Phật Học Online

Một Học Thuyết Đơn Giản – Lòng Tốt

Mỗi người trong chúng ta đều phải chịu trách nhiệm về toàn thể nhân loại. Chúng ta cần phải nghĩ về nhau như những người anh em thân thích và chúng ta cần phải quan tâm đến lợi ích của tất cả mọi người quanh mình.

Một Học Thuyết Đơn Giản – Lòng Tốt *

Nguyên tác: Dalai Lama

Biên dịch: Lê Tuyên - Hiệu đính: Lê Gia

 

Tại các thành phố lớn, tại các nông trại, tại những nơi xa xôi hẻo lánh, trên toàn thế giới này, tất cả mọi người đều liên tục bận rộn. Tại sao vậy? Tất cả chúng ta đều được thúc đẩy bởi khao khát muốn tìm kiếm niềm hạnh phúc cho chính mình. Rõ ràng đó là một khao khát đúng đắn, hợp lý.


Tuy nhiên, chúng ta cần phải luôn ghi nhớ rằng nếu chúng ta quá bận tâm đến những ham muốn trần tục trong cuộc đời này thì điều đó cũng chẳng giải quyết được khó khăn lớn nhất của chúng ta là sự bất mãn. Lòng yêu thương, lòng từ bi và sự quan tâm đến mọi người quanh mình mới thực sự là những nguồn hạnh phúc. Với những tình cảm dào dạt này, bạn sẽ không bị quấy rối ngay cả trong những hoàn cảnh khó chịu nhất.


Trong khi đó, nếu bạn dung dưỡng lòng căm thù, bạn sẽ không bao giờ được hạnh phúc ngay cả khi bạn được sống một đời sống xa hoa. Thế nên, nếu chúng ta thực sự muốn có được niềm hạnh phúc, chúng ta cần phải mở rộng lòng yêu thương của mình – lòng yêu thương theo ý nghĩa tín ngưỡng lẫn lòng yêu thương theo cách hiểu thông thường.


Bạn không thể vận dụng tức giận để chế ngự được tức giận. Nếu một người thể hiện sự giận dữ với bạn và bạn cũng thể hiện sự giận dữ đối với anh ta, kết quả của việc này là một thảm họa. Ngược lại, nếu bạn kiểm soát được cảm xúc tức giận của mình và bạn thể hiện được phẩm chất đối nghịch với nó – lòng yêu thương, lòng từ bi, lòng khoan dung và đức kiên nhẫn – thì khi đó bạn sẽ luôn giữ được sự hòa bình tĩnh tại trong lòng mình, đồng thời cảm xúc tức giận của người kia cũng dần dần biến mất.


Một sự thực hiển nhiên mà tất cả mọi người chúng ta ai cũng biết là , khi cảm xúc tức giận xuất hiện thì cảm xúc an bình, tĩnh tại không bao giờ xuất hiện. Chỉ qua lòng tốt và lòng yêu thương bạn mới có thể có được sự an bình tĩnh tại trong tâm hồn mình.


Chỉ có con người mới có khả năng phán xét và lý luận; chúng ta có thể phát huy được một lòng yêu thương vô hạn. Chúng ta là loài động vật thông minh nhất và chỉ có chúng ta mới có được khả năng phát triển được những tình cảm tốt đẹp vô bờ. Tuy nhiên, khi con người tức giận thì tất cả mọi tiềm năng này đều biến mất. Không có kẻ thù nào có thể làm biến mất những tiềm năng này trong bạn, nhưng cảm xúc tức giận lại có thể. Tức giận quả thực là một kẻ hủy diệt kinh khủng.


Nếu bạn quan sát mọi việc ở mức độ sâu sắc, bạn sẽ thấy rằng mọi hành động của con người hoàn toàn có thể tìm được sự kiểm soát của tâm hồn. Thái độ chủ bại không bao giờ tự xuất hiện mà chỉ xuất hiện do sự ngu dốt. Rõ ràng là, chúng ta cũng có thể tìm được thành công trong chính mình. Qua sự tự kỷ, qua sự tự xét và qua khả năng suy xét sáng suốt về những kết quả to lớn từ lòng tốt, chúng ta có thể, khi đó sự hòa bình tĩnh tại lập tức xuất hiện trong tâm hồn.


Ví dụ, hiện tại bạn là một người dễ dàng nổi nóng. Tuy nhiên, với sự hiểu biết sáng suốt về những tác hại của cảm xúc tức giận và về những ích lợi của lòng yêu thương, cảm xúc tức giận trong lòng bạn sẽ được đẩy lùi và dần dần được thay thế bằng những cảm xúc tích cực khác. Mục tiêu của bài viết này là nhằm trang bị cho bạn nền tảng của sự hiểu biết sáng suốt giá trị, từ nền tảng này bạn có thể phát triển được một lòng yêu thương đúng nghĩa. Chúng ta cần phải trau dồi phát triển tâm hồn mình.


Tất cả mọi tôn giáo đều muốn truyền đến bạn thông điệp về lòng yêu thương, lòng từ bi, tính chân thật, tính lương thiện, trung thực. Mỗi hệ thống tín ngưỡng đều tìm cách cải thiện đời sống của tất cả mọi người chúng ta. Tuy nhiên nếu chúng ta quá đề cao triết lý của chính mình, quá đề cao tôn giáo của chính mình, quá đề cao các học thuyết của chính mình, nếu chúng ta gắn chặt chính mình với những thứ đó và cố gắng níu kéo người khác theo định hướng của mình thì mọi khó khăn thì mọi khó khăn rắc rối sẽ xuất hiện.


Về cơ bản, tất cả những bậc thầy vĩ đại, gồm: Đức Phật Gautama, chúa Jesus Christ, thánh Muhammad và thánh Moses, tất cả đều được thúc đẩy bởi niềm khao khát muốn giúp đỡ tất cả mọi người. Họ không tìm cách đạt được bất kỳ thứ gì cho chính họ, họ cũng không tìm cách tạo ra các khó khăn rắc rối cho thế gian này.


Tín ngưỡng có thể có ý nghĩa giống với những triết lý sâu sắc nhưng ẩn trong sâu thẳm cốt lõi của tín ngưỡng chính là lòng yêu thương và lòng từ bi. Thế nên, trong bài viết này tôi sẽ mô tả bài luyện tập nhằm trau dồi phát triển lòng yêu thương mà tôi đã từng luyện tập qua. Khi tham gia bài luyện tập về lòng yêu thương này, tôi hy vọng rằng tất cả các bạn sẽ có được sự hòa bình tĩnh tại trong tâm hồn mình.


Những người vị kỷ một cách ngu dốt luôn luôn suy nghĩ về chính họ và kết quả của việc này luôn mang tính tiêu cực. Những người khôn ngoan thì lại luôn suy nghĩ về những người khác, họ ra sức giúp đỡ mọi người quanh mình miễn là họ có thể và kết quả đến với họ là gì? Là niềm hạnh phúc ngập tràn trong tâm hồn họ.


Lòng yêu thương và lòng từ bi luôn đem lại những lợi ích to lớn cho bạn và cho tất cả mọi người quanh bạn. Qua lòng tốt mà bạn dành cho tất cả mọi người quanh mình, tâm hồn và con tim bạn sẽ được mở rộng để đón nhận sự hòa bình tĩnh tại.


Việc trải rộng lòng mình đối với tất cả mọi người quanh mình sẽ giúp bạn có được sự hài hòa cân đối trong mọi hoàn cảnh, rồi đây tất cả mọi người sẽ trân trọng nhau, thế giới này sẽ trở thành một thế giới đại đồng và cuối cùng tất cả mọi người sẽ chung vai hợp sức để giải quyết tất cả các khó khăn rắc rối của thế giới này. Tất cả những điều này là hoàn toàn có thể, nhưng trước hết chúng ta cần phải tự thay đổi chính bản thân mình.


Mỗi người trong chúng ta đều phải chịu trách nhiệm về toàn thể nhân loại. Chúng ta cần phải nghĩ về nhau như những người anh em thân thích và chúng ta cần phải quan tâm đến lợi ích của tất cả mọi người quanh mình. Chúng ta phải tìm cách giảm thiểu những đau khổ của mọi người quanh mình. Thay vì cố gắng làm việc chỉ để tích lũy của cải, chúng ta cần phải làm một điều gì đó ý nghĩa hơn, một điều gì đó hướng tới mục tiêu là vì lợi ích của toàn nhân loại.


Việc được thúc đẩy bởi lòng từ bi và lòng yêu thương, việc đánh giá cao chân giá trị của mọi người quanh mình – miệng nói về Thượng đế nhưng lại luôn suy nghĩ một cách vị kỷ - đó không phải là một hành vi của một tín ngưỡng. Mặc khác, một chính trị gia hoặc một luật sư với sự quan tâm thực sự đến toàn nhân loại và anh ta luôn tham gia những hoạt động nhằm mang lại lợi ích cho mọi người quanh mình, trong trường hợp này quả thực anh ta đang thực hành một tín ngưỡng chân chính.


Mục tiêu của chúng ta phải phục vụ người khác, chứ không phải là chế ngự bóc lột họ. Những người khôn ngoan là những người luôn thực hành lòng yêu thương. Như lời vị học giả Ấn Độ và cũng là bậc thầy du già – ngài Nagarjuna (Long Thọ) – nói trong cuốn Những lời khuyên quý báu của mình: “Khi đã phân tích cặn kẽ tất cả mọi hành động, lời nói và tâm hồn. Những ai ý thức được những gì có thể mang lại lợi ích cho chính mình và cho mọi người. Họ là những người khôn ngoan”.


Một hành vi mộ đạo được thúc đẩy bởi một động cơ tốt đẹp với những suy nghĩ chín chắn về lợi ích đối với mọi người quanh mình. Mộ đạo ở đây được hiểu theo ý nghĩa thông thường trong đời sống hằng ngày. Nếu chúng ta sống một đời sống vì lợi ích của toàn thế gian, thì đây chính là dấu hiệu cho thấy một tâm hồn mộ đạo.


Đây chính là phương châm của tôi, đây chính là tín ngưỡng của tôi, đây chính là tôn giáo của tôi. Không cần đến những học thuyết phức tạp.

Tâm hồn của chính bạn, con tim của chính bạn, chính là những đền đài; học thuyết của bạn đơn giản là lòng tốt mà thôi.


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage