nhiều ưu điểm hơn. Trong một trường Phật học, khoảng hai thầy Giáo
thọ và một hai thầy quản chúng ít nhất phải quản lý cả trăm Tăng ni sinh, còn
trong một tự viện, một thầy trụ trì và thêm một hay hai thầy quản chúng, quản
lý nhiều nhất cũng chỉ khoảng 20 vị. Đương nhiên, hiệu quả quản lý như thế nào
chưa hẳn quyết định ở tỷ lệ người quản lý và người chịu quản lý, mà chủ yếu
quyết định ở khả năng, phương pháp và uy đức của người quản lý. Song, không thể
phủ nhận là giữa số người phụ trách quản lý và hiệu quả giáo dục có một mối
quan hệ nhất định. Trong tự viện số lượng chúng điệu ít, thầy trụ trì và thầy
quản chúng quan tâm chu đáo hơn, giám sát chặt chẽ hơn, có nhiều thời gian chăm
sóc gần gũi hơn với những chú tiểu cá biệt, đặc biệt là đời sống tự lập sớm của
các chú tiểu “khu ô” Sa di.
Mặt khác, chúng điệu càng được đào tạo lâu trong môi trường giáo
dục tự viện thì phong vị thiền môn càng thấm sâu hơn, tập khí thế tục càng được
đánh bạt triệt để hơn, từ đó, khả năng phòng hộ cũng càng được mạnh mẽ hơn.
Càng gần gũi lâu với thầy, không những học được những bài học từ khẩu giáo của
thầy, mà sống động hơn là những bài học từ thân giáo của thầy, được thầy truyền
trao bằng cả con tim yêu thương đầy trí tuệ và tâm nguyện “tiếp dẫn hậu lai”.
Phương pháp giáo dục tự viện cũng linh hoạt hơn, không bị hạn chế
bởi thời gian, nơi chốn, môi trường, điều kiện, v.v… mỗi lúc mỗi nơi đều có thể
truyền trao, tùy việc mà dạy, tùy cơ mà nói, lúc nghỉ ngơi, khi vui chơi, lúc
nhàn đàm, khi chấp tác, v.v…
2. Vai trò của giáo dục tự viện
Khi mới bước chân vào đạo, chùa là ngôi trường đầu tiên, Bổn sư là
vị thầy đầu tiên trên bước đường tu học. Trong tình thương và dìu dắt của thầy,
điệu dần dần học cách đi, đứng, nằm, ngồi sao cho hợp với Tăng phong đạo cách,
học cách thờ thầy rồi từ từ nhận ra bổn phận và trách nhiệm của người học trò,
nhận ra mối quan hệ giữa mình với huynh đệ đồng tu và những người xung quanh.
Giáo dục tự viện cũng tác động và ảnh hưởng rất lớn đến giáo dục
học đường. Chú điệu từ lúc hành điệu đến lúc đi học rồi khi ra làm việc đều
phản ánh rõ ràng hiệu ứng của những môi trường giáo dục tự viện khác nhau. Chùa
đóng vai trò uốn nắn bước đầu cho các điệu. Khi còn hành điệu ở chùa, nếu điệu
được giáo dục tốt, oai nghi, hạnh kiểm, kiến thức, thể lực… đều phát triển tốt
thì, khi đi đến học ở các trường Phật học, cá nhân có thêm điều kiện học tốt
hơn và nhà trường cũng đỡ phần lo lắng hơn; bằng ngược lại, cá nhân thì chịu
nhiều thua thiệt còn nhà trường cũng thêm phần lao tâm. Đôi khi để uốn nắn
những khuyết điểm của họ buộc nhà trường phải dùng những biện pháp mạnh. Song,
“tre già” liệu có uốn được không, đây là điều mà chúng ta cần suy nghĩ và đặt
ra cho những bậc có trách nhiệm uốn nắn điệu lúc thuở còn “măng”.
II. ĐẶC ĐIỂM CỦA GIÁO DỤC TỰ VIỆN
Là một hình thức giáo dục, hơn nữa lại là một môi trường giáo dục
mang tính nền tảng, nên để hiểu sâu và đánh giá đúng mức vị trí và vai trò của
giáo dục tự viện, thì không thể không tìm hiểu xem những đặc điểm của nó, để từ
đó chúng ta có những nhìn nhận sâu hơn, những hoạch định cụ thể hơn và những
bước đi thiết thực hơn cho môi trường giáo dục này.
1. Tính mô phỏng
Khi mới bước chân vào chùa, với điệu mà nói, thầy Bổn sư và anh em
huynh đệ đi trước đều là những người mà mình cần thân cận gần gũi để học hỏi
những cung cách hành xử trong cuộc sống mới. Đặc biệt là cung cách từ vị thầy
Bổn sư. Từ dáng đi thế đứng, cách nói chuyện giao tiếp, nhất nhất đều có thể
trở thành những bài học giản dị dễ hiểu để điệu học theo. Thậm chí, thái độ, tư
tưởng, quan điểm đối với các vấn đề trong cuộc sống xã hội cũng trực tiếp hoặc
gián tiếp tác động đến những nếp sống, suy nghĩ, tư tưởng và có thể làm định
hướng cho tương lai của điệu sau này. Chính sự bỡ ngỡ đầu tiên khi mới vào chùa
đó, nên một phản ứng mô phỏng tự nhiên để thích ứng với cuộc sống mới cũng theo
đó mà có mặt. Oai nghi, phong thái, cung cách và cách nhìn nhận vấn đề của
người thầy sẽ một phần tìm thấy nơi người học trò. Bởi lẽ người xưa có câu:
“Nơi người con có bóng dáng của người cha”.
2. Tính cảm hóa
“Cát ái từ thân”, bước chân đến phương trời cao rộng, vào sống
cùng thầy nơi ngôi nhà pháp, tu học với đệ huynh trong tình “cốt nhục Linh
Sơn”, trong khuôn viên mái chùa mộc mạc, tình nghĩa thầy trò như tình cha con.
Không phải sức mạnh của đòn roi mà là sức mạnh của tình thương nơi người thầy
mới là nguồn lực tiếp thêm cho người trò sửa đổi những lúc lỗi lầm, và tự tin,
ý chí hơn những khi yếu lòng gục ngã. Một cử chỉ, một nụ cười, có ai ngờ lại là
tiếng ru ngọt ngào vô thanh vô sắc; một câu động viên, một lời khẽ trách, ấy
vậy mà trở thành đôi bàn tay ấm áp ấp ủ chở che cho học trò trên suốt cuộc hành
trình lội ngược. Huyết thống không cùng nhưng huyết duyên thì quyện kết. Tâm
nguyện, thao thức của thầy sẽ phá tan đi bóng đêm của ủy mỵ và sự quỵ ngã nơi
trò trước những nghịch duyên tưởng chừng như phó mặc theo dòng đời phiêu dạt.
Truyền trao bằng tuệ giác, cảm hóa bằng tình thương là sức mạnh bất khả tư nghì
nơi cửa Thiền vô trụ.
3. Tính tôn nghiêm
Sự tôn nghiêm của người thầy là tiền đề, là một bảo đảm vững chắc
cho giáo dục tự viện thành công. Được sống thân cận với vị thầy phạm hạnh thanh
tịnh, uy đức trang nghiêm, người trò sẽ có cảm giác an lạc hơn, giải thoát hơn,
trần tâm được gột bỏ nhiều hơn, tâm Bồ-đề được lớn mạnh thêm. Người thầy không
những là điểm tựa cho trò về phương diện đời sống vật chất hằng ngày mà quan
trọng hơn còn là bến đỗ tinh thần cho học trò quy hướng. Hình tượng một người
thầy mẫu mực trong tâm khảm của trò có một sức lay động và điều chỉnh rất lớn
trong oai nghi giao tiếp ứng xử nơi người trò. Mất đi sự tôn nghiêm người trò
dễ bị hụt hẫng, dễ nảy sinh cảm giác buông xuôi, và rất có thể sẽ mất đi cơ hội
bước tiếp về phía trước.
4. Tính khế cơ
Không ai hiểu con hơn cha mẹ, cũng như không ai hiểu trò hơn thầy.
Một tiếng bước đi, một lời thưa thỉnh của trò cũng đủ để người thầy thấy cả
những lời trò chưa nói, những suy nghĩ tận sâu thẳm con tim. Cùng chung sống
trong một mái chùa, những ưu và khuyết điểm của trò được thầy ghi nhận một cách
chân thực, toàn diện và đầy đủ, từ đó, người thầy tùy theo khả năng, tính cách,
trình độ của trò mà có những phương cách giáo dục cụ thể, thiết thực và hiệu
quả hơn.
5. Tính xuyên suốt
Giáo dục tự viện không phải kết thúc vai trò của mình khi điệu
bước chân vào giảng đường Phật học, mà nó gắn kết với điệu đến suốt cuộc đời.
Thời còn để chỏm, sớm hôm kinh kệ cao ngâm, thầy tổ đệ huynh giảng dạy oai
nghi, chỉ bày tế hạnh. Lớn lên vào trường rồi nhập thế độ tha cũng vẫn nhờ thầy
tổ đệ huynh sẻ chia kinh nghiệm, sách tấn tiến tu, khuyến tấn giữ gìn tôn phong
tổ ấn, chỉ bày phương tiện hưng hiển thiền lâm. Đảnh lễ chúc tết thầy vào dịp
Tết cổ truyền, khánh tuế hạ lạp thầy sau ngày Tự tứ, Vu lan cũng là dịp để thầy
trò huynh đệ ngồi lại chia sẻ, động viên nhau trên bước đường tu học, hành đạo.
III. NHỮNG YÊU CẦU CƠ BẢN TRONG GIÁO DỤC TỰ VIỆN
1. Thượng tôn tinh thần lục hòa kính
Tăng-già là đoàn thể của những người phát nguyện sống cuộc đời
phạm hạnh, đem chất liệu của an lạc hạnh phúc chia sẻ cho mọi người. Để ban
tặng được chất liệu đó không gì hơn là cộng đồng chung sống với nhau trong tinh
thần sáu phép hòa kính, hòa hợp với nhau như nước với sữa. Thương yêu, tôn
trọng, giúp đỡ nhau cả về vật chất lẫn tinh thần những lúc ốm đau, bệnh hoạn.
Khi tránh sự xảy ra cần ngồi lại chia sẻ phân tích cho nhau với ngôn từ hòa ái,
lắng nghe, xây dựng và cảm thông. Tự giác, tự trọng, nhường nhịn và cầu thị.
Được huân đúc trong phong vị thiền môn ấm áp tình thương, chan chứa nghĩa tình
ấy, một trái tim nhân hậu, một tính cách khiêm cung và một tâm hồn rộng mở sẽ thể
hiện trọn vẹn nơi từng cá nhân. Chính đây mới là bài học sống động nhất, để
điệu thật sự thấy có hạnh phúc, hiểu ý nghĩa và trân quý cuộc đời “phát túc
siêu phương, tâm hình dị tục”.
2. Khế cơ khế thời
Không phải lời hay lúc nào cũng cho ra một hiệu năng như mong
muốn, mà nó chỉ được tiếp nhận vào đúng lúc, đúng khả năng. Giáo dục tự viện là
một sự nghiệp trọng đại, mà ở đó, người thầy vừa là một đấng nghiêm sư vừa là
một bậc từ mẫu. Do đó, hiểu là yếu tố quan trọng để giáo dục, điều chỉnh, định
hướng cho từng giai đoạn phát triển tâm sinh lý của chúng điệu. Tinh thông giáo
lý, thấu rõ tâm sinh lý từng lứa tuổi, linh động, uyển chuyển, mềm dẻo là những
tố chất cần có nơi người thầy theo nguyện tiếp tăng độ chúng. Không phải chỉ
đưa ra bàn tay ấm áp của người mẹ hiền khi trò thối lòng gục ngã mà một cái
nhìn uy nghiêm của thầy cũng cần thiết vô cùng khi trò hư hỏng bướng ngang. Đòn roi không phải là
phương cách giáo dục được khuyến khích trong tự viện. Phương pháp giáo dục khoa học, đúng đối tượng, tùy lúc, do đó,
cần được xem là nền tảng để nối nhịp cầu hiểu và thương giữa trò và thầy.
3. Gương sáng treo cao
Không như giáo dục bên ngoài chỉ chú trọng ở mặt truyền trao kiến
thức và kết thúc ở những con số thành tích, giáo dục tự viện đặt nặng ở vấn đề
giáo dục chúng điệu thành những con người có nhân cách mô phạm, mẫu mực trong
lời nói, ý nghĩ và việc làm. Do đó, thân giáo, khẩu giáo và ý giáo của thầy tổ
và các bậc đàn anh đi trước sẽ là tấm gương trực tiếp để chúng điệu noi theo.
Treo lên tấm gương sáng là chúng ta đã khắc vào tâm khảm chúng điệu một ấn
tượng sâu sắc về tăng phong đạo cốt của bậc xuất trần thượng sĩ. Từ đó, lời
khuyên dạy của thầy được trân trọng và có sức thuyết phục hơn mọi hý luận lợi
khẩu rỗng không.
4. Bi trí song vận
Kết quả của tình thương
mù quáng sẽ cho ra trái đắng khổ đau. Giáo dục tự viện được
chuyên chở trên đôi cánh Bi và Trí sẽ giúp ta xử lý và cân bằng tốt các mối
quan hệ giữa tình cảm và lý trí. Từ bi giúp nuôi dưỡng tình thương vô biên tế
đối với muôn loài chúng sanh, thiết lập nên nhịp cầu cảm thông và san bằng hố
sâu đố kỵ, ganh tỵ, vị kỷ hẹp hòi, cho ta nhìn đời bằng con mắt yêu thương mỗi
sớm mai thức dậy. Trí tuệ giúp ta nuôi lớn Thánh chủng Bồ-đề, chặt đứt sợi dây
trói buộc của hiềm khích, nghi ngờ, sợ hãi, cho ta đến với nhau trong tình
huynh đệ tương thân, xả kỷ vị tha, hiến thân phụng sự. Thiếu vắng tình thương,
đối với những chúng điệu sớm xa gia đình mà nói là thiếu đi dưỡng chất tinh
thần, thiếu đi sự quan tâm cần thiết mà chúng điệu xứng đáng được quan tâm.
Song, thương không có nghĩa là nuông chiều, bao che, bênh vực để cho điệu mặc
tình phóng túng buông lung mà, cần sáng suốt ngăn chặn những lời nói và việc
làm bất thiện, hướng dẫn điệu đi vào giới luật thanh quy. Trong từ bi rực đèn
trí tuệ, trong trí tuệ nhuận thắm từ bi mới giúp điệu phát triển toàn diện hài
hòa về tính cách và tâm hồn.
5. Xây dựng thái độ học tập
Học, trong tự viện, có thể nói chỉ là yếu tố trợ duyên cho việc
tu. Song, để minh liễu đường tu thì không thể không “minh Phật tâm tông”. Thái
độ học tập trong tự viện không thể là thái độ học thụ động, nhồi nhét, và mê
tín thần quyền mà cần phải khuyến khích một thái độ học tập năng động, sáng
tạo. Tranh biện, hoài nghi và xét lại cần được mời gọi trong phong cách tiếp
cận các vấn đề Phật học. Mục đích của giáo dục tự viện không phải để đào tạo ra
những kẻ nô tài, gọi dạ bảo vâng, “quên mình trong vâng phục”, mà là để đào tạo
ra những vị Tăng tài đức vẹn toàn, có chủ kiến, biết độc lập suy nghĩ và có khả
năng phán đoán, phân biệt đúng sai. Do đó, việc xây dựng một thái độ học tập
khoa học sẽ là tiền đề để sứ mệnh đào đạo Tăng tài cho Phật giáo đi đến thành
công.
Trong khuôn khổ bài viết ngắn này, chúng tôi chỉ xin trình bày vài
suy nghĩ thô thiển với ba điểm trên, để góp tiếng nói lên tầm quan trọng của
giáo dục tự viện. Tóm lại, để kiên cố hơn cho nền tảng “trồng người”, thiết
nghĩ, chúng ta cần đặc biệt quan tâm hơn nữa đến môi trường giáo dục tự viện.
Thích Đạo Luận (theo Hoa Linh Thoại)