Phật Học Online

Con đường Tu tắt
Pháp Môn Tịnh Ðộ Trích trong Tây-Qui Trực-Chỉ và Lão-Nhơn Ðắc-Ngộ Ðôi Liễn Ấn-Quang Pháp-Sư Soạn Giả: Cư Sĩ Thiện-Tâm

Mục Lục

Lời Phi Lộ

Tiểu Tựa 

  1. Nguyên Nhân Nào Phật Giảng Pháp Môn Niệm Phật

  2. Sự Tích Ðức Phật A-Di-Ðà

  3. Thế Giới Cực Lạc

  4. Niệm Di Ðà Không Xao Lãng, Chắc Chắn Ðược Vãng Sanh

  5. Ðức Thế Tôn Dặn Dò Các Môn Ðồ Sau Cùng

  6. Sơ Lược Các Sự Tích Vãng Sanh

  7. Tín - Nguyện - Hạnh 

  8. Tại Sao Tu Theo Tịnh Ðộ Gọi Là Tu Tắt

  9. Bài Vấn Ðáp Cho Khỏi Nghi

  10. Phật Ðộ Những Người Có Căn Duyên

  11. Chín Hạng Ðều Ðặng Vãng Sanh Cực Lạc

  12. Các ngày vía phật và bồ tát

---o0o---

Lời Phi Lộ 

Tôi được một đạo hữu mến mộ pháp môn Tịnh Ðộ cho xem cuốn Con Ðường Tu Tắt và yêu cầu sửa chữa để tái bản, ấn tống.

Tôi đã đọc và xén bỏ những đoạn rườm rà, trùng phức nhưng cuốn sách vẫn chưa phải đã hoàn bị, nhất là về phương diện chính tả và ngôn từ. Song, nếu sửa sẽ phải đánh máy lại tất cả. Ðó là việc vượt quá sức đảm đương của người ấn tống, mặc dù họ rất muốn thế.

Tuy vậy, bên cạnh các khuyết điểm vừa kể, cuốn Con Ðường Tu Tắt đã nói lên được đôi phần ách yếu của pháp môn Tịnh Ðộ. Hơn thế, cái tinh thần chí thành chí thiết được lồng vào trong lời văn chất phác, mộc mạc của soạn giả và điều đáng kể nhất là niềm tin son sắt vào cảnh Cực Lạc được thể hiện qua hành động tích cực, vô vị lợi, bằng cách chỉ muốn truyền rao pháp môn Tịnh Ðộ khắp nơi nơi của hai Phật tử ấn tống đã khiến tôi vô cùng cảm động, nên viết mấy dòng này để tỏ tình tùy hỉ, tán dương.

‘Nguyện đem công đức này

Hướng về khắp tất cả

Ðệ tử và chúng sanh

Ðều trọn thành Phật đạo’

 

Los Angeles, mùa Phật Ðản 2531 --- 1987

Giám đốc Nhà Xuất Bản Phú Lâu Na

Tiến sĩ Thích Chánh Lạc        

---o0o---

Tiểu Tựa 

Ðức Phật Thích-Ca vì một sự đại nhân duyên mà ra đời, tức là ngài muốn cho tất cả chúng-sinh thành Phật như ngài. Nhưng vì căn-cơ trình-độ của chúng-sinh trong buổi đầu tiên học đạo còn non kém nên ngài quyền-biến tạm lập ra ba thừa; Thinh-Văn, Duyên-Giác, và Bồ-Tát. Ðến lúc các vị Tỳ-kheo kham lãnh đạo vô-thượng bồ-đề, Ngài bèn gom ba thừa qui vào Phật-thừa.

Ðối với các pháp-môn tu-trì, hàng nhị thừa phải trải qua mười kiếp A-tăng-kỳ mới thành Phật. Còn đối với Ðại-thừa, ít nhất cũng phải ba kiếp A-tăng-kỳ. Như vậy vấn đề thành Phật không pháp môn nào tu lẹ cho bằng pháp môn niệm Phật. Người được vãng sanh không cần phải trải qua nhiều kiếp A-tăng-kỳ. Tại sao vậy? Bởi vì chúng sanh tại nước Cực-lạc, do nguyện lực của Ðức Phật A-Di-Ðà, ai ai cũng có sáu phép thần thông. Chúng-sinh tại đây dùng phép thần thông đi khắp mười phương Phật để cúng dường, nghe Pháp, thành ra người nào cũng mau thành Phật. Hơn nữa tại Tây-phương Cực-lạc quốc, chúng-sinh không cần bận tâm đến vấn đề ăn, mặc ở. Cái gì cũng do thần thông của Ðức Phật A-Di-Ðà hóa hiện. Muốn ăn cái chi, tự nhiên đồ ăn hóa hiện ra trong chén dĩa bằng thất-bảo. Sau khi ăn, không cần dọn rửa, tự nhiên chén dĩa biến mất.

Sở dĩ chúng sinh tại Tây phương mau thành Phật là vì muôn sự muôn vật cần dùng không phải lo nghĩ. Tâm trí rảnh rang, lại thêm được làm bạn với các vị Ðại-Bồ-Tát để tu học, do đó mà quả Phật chóng thành hơn các thế giới khác.

Theo các pháp môn, người tu hành phải dứt hết phiền não, nhiễm ô, dứt hết nghiệp quả tội chướng mới được giải thoát, chứng quả Niết-bàn. Trái lại, pháp môn niệm Phật còn nghiệp quả mà cũng được vãng sinh. Trong kinh Phật gọi là ‘đới nghiệp vãng sinh’. Ðới nghiệp vãng sinh nghĩa là người tu hành còn mang nghiệp quả chưa dứt khoát trọn vẹn mà cũng được vãng sinh. Chẳng khác nào như hòn đá tự nó lướt qua bể cả không được, nhưng nếu có thuyền bè chở qua biển, dù bao nhiêu hòn đá cũng vượt bể khơi được như thường.

Cái hay của pháp môn niệm Phật là bất luận già, trẻ, bé, lớn, kẻ ngu người trí gì cũng đều tu được cả. Bởi pháp môn niệm Phật rất dễ tu, dễ chứng, dễ thành nên mười người niệm Phật được vãng sinh hết chín, còn các pháp môn khác mười người tu chỉ chứng được một hai người mà thôi.

Pháp môn niệm Phật sở dĩ mệnh danh là pháp môn tu tắt vì pháp môn này mau thành công hơn các pháp môn khác. Ðời mạt pháp nếu chúng ta không tu theo pháp môn niệm Phật thì không có pháp môn nào tu cho kịp hội Long Hoa. Vậy chúng ta còn chần chờ gì nữa mà không mau mau tu theo pháp môn niệm Phật. Nếu bỏ lỡ dịp này, sợ e thân này sau khi tan rã, chừng đó có muốn tu hành cũng không còn kịp để mà tu. Sách Phật có nói rằng: nhơn thân nan đắc, nghĩa là thân này khó được, đã được thân này mà không lo liệu tu hành cho sớm, có phải là uổng một kiếp sanh ra làm người chăng?

---o0o---

quangduc.com


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage