NAM
MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Kính thưa quí vị,
Chúng ta kỷ niệm đại lễ
Phật Đản, tức là chúng ta làm lễ kỷ niệm ngày ra đời của Đấng Thích Ca Mâu Ni,
Đức từ phụ của chúng ta.
Ngày ra đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ở trong cõi Diêm Phù Đề này có những ý
nghĩa trọng đại và sâu xa như sau:
Ý nghĩa
thứ nhất:
Đức Phật ra đời là để khơi mở tuệ giác cho hết thảy chúng sinh: - Tất cả chúng
sinh đều có Phật tánh, tất cả chúng sinh đều có trí tuệ, nhưng trí tuệ đã bị
chôn vùi bởi hàng hàng, lớp lớp vô minh. Do đó, sự xuất hiện Đức Phật trong cõi
đời này là để khơi mở trí tuệ cho chúng ta, cho hết thảy chúng sinh, phá trừ tất
cả màn hắc ám vô minh đó, để cho hết thảy chúng ta nhận ra được Phật tính ở nơi
chúng ta, nhận ra được trí tuệ ở nơi mỗi chúng ta. Tất cả chúng ta đều là dễ thương, hết thảy chúng sinh đều là dễ
thương.
Nhưng mà, chúng ta có thể làm cho chúng ta xấu đi, mọi người
có thể làm cho chính họ xấu đi do tâm ích kỷ, tâm hờn giận.
Tâm ích kỷ, tâm hờn giận làm cho chính chúng ta xấu đi, làm
cho chúng ta không còn dễ thương nữa. Tâm ích kỷ, tâm
hờn giận làm cho hết thảy chúng sinh không còn là chúng sinh dễ thương nữa.
Do đó, sự ra đời của Đức Phật là khơi dậy
tính dễ thương cho chúng ta, khơi dậy tính dễ thương cho tất cả chúng sanh, mà
trong thuật ngữ Phật giáo, gọi sự ra đời của Đức Phật với chức năng là khai Phật tri kiến.
Huế: Phật đản bên dòng sông Hương
Ý nghĩa
thứ hai:
Đức Phật ra đời là để chỉ bày cho chúng ta một con đường hạnh phúc. Đức Phật ra
đời là chỉ bày cho chúng ta một con đường an lạc và nhận diện được đâu là con
đường hạnh phúc, đâu là con đường khổ đau, đâu là giá trị cao quý, đâu là không
có giá trị ở trong cuộc sống của chúng ta. Đức Phật đã chỉ cho
chúng ta thấy rằng, một đời sống có thể trở thành cao quý khi lời nói, hành động,
việc làm của họ được phát xuất từ một tâm hồn cao quý.
Đức Phật đã chỉ bày cho chúng ta cũng như tất cả chúng sinh thấy rõ rằng, lời
nói tầm thường, hành động tầm thường, việc làm tầm thường có gốc rễ từ nơi một
tâm hồn tầm thường.
Tâm hồn tầm thường là
tâm hồn gì? Là tâm hồn ích kỷ, đầy dẫy tham lam, đầy
dẫy sân si, đầy dẫy cố chấp, đầy dẫy kiêu ngạo. Lời nói nào phát xuất từ
tâm hồn kiêu ngạo, từ tâm hồn ích kỷ, hẹp hòi... lẽ đương nhiên lời nói đó có
khả năng tàn hoại hết thảy hạnh phúc, an lạc của chúng ta,
có khả năng tàn phá hết đời sống cao quý của chúng ta.
Muốn bảo toàn hạnh phúc, muốn bảo toàn an lạc, Đức Phật đã chỉ bày cho chúng ta
rất rõ là phải nuôi dưỡng tâm hồn từ, bi, hỷ, xả. Chúng
ta muốn hạnh phúc, an lạc mà không biết nuôi dưỡng tâm hồn từ, bi, hỷ, xả thì
hạnh phúc, an lạc không thể nào có được. Chúng ta muốn
sống một đời sống cao thượng mà không biết nuôi dưỡng và phát triển tâm hồn từ,
bi, hỷ, xả thì chúng ta không thể nào có đời sống cao thượng được.
Điều đó, Đức Phật đã chỉ bày cho chúng ta
cách đây hơn hai mươi lăm thế kỷ. Và hai mươi lăm thế kỷ như vậy, những người
nghe lời Đức Phật dạy, họ hành trì, họ thực tập và chính những người đó đã có
hạnh phúc, an lạc, không những hạnh phúc, an lạc ở đời sau mà hạnh phúc, an lạc
ngay trong đời này. Bởi vậy, trong Kinh nói rằng, Đức Phật ra
đời là để “Thị Phật Tri Kiến” cho hết thảy chúng sinh.
Thị Phật Tri Kiến là chỉ rõ bản chất giác ngộ cho hết thảy chúng sinh.
Khi mà chúng sinh nhận ra, thấy rõ bản chất giác ngộ đó rồi, thì bắt đầu xây
dựng đời sống hạnh phúc, an lạc cho mình và cho hết thảy mọi người.
Ý nghĩa
thứ ba:
Đức Phật ra đời khiến cho chúng sinh, dạy cho chúng sinh thành tựu
được giác ngộ ngay ở trong đời sống của chính mình. Giác ngộ là giác ngộ ngay trong đời sống của chính mình, ngoài đời
sống của chính mình ra không có đời sống giác ngộ nào để cho chúng ta đi tìm
kiếm. Chúng ta có thể tìm kiếm là tìm kiếm giác ngộ
ngay ở thân và tâm của chúng ta. Chúng ta có thể đi tìm
giác ngộ ngay trong đời sống của chúng ta, chúng ta không thể vứt bỏ cách đi,
cách đứng, cách nằm, cách ngồi, cách tiếp xúc giao tiếp hằng ngày của chúng ta
mà có sự giác ngộ.
Do đó, Đức Phật đã chỉ rõ cho chúng ta rằng, đời sống của chúng ta, dù một kẻ
tầm thường đến mức nào đi nữa cũng có khả năng giác ngộ. Một
người đau khổ tột cùng cũng có thể vươn mình đi đến đời sống hạnh phúc, an lạc.
Dù một kẻ rất tầm thường cũng có thể vươn mình đi đến đời sống thánh thiện, cao
thượng.
Điều đó, Đức Phật đã dạy cho chúng ta, cho
hết thảy chúng sinh hơn hai mươi lăm thế kỷ. Trong lịch sử, cũng như trong đời
sống thực tế, chúng ta đã thấy bao nhiêu kẻ trong đời sống tầm thường, họ không
gặp Phật pháp, họ không nghe được lời giáo huấn cao quý của những Bậc phạm
hạnh, nhưng khi họ gặp được thì họ có cơ duyên trở thành người cao quý. Bao
nhiêu kẻ bất hiếu với cha, bất hiếu với mẹ, nhưng khi gặp thầy hiền, bạn tốt,
sống trong một khung cảnh dễ thương, họ trở thành một con người hiếu kính, một
con người thuần thiện. Điều đó đã chứng tỏ rằng, chúng ta có
thể giác ngộ được, nhận ra được cái tính chất cao thượng của chúng ta ngay trong
đời sống của chúng ta.
Ngày xưa, khi Vua A Dục chưa gặp Phật pháp
là một vị Vua hết sức tàn ác, tàn ác đến nỗi giết cha, giết chín mươi chín người
anh để đoạt ngôi. Thế mà khi A Dục gặp được một vị Thánh tăng giáo hóa, thì bao
nhiêu điều xấu ác của ông đã trở thành con người hoàn thiện.
Nói như vậy để cho tất cả chúng ta thấy rằng, cái ác, cái xấu ở giữa đời không
đâu là không có và không lúc nào là không có. Vậy,
chúng ta không sợ rằng chúng ta xấu, chúng ta không sợ rằng chúng ta ác, mà chỉ
sợ rằng, chúng ta không nhận ra điều ác để tránh, không nhận ra được điều xấu để
chúng ta từ bỏ. Chúng ta chỉ sợ rằng, chúng ta bị vô
minh ám chướng, nhận thức sai lầm, để rồi bị đầu độc mà không nhận ra được giá
trị cao quý trong đời sống của chúng ta, để chúng ta vươn mình đi tới cái cao
quý, tốt đẹp.
Ngày xưa, có một vị Tổ dạy rằng:
“Bất úy tham sân khởi
Duy khủng tự giác trì”
Nghĩa là:
“Không sợ hãi tham sân khởi dậy,
Mà chỉ sợ mình giác ngộ chậm”.
Nếu mình hiểu được đạo,
giác ngộ được đạo, thì bao nhiêu xấu xa, bao nhiêu cái tầm thường ở trong đời
sống cuả mình cũng được chuyển hóa thành cái cao thượng, có ý nghĩa. Bởi
vậy, mà trong Kinh diễn tả rằng, Đức Phật ra đời với ý nghĩa là “Ngộ Phật Tri
Kiến” cho hết thảy chúng sinh, nghĩa là làm cho hết thảy chúng sinh giác ngộ
được những gì mà Đức Phật đã giác ngộ, hiểu rõ bản thân mình đúng như những gì
mà tuệ giác đã nhận ra, chứ không phải hiểu bản thân mình bằng vô minh ái nghiệp.
ảnh: Thuyền hoa trên sông Hương
Ý nghĩa
thứ tư:
Đức Phật ra đời dạy dỗ, giáo hóa, dìu dắt, hướng dẫn khiến cho chúng
ta và hết thảy chúng sinh đều sống cuộc đời như Đức Phật đã sống.
Nghĩa là, Đức Phật đã sống như thế nào, Đức Phật biết như thế nào thì Ngài sống
như thế đó, Ngài nói như thế nào, thì Ngài làm như thế đó.
Ngài làm như thế nào, thì Ngài nói như thế đó. Ngài biết rằng tham là nguy hiểm, tham là mất nhân cách, tham là làm
cho mình nghèo đi, Ngài biết như vậy cho nên ngài không tham. Còn ai thấy
tham làm cho mình giàu , làm cho mình hạnh phúc thì
người đó cứ tham. Nhưng càng tham lam thì lại càng đau khổ, càng tham thì lại
càng mất nhân cách. Đức Phật nói, càng tham thì lại càng làm cho mình tầm thường,
càng tham thì làm cho mình càng nhỏ nhoi; càng tham thì lại càng làm cho cha con
xa nhau, càng tham thì lại càng làm cho vợ chồng xa nhau, anh em xa nhau, bạn bè
xa nhau.
Đức Phật đã nói điều đó hơn hai mươi lăm
thế kỷ và những kẻ trí ở trong đời, họ đã đón nhận nó và đã sống.
Những người nào sống trong đời sống với tâm ly tham thì người đó đầy đủ nhân
cách, người đó thật sự hạnh phúc. Người đó sống trong gia đình họ hạnh
phúc, người đó đi giữa họ hàng họ hạnh phúc, họ đi ra giữa xã hội họ hạnh phúc,
họ đem được nhiều lợi ích cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội và người đó
không những hạnh phúc trong đời này ,
mà đời sau họ cũng hạnh phúc. Bởi vậy, Như Lai nói những gì Như Lai biết, Như
lai đã làm, Như lai đã chứng nghiệm, Như Lai đã thấy rõ, Như Lai đã sống.
Như vậy, Đức Phật ra đời
với ý nghĩa thứ tư là những gì Ngài nói thì Ngài đã làm và những gì Ngài đã làm
Ngài mới nói. Còn tất cả chúng ta chưa làm mà đã nói,
chưa làm được việc nào tốt đẹp cả mà khoa trương, lắm lời về sự tốt đẹp.
Tất cả chúng ta chỉ nói lên những lời tốt đẹp, mà không làm những điều tốt đẹp.
Do đó, cái xấu, cái khổ, cái thất vọng vẫn luôn luôn theo
đuổi chúng ta như bóng với hình. Với ý nghĩa thứ tư này, trong
Kinh diễn tả mục đích của Phật ra đời là “Nhập Phật Tri Kiến” cho hết thảy chúng
sinh. Nghĩa là, Đức Phật bước đi là bước đi bằng tuệ
giác. Ngài đứng là cách đứng của tuệ giác.
Ngài nằm là cách nằm của tuệ giác. Ngài ngồi là cách
ngồi của tuệ giác. Ngài nhìn là cách nhìn của tuệ giác. Ngài nghe là cách nghe của tuệ giác. Ngài ngửi là cách ngửi của tuệ giác.
Ngài thở là cách thở của tuệ giác.
Bởi vì, tất cả những cái đi, đứng, nằm, ngồi, nói, cười, tiếp xúc bằng năng
lượng tuệ giác đó, nên trong đời sống của Đức Phật không còn mảy may sai lầm.
Còn chúng ta đi, đứng,
nằm, ngồi bằng vọng niệm. Chúng ta nói, nhìn, nghe, ngửi,
ăn bằng điên đảo tưởng. Chính cái điên đảo tưởng đó thúc đẩy chúng ta đi
vào con đường khổ đau, con đường bất ổn. Bởi vậy, suốt hơn hai
mươi lăm thế kỷ, bao nhiêu bậc Thánh trí ở trong đời sau khi nghe những lời Phật
dạy, đem những lời Phật dạy đó vào trong đời sống của mình để thực tập, để sống
và bao nhiêu bậc Thánh trí ở trong đời đã có hạnh phúc, đã có an lạc.
Vua Trần Nhân Tông là
một vị Vua anh minh của Việt Nam, đã cảm nhận được Phật pháp rất
sâu xa. Cho nên, Vua đã phát biểu trước triều đình của nhân dân Việt
Nam
lúc bấy giờ như thế này: “Cảm Đức từ bi muôn kiếp nguyện cho thân cận!” Sau khi Vua Trần Nhân Tông học Phật, tu Phật, thấy được cái cao quý
của Phật, muốn mình trở thành như một vị Phật.
Do đó, Vua đã chọn cho mình một Pháp hiệu là: Điều Ngự Giác Hoàng.
Giác Hoàng tức là nhà Vua giác ngộ. Điều Ngự là một
trong những phẩm tính của Phật. Phẩm tính đó có khả năng thuần hóa hết thảy
chúng sinh. Vua Trần Nhân Tông chọn cho mình phẩm hiệu
là Điều Ngự Giác hoàng. Nghĩa là, nhà Vua giác ngộ thuần hóa nhân dân Việt nam trong tinh
thần Phật giáo, trong tinh thần của đạo lý giác ngộ.
Tại sao Vua Trần Nhân
Tông phải chọn Phật giáo làm một nền tảng giáo dục dân chúng sống đúng tinh thần
Phật giáo.
Vì, chỉ có tinh thần Phật giáo là tinh thần bao dung, tinh
thần hỷ xả. Chỉ có xây dựng theo tinh thần Phật
giáo mới làm cho gia đình bình ổn, làm cho tâm hồn của mỗi con người bình ổn. Từ
tâm hồn của mỗi con người được bình ổn sẽ đưa đến gia đình bình ổn, và mỗi gia
đình bình ổn sẽ đưa đến họ hàng bình ổn. Mỗi gia đình bình ổn
sẽ đưa đến xóm làng bình ổn. Xóm làng bình ổn sẽ đưa
đến từng phường, xã bình ổn. Từng phường xã bình ổn sẽ
đưa đến quận huyện bình ổn. Nhiều quận, huyện bình ổn
sẽ đưa đến phố thị bình ổn, tỉnh thị bình ổn. Nhiều tỉnh thị bình ổn sẽ đưa đến quốc gia bình ổn. Nhiều quốc gia bình ổn sẽ đưa đến thế giới bình ổn.
Mỗi thế giới bình ổn sẽ đưa đến toàn thể vũ trụ sống trong một quy luật trật tự,
hạnh phúc.
Như vậy, một trật tự lớn
lao có thể bình ổn được khi tâm của mỗi chúng sinh bình
ổn, nghĩa là phải khơi mở cho được Phật tính nơi họ. Mỗi người phải biết trở về sống với cái dễ thương nơi mình, cái dễ
thương nơi mình chính là Phật tính, cái quý giá nhất nơi mình chính là Phật tính.
Chúng ta trở về lại với cái cao đẹp nhất nơi chúng ta là Phật tính.
Phật tính nằm ở đâu?
Phật tính nằm trong tâm hồn của chúng ta. Chúng ta thấy
rằng, Đức Phật ra đời để khơi mở, chỉ cho chúng ta rằng trong tâm chúng ta có
Phật tính. Ngài chỉ trong tâm quý vị có Phật tính, quý
vị đã thấy chưa? Ai thấy rồi thì ngộ, ai chưa thấy thì mê. Quý vị thấy trong
tâm quý vị có Phật tính thì quý vị ngộ, quý vị sẽ đi trên con đường sáng.
Quý vị không thấy trong tâm quý vị có Phật tính thì quý vị mê. Mê thì quý
vị đi vào con đường tối tăm, mù mịt và dù có hai mắt mà vẫn tối thui, có hai
chân mà vẫn què, có hai tay mà vẫn không nắm được gì, có mũi mà không ngửi được,
có tai mà vẫn không nghe được. Nhưng, nếu ta thấy trong tâm ta
có Phật tính, ngộ được Phật tính đó thì ta có cơ hội đi lên, có cơ hội đi tới
với hạnh phúc, an lạc, với giải thoát, với chân trời mở rộng.
Ý nghĩa
thứ năm:
Ngộ rồi chưa đủ, phải thể nhập với Phật tính đó và biểu hiện Phật
tính đó trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Như vậy
ngộ rồi thì phải nhập, mà nhập rồi thì phải xuất, nhập mà không xuất thì nghĩa
nhập đó không thành. Bởi vì, nhập mà không xuất thì bí,
cho nên nhập là phải xuất.
Trong vô lượng kiếp về
trước, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã từng hành Bồ Tát đạo. Từ nơi Đức Phật
Oai Âm Vương cách đây hàng tỉ tỉ kiếp, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã từng học với
Đức Phật Oai Âm Vương. Đức Phật Oai Âm Vương đã từng khai, thị, ngộ, nhập, tri,
kiến cho Phật Thích Ca Mâu Ni. Và sau khi Đức Phật Thích Ca
Mâu Ni nhập được Phật tri kiến rồi, Ngài bắt đầu xuất ở nơi thế giới Ta Bà này.
Xuất ở nơi thế giới Ta Bà này, Ngài vui với cái vui của chúng ta, buồn với cái
buồn của chúng ta, Ngài nằm gai nếm mật với chúng ta. Khi Đức Phật Thích
Ca Mâu Ni xuất hiện trong mười phương thế giới, xuất hiện trong cõi Ta Bà này là
Ngài bắt đầu đi con đường của Thánh đạo, con đường Bồ Tát để đưa mình và hết
thảy chúng sinh đi về với con đường giác ngộ.
Tiền thân của Phật Thích
Ca Mâu Ni là ai? Tiền thân của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni
mà trong Kinh Pháp Hoa đã ghi lại chính là Bồ Tát Thường Bất Khinh. Bồ tát Thường Bất Khinh là một vị Bồ Tát không dám khinh ai cả và là
một vị Bồ tát chuyên thực hành hạnh không dám khinh ai cả.
Vì sao bồ Tát Thường Bất Khinh là tiền thân của Phật Thích Ca
Mâu Ni và Ngài không dám khinh ai cả? Bởi vì, Ngài thấy
rõ chúng sinh dù tầm thường đến mức nào đi nữa, họ cũng có cái cao quý của họ.
Sở dĩ họ tầm thường là vì họ không gặp được thầy, không gặp được bạn, không gặp
được người cha, người mẹ, người anh, người chị dễ thương. Do đó, cái tầm
thường mới lem ố ra trong đời sống của họ. Giá như những chúng sinh tầm thường
đó mà gặp được thầy hiền, bạn tốt, gặp người cha dễ thương, người mẹ dễ thương,
người anh, người chị dễ thương, thì nhất định sớm muộn gì họ cũng dễ thương
thôi. Chúng sinh, tầm thường như vậy là vì họ sinh ra trong xã
hội gặp vị vua, quan không dễ thương, cho nên, lâu ngày cái không dễ thương của
ông vua, ông quan làm lấm lem họ. Nếu họ có phước gặp được vị vua dễ thương, vị quan dễ thương, vị
minh quân dễ thương, vị minh chúa... thì người dân đó lâu ngày cũng trở thành
hiền thiện, quý báu.
Bồ tát Thường Bất Khinh
thấy rõ như thế và yêu đời như thế. Cho nên, Bồ tát
Thường Bất Khinh thấy một người tầm thường, Ngài cũng không thất vọng.
Ngài thấy một người tầm thường Ngài cũng đứng ở xa kính lễ và Ngài nói rằng: “
Tôi không dám khinh các Người, tôi không dám khinh các Ngài, các Ngài sẽ đi trên
con đường Thánh đạo, các Ngài sẽ đi trên con đường Bồ Tát đạo, các Ngài tương
lai sẽ làm Phật”. Tôi không dám khinh các Ngài, lời nói cao đẹp đó dù bị đôi đá,
dù bị nguyền rủa... Bồ Tát Thường Bất Khinh vẫn không hề nổi cơn giận dữ, vẫn
không hề trễ nải nói lên những lời tốt đẹp đó. Quý vị có biết,
Bồ Tát Thường Bất Khinh ở trong Kinh Pháp Hoa là ai không?
Là tiền thân của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngài thể
nhập được Phật tính rồi thì bây giờ Ngài phải xuất Phật tính ra, phải thể hiện
Phật tính ra cho mọi người. Mà thể hiện Phật tính đó là tính không giận dữ.
Đứng trước một nghịch cảnh, mình đem lời chúc tụng cho người, thế mà người không
nhận lại còn thóa mạ, còn vác đá ném mình nữa, nhưng Ngài vẫn không giận dữ.
Ngài vẫn thương người vác đá ném mình một cách chân tình: “ Tôi không dám khinh Người đâu, Người chưa biết thì vác đá
ném tôi như vậy đó, nhưng mai mốt Người biết rồi, thì Người hết ném tôi thôi.
Tôi không dám khinh quý vị đâu, tôi không dám giận quý vị đâu. Mặc dầu
hôm nay, tôi biết quý vị nói xấu tôi đó, tìm cách hại tôi đó, tìm cách nhục mạ
tôi đó, nhưng tôi không dám khinh quý vị đâu, tôi không giận quý vị đâu, tôi rất
thương quý vị. Bởi vì, quý vị chưa hiểu tôi thì quý vị nguyền rủa tôi là phải;
quý vị chưa nhận ra tôi thì quý vị nguyền rủa tôi là phải, nhưng, mai mốt quý vị
nhận ra được sự thật rồi, khi đó không ai bảo quý vị phải thương tôi, mà quý vị
vẫn thương như thường”.
Công trình tu học đó là
công trình mà Đức phật Thích Ca Mâu Ni đã thực hành trải dài hàng thế kỷ.
Bây giờ đây chúng ta làm lễ kỷ niệm Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời, có phải chúng ta làm lễ kỷ niệm suông không?
Có phải chúng ta đến nơi lễ đài để lạy Phật, nhưng xong rồi chứng nào vẫn giữ
tật nấy hay không? Nếu chúng ta đến nơi một lễ đài, để rồi chen nhau lạy, sau đó
về nhà và chứng nào vẫn giữ tật
nấy, xem người như rơm rác, thì thiết lập lễ đài để làm gì?
Chúng ta phải thiết lập lễ đài ngay chính trong tâm hồn chúng ta. Chúng
ta phải xây dựng cho được lễ đài ngay trong đời sống của
chúng ta, cái lễ đài đó mới thật sự quan trọng. Chúng ta đừng khờ khạo
góp tiền hàng triệu bạc, hàng chục triệu bạc để rồi làm công việc dã tràng
xe cát biển đông. Chúng ta đừng bỏ ra cả một đời người để làm một công việc như vậy.
Chúng ta phải biến lễ đài thành lễ đài ngay chính trong tâm hồn chúng ta và lễ
đài khi đã được thiết trí trong tâm hồn của chúng ta, thì lẽ đương nhiên chúng
ta đi đâu, ở đâu, lúc nào, ngủ, thức đều có Phật cả.
Thưa quý vị! Tại sao Đức
Phật Thích Ca Mâu Ni, khi thực hành Bồ Tát đạo, Ngài làm được những việc đó?
Bởi vì, Ngài ngộ được tri kiến Phật, Ngài nhập được tri kiến Phật. Và khi ngộ,
nhập Phật tri kiến rồi, Ngài thương hết thảy chúng sinh. Cho
nên, Ngài mới xuất hiện trong cõi Diêm Phù Đề này với chúng ta.
Nhưng tại sao Ngài không xuất hiện trên loài hoa Sứ mà lại chọn
hoa Sen để xuất hiện?
Ngài xuất hiện trên hoa Sen
có
ý nghĩa gì? Nghĩa là khi một Đấng giác ngộ đã khơi mở được Phật tính nơi chính
mình, đã thấy rõ được Phật tính nơi chính mình, đã giác ngộ được Phật tính nơi
chính mình và đã thể nhập trọn vẹn được Phật tính nơi chính mình qua đời sống
hằng ngày, thì vị đó sống giữa trần thế mà không bị ô nhiễm.
Vị đó đi vào danh mà không bị danh làm cho ô nhiễm, đi vào trong lợi mà không bị
lợi làm cho ô nhiễm.
Vị đó đi vào trong danh mà không bị danh trói buộc, đi vào trong lợi mà không bị
lợi trói buộc, đi vào trong cái mùi vị mà không bị cái ăn trói buộc, mặc áo mà
không bị vải vóc, gấm lụa trói buộc, uống nước mà không bị rượu, bia, bò húc,
trói buộc. Tất cả những cái ô nhiễm, không bị trói buộc đó là
biểu tượng cho hoa Sen. Hoa Sen ở trong bùn mà không bị ô nhiễm. Bởi vậy,
Đức Phật xuất hiện trên cõi đời, Ngài đi trên bảy hoa Sen là vậy đó. Hoa Sen là vô nhiễm, là không còn mắc kẹt bởi
nước, bởi bùn, mặc dù hoa Sen từ bùn, từ nước mà lớn lên
và trưởng thành.
Khi một Đấng tuệ giác mà thành tựu Phật
tri kiến rồi, Phật tri kiến đó từ chúng sinh mà ra, nhưng khi đã thành tựu Phật
tri kiến thì không còn mắc kẹt cái tầm thường của chúng sinh nữa. Bởi vậy, Đức
Thích Ca Mâu Ni từ cung trời Đâu Suất đã hóa thân thị hiện trong cõi Diêm Phù Đề
này và nằm trong bụng Ma Ya phu nhân. Ngài không phải nằm trong bụng mẹ như những thai nhi khác, Ngài nằm nơi đó
vì đại nguyện, đại trí, đại bi. Còn chúng ta vì vô minh ái
nghiệp, vì u mê ám chướng mà vào nằm trong bụng mẹ. Bởi vậy trong Kinh
Hoa Nghiêm dạy rằng: “Khi Bồ Tát Tất Đạt Đa nằm trong thai tạng hoàng hậu Ma Ya,
Ngài đã thuyết pháp cho hàng Bồ Tát khắp cả mười phương thế giới”.
Chúng ta đừng cho rằng
đây là một ảo tưởng, mà đây là một tuệ giác, đây là một điều khoa học có thể
chứng minh được. Đức Phật khi nằm trong thai
tạng hoàng hậu Ma Ya, Ngài thuyết pháp bằng năng lượng của tuệ giác, thuyết pháp
bằng ánh sáng của tuệ giác. Từ trong thai tạng mà tỏa
ra vô số ánh sáng, giao tiếp với vô số Bồ Tát khắp cả mười phương. Và Bồ tát
khắp cả mười phương vẫn ngồi ở thế giới của mình mà tiếp nhận ánh sáng tuệ giác
đó mà nói chuyện với Bồ Tát Tất Đạt Đa, tức là hóa thân của Đức Phật Thích Ca
Mâu Ni. Điều này, trong vòng khoảng ba trăm năm nữa khoa học
sẽ phát hiện được. Một thai
phụ ở bên Mỹ, bằng tia laser ta có thể ngồi ở Việt
Nam
mà nhìn được thai nhi. Bây giờ khoa học mới tìm tòi, phát hiện được tính nam hay
nữ của thai nhi từ 5 đến 6 tháng bằng siêu âm. Cho
nên, những gì Phật nói, những gì Đức Phật dạy là những gì mới tinh của khoa học
và khoa học là một học trò ấu trĩ của Phật giáo. Tôi nói khoa học là học
trò ấu trĩ, ngây ngô của Phật giáo, cho nên, quý vị Phật tử đừng có ảo tưởng là
duy khoa học! Có đôi người mù quáng, tầm thường, thấy khoa học thành công một
vài lãnh vực thì đã hô hào duy khoa hoc, nhưng cái duy khoa học chỉ là cái ấu
trĩ của Phật giáo mà thôi!
Bởi vậy, Đức Phật xuất hiện trong cõi đời
này, Ngài đi trên bảy hoa Sen để chứng tỏ rằng, Ngài xuất hiện trên cõi đời này
với tâm vô nhiễm, với trí vô nhiễm, với tuệ vô nhiễm. Ngài
thương yêu mà vô nhiễm, còn chúng ta thương là nhiễm, chúng ta không thương thì
thôi, còn thương là nhiễm, thương là kẹt. Bồ Tát thương không kẹt, Phật
thương không kẹt, cũng như hoa Sen sinh ra từ bùn mà không kẹt bùn, nó sinh ra
từ nước mà nó không kẹt nước, nó sinh ra từ sự tanh hôi mà nó không kẹt bởi sự
tanh hôi đó. Vì ý nghĩa này, mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Ngài
xuất hiện trên hoa sen, Ngài ngồi trên hoa Sen, Ngài đứng trên hoa Sen.
Ý nghĩa
thứ sáu:
Tại sao Đức Phật xuất hiện trên cõi đời này, Ngài đi bảy bước trên
hoa Sen?
Một đặc điểm khác nữa của hoa Sen là Hoa nở Sen hiện. Nghĩa là, Đức Phật, dạy giáo pháp của
Ngài, nếu chúng ta quyết tâm hành trì, thì sẽ có an lạc ngay, đó là “Hoa nở Sen
hiện”! Không tu thì thôi, tu là tức khắc có an lạc ngay! Cho nên, những
ai tu tập mà không có an lạc thì phải coi chừng! Phải tu lại! Tôi tu một giờ là
tôi có hạnh phúc một giờ, không có lý do gì mà tu một giờ mà không có hạnh phúc,
an lạc một giờ. Nếu tu một giờ mà khổ đau thì đừng tu, cho nên, tôi tu một giờ
là tôi có hạnh phúc, an lạc một giờ, đó là hoa nở Sen hiện.
Tu một giờ là có hạnh phúc, an lạc một giờ.
Tu hai giờ là có hạnh phúc, an lạc hai giờ.
Tu mười năm là có hạnh phúc, an lạc mười năm. Tu một trăm năm là có hạnh
phúc, an lạc một trăm năm. Không có lý do gì tu mà khổ cả!
Nhiều người Phật tử thường đi chùa, nhưng có những lời nói thiếu ý thức.
Có người con muốn xuất gia nhưng cha mẹ không đồng ý, vì cho rằng, đi tu phải
thức khuya, dậy sớm.
Vậy thì ai thức khuya dậy sớm để bây giờ dạy đạo, giảng đạo
cho mình? Quý vị nhìn lại về cách hiểu đạo, cách tu tập của mình!
Chỉ có người không biết tu tập mới khổ mà thôi.
Tôi nhắc lại với quý vị rằng, chỉ có người không tu tập mới khổ, còn chúng ta tu
tập một ngày là hạnh phúc một ngày, tu hai ngày là hạnh phúc hai ngày, tu cả đời
là hạnh phúc cả đời, tu hằng kiếp là hạnh phúc hằng kiếp.Tu là có hạnh phúc, đó
là hoa nở Sen hiện.
Vì vậy, Đức Phật Thích
Ca Mâu Ni, Ngài vui với cái vui rất trọn vẹn.
Do vậy mà các nghệ sĩ đã điêu khắc tượng của Ngài chỉ cười mỉm thôi, cười nửa
miệng thôi! Chỉ có cười mỉm là cái cười trọn vẹn. Tôi nhắc lại chỉ có cười mỉm mới là cái cười trọn vẹn. Cười
mỉm là cái cười của trung đạo, còn cái cười toe toét như cái cười đi dự tiệc
cưới là cái cười mang tính chất thất vọng, khổ đau sau đó! Và cũng không phải
cái mặt méo mó như đi thăm đám ma! Đám cưới và đám ma là hai
thái cực của cuộc sống. Chỉ có cười mỉm mới là cái cười
độc đáo của cuộc sống. Chỉ khi nào có tuệ giác mới cười
mỉm được. Thấy tiệc cưới cũng cười mỉm, thấy đám ma cũng cười mỉm, người ta
khen mình cũng cười mỉm, người ta chê mình cũng cười mỉm.
Như vậy cái cười mỉm là cái cười độc đáo nhất mà chỉ có Đức Phật mới cười nổi
vậy! Vì sao chỉ có Đức Phật mới cười mỉm nổi?
Vì, chỉ có Đức Phật mới thể nhập được tuệ giác trong đời sống của chính Ngài.
Ý nghĩa
thứ bảy:
Một đặc điểm nữa là, Đức Phật xuất hiện trên cõi đời này, trên hoa Sen là bởi vì,
hoa Sen còn có một đặc điểm nữa là “hoa rụng Sen thành, Hoa nở thì Sen hiện”. Sự
xuất hiện của Đức Phật trên hoa Sen để
nói cho chúng ta thấy rằng, cái chết là bắt đầu của cái sống, cái sống đây là
bắt đầu của cái chết. Sự xuất hiện cũng có nghĩa là bắt đầu
của một sự ẩn khuất. Ngài ẩn khuất ở nơi thế giới Liên
Hoa Đài Tạng thì Ngài có mặt ngay nơi thế giới Ta Bà này. Rụng là rụng từ thế giới Liên Hoa Đài Tạng, mà thành là thành nơi
thế giới Ta Bà.
Cho nên, đối với cái sống, cái chết ở trong đạo Phật không còn
là cái gì nữa để chúng ta sợ hãi, lo âu. Chúng ta vắng mặt ở nơi này thì
ta có mặt ở nơi kia, chúng ta vắng mặt ở nơi gia đình chúng ta thì chúng ta
có mặt ở nơi chùa Phước Duyên, chúng ta vắng mặt ở chùa Phước Duyên thì chúng ta
có mặt ở nơi gia đình chúng ta.
“Hoa rụng Sen thành”,
Bồ Tát Tất Đạt Đa vắng mặt ở thế giới Liên Hoa Đài Tạng, thì Ngài có mặt ở nơi
thế giới Ta Bà này. Đức Phật vắng mặt ở nơi cõi Ta Bà này, thì Ngài có mặt ở thế
giới Liên Hoa Đài Tạng, Đức Phật xuất hiện trên cõi đời này, Ngài không đi trên
hoa Sứ, Ngài không đi trên hoa Cúc. Mặc dù, hoa Cúc được xem
là biểu tượng cho những nhà ẩn sĩ, đạo sĩ. Nhưng Đức Phật không xuất hiện
trên hoa Cúc, mà Ngài chỉ xuất hiện trên hoa Sen thôi.
Bởi vì, hoa Cúc không phải là vô nhiễm, hoa Cúc không phải là “hoa nở Cúc hiện,
hoa rụng Cúc thành”, mà chỉ có hoa Sen mới có những đặc điểm như thế. Cho nên,
Đức Phật mới xuất hiện trên hoa Sen và Ngài đi bảy bước.
Tại sao Ngài đi bảy bước mà không đi tám
bước hay một bước, mười bước? Bởi vì, sự cấu hợp của vũ trụ không ra ngoài con
số bảy, sự có mặt của tất cả chúng ta không ra ngoài con số bảy: địa đại, thủy
đại, hỏa đại, phong đại, không đại, tâm đại, thức đại. Toàn thể vũ trụ hay sự hình thành của chúng
sinh không ra ngoài bảy yếu tố này. Sự có mặt của chúng ta là do sự có mặt của
bảy yếu tố trên. Và sự có mặt của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni
là sự có mặt của bảy yếu tố đó. Chính từ bảy yếu tố đó, mà một vị
thể nhập được cái “tri kiến Phật” thì sẽ thành tựu được bảy yếu tố giác ngộ, gọi
là thất bồ đề phần. Bảy yếu tố: địa, thủy, hỏa, phong, không, tâm, thức tạo nên
hình hài, tâm trạng, tinh thần của mỗi chúng sinh, thì bảy yếu tố là “thất bồ đề
phần” tạo nên của Đấng Giác Ngộ. Cho nên bảy yếu tố tạo nên chúng sinh và bảy
yếu tố tạo nên Đấng Giác Ngộ. Bởi vậy, Đức Phật xuất hiện trên cõi đời này, Ngài
không đi tám bước mà Ngài đi bảy bước thôi!
Ý nghĩa
thứ tám:
Thế thì, ngày hôm nay chúng ta làm lễ kỷ niệm Đức Phật ra đời, có
phải rằng chúng ta chỉ biết nấu vài chén chè, vài dĩa xôi đặt lên bàn Phật
không? Chúng ta có thể nấu vài dĩa xôi, vài chén chè
đặt trên bàn Phật với tâm hồn nào? Chúng ta đặt trên bàn Phật với tâm
trạng một lữ khách đang thực tập khai Phật tri kiến, thị Phật tri kiến, ngộ Phật
tri kiến, nhập Phật tri kiến thì chè, xôi đó cũng trở thành pháp lạc, cũng trở
thành đề hồ. Trái lại, chúng ta đặt xôi, chè lên bàn Phật với u mê, tham lam,
ích kỷ, hẹp hòi, tầm thường, hèn mạt, thì xôi, chè đó trở thành đất, đá.
Thưa quý vị!
Chúng ta làm lễ kỷ niệm
ngày đản sanh của Đức Phật, chúng ta phải làm thế nào đó để Đức Phật trong chúng
ta phải ra đời mỗi ngày. Chúng ta làm lễ Đức Phật đản sanh, nghĩa là
chúng ta có khả năng làm cho Đức Phật trong ta đản sanh mỗi ngày và chúng ta làm
được như thế là chúng ta rất giàu! Chứ chúng ta không đợi 365 ngày mới đến chùa
làm lễ đản Sanh, Phật tử đâu mà nghèo nàn đến như thế, tu hành đâu mà tội nghiệp
như thế! Chúng ta phải làm như thế nào đó để Đức Phật trong
chính chúng ta đản sanh mỗi ngày và mỗi ngày chúng ta phải thấy được Phật đản
sanh. Còn ai mà không có khả năng làm cho Đức Phật của mình đản sanh hằng
ngày, thì cứ đợi đi! Lo về chợ Đông Ba mà mua bán cho gắt, tới các cơ quan mà
làm việc cho gắt, rồi đợi 365 ngày đến chùa Từ Đàm mà làm lễ, đến chùa Phước
Duyên mà làm lễ, đến chùa Từ Hiếu mà làm lễ và nếu rủi ro, không gặp ngày chủ
nhật, mình phải đi thi hoặc đi chấm thi... thì coi như Đức Phật tắt ngòi, hết ra
đời luôn! Hết đản sinh luôn! Còn nếu chúng ta thông minh, chúng ta biết làm cho
Đức Phật chúng ta đản sinh mỗi ngày, thì Ma vương phải khóc, quỷ thần phải khóc,
những kẻ manh tâm phá hoại Phật giáo phải khóc, phải giong tay
đầu hàng.
Chúng ta có khả năng làm
cho Đức Phật chúng ta ra đời mỗi ngày, thì chúng ta không cần phải xin phép ai
để tổ chức đại lễ cả. Nhưng vì u mê, chúng ta không làm cho Đức Phật
trong chúng ta đản sanh mỗi ngày, nên chúng ta phải xin phép tổ chức lễ Phật
Đản. Cái u mê đó chúng ta đem mà hoằng pháp, thì pháp bị bế tắc, chúng ta đem
dạy cho đời, thì đời càng thêm đau khổ, chúng ta càng lãnh đạo, thì đạo không có
đường để đi! Cho nên, chúng tôi nói với tất cả quý vị là Phật tử thì chúng ta
phải thông minh, làm cho Phật trong mỗi chúng ta đản sinh mỗi ngày và mỗi ngày
chúng ta được đảnh lễ Phật đản sinh của chúng ta, đó mới thật sự là người đệ tử
của Phật làm lễ kỷ niệm đản sinh một cách thông minh, một cách tài tình, một
cách có trí tuệ và là một phương tiện thiện xảo. Ta mới có khả năng đi những
bước vững chãi trên những hoa Sen, còn nếu không thì chỉ là hoa Sen
vẽ
trên giấy mà thôi.
Trước khi dứt lời, cầu
nguyện Tam Bảo gia hộ cho tất cả quý vị sống một cuộc đời luôn luôn có Phật Đản
Sinh.