Phật Học Online

Thuốc lá đốt tuổi teen
Lê Nguyễn

Một nhóm học sinh sau buổi học tụ tập tại quán cóc ven đường, thi nhau nhả khói thuốc. Trên các chuyến xe buýt, sinh viên, học sinh vẫn vô tư hút thuốc dù biển cấm to đùng trước mặt… Ở Việt Nam, tuổi hút thuốc lá trung bình là 17 và đang ngày càng trẻ hóa.


Phì phà mọi nơi

Sau giờ giải lao, một nhóm học sinh trường cấp hai Nguyễn Thị Diệu trên đường Huỳnh Tịnh Của, quận 3, TPHCM tấp vào quán cà phê cóc đối diện trường, vừa uống cà phê vừa nhả khói thuốc, bất chấp sự khó chịu của những người xung quanh. Thi thoảng, một học sinh rít một hơi thật dài rồi nhả khói lên trời để cho ra những vòng tròn khói một cách nghệ thuật.

“Cho thêm gói ba số” - một học sinh gọi chủ quán, rồi giấu kỹ vào cặp xách ung dung vào trường.

Trong khi đó, trên một quán cơm bình dân ở đường Điện Biên Phủ, quận 3- nơi có rất đông trường phổ thông quốc tế đóng chân, buổi trưa nào cũng đón hàng chục học sinh trốn ra ăn cơm và hút thuốc lá.

Tại sao không ăn cơm ở căn-tin, tôi hỏi. Một học sinh điềm nhiên: “Trong trường cấm hút thuốc lá, ra đây để xả”. Sau khi ăn cơm xong, cả nhóm ngồi lại phì phà thuốc lá cho đến tận giờ vào lớp học.

Cứ tưởng, teen hút thuốc chỉ diễn ra lén lút ở những nơi cấm nhưng có mặt tại trạm xe buýt số sáu ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TPHCM, chúng tôi bắt gặp nhiều sinh viên đón xe về trường Đại học Luật trên quận Thủ Đức, TPHCM đốt thuốc tự nhiên khi cùng nhau đứng chờ xe.

Một số quăng điếu thuốc xuống nhà chờ ngay khi xe tới nhưng cũng có trường hợp quên nhả điếu thuốc trên môi mãi đến khi đã lên xe và được người bán vé nhắc nhở mới nhoài người quẳng qua cửa sổ.

Nhả khói bạo nhất là tại các quán bi da và game. Đa số các cơ thủ là dân teen, vừa đánh bi da vừa hút thuốc, một số thậm chí còn uống bia.

 

“Thần chết” ngập đường

Một nghiên cứu y khoa mới nhất cho thấy, một điếu thuốc làm giảm 28 phút sự sống. Và người ta sẽ mất 15 năm tuổi thọ nếu duy trì việc hút thuốc từ khi nghiện đến lúc… chết.

Cảnh báo là vậy nhưng trên các nẻo đường ở các thành phố từ nhỏ đến lớn của Việt Nam các cửa hàng bán thuốc lá vẫn nhan nhản học lên và lượng người mua thuốc vẫn không thuyên giảm. Giờ thuốc lá không chỉ có mặt ở căn-tin trường học, ở chợ, quán cà phê, quán nhậu… nó có ngay trong các sạp báo, gánh hàng rong…

Nghịch lý là trong khi Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe ở 59 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TPHCM hằng tuần đều tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, thì chính ngay mặt đường của Trung tâm nhiều tủ thuốc lá bán từ sáng tới tối, thu hút rất đông giới trẻ mua.

Nhiều xe thuốc lá ở đây trang trí ấn tượng kèm những lời quảng cáo với dòng chữ to “Khởi đầu mới ngay bây giờ”, trong khi dòng cảnh báo sức khỏe “Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe” bị che khuất bởi hàng trăm bao thuốc đủ loại, từ ta đến tây.

Bất chấp quy định ở những xe bán thuốc, người bán chỉ được phép trưng bày một bao thuốc lá nhưng những người bán ở đây cho biết, họ phải trưng bày bắt mắt như vậy mới thu hút được thượng đế.

Trong khi quầy thuốc tràn ngập trên đường, thì ở các quán xá, đội ngũ tiếp thị thuốc cũng tỏa khắp đi mời chào hút thuốc thử miễn phí những loại thuốc mới.

 

Mạnh tay!

Theo bác sĩ Đỗ Vân Dũng, hiện rất ít trường học có chủ trương cấm hút thuốc. Vì vậy, tại Phòng Chăm sóc Hô hấp của trường ĐH Y Dược TPHCM - nơi tư vấn cai thuốc lá, thường xuyên tiếp nhận con nghiện thuốc lá là sinh viên, thậm chí là học sinh trung học và phổ thông.

“Để bảo vệ cộng đồng khỏi phơi nhiễm nên in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh trên vỏ bao thuốc, cấm quảng cáo, tăng thuế và đặc biệt xử thật mạnh tay bán thuốc sai luật mới hy vọng giảm tỷ lệ nghiện thuốc lá ở giới trẻ được” - bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm - nhân viên WHO tại Việt Nam đề xuất.

Trong khi đó, theo bác sĩ Phạm Thị Quỳnh Nga - Cán bộ Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam thì thách thức lớn của việc ngăn chặn tệ nạn hút thuốc trong giới trẻ hiện nay bởi các hoạt động “rót tiền” tinh vi và cả các chiến lược quảng cáo.

“Hiện Việt Nam là một trong 15 nước hút thuốc lá nhiều nhất thế giới, mỗi năm thuốc lá lấy đi mạng sống của 40.000 người và đây cũng là thị trường cho các thương hiệu thuốc lá “đổ bộ”” - bác sĩ Nga nói.

Thực tế, theo điều tra cho thấy, mỗi năm ngành công nghiệp thuốc lá chi hàng tỷ USD để mở rộng mạng lưới quảng cáo, khuyến mại nhằm thu hút người hút mới, đặc biệt là thanh thiếu niên.

“Nếu không mạnh tay, xử phạt nghiêm hút thuốc nơi công cộng tình trạng nghiện thuốc lá sẽ khó thuyên giảm”- bác sĩ Nga cảnh báo.

Theo Lê Nguyễn / Tiền Phong


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage