Nguồn: http://phatgiaovnn.com (Phật Giáo Việt Nam Net)
Do
những liên hệ lịch sử, nước Pháp là một trong những quốc gia có cộng
đồng người Việt Nam sinh sống sớm nhất. Và, Marseille là địa phương đầu
tiên ở Pháp có người Việt đến định cư, đơn giản là vì những người Việt
đầu tiên đến nước Pháp đều đi bằng tầu thủy và bến cảng đầu tiên họ
đặt chân là cảng Marseille ở bờ bắc Địa Trung Hải. Khí hậu ở đây ấm hơn
ở các nơi khác của nước Pháp nên những người từ vùng nhiệt đới thấy
gần gũi hơn với quê nhà. Sau trên dưới trăm năm, nhiều thế hệ người
Việt đã sinh ra và lớn lên ở đây.
Hiện có khoảng 8.000 người Việt Nam đang sinh sống ở Marseille và vùng
phụ cận. Dù sống xa quê hương đã nhiều năm hay chưa từng đặt chân lên
mảnh đất được các thế hệ cha anh dặn lại là “quê cha đất tổ”, dù biết
tiếng Pháp trước khi biết tiếng Việt và thực sự nói tiếng Pháp giỏi hơn
tiếng Việt, dùng dao dĩa thạo hơn dùng đũa, ăn fromage nhiều hơn đậu
phụ… thì trong sâu thẳm trái tim của hầu hết những người Việt ở đây
“cõi hướng về” luôn là đất nước Việt Nam, nơi có đền thờ Quốc tổ Hùng
vương, có núi thiêng Yên Tử với thiền phái Trúc Lâm, có Biển Đông bao
la, Trường Sơn hùng vĩ… Cuộc sống vật chất ổn định là lúc con người có
điều kiện chăm lo tới đời sống tâm linh vốn không lúc nào không có
trong từng con người và trong mọi cộng đồng. Như một lẽ tự nhiên, chùa
Trúc Lâm trở thành nơi sinh hoạt tâm linh, nghe kinh Phật, làm việc
thiện nguyện, hoạt động văn hóa, gặp nhau trong các dịp lễ và những
ngày nghỉ cuối tuần của bà con trong Chi hội người Việt Nam tại
Marseille.
Chùa
Trúc Lâm ở Marseille được kiến tạo năm 1987 trên một sườn núi đá đặc
trưng của vùng Địa Trung Hải, phong cảnh hết sức nên thơ, ở xa trung
tâm thành phố nên không gian yên tĩnh rất thích hợp với cảnh chùa. Chùa
do Hoà thượng Thích Thiện Châu cùng “Hội Phật tử Việt Nam tại Pháp”
thành lập. Diện tích khuôn viên 3.600 m2 gồm 4 nền đất trên 4 độ cao.
Nền đất trên cùng đủ rộng để xây điện thờ Phật và điện thờ Mẫu theo
đúng truyền thống văn hóa Việt Nam. Hai ngôi điện thờ bên cạnh nhau,
tuy không lớn nhưng đầy đủ các ban thờ với các bức tượng Phật, tượng
Mẫu sơn son thếp vàng từ Việt Nam chuyển sang, rất trang nghiêm và ấm
cúng. Ngoài sân điện có tháp nhỏ treo quả chuông đồng lớn là quà tặng
của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp.
Sau
khi lễ Phật, khách bước theo bậc tam cấp xuống nền đất bên dưới có
diện tích khuôn viên lớn nhất với các bức tượng Quan thế âm đứng trên
tòa sen, Quan thế âm ngồi trên tòa sen, tượng Phật nằm, một số tượng
các vị Bồ tát…, có cả hai bể trồng sen mang từ Việt Nam sang. Trong
khuôn viên đền chùa Việt Nam ta thường thấy những cây đại cổ thụ nở hoa
tạo nên nét cổ kính và không gian thanh tịnh của nơi thờ thánh, thờ
thần, thờ Phật. Chùa Trúc Lâm ở Marseille không có cây đại, thay vào đó
là một loài cổ thụ rất đặc trưng của vùng Địa Trung Hải tạo nên vẻ đẹp
rất riêng cho khung cảnh chùa. Đó là cây ô-liu, một loài cây có tuổi
thọ tới hàng nghìn năm.
Dịp
đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội vừa qua, thủ đô Athens của Hy Lạp
đã tặng thủ đô Hà Nội 2 cây ô-liu, hiện trồng trong Hoàng thành. Người
Hy Lạp coi ô-liu là loài cây đại diện cho đất nước họ, là cây thần
thánh (holly tree) nên rất quý. Những cây ô-liu trong khuôn viên chùa
Trúc Lâm đã sống tới 6-7 trăm năm và vẫn ra hoa, đậu quả đều đặn. Cùng
trên nền đất này, chùa mới xây một gian mái bằng khoảng 80 m2 làm nơi
giảng kinh Phật, hội họp và tổ chức các sinh hoạt văn hóa. Hai nền đất
phía dưới dốc từ cổng chùa dần lên chân bức tượng Quan thế âm đứng trên
tòa sen ở nền đất trên. Nền đất dưới cùng có độ dốc nhỏ hơn và diện
tích cũng lớn hơn hiện đang dùng làm nơi đỗ xe. Nền đất ở giữa khuôn
viên có độ dốc lớn hơn là con đường dẫn từ cổng tam quan lên chùa, một
bên vách được thiết kế là hành lang dựng các bức tượng Bồ tát. Ý định
của bà con Phật tử và sư trụ trì là từng bước xây dựng chùa thành một
địa chỉ sinh hoạt tâm linh, quy tụ đồng bào trong các hoạt động văn hóa
truyền thống, cùng nhau giữ gìn tiếng Việt và truyền lại cho các thế
hệ mai sau gia sản to lớn và vô giá của đạo nghĩa Việt Nam.
Có
cuộc sống ổn định ở mức bình thường trên đất Pháp, hầu hết bà con chưa
đủ sức có những khoản đóng góp lớn cho việc xây dựng chùa. Do vậy, sau
hơn hai chục năm, khách đến thăm chùa vẫn thấy nơi đây như một công
trường với các hạng mục thi công theo kiểu con nhà nghèo, có đến đâu
làm đến đó, có ít làm ít, có nhiều làm nhiều. Còn nhiều bức tượng từ
trong nước chuyển sang vẫn đang chờ xây bệ. Những bức tượng đã dựng
trên bệ trong khuôn viên thì xung quanh vẫn ngổn ngang vật liệu xây
dựng. Cả hai bể trồng sen đều mới chỉ được đánh màu xi-măng để chống
thấm, chưa có trang trí gì thêm. Trên nền đất rộng nhất còn thấy những
tấm sắt đan đang chờ đổ bê-tông, đây đó những đống cát sỏi và gách đá
được gom lại để chuẩn bị cho một hạng mục đã định hình nhưng chưa định
ngày thi công. Con đường từ cổng chùa đi lên còn lổn nhổn đá, một bên là
vách nhìn lên nền phía trên mới được xếp đá ở một vài chỗ, một bên là
vách nhìn xuống nền đất dưới chưa thể gọi là một vách ta-luy. Nền đất
dưới cùng cũng ngổn ngang những đá và đá, đơn giản được sử dụng như chỗ
để xe, chưa có gì gọi là đang xây dựng. Ngay đến cổng tam quan là hạng
mục lẽ ra phải được hoàn thành sớm để như người đón khách đến thăm
chùa, thì đến nay vẫn trong tình trạng chờ kinh phí. Ý thức được sự
nghèo khó của mình, chùa chỉ dựng một cổng tam quan với hai hàng cột
đơn giản, mái lợp bằng loại ngói “âm dương” mỏng tương đối phổ biến ở
vùng Địa Trung Hải, khá giống ngói “âm dương” của đồng bào Tày Nùng ở
vùng núi miền Bắc nước ta. Chỉ thế thôi mà đang làm dở hạng mục này
cũng phải tạm dừng thi công chờ có thêm tiền, giàn giáo vẫn để nguyên
để tiết kiệm công thợ…
Để
hiểu thêm hoàn cảnh của chùa, cũng nên biết các điện thờ Phật và thờ
Mẫu trên nền đất cao nhất của khuôn viên không phải là những công trình
xây mới mà vốn là nhà ở của chủ sở hữu cũ được cải tạo cho phù hợp với
mục đích sử dụng sau khi Hội mua lại tài sản này. Nhờ tâm huyết và
công sức của các vị sư trụ trì, dù còn nghèo chùa cũng đã thực sự trở
thành hội quán của người Việt Nam ở Marseille.
Trụ
trì chùa Trúc Lâm ở Marseille hiện nay là Đại đức Thích Nhuận Trí từ
thành phố Hồ Chí Minh đến nước Pháp du học rồi chuyển sang tu hành. Đại
đức chấp nhận cuộc sống khổ hạnh, ngày đêm nghiên cứu đạo Phật, giảng
kinh giúp bà con Phật tử giác ngộ con đương tu hành hướng đến các giá
trị Chân Thiện Mỹ, tìm sự bình yên trong cuộc sống hối hả ngày nay, đồng
thời quy tụ những người con xa quê trong trong các sinh hoạt duy trì
tiếng mẹ đẻ và văn hóa Việt, hướng về cội nguồn, tổ tông. Cùng với việc
tụng kinh niệm Phật và giữ gìn sự trang nghiêm của chùa, Đại đức chăm
lo dạy tiếng Việt, dạy võ cổ truyền, tổ chức các sinh hoạt cộng đồng,
hoạt động từ thiện… Khách đến chùa mà chưa biết đường vào chỉ cần gọi
điện, Đại đức sẽ đi bộ 2 km – do không có xe đạp – ra đường cái mời
vào. Hằng ngày, Đại đức vẫn dậy sớm chuyển vật liệu và làm mọi công
việc có thể làm để xây dựng từng hạng mục dự kiến sẽ hình thành trong
khuôn viên chùa.
Mọi
sinh hoạt vật chất của Đại đức Thích Nhuận Trí chỉ dựa vào tiền công
đức của một cộng đồng mà cuộc sống của họ cũng chỉ ở mức “đủ ăn đủ
mặc”. Ăn uống dè sẻn, đi lại chỉ bằng đôi chân, phải là những đêm quá
lạnh mới dám dùng lò sưởi. Bà con Phật tử cho biết, những ngày cuối
tuần khách thường đến chùa đông và ở lại lâu hơn, nếu qua 12 giờ đêm do
bận việc mà chưa kịp ăn uống gì thì Đại đức nhịn luôn đến sáng hôm sau.
Nếu không phải là dịp cuối tuần hay ngày lễ thì ở chùa chỉ có một mình
Đại đức. Do lúc đầu đi du học nên chính quyền Pháp chỉ cấp thị thực
lưu trú từng năm một. Chi hội người Việt Nam tại Marseille đang cố gắng
can thiệp để Đại đức có thể có thị thực lưu trú lâu hơn.
Chúng
tôi may mắn được tháp tùng Tiến sỹ Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ
Ngoại giao kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
trong chuyến công tác sang Pháp trung tuần tháng Mười vừa qua. Làm việc
với cộng đồng người Việt Nam và sư trụ trì chùa Trúc Lâm ở Marseille,
Thứ trưởng đã xúc động sâu sắc trước sự đùm bọc thương yêu và tình đoàn
kết gắn bó của bà con ta ở nơi đất khách quê người. Cuộc đàm đạo thân
tình và cởi mở với Đại đức Thích Nhuận Trí và bà con Phật tử để lại
nhiều ấn tượng sâu sắc về tình đồng bào, về quyết tâm gìn giữ bản sắc
dân tộc và truyền thống văn hóa của kiều bào trong điều kiện còn nhiều
thiếu thốn về phương tiện và cơ hội giao lưu với nền văn hóa gốc. Để hỗ
trợ cho những cố gắng bền bỉ của bà con, Thứ trưởng kêu gọi các cơ
quan, đoàn thể, doanh nghiệp và cá nhân ở trong và ngoài nước, tùy theo
hoàn cảnh của mình, đóng góp công của hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam
và chùa Trúc Lâm tại Marseille.
Chùa
vừa là địa chỉ sinh hoạt tâm linh giúp các thế hệ kiều bào duy trì và
giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc vừa là hội quán quy tụ những tâm hồn
Việt trong các hoạt động xây dựng cộng đồng và hướng về quê cha đất tổ. Theo yêu cầu của Thứ trưởng, Ban Công tác Cộng đồng Đại sứ quán Việt
Nam tại Pháp đang phối hợp với Hội người Việt Nam tại Pháp và Chi hội
Marseille của Hội kiến nghị Quỹ Hỗ trợ Vận động Cộng đồng người Việt Nam
ở nước ngoài dành một phần kinh phí thích hợp để hỗ trợ. Các tập thể
và cá nhân có lòng hỗ trợ và muốn biết thêm chi tiết có thể liên hệ với
bà Kim Oanh Dantrun, một Phật tử có nhiều đóng góp trong việc xây dựng
và các hoạt động của chùa, đồng thời là Phó Chủ tịch Chi hội người
Việt Nam tại Marseille theo địa chỉ e-mail: kimoanh26@live.fr.
Được
biết, người đầu tiên hưởng ứng lời kêu gọi của Thứ trưởng – Chủ nhiệm
Nguyễn Thanh Sơn phát tâm công đức là một doanh nhân ở trong nước: bà Đặng Thị Bích Hòa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chuyển phát nhanh Bưu điện có trụ sở chính ở số 1 Tân Xuân, Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội. Bà Hòa đã dành khoản tiền 2.000 EUR (hai nghìn euro) hỗ trợ việc xây dựng chùa Trúc Lâm ở Marseille.
Nguồn: http://phatgiaovnn.com (Phật Giáo Việt Nam Net)
Phương Linh (Theo Quehuong)