Phật Học Online

Phật giáo hóa lễ cúng giao thừa tại tư gia

Lễ cúng giao thừa, gồm nhiều hình thức cúng khác nhau, là nghi lễ quan trọng vào giờ phút trang trọng tiễn năm cũ, đón năm mới, theo truyền thống dân tộc.


Lễ cúng giao thừa ở một số lớn gia đình ở miền Nam là một lễ cúng “tự phát”, tức là không có quy tắc, hướng dẫn rõ ràng, chặt chẽ về nghi lễ.

BTN.JPG

Bàn thờ Phật tại tư gia Phật tử - Ảnh: Bảo Toàn

Ngoài việc dâng hương, khấn nguyện lên tất cả bàn thờ đã có trong nhà như bàn thờ Phật, bàn thờ gia tiên, bàn thờ Thần tài, Táo quân và các dạng bàn thờ khác nếu có, nhiều gia đình còn bày bàn thờ ngoài sân trước cửa nhà hay trên sân thượng nói là để “cúng trời”. Nghi lễ cũng là chỉ thắp hương, khấn nguyện.

Lời khấn nguyện lễ cúng ngoài trời thường do gia chủ tự ứng khẩu. Riêng đối tượng lễ cúng ngoài sân là khá “mù mờ”, không rõ ràng như thượng đế ở các đạo khác. Nhà này thấy nhà kia cúng, thì cũng cúng theo, vậy thôi, không có nghi lễ gì ràng buộc. Lời van vái thường có nội dung chung chung, mong mỏi ơn trên, trời Phật, thánh thần… phù hộ năm mới bình an, phát tài phát lộc…

Trước đây, đồ cúng lễ ngoài sân đêm giao thừa chỉ là hoa trái. Riêng trái cây thì người ta có xu hướng dùng 4 loại trái cây: mãng cầu, dừa, đu đủ và xoài, để lấy 4 âm tiết đọc theo phương ngữ Nam Bộ: “Cầu vừa đủ xài”. Đó cũng là chuyện người này bảo người kia làm theo tập quán, không rõ ai sáng tạo ra và có tự bao giờ.

Nhiều gia đình thì cầu kỳ hơn, thêm sung, ngụ ý cầu mong sung túc.

Gần đây, dường như nghi lễ cúng giao thừa ngoài sân biến chuyển theo hai xu hướng:

Đơn giản hóa, là chỉ cúng hoa, một hay hai thứ trái cây (có thể chỉ là trái dừa, trái bưởi), gọn nhẹ, nhanh chóng, dành thời gian du xuân, cúng bái chùa chiền.

Phức tạp hóa, có khi làm cả cổ mặn, để tổ chức nhậu sau giao thừa!

Chúng tôi nghĩ rằng Đạo Phật, với vai trò tôn giáo dân tộc, có thể can thiệp một cách tích cực vào việc cúng giao thừa, Phật giáo hóa nghi thức tự phát này.

“Trời” theo Phật giáo là Phạm thiên, cõi chúng sanh cao nhất trong lục đạo, có một số quyền năng nhất định. Các vị trời thường có tâm nguyện hộ pháp, cúng dường chư Phật…

Vì vậy, nhà chùa, có thể hướng dẫn Phật tử, ngoài việc cúng bàn thờ Phật, bàn thờ gia tiên trong nhà, bàn thờ cúng lễ giao thừa ngoài trời nên hướng đến Phạm thiên, tức “trời” theo quan niệm dân gian.

Chúng ta có thể Phật giáo hóa nghi lễ cúng giao thừa là từ lời khấn nguyện, hướng đến đối tượng cầu khấn là chư thiên.

Một trong những nội dung khấn nguyện đối với chư thiên là ủng hộ Phật pháp trường tồn, như lời các bài kệ thường thấy trong kinh Phật.

Cụ thể, nhà chùa, hoặc tốt hơn, là Ban nghi lễ, có thể soạn các bản văn khấn nguyện theo tinh thần cầu mong sự trợ giúp, thủ hộ của chư thiên, trước tiên là đối với Phật pháp, sau là đối với gia đình, cá nhân, để các gia đình sử dụng vào lễ cúng giao thừa ngoài trời.

Nếu được như vậy, là đã thêm một bước nữa trong tiến trình “Phật giáo hóa ngày Tết”, tăng cường sự hiện diện yếu tố Phật giáo trong ngày Tết truyền thống dân tộc. Việc cúng trời “chung chung” nay được xác định rõ là cúng kính chư thiên theo quan niệm Phật giáo, với định hướng trước tiên rất rõ ràng là cầu mong sự thủ hộ đối với Phật pháp.

Cụ thể hơn nữa, văn bản hướng dẫn nghi thức cúng giao thừa Phật giáo hóa như đề xuất ở trên nên được phổ biến rộng rãi trước Tết, dưới mọi hình thức: tờ gấp, sách bỏ túi, truyền thông qua các trang web, các tờ báo Phật giáo, phổ biến trong các buổi thuyết pháp, áp phích, yết thị chỉ dẫn tại chùa…

Phật giáo hóa nghi thức cúng giao thừa nói riêng, Phật giáo hóa ngày Tết nói chung chính là một hoạt động hoằng pháp thiết thực, tương đối dễ thực hiện, và nếu thực hiện được rộng rãi, đồng thời với việc đi vào chiều sâu, sẽ có tác dụng lớn trong việc hóa đạo, tăng cường sự gắn kết Phật giáo với dân tộc.

Cũng không thể bỏ qua một trong những mục tiêu phụ là định hướng đúng đắn việc cúng giao thừa theo tinh thần Phật giáo: hạn chế xu hướng cúng mặn, hạn chế sát sinh, giết chóc gà vịt, hạn chế nhậu nhẹt say xỉn sau lễ cúng…

Minh Thạnh (GNO)


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage