Phật Học Online

Tâm hồn và thể xác: ai thắng ai?

Xem hình

Đặt câu hỏi, tâm hồn chiến thắng thân xác hay bại trận trước thân xác, từ cổ chí kim dường như chúng ta có ngay câu trả lời: “cái nết đánh chết cái đẹp”. Nguồn: http://phatgiaovnn.com (Phật Giáo Việt Nam Net)

Câu trả lời có vẻ khẳng định mạnh mẽ lắm, nhưng sao mà nó cứ vang lên nghẹn ngào làm vậy, dường như đó là cặp hỏi – đáp giăng mắc – dùng dằng – bi kịch – nghịch lý nhất thế gian này. Nếu cái nết đánh chết cái đẹp, thì sao vô số đàn ông sẵn sàng thủ vai những con thiêu thân lao vào không biết tiếc đời mình trong mê cung: “gái ham tài, trai ham sắc”. Nào đã hết đâu, như nhà thơ Ngô Vi Quỳ đã từng lột tả cảnh nghịch lý dở dang mãi mãi chua cay nhưng không thể nào dứt nổi:

Gái hồng bạc mệnh xưa nay
Riêng đâu phận thiếp phen này long đong
Gái xinh những muốn má hồng
Nực cười sự thế lạ lùng éo le

Khổ sở không? Ngay cả khi nhân gian đã đúc kết “hồng nhan bạc mệnh”, vậy mà những cô gái chẳng hề sợ nỗi bạc mệnh đó, chỉ mong mình có được hồng nhan. Đàn bà đã vậy! Đàn ông còn khao khát cái hồng nhan của chị em đến mức nào?

Về sắc đẹp, người phương Tây có một câu phương ngôn là: “Cái đáng yêu nhất của người phụ nữ là sức mạnh của cái đẹp”. Cái đẹp ở người phụ nữ không chỉ để cho người ta chiêm ngưỡng, nhìn, ngắm, mà nó biến thành sức mạnh đến mức đã có rất nhiều vương triều, dòng họ, gia tộc hùng mạnh bị sụp đổ giữa nụ cười khóe mắt của người đẹp. Người ta ví sức mạnh của người đẹp còn mạnh hơn mấy sư đoàn hoặc như người Trung Quốc nói:

Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách
Sắc bất ba đào dị nịch nhân

Có nghĩa:
Mưa to gió lớn không lưu được chân khách
Nhưng má đào của người đẹp làm được việc ấy

Đến đây, chúng ta đã thấy tâm hồn và thân xác bày ra cuộc chiến rất giằng co? cái nào sẽ thắng cái nào trong cuộc chiến một mất một còn? May mắn thay cho chúng ta tâm hồn và thân xác không chiến đấu để một mất một còn mà để cả hai cùng tồn tại, vì một lẽ thật đơn giản, ai ai cũng phải sống bằng một thân xác chở mang tâm hồn.

Nhưng dù thân xác có một sự ưu thắng sờ sờ trước mắt không thể nào chối nổi, thì tâm hồn khiêm cung ẩn dấu vẫn không dễ bị lép vế chút nào, trái lại dân gian đã không chút lưỡng lự đội ngay lên đầu tâm hồn vòng nguyệt quế chiến thắng, đó là: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Đồ gỗ tốt thì vừa đẹp, vừa không bị mối mọt cắn, dù không có vécni nó vẫn bóng trong vân gỗ thực và bình dị; trái lại, gỗ xấu dù có sơn phết thế nào thì vẫn bị mối mọt gặm, rồi sơn long tróc nhanh xuống mã. Người có tâm hồn đẹp là người đẹp từ trong các vân – thớ của gỗ, phẩm chất của gỗ sẽ quy định phẩm chất của đồ mộc, và từ đó quy định tính sang – hèn, hạnh phúc hay khổ sở của cuộc đời. Một cây gỗ tốt đóng thành bàn ghế chẳng hạn nó sẽ được kê giữa phòng khách để chia sẻ cuộc sống ấm êm với gia chủ, nếu nó trở thành một cây đàn thì còn được chủ nhân ôm ấp như con cái, có thể vang lên những âm thanh danh giá trước muôn triệu người. Cái đẹp của thân xác thì có giới hạn đặc biệt nó phải quỵ gối trước ngưỡng cửa thời gian kéo dài độ một – hai thập niên, có vô số người đẹp đã bay hơi trên đôi cánh của thời gian nhường ngai vàng hoa hậu cho những giai nhân mới dậy thì. Về giá trị tâm hồn, Kinh Thánh quả quyết rằng: Được cả thế giới mà đánh mất tâm hồn nào có ích gì! Và cũng có một câu chuyện rằng: một ông chủ giàu có kia, mỗi năm lại bội thu nhiều hoa lợi hơn, ông ta bèn cho xây cất những nhà kho lớn hơn để tích trữ hoa lợi. Công việc hoàn thành, ông ta tự nhủ, việc tích trữ gia sản đã xong, giờ ta chỉ còn sống để tận hưởng những gì mình có. Nhưng trong đêm đó, có tiếng Chúa Trời nói với ông rằng, hỡi kẻ giàu có kia, ngay trong đêm nay ta sẽ cất linh hồn của ngươi đi, thử hỏi việc người tích trữ kho lẫm phỏng có ích gì? Vì thế ngươi chớ chỉ lo làm giầu gia sản của mình, mà còn phải lo làm giầu cho linh hồn.

 

Tâm hồn giàu có bằng cách nào? Như người Việt nói “tiền tích đức hậu tầm long”, hoặc: “Có đức mặc sức mà ăn”. Tâm hồn làm giàu cho mình bằng những việc gieo trồng nhân hậu để có ngày bội thu trên cánh đông đầy ân sủng phúc lộc được cuộc đời đền trả. Theo cách này, người Trung Quốc nói: “Nhà có vợ hiền chồng không gặp nạn, nhà có vợ dữ tai họa đến ngay”. Như vậy, có nghĩa là, người chồng lấy được cô vợ hiền – tức là có giá trị tâm hồn, thì sẽ được hưởng phúc may mắn từ tay người vợ đã gieo hạt giống vào đời, trái lại nếu lấy phải vợ có tâm hồn dữ dằn sẽ gặp luật quả báo, thường gặp xui xẻo và tai họa.

Tâm hồn và sắc đẹp, có thể ví, dù đẹp bao nhiêu sắc đẹp chỉ là hình thức như chiếc quạt, đài, tivi, tủ lạnh hay máy điều hòa, nhưng không thể nào tự vận động mang sức sống trong mình; trái lại tâm gồn không nhìn thấy được như dùng điện kia, chạy vào quạt thì thành gió, chạy vào đài thì thành tiếng, chạy vào tivi thì thành hình ảnh…

Đẹp hình thức bên ngoài là chiếc vỏ, cái vỏ chưa chắc có thể đảm bảo cho đời người ta hạnh phúc, trái lại, hình thức xấu nhưng bên trong tâm hồn lại đẹp tức là có một nội dung chắc chắn để làm cho cuộc đời hạnh phúc. Người Việt mô tả như sau:

Kìa ai lạo xạo ngoài da
Mà trong rỗng tuếch như hoa muống rừng

Và những cô gái có tâm hồn còn tự tin rằng:

Chớ chê em xấu em đen
Em như nước đục đánh phèn lại trong

Câu nói đó giống câu của người Nga rằng:

”Không sợ dốt chỉ sợ không muốn học”

Có nghĩa một người tự biết mình dốt, sẽ chăm chỉ học đêm ngày có lúc trở thành người hiểu biết; người biết có đục còn khiếm khuyết cũng vậy sẽ cố gắng để khắc phục sao cho mỗi ngày tâm hồn được khả ái hơn; trái lại với nhiều cô có chút sắc đẹp lúc nào cũng vênh vang tự đắc hơn đời, thấy chẳng cần làm gì hơn mà vẫn có khối người theo đuổi, dần dần nụ hoa thui chột, sắc đẹp phai tàn, không thể biến hóa từ cái đáng đẹp sang cái đáng yêu.

Chúng ta bàn đến tâm hồn và sắc đẹp, không phải tôn vinh cái này, dè bỉu cái kia, bởi lẽ như trên đã nói, ai ai cũng cần phải có cả hai, tâm hồn mạnh mẽ trong thân xác đẹp. Đây cũng chính là mối quan hệ xuyên suốt của tâm hồn ở địa vị cao chót vót như thần thánh, thì Kinh Thánh cũng chỉ dẫn cho con người thấy: thân xác là đền thánh của nước Trời. Chúng ta thử hình dung, nếu ta bước vào một ngôi chùa, ở đó chỉ có mái, có cột, có vách mà không có tượng, có kinh, có hương khói, thì ngôi chùa có khác gì đống gạch chồng xếp lên nhau. Thân xác cũng vậy, nếu không có tâm hồn nó chỉ là ngôi chùa không có Phật.

Vì thế ai ai cũng phải trau dồi cả tâm hồn lẫn thân xác, Nhưng như người Pháp nói: không ai được tất cả, cũng không ai mất tất cả. Thường những người không có ngoại hình đẹp lại có một tâm hồn đẹp, thường người có thân xác đẹp lại kém mẫn cảm về tâm hồn. Vì thế, ta chớ có tin cậy mình đẹp, hay mình khôn, mà là muốn có giá trị hay hạnh phúc thì đều phải cố gắng cả về hai phía: hình thức thì đẹp, nội dung thì tài.

Nguồn: http://phatgiaovnn.com (Phật Giáo Việt Nam Net)

(Theo Hạnh phúc & gia đình)


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage