Phật Học Online

Cây cổ thụ Phật Giáo

Đạo Phật đến với người Âu Mỹ chúng ta qua nhiều tông phái và hệ phái, làm cho một người mới vào đạo cảm thấy rất bỡ ngỡ, mất rất nhiều thì giờ tìm hiểu những chi tiết vô nghĩa. Ngay cả chính tôi, sau 30 năm nghiên cứu Đạo Phật và hành trì trong những truyền thống khác nhau, tôi vẫn cảm thấy ngại ngùng về tính chất phức tạp của đạo nầy. Từ lâu, tôi đã giới hạn sự hiểu biết của tôi trên bình diện tổng quát của Đạo Phật, và chỉ đào sâu vào một vài tông phái đặc biệt. Cho nên, vì sự hiểu biết của tôi rất tổng quát, hy vọng những gì trình bày ở đây có thể sẽ giúp ích phần nào cho những người mới bắt đầu tìm hiểu Đạo Phật.

Chúng ta có thể hình dung Đạo Phật như một cây cỗ thụ to lớn với cành lá xum xuê. Có một thân cây lớn, với những nhánh chính, rồi đâm ra các cành nhỏ, và cuối cùng là những lá cây trên những cành nhỏ đó. Bên dưới mặt đất là một hệ thống rễ cây. Cũng như là phần trên mặt đất, hệ thống rễ nầy lại phân chia thành nhiều rễ con.

Bây giờ, ta hãy hình dung đến một thân cây to lớn vươn lên khỏi mặt đất và nâng đở, nuôi dưỡng các nhánh cây và lá cây. Thân cây nầy biểu tượng cho hành động tìm nơi nương tựa -- quy y -- của Phật tử. Đây là một hành động chung cho mọi Phật tử, và là một phương diện quan trọng nhất của mọi công tác nghiên cứu và hành trì Đạo Phật. Bất cứ luận thuyết, tông phái và pháp hành nào của Phật giáo đều xem như là phải bắt nguồn từ hành động quan yếu đó, mà mỗi Phật từ đều phải trì tụng thường xuyên, đó là việc quy y. Trong tiếng Pali, hành động đó gọi là "sarana-gamana" (quy y). "Gamana" nghĩa là đi đến, tìm về. "Sarana" nghĩa là nơi nương tựa, giúp đỡ, dưỡng nuôi, hướng dẫn. "Quy y" về một nơi nào có nghĩa là đến đó để xin giúp đỡ, hướng dẫn và dưỡng nuôi. Thông thường, đó là điều ta làm khi ta gặp phải một khủng hoảng nào đó trong đời sống, khi ta gặp phải một thực tế khó khăn mà tự chúng ta không thể đương đầu được. Do đó, ta tìm đến một nơi nào đó để xin giúp đỡ.

Điều làm cho một người theo đạo thành một Phật tử không phải chỉ đơn giản là đi tìm nơi nương tựa. Thông thường, đa số chúng ta đi tìm nơi nương tựa ở một cái gì khác, chẳng hạn nương tựa vào bạn bè, rượu chè, nghề nghiệp, ma túy, giải trí, gia đình, chuyên gia, thể thao, nhà phân tâm, tình dục, du lịch, v.v. Điều làm cho một người trở thành một Phật tử chân chính là người ấy tìm nơi nương tựa ở Đức Phật, Phật Pháp, và Tăng Đoàn -- gọi là Quy Y Tam Bảo.

Như thế, ba nhánh rễ cái để nuôi dưỡng thân cây là Phật, PhápTăng. Mỗi một danh từ nầy lại có nhiều ý nghĩa khác nhau. Cho nên, ta có thể hình dung là từ ba rễ cái đó lại đâm ra nhiều rễ con khác nữa. Tuy nhiên, trong phạm vi giới hạn của bài viết, chúng ta sẽ chỉ đề cập sơ lược đến ba rễ cái nầy mà thôi.

Rễ cái chính giữa là Pháp (Dharma). Danh từ nầy có nhiều nghĩa. Trong ngữ cảnh Phật giáo, ý nghĩa quan trọng nhất của Pháp là Niết Bàn, là mục đích tối hậu của tất cả Phật tử. Niết Bàn là sự hủy diệt mọi mầm mống đưa đến khổ đau, bất toại nguyện. Mọi Phật tử đều nỗ lực trên con đường diệt khổ đó. Đó là ý nghĩa chính của Pháp. Nhưng chữ Pháp cũng có nghĩa là phương tiện, cách thức để giúp ta đạt đến mục đích tối hậu, Niết Bàn. Điều để giúp ta đạt được mục đích đó là một thái độ tích cực và chân thiện, từ đó đưa đến danh từ "giới hạnh". Như thế, ý nghĩa thứ hai của Pháp là Giới hạnh, có liên quan đến tánh thiện của mỗi người. Pháp cũng còn là những gì giúp ta phát triển giới hạnh. Từ đó, ý nghĩa thứ ba của Pháp là các điều giáo hóa. Những điều giáo hóa nào giúp ta đến Niết Bàn đều có thể xem như là Pháp, nhưng thông thường, Phật tử quy y vào những điều giảng dạy được ghi lại trong Kinh (tập hợp các bài giảng của Đức Phật) và trong Luật (tập hợp các giới luật đặt ra cho các tu sĩ, những người rời bỏ đời sống gia đình để dành tất cả thì giờ và năng lực để hành trì Đạo Pháp).

Hai nhánh rễ cái kia là Phật-đà (Buddha) và Tăng-già (Sangha). Có nhiều quan kiến khác nhau về ý nghĩa của danh hiệu Phật. Mọi người đều đồng ý rằng trong lịch sử đã có nhiều vị Phật, và vị Phật trong thời đại gần đây nhất là Ngài Tất Đạt Đa Cồ Đàm (Siddhattha Gotama), cũng còn được gọi là vị hiền triết tịch mặc (Mâu Ni, Muni) dòng họ Thích Ca (Sakya). Bộ tộc Thích Ca có lẽ là một bộ tộc thiểu số, có nguồn gốc chủng tộc và văn hóa khác với giống dân A-lê-da (Aryan), giống dân chính đang sinh sống trong vùng. Do đó, khi Ngài Tất Đạt Đa Cồ Đàm đến các thành phố vùng Ba-la-nại (Benares) và thung lũng sông Hằng (Ganges), có lẽ dung mạo và cách nói của Ngài có vẻ hơi xa lạ đối với người dân trong vùng. Cũng có thể là họ đã không coi trọng Ngài vì họ cho rằng Ngài thuộc sắc dân thiểu số, kém văn minh. Mặc dù có nguồn gốc xa lạ và bị những thành kiến như vậy, nhưng sau một thời gian truyền giảng Chánh Pháp, Ngài đã cảm hóa được rất nhiều người, kể cả những người có địa vị quan trọng như các vị vua chúa, tướng lãnh, thương gia giàu có, và các học giả thông thái trong thời đó. Tất cả những người nầy đã tùng phục Ngài, và xem Ngài như là một vị Thầy hướng dẫn. Vì vậy, khi ta quy y Phật, ta kính trọng Ngài như là một vị Thầy cao quý nhất của chư thiên và nhân loại, một người toàn thiện nhất. Nói một cách khác, Ngài là một mẫu mực chân chính để mọi Phật tử noi theo.

Danh từ "Tăng-già" có nghĩa là một nhóm, một cộng đồng, hội chúng. Tăng-già mà mọi Phật tử quy ngưỡng là A-lê-da Tăng-già (Ariya Sangha, Tứ Thánh Tăng-già), là đoàn thể của các bậc thánh cao sang, những người đã phát triển tuệ giác và giới đức thanh khiết, đã đạt Niết Bàn hay trên đường gần đến Niết Bàn, thường được gọi là các quả thánh. Điều cần biết ở đây là các thành viên của A-lê-da Tăng-già không phải chỉ là tu sĩ, mà cũng không phải bất cứ tu sĩ nào cũng là thành viên của A-lê-da Tăng-già. Trên bình diện tuyệt đối, khi một Phật tử quy y Tăng Bảo, người ấy không quy y vào một đoàn thể tu sĩ hay một đoàn thể những Phật tử khác. Đúng ra, người ấy quy y vào một đoàn thể của những vị thượng trí, có tuệ giác và giới đức trong sạch, có một trình độ cao cả, hơn hẳn những người tầm thường. Tuy nhiên, chữ "Tăng-già" thường được dùng để chỉ các cộng đồng khác, như cộng đồng tu sĩ (Tỳ-kheo Tăng-già và Tỳ-kheo-ni Tăng-già), cộng đồng cư sĩ hộ tăng (Ưu-bà-di Ưu-bà-tắc Tăng-già), cộng đồng các cư sĩ đã nghe Đức Phật giảng Pháp và đã đến xin quy y với Ngài (Thanh văn Tăng-già). Có một số Phật tử cho rằng có lẽ nên xem toàn thể cộng đồng Phật tử như là một Tăng-già, như một biểu tượng cho lý tưởng A-lê-da Tăng-già mà họ quy ngưỡng. Tuy nhiên, trong các quốc gia có truyền thống Phật giáo lâu đời, Tăng-già thường được xem như là cộng đồng các vị tu sĩ.

Ba nhánh rễ chính nầy là để dưỡng nuôi thân cây, và từ một hành động quy y Tam Bảo, tạo ra điều kiện thành lập Phật Giáo như là một tôn giáo có tổ chức. Có nhiều phương thức khác nhau để quy y. Tối hậu, ta có thể nói rằng có nhiều cách quy y khác nhau vì có vô số cá nhân khác nhau, bởi trong lịch sử Đạo Phật, việc quy y tối hậu là một quyết định của từng cá nhân, và mỗi người phải tự mình tìm cách hành trì trong đời sống của riêng từng người. Ta có thể xem mỗi Phật tử là một chiếc lá gắn vào cây cỗ thụ Phật giáo. Lá sống nhờ cành, cành gắn vào nhánh phụ, nhánh phụ bắt nguồn từ nhánh lớn vốn mọc ra từ thân cây chính. Từ đó, ta hãy xem xét đến các nhánh cây chính.

Những nhánh cây chính có thể được xem như là dựa trên căn bản các kinh điển chứa đựng lời dạy của Đức Phật và các vị đại đệ tử. Một nhánh chính có tên gọi là nhánh Thanh Văn (Savaka). Những vị tu sĩ trong nhánh nầy hành trì theo các giáo pháp mà mọi người đều tin rằng đó là các lời dạy công khai của Đức Phật đến các tu sĩ và cư sĩ đệ tử. Ngày xưa, có rất nhiều nhánh con đâm ra từ nhánh Thanh Văn nầy, nhưng ngày nay chỉ còn lại một nhánh. Nhánh đó được gọi là Theravada (Trưởng Lão Thuyết) có nghĩa là lời thuyết giảng của các vị trưởng lão. Trưởng lão, hay thượng tọa, là tu sĩ đã thọ giới ít nhất là 10 năm và có tuệ giác minh. Tông phái Theravada dựa theo các pháp hành lưu truyền qua nhiều đời của các vị trưởng lão nầy. Giáo pháp của Đức Phật được viết lại trong một tập hợp kinh điển bằng tiếng Pali. Dù rằng các vị tu sĩ Theravada có nghiên cứu các loại kinh sách khác, nền tảng cơ bản của sự giảng dạy và hành trì là dựa vào kinh điển Pali. Tông phái Theravada (thường được gọi là Nam Tông, hay Phật Giáo Nguyên Thủy) ngày nay hiện diện tại Tích Lan, Miến Điện, Lào, Thái Lan, và Việt Nam.

Nhánh chính thứ hai lại chia chẻ ra rất nhiều nhánh con. Tất cả các nhánh con nầy đều có một đặc điểm chung là họ chấp nhận giá trị của các loại kinh điển khác mà nhánh Thanh Văn không thừa nhận vì cho rằng đó không phải là lời giảng của Đức Phật lịch sử. Nhánh nầy được gọi là nhánh Mahayana (Đại Thừa, Bắc Tông). Số lượng kinh điển Mahayana rất lớn và không ai có thể học hết trong một đời, và vì thế, các Phật tử Mahayana thường chỉ chuyên khảo vào một vài bộ kinh, hoặc chỉ một bộ kinh. Chẳng hạn như Thiền tông (Zen) thường được hiểu rằng chỉ dựa vào sự truyền tụng bộ kinh Lăng Già (tựa đề nguyên thủy "Lăng Già A Bạt Đa La" có nghĩa là truyền dạy chân pháp vào đảo Lăng Già - Tích Lan, một quốc gia có cả 2 nhánh Theravada và Mahayana vào thời đó). Các tông phái Tịnh độ thì dựa vào kinh điển mô tả các quốc độ thanh tịnh cực lạc để ta tái sinh vào đó, tiếp tục hành trì Phật Pháp dễ dàng hơn là trong thế giới khó khăn nầy. Còn nhiều nhánh nhỏ khác, chẳng hạn như nhánh Pháp Hoa, dựa theo kinh Diệu Pháp Liên Hoa -- một kinh điển nhằm thống nhất các tông phái -- trong đó có nhóm Nhật Liên (Nichiren) và Học Hội Sáng Giá (Soka Gakkai) hiện đang hoạt động tích cực tại Nhật Bản, Hoa Kỳ, và các nơi khác. Thông thường, các nhánh nhỏ nầy lại đan kết với nhau, tạo ảnh hưởng lên nhau, rất khó phân biệt.

Phật Giáo Đại Thừa (Mahayana) đã có thời phát triển sâu rộng tại Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam và In-đô-nê-si-a (Nam Dương), nhưng ngày nay đã có nhiều thay đổi. In-đô-nê-si-a giờ đây là một quốc gia Hồi Giáo. Phật Giáo đã tàn lụn tại lục địa Trung Hoa. Đa số dân chúng Triều Tiên theo đạo Ky-Tô, chỉ còn một phần ba là theo đạo Phật. Phật Giáo đang trên đà suy tàn ở Nhật Bản và đang bị thay thế bởi hằng trăm nhóm đạo giáo mới (có khi chỉ có vẻ là Phật Giáo bề ngoài). Phật Giáo ở Việt Nam cũng bị suy yếu vì chiến tranh trong quá khứ và hiện nay là các áp lực chính trị, kinh tế, mặc dù Việt Nam là nơi đã có những nỗ lực tốt để kết hợp hai nhánh Mahayana và Theravada. Có thể nói là đang có những nguy cơ khiến Phật Giáo Đại Thừa có thể sẽ suy tàn ở Á Châu trong 25 năm tới. Một điều buồn là nhánh cây nầy, một thời rất khỏe mạnh và tươi tốt, nay đang bị ung thối và có nguy cơ sẽ gẫy rụng vì sức nặng của nó.

Nhánh chính thứ ba là nhánh Kim Cương (Vajra). Thật ra, để chính xác, có thể nói nhánh nầy là mọc từ nhánh Đại Thừa, nhưng vì có những đặc thù riêng nên có thể xem như một nhánh chính. Kinh điển của nhánh nầy là dựa theo các mật chú, nên còn được gọi là Phật giáo Mật tông (Tantric Buddhism). Đây là những loại kinh điển viết bằng một văn từ đặc biệt, không rõ ràng cho những ai không được truyền thừa, gọi là mật nghĩa. Ta không thể nghiên cứu hoặc hành trì nếu không có đạo sư hướng dẫn, và những vị thầy có những lễ truyền thừa đặc biệt cho môn đệ có sức linh nào đó để hành trì. Mật tông là tông phái chính ở Tây Tạng và Mông Cổ (từ Tây Tạng truyền sang). Cũng có những hình thái Mật tông khác ở Trung Hoa, và từ đó truyền sang Việt Nam, Triều Tiên, và Nhật Bản. Ngay cả các tông phái Phật Giáo khác cũng chịu ít nhiều ảnh hưởng của Mật tông, trong phần lý luận cũng như trong cách hành trì. Thí dụ như tại Việt Nam ngày nay, thường thấy một sự hòa hợp rất tốt, rất đặc biệt của Nam Tông, nhiều nhánh Bắc Tông (Tịnh độ và Thiền) và Mật Tông. Phật Giáo Triều Tiên giờ đây cũng là một tổng hợp của Thiền, Tịnh và một vài dấu vết của Mật.

Đến đây, tôi đã trình bày xong các nhánh rễ, thân cây chính và các nhánh cây chính của cây cỗ thụ Phật Giáo. Bây giờ thì ta hãy xem toàn thể cây nầy được cấu tạo ra sao. Nó được cấu tạo bởi 2 phần chính, phần thịt gỗ và phần nhựa cây. Phần gỗ, là cốt tủy của Đạo Phật, là Trí Tuệ. Phần nhựa, để giúp cho cây tiếp tục tồn tại bằng cách truyền dẫn các dưỡng tố từ rễ đến các phần khác và đến cành lá, là Từ Bi. Không có phần nhựa Từ Bi thông chảy xuyên suốt thì cả toàn cây sẽ chết nhanh. Không có phần gỗ Trí Tuệ thì nhựa cây không truyền dẫn và sẽ bốc hơi nhanh chóng. Như thế, không phần nào quan trọng hơn phần nào. Cả hai phần cùng hợp lại để duy trì sự sống cho cây cỗ thụ Phật Giáo.

R.P. Hayes
(Tâm Hòa lược dịch, theo "Buddhist Digest", 1997, Hoa Kỳ)


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage