Phật Học Online

Thời gian nghệ thuật trong tác phẩm "Khóa hư lục"

Với sự vận dụng tư duy triết học Phật giáo, tác phẩm "Khoá hư lục" đã phát sinh một thế giới nghệ thuật độc đáo, phong phú. Ở đó, con người tồn tại trong thời gian hiện thực và chuyển hóa song song thành thời gian vĩnh hằng với một không gian vô tận...

Quan niệm về thời gian nghệ thuật

Thời gian nghệ thuật là phạm trù của hình thức nghệ thuật, thể hiện phương thức tồn tại và triển khai của thế giới nghệ thuật. Viện sĩ D.X Likhatrốp trong thi pháp văn học Nga cổ nhận xét: “Thời gian với tư cách là sự kiện nghệ thuật. Chính việc nghiên cứu thời gian nghệ thuật có ý nghĩa lớn để hiểu bản chất thẩm mỹ của nghệ thuật ngôn từ”(1). Theo Bùi Mạnh Nhị, thời gian nghệ thuật “có vai trò to lớn trong việc tái tạo thực tại nghệ thuật, tổ chức nên nội dung và hình thức tác phẩm để khám phá thế giới và con người. Nó vừa khách thể (đối tượng phản ánh), vừa là chủ thể (được cảm nhận một cách chủ quan), vừa là phương tiện phản ánh (mã nghệ thuật). Nó chịu sự chi phối bởi tư tưởng triết học, mỹ học của thời đại, dân tộc, tác giả và nhiệm vụ nghệ thuật của tác phẩm. Điều đó cũng có nghĩa, không phải thời gian nào xuất hiện trong tác phẩm cũng là thời gian nghệ thuật”. Thời gian nghệ thuật trong tác phẩm dường như không giống với thời gian khách quan, ngay cả khi tác phẩm được kể với thời gian một chiều, vì quy trình vận hành của nó không trùng với thời gian tự nhiên.

Đặc điểm của thời gian nghệ thuật là nó luôn mang tính cảm xúc và ý nghĩa nhân sinh, quan niệm nhân văn, do đó nó mang tính chủ quan. Tính chất chủ quan giúp ta phát hiện được thực tại đối với con người. Nó chính là thời gian của thế giới hình tượng, vì thế, nó là hình tượng thời gian. Trần Đình Sử viết:“Thời gian nghệ thuật là hình tượng thời gian được sáng tạo nên trong tác phẩm nghệ thuật”(2).

Ở đây, thời gian nghệ thuật là sự phản ánh đời sống, tâm tư, tình cảm, kể cả tư tưởng của con người trong tác phẩm. Do đó, việc khám phá thời gian nghệ thuật trong tác phẩm Khóa Hư Lục của Trần Thái Tông, sẽ giúp chúng ta hiểu rõ các giá trị tư tưởng thẩm mỹ về đời sống sinh hoạt Phật giáo Thiền tông, thông qua hình tượng thời gian nghệ thuật làm nên.

Thời gian hiện thực trần thế

Thẩm thấu triết lý vô thường của triết học Phật giáo, dấu ấn thời gian nghệ thuật được tái hiện qua tác phẩm Khóa Hư Lục. Sự biểu hiện thời gian hiện thực của trần thế vốn vô cùng ngắn ngủi và chớp nhoáng. Xuyên suốt tác phẩm, người đọc có cảm giác thời gian trôi nhanh một cách vùn vụt, hối hả, gắn liền với các sự kiện mà con người nỗ lực để hoàn thành.

Cảm hứng chủ đạo của Trần Thái Tông là ở chỗ sáng tạo ra một thời gian, thước đo thực hiện hạnh nguyện của mình phù hợp với mọi tâm thức. Điểm sáng của tác giả là nhìn nhận con người - nhân vật trung tâm với những mục đích, hành động để chuyển hóa thân phận khổ đau. Dường như, ông đã đi cùng nhịp đập thời gian của cuộc sống.

Đức Phật từng dạy, mạng sống của con người được tính qua hơi thở. Một hơi thở ra mà không thở vào được là kết thúc một sinh mệnh. Trong ý nghĩa đó, không ai có thể cầm chịt, kìm hãm thời gian theo ý muốn. Thời gian cứ thế ám ảnh, khiến nhà vua lúc nào cũng thao thức muốn chuyển cái thời gian hữu hạn thành cái vô hạn. Ở đó, không có sự tàn phá của cái thời gian lạnh lùng, từng làm sụp đổ biết bao nỗi lòng con người từ sắc đẹp, tuổi trẻ, danh vọng, địa vị và quyền uy. Thật xót xa cho cái đẹp bị thời gian hủy diệt theo bốn mùa:

Đây là mùa Xuân, biểu tượng cho cái đẹp thật hữu tình, đang lên phơi phới, sắc nồng hương thơm ngọt ngào. Thế nhưng, tâm lý thường tình của con người khó mà chấp nhận, và không thể không xót xa khi đang bị thời gian hiện thực tàn phá. Hơn ai hết, Trần Thái Tông thấu rõ triết lý vô thường về thân phận con người. Ông mong ước con người vượt ra khỏi sự tàn phá của quy luật thời gian. Thế nên, ông đã nhìn nhận có một vẻ đẹp đang tràn ngập sức sống mạnh mẽ và mang khát vọng yêu đời qua những câu văn viết về mùa Xuân, biểu tượng cho sức sống tươi trẻ của con người: “Tuế nãi Xuân thì, tráng tam dương chi hanh thái, tân vạn vật chi tuy vinh. Nhất thiên minh mị, thôn thôn liễu lục hoa hồng, vạn lý phong quang, xứ xứ oanh đề điệp vũ”. (Mùa Xuân trong năm, khỏe khoắn thay sự thịnh vượng của dương xuân, mới mẻ thay vẻ tốt tươi của muôn vật. Một trời sáng đẹp, thôn thôn liễu biếc, đào hồng; muôn dặm phong quang, chốn chốn oanh ca bướm múa)(3).

Còn đây cái đẹp chóng tàn, chỉ cần một cơn gió vàng đi qua là buổi xế chiều của kiếp người lụi tàn tức khắc thông qua hình ảnh mùa Thu:“Nhân chi bệnh tướng, tuế nãi Thu thì. Thích nghiêm sương thủy giáng chi thần; giới chúng thảo câu phi chi hậu. Mật lâm mậu thụ, kim phong nhất phiến kỷ phù sơ; thanh chướng thùy phong, ngọc lộ sơ thùy tăng lãnh lạc”. (Tướng bệnh của người là mùa Thu trong năm. Gặp khi sương buốt mới sa, vừa lúc cỏ xanh đều úa. Cây xanh rừng rậm, gió vàng một trận đã tiêu sơ, núi biếc non xanh, móc ngọc vừa rơi thêm lạnh lẽo)(4).

Con người cần giác tỉnh vô thường trong cái hữu hạn“thân như ánh chớp có rồi không” như Thiền sư Vạn Hạnh từng nói; đời người qua nhanh như hình ảnh “ba sinh thấm thoắt như ngọn đuốc trước gió” mà Tuệ Trung Thượng Sĩ thường hát; Trần Thái Tông lại cất lên tiếng thét như cảnh tỉnh sinh mệnh con người chỉ trong “giấc mộng”, đừng có bao giờ mơ màng, khát vọng hưởng thọ trăm năm: “Thọ linh kỳ hưởng ư bách niên; thân thế phiên thành ư nhất mộng. Thông minh duệ trí, nan đào đại hạn nhật lai, dũng lực uy hùng, khởi cự vô thường thời đáo”. (Tuổi đời mong hưởng đến trăm năm, thân thể bỗng nhiên thành giấc mộng. Thông minh tài trí, tránh sao ngày hạn lớn đến nơi; dũng lực oai hung, khó trốn lúc vô thường đã tới)(5).

Con người có cảm giác sợ hãi khi thời gian cứ trôi chảy, sinh mệnh theo đó mà chơi vơi, lung lay. Không chỉ thân sắc bị hủy hoại trong hư không, tắt ngấm như ngọn đèn trước gió, vỡ tan như bọt nước trên sông, mà tâm thức cũng trở nên u tối như quỷ ám của kiếp người. Thật là “Mệnh nhược phong tiền chi chúc; thân như thủy thượng chi âu. Tâm sinh ám quỷ đầu đầu; nhãn kiến không hoa đóa đóa”. (Mệnh tựa ngọn đèn trước gió, thân như bọt nước trên sông. Lòng sinh những tên quỷ ám, mắt nảy bao đóa hoa không)(6).

Thời gian khách quan dường như được Trần Thái Tông thu ngắn lại bằng những hình ảnh sinh động mang các biểu tượng minh chứng cho một thời gian siêu tốc luôn vận hành “Lênh đênh bọt bể, kiếp đời người”. (Nhân sinh tại thế nhược phù âu).

Với thuyết luân hồi nghiệp báo, thân mệnh con người không dừng lại đó. Thời gian cũng chịu quy luật tuần hoàn theo chu kỳ “Âm dương khiên đức bản tiên nhân” (Âm dương hoạ phúc vốn xoay vần). Chính trong cái thịnh suy mà con người giác ngộ có những rung động trực cảm vút lên cao, chớp nhoáng như tốc độ thời gian vận hành của cá thể biến chuyển qua “một phút chốc” trước cái thăng trầm “được”“mất” của trần thế.

Tại đây, tâm thức con người được mở rộng, tiếp cận cái vô hạn bao la của trời đất, cái tĩnh lặng của hư không, thời gian như thể nhập vào giác tính, bởi con người đã giác ngộ và tâm thức vắng lặng, như Niệm tụng kệ 38 nói:“Trúc ảnh tảo giai trần bất động. Nguyệt luân xuyên hải thuỷ vô ngân”. (Bóng trúc quét thềm, bụi chẳng động. Vành trăng xuyên biển, nước không nhăn)(7).

Thời gian trần thuật

Đọc Khoá Hư Lục của Trần Thái Tông, thời gian trần thuật được tái hiện thông qua việc quy về thời gian sự kiện, thể hiện ít nhiều tính liên tục của nó. Sự xuất hiện tương quan sự kiện với thời gian là một hiện thực về cụ thể hóa và cá biệt hóa. Điểm đáng chú ý, ở tác phẩm này đã có hệ thời gian đủ cả ngày tháng năm, có đôi khi đã được tính bằng giây, ứng với sát-na theo như cách nói nhà Phật. Việc tính thời gian bằng giây, bằng “thời”, bằng giờ đã cho phép hình dung sự kiện trong sinh hoạt bình thường của thực tại.

Từ lâu, con người đã cất bước theo cuộc hành trình “qua lại sáu đường, xuống lên bốn núi” trên các nẻo đường sanh tử. Dường như, con người cứ mải mê vọng trần, nên thời gian theo đó hủy diệt tất cả:“Tường phù bách niên quang ảnh toàn tại sát-na; tứ đại huyễn thân, khởi năng trường cửu. Mỗi nhật trần lao cốt cốt chung triêu nghiệp thức mang mang”. (Rõ ràng thay! Ngày, tháng, năm chỉ là phút chốc. Cái ảo thân tứ đại há được dài lâu? Càng ngày càng đắm trần lao, mỗi lúc mỗi vương nghiệp thức)(8).

Sự hệ luỵ của con người là do vọng niệm khởi lên trong một sát-na. Trong cái khoảnh khắc đó, con người đi ra ngoài tầm kiểm soát của ý thức, dẫn đến các hành động gây khổ đau cho chính mình và xã hội. Trong Lục Thời Sám Hối Khoa Nghi, nhà vua đã chỉ rõ, con người đã bị trói buộc từng giờ, từng phút qua các không gian sinh hoạt chật hẹp: “Kê trù sơ tống; thố ảnh phương trầm. Giang sơn chi yên vu vi phân; viễn cận chi luân đề tề động. Lâu thượng mai hoa thanh đoạn; song tiền trúc diệp tuý tinh. Liễu mi ẩn ước ánh triều đôn; hoa diện kiều tu ngưng hiểu lộ. Phùng tư minh phát; mẫn bỉ ngu mông. Tiên trung mộng lý ký hôn hôn; giác hậu tâm đầu do nhiễu nhiễu. Nhãn nhĩ tuỳ ư thanh sắc; tị thiệt trục ư vị hương. Trường vi hoả trạch phanh tiên, vĩnh bị ái hà một nịch. Nhậm nhĩ kim triêu khai nhãn hán; diệc như tạc dạ đả miên nhân. Bất ưu sinh lão bệnh tử xâm; chỉ quản  thê noa tài hóa phọc”. (Canh gà vừa dứt; bóng thỏ mới tàn; mây khói non sông phảng phất; ngựa xe đây đó rộn ràng. Chén trúc diệp trước sông hồ tỉnh; khúc hoa mai trên gác vừa tan. Mày liễu thập thò bừng nắng sớm; mặt hoa e lệ đọng sương mai. Gặp khi bừng sáng; thương kẻ còn mê. Trong đêm hồn mộng hãy mơ màng; tỉnh dậy tâm đầu còn bối rối. Tai mắt mải mê thanh sắc; mũi mồm theo đuổi ngon thơm. Nhà lửa luôn luôn thiêu đốt; sóng yêu mãi mãi đắm chìm. Dù người mở mắt sớm nay; vẫn còn kẻ ngủ say đêm trước. Chẳng lo già ốm chết theo; chỉ bận vợ con, tiền của)(9).

Trần Thái Tông đã không đơn giản kể lại những thời khắc của các sự kiện, mà luôn đặt chúng trong một không gian với các gam màu và nhịp điệu. Một đêm dài đến rạng sáng, khởi điểm của một ngày gắn liền biết bao nhiêu sự kiện, vụ việc, kể cả hồi tưởng chuyện đêm qua. Thời gian hằng ngày đã mang lại cho sự kiện một hình thức vật chất của thực tại đời thường với biết bao nỗi lòng.

Tâm trạng theo thời gian mà biến chuyển qua việc miêu tả cảnh vật để diễn đạt thế giới nội tâm con người. Từ sáng sớm, rồi giữa trưa, mặt trời lặn, hoàng hôn, chập tối, nửa đêm… tuần hoàn như thế, thời gian khách quan như được thu ngắn, nhưng lại căng ra bởi những tình cảm luyến ái, những đam mê, thói quen, tật cố của con người. Mô tả rất chi tiết các sự kiện hiện thực, pha một ít gam màu gợi cảm khiến ta trầm tư lặng nghĩ. Chẳng hạn, khi miêu tả thời gian vào lúc chập tối, Trần Thái Tông đã bộc lộ rõ nét cái tâm lý thường tình của con người trước những thú vui lạc loài:“Lâu già sơ yết; cấm cổ phương truyền. Gia gia chi lạp chúc dao quang; xứ xứ chi long cao thổ diệm. Bảo mã đình tê ư tử mạch; kim lân bãi dược ư thanh trì. Y hi thuỷ diện độ huỳnh quang; ẩn ước sơn đầu hàm thố phách. Phượng hoàng đài bạn, hôn hôn thị tửu tham hoan; anh vũ lâu tiền, mộng mộng mê hoa thủ lạc. Hoặc trào phong vịnh nguyệt; hoặc lộng địch vũ cầm. Nhân nhân tu trước nhãn tiền duyên; cá cá na vong thân hậu sự”. (Kèn lầu vừa dạo; trống cấm mới truyền. Nhà nhà nến đuốc lung linh; chốn chốn dầu đèn cháy rực. Ngoài dặm tía ngựa thôi tiếng hí; dưới ao trong cá lặn mất tăm. Đom đóm lập lòe mặt nước; vành trăng lấp ló đầu non. Bên gác phượng hoàng say đắm cuộc vui chè rượu; trước lầu anh vũ miệt mài cái thú mê hoa. Hoặc cợt gió, vịnh trăng; hoặc đánh đàn, thổi sáo. Ai nấy đăm đăm duyên trước mắt; mọi người quên cả việc thân sau)(10).

Lúc nửa đêm là khởi điểm của thời gian tâm trạng rõ nét nhất. Con người như tự đối thoại với những nghiệp nhân, nghiệp quả do bản thân tạo ra trong đời sống bình nhật. Không gian như đi vào tĩnh lặng thì tâm trạng con người vận động trong cô đơn não lòng: “Thân ảo hóa chơ vơ giữa rừng núi thẳm, hồn lang thang chạy vạy dặm đường xa”. Thời gian vật lý như kéo dài để con người tự khắc khoải chìm đắm trong giấc ngủ nồng của đêm dài lắm mộng. Tính thực tại nhờ thế thêm đậm đà khi thời gian sự kiện gắn liền với cảm xúc không gian hiện thực: “Dạ ký vân trung. Ngân cang chi đăng hoa hoả tương lan; tử mạch chi trần ai câu túc. Kỷ trận phong vân sinh vạn lý; nhất luân hạo nguyệt tẩm tam canh. Y hi nhi lâm trúc sư kim; ẩn ánh nhi đình hoa lộng ngọc. Oán hạc thôn thanh ư huệ trướng; ai viên trường khiếu ư tùng quan. Thiều thiều Hà Hán Đẩu Sâm hoành; tịch tịch giao nguyên thần quỷ khốc. Tử quy đề thiết; hồ điệp mộng cam. Huyễn thân cô ngụ nhất lâm trung, du mộng viễn bôn thiên lý ngoại. Cam bị thuỵ ma thường nhiễu nhiễu; tranh tri trí chúc vĩnh hoàng hoàng. Thần xá ngoại phách đãng hồn phi; quỷ quật trung trinh tàng nhãn bế. Duy đa tham ư thụy tứ; khởi thức vị ư chân như. Ưng tri nhất chẩm đãi thiên minh, quản thậm bách niên lâm mệnh tận”. (Đêm đã nửa rồi. Ngọn đèn trong đĩa bạc hầu tàn; bụi bặm ngoài dặm hồng đều lắng. Mấy trận gió mây muôn dặm; một vầng trăng tỏ canh ba. Lưa thưa rừng trúc rây vàng; thấp thoáng hoa sân giỡn ngọc. Hạc oán im hơi nơi trướng huệ; vượn sầu kêu mãi chốn tùng quan. Vời vợi Hán Hà, Sâm Đẩu gác; im lìm đồng nội quỷ ma kêu. Tiếng tử quy da diết; giấc hồ điệp say sưa. Thân ảo hóa chơ vơ giữa rừng núi thẳm, hồn lang thang chạy vạy dặm đường xa. Đành cho ma quỷ quấy rầy luôn; nào biết đuốc tâm thường rực rỡ. Ngoài nhà thần phách lạc hồn bay; trong hang quỷ người vui mắt nhắm. Chỉ biết ham mê giấc ngủ; nào hay tới chốn chân như. Thỏa thuê tới sáng giấc nồng; kể chi mệnh chung trăm tuổi)(11).

 Thế là mọi người hãy hằng tỉnh giác trước không gian và thời gian qua việc hành trì thiền định, niệm Phật, sám hối. Đọc Sơ nhật thì (Thời sáng sớm), Trung nhật thì (Thời giữa trưa), Nhật một thì (Thời mặt trời lặn), ít nhiều tác giả đã thể hiện nhận thức của mình về quy luật tuần hoàn của thời gian. Thời gian cứ trôi mà con người thì chưa thực hiện được tâm nguyện của mình.

Thời gian trong triết lý Phật giáo

Phật giáo quan niệm thời gian như một dòng chảy liên tục, con người dễ bị cuốn hút theo dòng chảy đó. Nói rõ hơn, thời gian là một sự vận động vô thủy vô chung của những vòng “luân hồi”. Con người ngụp lặn trong những chu lưu đó với vô lượng “kiếp”, mỗi kiếp là một chu kỳ sinh, lão, bệnh, tử. Kiếp này tạo nhân, kiếp sau thọ quả, có khi nhân quả cùng thời trong một kiếp… Thời gian của một đời người chẳng qua chỉ là một sát-na (khoảnh khắc) trong dòng chảy sinh tử luân hồi:“Nhân sinh tại thế nhược phù âu/ Thọ yểu nhân thiên mạc vọng cầu/ Cảnh bức tang du tương hướng vãng/ Thân như bồ liễu tạm kinh thu”. (Lênh đênh bọt bể kiếp người đời/ Thọ yểu đừng cầu tạo hoá thôi/ Bóng ngả nương dâu, chiều sắp muộn/ Thân như bồ liễu, thu đang trôi)(12).

Con người bị thời gian cuốn trôi mãi. Một khi thân mạng mất đi, muôn kiếp khó trở lại. Theo quan niệm này, thời gian vận động tùy theo nghiệp nhân, nghiệp quả của từng cá thể. Quá khứ - hiện tại - tương lai là dòng chảy, nó sẽ trở thành chuỗi luân hồi báo ứng nhân quả như bài Giới sát sanh văn nói: “Tích nhật bản nhân luân chi loại; kim sinh vi thú đại chi quần”. (Trước kia vốn nhân luân cùng loại, đời nay chia đàn giống khác nhau). Thật ra, thời gian tuần hoàn trong tác phẩm được diễn dịch theo cấu trúc tha hóa - đọa lạc - tỉnh giác - chứng ngộ. Phân tích sâu hơn, chúng ta sẽ nhận ra quy luật vận động thời gian luân chuyển tuần hoàn này: “Hiếp kiên siểm tiếu thiệt dao thần/ Vĩnh tác trần hoàn vọng ngữ nhân/ Tứ ý cầu hoàn xu thế lợi/ Đáo đầu tranh miễn nghiệp triền thân”. (So vai cười nịnh khua môi lưỡi/ Mang tiếng điêu toa khắp cõi trần/ Lựa ý cầu vui mong được lợi/ Tránh sao nghiệp chướng buộc vào thân)(13).

Đọa lạc hay thăng hoa của mỗi người là do chính bản thân quyết định. Khi tâm và thân ra khỏi vùng tâm lý không hệ luỵ sáu trần, thì sẽ đến thế giới chân như “Thiết tu thảo thảo chủng thiện nha; mạc tự khu khu cầu xúc ác quả. Nhân nhân mảnh tỉnh; cá cá cần tu. Chuyên tâm lễ vô thượng từ dung; xúc mục kiến đạo quang minh tạng”. (Hãy nên sớm rắc mầm lành; chớ tự bo bo tìm quả ác. Người người mau tỉnh, ai nấy chăm tu. Dốc lòng lễ Vô thượng Từ dung, chạm mặt thấy đại quang minh tạng)14.

Đó chính thời gian để con người tiếp cận thế giới “đại quang minh” của từ bi và trí tuệ. Sự chuyển hóa này khiến con người thoát ly sinh tử. Thời gian chuyển động trở thành thời gian vĩnh hằng của tự do vô giới hạn do tâm thức đạt đạo vận hành như trong bài Phổ khuyến Phát Bồ đề tâm văn viết: “Siêu sinh tử bất tương quan chi địa/ Liễu quỷ thần thư bất phá chi cơ”. (Vượt khỏi sanh tử chẳng vương long/ Hiểu tới chốn quỷ nhìn chẳng thấu). Đó là cảnh giới bất sinh bất tử, vô khứ vô lai mà Trần Thái Tông mong đợi.

Nhìn chung, thời gian trong tác phẩm Khóa Hư Lục được thể hiện như là phương tiện phản ánh hiện thực mà Trần Thái Tông hướng tới. Với sự vận dụng tư duy triết học Phật giáo, tác phẩm đã phát sinh một thế giới nghệ thuật độc đáo, phong phú. Ở đó, con người tồn tại trong thời gian hiện thực và chuyển hóa song song thành thời gian vĩnh hằng với một không gian vô tận. Chính yếu tố thời gian nghệ thuật đã góp phần tạo ra những giá trị thẩm mỹ cao mà Khóa Hư Lục, một tác phẩm văn học Thiền vào đời Trần, đạt được. 

Thích Phước Đạt (NSGN)

(1) Phạm Thu Yến, Những thế giới nghệ thuật ca dao, NXB. KHXH, Hà Nội, 1998, tr. 135 (2) Trần Đình Sử, Thi pháp học, Trường Đại học Sư phạm TP. HCM, 1993, tr. 39. (3) Viện Văn học, Thơ văn Lý - Trần, tập 2, quyển thượng, NXB. KHXH, Hà Nội, 1989, tr. 45. (4) Viện Văn học, Thơ văn Lý - Trần, tập 2, quyển thượng, tr. 47. (5) Viện Văn học, Thơ văn Lý - Trần, tập 2, quyển thượng, tr. 47. (6) Viện Văn học, Thơ văn Lý - Trần, tập 2, quyển thượng, tr. 46. (7) Viện Văn học, Thơ văn Lý - Trần, tập 2, quyển thượng, tr. 134. (8) Viện Văn học, Thơ văn Lý - Trần, tập 2, quyển thượng, tr. 64. (9) Viện Văn học, Thơ văn Lý - Trần, tập 2, quyển thượng, tr. 165. (10) Viện Văn học, Thơ văn Lý - Trần, tập 2, quyển thượng, tr. 197. (11) Viện Văn học, Thơ văn Lý - Trần, tập 2, quyển thượng, tr. 205. (12) Viện Văn học, Thơ văn Lý - Trần, tập 2, quyển thượng, tr. 46. (13) Viện Văn học, Thơ văn Lý - Trần, tập 2, quyển thượng, tr. 100. (14) Viện Văn học, Thơ văn Lý - Trần, tập 2, quyển thượng, tr. 165.


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage