Phật Học Online

Trụ Định hành trang tối thiểu của người tu

GNO - Giáo lý của Đức Phật có nhiều pháp môn tu, tùy theo căn cơ và trình độ hiểu biết của mỗi người khác nhau mà việc áp dụng có khác nhau và dẫn đến kết quả cũng khác nhau. Thật vậy, tuy cùng xuất gia tu học, nhưng có người đạt được kết quả tốt đẹp, có người không được.

Cho nên làm sao việc tu hành của chúng ta được thăng hoa, để không uổng phí cuộc đời tu. Đây là khóa hạ mà việc tu là chủ yếu; vì vậy, các thầy phải kết hợp việc học để tu, không phải học để biết như ở trường Phật học.

Khi thọ trì kinh Pháp Hoa, nhiều vị cao tăng, thánh tăng có những sở đắc truyền lại để chúng ta nương theo đó tu hành. Điển hình là ngài Từ Ân đại sư phân chia thành năm thứ kinh Pháp Hoa gọi là ngũ chủng Pháp Hoa theo thứ tự từ ngoài vào trong như sau:

Kinh Pháp Hoa của hàng phàm phu trì tụng.
Kinh Pháp Hoa của hàng nhị thừa xuất gia tu hành.
Kinh Pháp Hoa của hàng Bồ tát sơ tâm tu hành.
Kinh Pháp Hoa của các Bồ tát bản địa tu hành.
Kinh Pháp Hoa của Đức Như Lai.

thiendinh-1.gif

Ngài Trí Giả đại sư thì chia kinh Pháp Hoa thành hai môn là Bổn môn Pháp Hoa và Tích môn Pháp Hoa. Tích môn Pháp Hoa dễ hiểu hơn. Đức Phật xuất hiện trên cuộc đời và Ngài giảng dạy trong 49 năm, tất cả những gì Phật làm và nói gọi là Tích môn Pháp Hoa.

Nếu nhìn về Đức Phật, đầu tiên chúng ta quan sát tám tướng thành đạo của Phật, hay những điều kiện để thành Phật phải có thì tu mới thành Phật. Điều thứ nhất phải là Bồ tát nhứt sanh bổ xứ trụ đại thiền định ở cung trời Đâu Suất cỡi voi trắng sáu ngà xuống trần gian. Nhứt sanh bổ xứ Bồ tát nghĩa là một đời hiện tại là thành Phật. Chúng ta không có điều kiện này thì không phải là nhứt sanh bổ xứ Bồ tát.

Vậy tu thế nào để thành Bồ tát? Kinh Hoa Nghiêm vẽ ra lộ trình tu của Bồ tát, từ Bồ tát thập tín sang Bồ tát thập trụ, đến Bồ tát thập hạnh, Bồ tát thập hồi hướng và Bồ tát Đẳng giác, Bồ tát Diệu giác, nghĩa là phải trải qua 52 chặng đường thành tựu viên mãn Bồ tát đạo và chỉ còn một đời cuối cùng là thành Phật; nhưng cũng phải chờ đủ duyên mới giáng trần thành Phật, không phải muốn xuống trần gian liền là được.

Điều kiện thứ hai là cha và mẹ của Bồ tát nói lên yếu nghĩa về huyết thống, kinh nói rằng "Sanh ra dòng họ cùng dung sắc, tướng tốt, trí huệ đều đầy đủ, các ma ngoại đạo không phá được, kham làm phước điền cho ba cõi". Chúng ta không hội đủ điều kiện này thì không phát huy được quả vị Phật.

Cha mẹ phải như thế nào mới sanh được người con làm Phật, hay nói cách khác, cha mẹ ví như cái khuôn đúc thành Phật. Cha là Tịnh Phạn nổi tiếng bảy đời làm vua hiền đức, mẹ là hoàng hậu Ma Gia cũng nổi tiếng đức hạnh. Đó là huyết thống của dòng họ, ngày nay gọi là "gene" của dòng tộc bên nội và bên ngoại của Phật tốt đẹp như vậy mới sanh được thái tử Sĩ Đạt Ta có 32 tướng hảo, có sức khỏe tuyệt vời và thông minh tuyệt đỉnh.

Điện trong trời đất có sẵn, nhưng phải có nơi tương ưng tiếp thu được dòng điện.Thần thức của đứa bé có thể ví như cường độ dòng điện, mà bào thai ví như bóng đèn. Nếu bóng đèn có 10 watt, nhưng cho cường độ dòng điện 1.000 watt vào là nổ bóng đèn liền. 1.000 watt ví cho thần thức của Bồ tát nhứt sanh bổ xứ không thể tồn tại trong thân xác quá tầm thường, quá yếu ớt như bóng đèn 10 watt. Vì vậy, Bồ tát phải tìm chỗ thọ sanh, điều này không dễ ví như hoa Linh Thoại đúng thời tiết mới nở.

Cha mẹ khỏe mạnh sẽ sanh đứa trẻ khỏe mạnh. Điều này thể hiện rõ nét nơi cơ thể của thái tử Sĩ Đạt Ta. 16 tuổi, Ngài chỉ dùng một tay nhấc được cây cung đồng thờ trong miếu và giương cung bắn nhẹ nhàng, mũi tên trúng đích; trong khi phải cần đến 16 lực sĩ mới khiêng nổi cây cung này. Và trên bước đường đi tìm chân lý, Ngài đã tu khổ hạnh, nhịn đói đến mức da bụng dính với xương sống, nhưng vẫn không chết. Nơi Đức Phật toát lên một sức khỏe kỳ diệu, một sức mạnh phi thường. Có một cơ thể hoàn mỹ tuyệt đỉnh như vậy, Ngài mới tu khổ hạnh được. Không tu khổ hạnh thì Phật quả khó thành.

thiendinh-2.gif

Nhiều thầy hiểu lầm rằng người tu không sống xa hoa, nhưng cũng không khổ hạnh là đi theo Trung đạo. Tuy nhiên, thiết nghĩ nếu cứ đi tà tà như vậy đến bao đời cũng không được gì. Thật vậy, nếu Thiền sư không nếm cái giá lạnh buốt xương thì cũng không có hoa đào nở. Tôi điểm lại cuộc đời hành đạo của các vị cao tăng, các vị Tổ sư, nhận thấy rằng các ngài đều vượt được chướng ngại mà người thường không kham nổi. Ví dụ như Tổ Hiếp tôn giả từ khi tu cho đến viên tịch, ngài không bao giờ nằm. Ở Trung Quốc có Cao Phong thiền sư cũng vậy, trọn đời ngài không nằm. Còn Thiên Thai đại sư tu hành trên núi, khát uống nước suối, đói ăn rau rừng, ngài không ăn cơm cháo như chúng ta và ngài cũng không bao giờ xuống thị thành.

Ở Nhật Bản, tôi gặp Thiền sư Kono, ngài dẫn tôi lên đỉnh núi xem những ngôi mộ của các chú Sa di. Quý thầy nghĩ sao? Thiền ít nói, chỉ cho mình thấy như vậy thôi. Tôi nhận ra rằng sức khỏe mình tới đâu và có thể làm gì. Các Sa di này cố gắng tối đa vượt mức cơ thể cho phép thì không sống được. Người có cơ thể đặc biệt mới thành Phật, thành Tổ. Phàm phu nghĩ còn không được, huống chi là làm.

Điều kiện thứ ba để thành Phật là yếu tố bồ đề, nghĩa là cơ thể này có khả năng tiếp nhận năng lực siêu hình. Chúng ta có khả năng hiểu biết thì thầy mới truyền được. Mặc dù học cùng trường, nhưng ra trường mỗi người đạt được kết quả khác nhau, vì khả năng tiếp thu khác nhau; đó là yếu tố bồ đề. Yếu tố bồ đề cao nhất là Phật, kế là Bồ tát nhứt sanh bổ xứ và Bồ tát thập địa, xuống đến Bồ tát sơ tâm… thể hiện căn tánh từng người khác nhau. Căn tánh là phàm phu thì chỉ hướng tâm được nhị thừa mà thôi. Ví dụ như khỉ làm được vài động tác giống người, nhưng khỉ không là người.

Vì vậy, phàm phu ở thế giới phàm phu, vì suy nghĩ và khả năng tiếp thu của họ chỉ như thế, không thể khác. Cho nên, chúng ta chỉ gieo vào lòng họ niềm tin đạo để họ trồng căn lành với Phật pháp và phải trải qua nhiều đời nữa, họ mới phát huy được việc thể nghiệm giáo pháp. Tuy rằng ai cũng thành Phật được, nhưng với trí tuệ yếu kém và cơ thể bạc nhược, tất nhiên cần phải trải qua nhiều đời để chuyển hóa thân tâm, không thành Phật trong khoảng thời gian ngắn được. Kinh Pháp Hoa gọi là căn tánh hành nghiệp của mỗi người khác nhau, cho nên phải thích ứng với khả năng, họ mới tu được.

Đức Phật thông minh tuyệt vời, khi Ngài chưa tu mà không có thầy nào có khả năng dạy Ngài, ngày nay gọi là thần đồng, không học nhưng biết hơn thầy. Tuy yếu tố bồ đề của Phật hoàn mỹ như vậy, nhưng Ngài cũng phải trải qua ít nhất năm năm tầm sư học đạo và sáu năm khổ hạnh, cuối cùng mới nhập thiền định ở Bồ Đề Đạo Tràng; vì không khổ hạnh thì không đắc đạo.

Ngày nay, các thầy tu có khổ luyện về cơ thể và trí óc mới thấy rõ điều này. Như vậy, có yếu tố bồ đề rồi, còn đòi hỏi yếu tố khổ luyện. Cùng học ở đây, nhưng có người không tiếp thu được thì cảm thấy mệt mỏi, chán nản, mong hết giờ để ra ngoài chơi. Nhưng đối với người học và có tiếp thu, có suy nghĩ thì tiến xa hơn, nên họ thành công. Vì thầy dạy ít, nhưng phải hiểu nhiều, ra khỏi lớp rồi mà đầu vẫn còn tiếp tục suy nghĩ những ý thầy dạy, bởi đó là đại tiền đề mà thầy đưa ra và chúng ta phải triển khai mới có sở đắc. Tu rồi luyện, thầy chỉ đưa công thức, nhưng mình không khổ luyện không thể thành công. Ví dụ muốn làm giảng sư phải tập nói cho lưu loát và thể hiện được ý chính. Như vậy, có khổ luyện mới phát hiện được điều Phật và chư Tổ dạy và phải đồng hạnh đồng nguyện mới cảm, mới hiểu được.

Phật xuất gia làm Sa môn, đầu tiên Ngài cắt ái ly gia, rời xa thế tục. Hòa thượng Thiện Hoa nói "Phước đức thay cho người cô độc, không bị phiền não thế tục quấy rầy". Tôi nghe và nhớ điều này lắm. Đức Phật cũng vậy, Ngài xuất gia, một mình một bóng không bị phiền não quấy rầy và cơ thể Ngài có sức chịu đựng đói khát nóng lạnh.

Đầu tiên, các thầy tu phải trải nghiệm điều này. Giai đoạn một ở địa vị phàm phu thì đói vì nghiệp, hay đói con mắt, đói cái tâm. Bụng chưa đói, nhưng thấy thức ăn, hoặc nghe mùi, chúng ta thèm ăn, mới cảm thấy đói. Hòa thượng Thanh Kiểm kể rằng thời gian ngài học ở Nhật là lúc kinh tế xuống thấp, vì nước họ vừa bị bại trận. Ngài nghe tiếng gõ của người bán khoai lang nóng, vì chiều không ăn nên đói bụng quá và nghe vậy càng thấy đói đến không chịu nổi. Ngài mới giải quyết cơn đói bằng cách uống nước và tọa thiền thì quên đói.

Phàm phu đói quá thì không vào định được. Nhưng người có căn lành vào định, quên đói. Nhập định, không nghĩ đến khoai lang sẽ quên đói, nên ngài phát hiện cái đói này là nghiệp; vì trữ lượng trong cơ thể còn, nên thiền sư nhịn ăn cả tháng cũng không chết. Từ đó, chúng ta mới biết được nghiệp sai biệt của mỗi người.

Nếu chúng ta ăn uống bình thường thì tu mãi cũng là phàm Tăng, cũng bị sự chi phối như tất cả mọi người. Chi phối lớn và căn bản là đói, khát, nóng, lạnh. Bốn điều này dù có tu hay không vẫn bị nó chi phối. Tuy nhiên, người tu phải từng bước vượt được là bắt đầu trụ định, tức có cuộc sống nội tâm rồi thì dùng nội lực này để áp đặt, chi phối bốn điều ấy. Đó là Sa môn khác với người thường, hay từ phàm tăng tiến lên hiền vị, nghĩa là ta cũng là người phàm, nhưng đắc định thì sử dụng định lực này để đối phó với nghiệp.

Vì vậy, việc đầu tiên của người tu là phải có định. Không có tư lương này, không tiến tu được. Tư lương này là của quả Tu đà hoàn giữ trong lòng thì mới thăng tiến trên đường đạo. Chưa chứng Dự lưu, chắc chắn còn thăng trầm trong sinh tử. Trong mùa an cư, quý thầy cần nỗ lực tối đa để thành tựu được quả vị này và dùng đó làm hành trang cho các năm tháng hành đạo kế tiếp mới không bị đọa.

Người chứng quả Dự lưu là không bị phiền não quấy rầy, không bị người và thiên nhiên chi phối. Nói cách khác, chúng ta làm sao trụ định để không có bốn tướng xấu là buồn, giận, lo, sợ trên bước đường hành đạo. Ai làm gì, mình cũng không giận. Có thầy nào đó phát nguyện rằng dù bị người xử sự ra sao cũng không để tâm sân hận nổi dậy; nhưng phát nguyện như vậy, coi chừng gặp thử thách. Ví dụ khi có chia phần cúng dường, người ta quên mình thì cũng không giận; người ta xử sự tệ, mình vẫn cười được. Chưa có sở đắc này, không nên ra ngoài hành đạo, vì khi bị đụng chạm với đời thì nghiệp sanh khởi liền.

thiendinh-3.gif

Hòa thượng Thiện Hòa dạy tôi là Sa di nên thực tập việc nào dễ nhất làm trước; đó là hành động, cử chỉ, vì mình kiểm soát được, nên cố gắng hạn chế nó. Dù việc gì xảy ra, mình cũng không động tay động chân, bằng cách ngồi thiền kiết già để khóa tay chân mình lại. Giả sử bị giết cũng chịu, không đối phó bằng tay chân. Các Tỳ kheo nên nhớ không bao giờ đánh nhau. Hai thầy đánh nhau, hoặc bị đánh mà đánh trả thì cả hai cùng bị xử biệt chúng, tức đuổi đi; đó là nguyên tắc tu. Thầy tu đầu tiên phải tập đức nhẫn trước. Làm sao từ đầu hạ đến ra hạ không có thầy nào đánh nhau, bị đuổi.

Khóa tay chân trong lòng là nghĩ không bao giờ phản ứng bằng tay chân, nhưng bước thứ hai xa hơn, Hòa thượng Thiện Hòa dạy rằng hễ giận thì không nói; vì khi ghét giận có nói lời ngọt cũng bọc tánh ác trong lòng. Để ý chúng ta thấy nếu anh A không ưa anh B, dù ca ngợi, B cũng thấy giả dối.

Nếu ghét giận ai, chúng ta tuyệt đối không nói về người đó, nói phải cũng không nói. Khi nào chúng ta thương họ được, hay vui trong lòng, chúng ta nói thì dễ nghe, dù mắng, người ta cũng thấy đó là cần thiết và chấp nhận được. Người trong lòng buồn, hoặc bực tức nói gì cũng không nghe được. Các thầy tu nên tập không nói. Hòa thượng Huệ Hưng xưa kia phát nguyện ba năm không nói. Mãn ba năm, Hòa thượng nói hay niệm Phật cũng lơ lớ như trẻ con. Bậc thầy tổ, cao tăng đều có khổ luyện như vậy mới gặt hái được thành quả.

Hành động ác và lời nói ác không có, tâm chúng ta dễ thanh tịnh, sẽ chứng quả Dự lưu dễ dàng, không bị xã hội và thiên nhiên chi phối. Vì sự thật cơ thể chúng ta không đòi hỏi nhiều như tham vọng, nhưng vì nghiệp, vì tham vọng đòi hỏi; cho nên phải xóa nghiệp.

Đức Phật tu xóa nghiệp này khó hơn chúng ta; vì Ngài ở giai cấp cao nhất mà phải sống với giai cấp thấp nhất, Ngài là người trí thức tuyệt vời mà sống với người tầm thường, có một khoảng cách quá lớn. Vì vậy, kinh nói rằng khi Phật mới thành đạo, Ngài muốn nhập Niết bàn, vì những gì Ngài tu chứng không thể truyền dạy cho mọi người được. Những gì không chấp nhận được mà Phật chấp nhận là Ngài bằng lòng ôm bình bát đi khất thực, sống với năm anh em Kiều Trần Như. Đức Phật đã làm việc khó làm như vậy đó. Còn chúng ta mới vừa lên một chút thì liền không chấp nhận được ai. Điều này nguy hiểm, không phải Phật đạo. Phật ở địa vị cao tột đỉnh, nhưng Ngài sống hòa hợp với tất cả mọi người. Ngài có yếu tố Bồ đề hoàn mỹ như thế, nên ngồi Bồ Đề Đạo Tràng, xóa nghiệp là Ngài thành Phật.

Trí Giả đại sư kiến giải rằng Phật có thân quyền và thân thật. Thân nào là quyền và thân nào là thật? Phật từ thế giới vĩnh hằng bất tử của Ngài nhập vào thai mẹ ở ta bà, gọi là Vị thật thi quyền. Nghĩa là bên trong Ngài có ông Phật không sanh diệt là thân thật và ông Phật này nhập vào thân Sĩ Đạt Ta hiện hữu trên cuộc đời, nên thân Sĩ Đạt Ta là thân quyền.

Khai quyền hiển thật là Phật tuy mang thân người, nhưng suy nghĩ và hành động của Ngài không giống người khác. Người đời ham giàu sang sung sướng, trong khi Phật có đầy đủ như vậy, nhưng Ngài đã từ bỏ, cốt để khai ra cái thật là tại sao có ngôi vua mà lại bỏ, đi xuất gia, vì bên trong Ngài có ông Phật thôi thúc. Ngài phải lang thang sống đời phạm hạnh, cực khổ, vì nhiều đời Ngài đã tu rồi, nên đời này muốn tiếp tục làm như vậy. Ai có độ cảm về Phật sẽ dễ nhận ra điều này.

Riêng tôi lần đầu tiên về thăm nhà khi bà ngoại mất. Tôi không bao giờ có ý nghĩ về nhà, vì sống với đại chúng cảm thấy thân thương hơn. Từ cảm nhận này, tôi cảm về Phật dễ dàng. Cốt lõi của Phật là Sa môn thì không thích ai hầu hạ, chăm sóc, thấy đó là sự ràng buộc vô lý, cho nên Ngài đi lang thang tìm đạo thấy hạnh phúc hơn. Và điều này để cho mọi người thấy được ông Phật bên trong của thái tử.

Cuối cùng Phế quyền tồn thật, vì thân này là giả tạm, nên phải bỏ thân xác hữu hạn để trở về sống với ông Phật bất tử bên trong, không còn bị thân tứ đại ràng buộc. "Tồn thật" là còn tồn tại mãi mãi Đức Phật vĩnh hằng.

Người tu Bổn môn Pháp Hoa đi tìm cái gốc, tức xem Phật Niết bàn về đâu và Ngài đang ở đâu, để chúng ta cũng trở về được thế giới vĩnh hằng của Phật.

HT. Thích Trí Quảng (GNO)


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage